Bạn đang xem trang 1 / 3 trang

Về việc xin việc tại Nhật.

Đã gửi: Năm T10 09, 2003 10:59 am
Viết bởi vo
(Phần I) Yêu người này kết hôn kẻ khác.

  Từ lâu rồi tôi muốn viết một số cảm nghĩ về công việc tương lai, ngặt vì không có thời gian và cũng sợ bị cho là “lên tiếng dạy đời”....Thực ra, sau một chuỗi thất bại nặng nề trong việc xin việc vừa qua, và cũng đã sắp sang lứa tuổi “băm” nên bao nhiêu suy nghĩ dồn ép...khiến tôi đủ can đảm viết một bài hy vọng là có thể cùng các bạn thảo luận và các cao thủ nhiều kinh nghiệm sẽ bổ sung. Hơn nữa, cũng mong bài viết giúp các bạn đi sau tìm được một tí gì đó bổ ích.
 
   Điều đầu tiên tôi muốn nói là phải phân tích rõ năng lực của chính bản thân để tìm ra một công việc thích hợp nếu các bạn muốn tìm việc ở Nhật. Xin nói thêm, ở Nhật có hai phương pháp tìm việc  là nhờ giới thiệu và tự túc.
   
   Nhờ giới thiệu có thể do trường hoặc người quen. Phương pháp này có hiệu suất cao, ít tốn tiền bạc, thời gian....nhưng đòi hỏi phải thõa mãn một số điều kiện nhất định: giới hạn về tuổi, học lực và phải có người quen có uy tín. Hơn nữa, cũng có một nhược điểm là không thể thay đổi được chỗ làm, có nghĩa là bạn phải chấp nhận vô điều kiện chỗ đã được giới thiệu. Điều này cũng giống như việc hôn phối ngày xưa “ba mẹ đặt đâu con ngồi đó” vậy. Người giới thiệu càng nhiều uy tín thì chỗ làm càng tốt, môn đăng hộ đối mà....Tuy nhiên, hạnh phúc hay không lại là chuyện khác.
     
   Tự túc đi xin việc là từ khâu tìm hiểu công ty, thi cử, phỏng vấn...bạn phải tự thân vận động, nếu suông sẻ thì một công ty bạn phải tốn gần một tháng. Mức độ khó của các kỳ thi tùy thuộc vào công ty, công ty càng uy tín thì càng khó vì thí sinh càng đông và mọi người được đối xử như học sinh Nhật. Phương pháp này cơ xác suất thấp, tốn thời gian, tiền bạc đặc biệt là đối với du học sinh nhất là “du học sinh già” như tôi.
 
  Các công ty Nhật rất đắn đo khi tuyển một người lao động. Họ tìm hiểu rất kỹ khả năng người đó có thích hợp vơi công ty hay không, thích hợp với công việc cần tuyển hay không? Vì thế chỉ cần một câu nói lỡ lời, một cử chỉ không tốt, một ánh mắt gian dối có thể là nguyên nhân để bạn bị trượt vỏ chuối ngay.
 
   Trở lại việc phân tích năng lực bản thân, trong mỗi chúng ta ai cũng có một năng lực dù nhiều dù ít, năng lực đó được phát huy trong quá trình giáo dục ở nhà trường lẫn gia đình. Hầu hết các trường lớn ở Nhật đều dựa trên cơ sở năng lực của con người để xây dựng các khoa. Điều này không có được ở các trường VN. Ở VN chỉ dựa theo nhu cầu thị trường mà xem nhẹ khả năng của con người, vì không có khâu thi phỏng vấn.
 
    Nếu chúng ta không phân tích được năng lực của bản thân mà cứ tạm thời vào một công ty nào đó và nghĩ là tùy theo công việc sẽ cố gắng thích nghi thì đây là một sai lầm cực kỳ nghiêm trọng. Khi không thích hợp được, chúng ta sẽ không bắt nhịp được công việc, gây chán nản, khi đó chúng ta sẽ rơi vào tình trạng bị khinh rẽ, mỗi ngày đến công ty là một chuỗi nặng nề....năng lực tiềm tàng của chúng ta sẽ tắt ngấm hoặc chỉ le lói mà thôi.
 

    Khi vào một công ty cũng có nghĩa là kết hôn với một người khác. Đừng để tình trạng yêu người này kết hôn kẻ khác, sẽ làm cho hôn nhân tan vỡ hoặc day dứt mãi, hối hận suốt đời.

  (Làm thế nào để tìm ra năng lực bản thân xin xem phần hai)


Re:Về việc xin việc tại Nhật.

Đã gửi: Năm T10 09, 2003 6:24 pm
Viết bởi forward
Hay quá ! Đang chờ phần tiếp theo của anh Võ.
Hôm trước mới đi nghe guidance của trường, cũng được nghe về 自己分析, tuy nhiên cụ thể nhu thế nào thì chưa biết.
Nếu được các anh lớn nói về kinh nghiệm xin việc trực tiếp thì hay quá.

Re:Về việc xin việc tại Nhật.

Đã gửi: Sáu T10 10, 2003 5:36 am
Viết bởi namnh
sempairashii[oops]

Re:Về việc xin việc tại Nhật.

Đã gửi: Sáu T10 10, 2003 10:05 pm
Viết bởi chung
Wao さすが、em đang đợi để xem tiếp phần 2 đây. [smile]

Re:Về việc xin việc tại Nhật.

Đã gửi: Bảy T10 11, 2003 9:02 am
Viết bởi vo
(Phần 2) Phương pháp phân tích bản thân

   Các bạn chắc đã cũng từng thấy có rất nhiều người học chuyên nghành này nhưng khi làm việc lại là một chuyên ngành khác hoàn toàn không liên quan hoặc chỉ liên quan rất ít, điều này chứng tỏ rằng họ đang cố gắng tự đưa mình vào quỹ đạo của cuộc sống, vào công việc mà họ cho rằng thích hợp nhất. Vấn đề là khi đã vào công việc, những liên quan đến các vấn đề mưu sinh, gia đình sẽ chiếm hết tất cả thời gian để suy nghĩ về chính bản thân. Vì thế đối với các bạn ở ngưỡng cửa tìm việc, thì đây là một thời điểm thích hợp nhất để suy nghĩ phân tích chính mình.


  Đây là một số “kinh nghiệm” của chính bản thân tôi đúc kết được (smile). Để phân tích bản thân bạn phải “ truy cập” lại bộ nhớ của mình từ thời niên thiếu đến hiện tại. Chuyện rất đơn giản, hãy tự hỏi mình “từ trước đến giờ bạn đã từng làm bất cứ chuyện gì mà quên cả thời gian và ăn uống không?” hãy cố nhớ ra hoặc nhờ người thân chỉ giúp. Ví dụ, bạn làm một mạch điện, viết một chương trình, học ngoại ngữ....thậm chí có thể là làm một món đồ chơi khi còn bé.
 

  Khi phát hiện ra mình có năng khiếu nào đó, bạn ghi nhớ, có thể có nhiều năng khiếu.Vì đó là những thông tin rất hữu ích cho bạn dùng để trả lời phỏng vấn sau này. Tiếp theo bạn nên phân loại năng khiếu của bạn. Năng khiếu bạn thuộc lĩnh vực nào? Ví dụ, bạn rất có khiếu về ngoại ngữ, bạn chỉ cần xem qua một từ vựng mới thì bạn đã thuộc ngay. Khả năng này chứng tỏ bạn rất thích hợp về việc phân tích.,tiếp thị...
 

  Năng khiếu nói chung đuợc chia làm hai loại chính liên quan đến công việc. Một là liên quan đến khả năng về thiết kế, nghiên cứu. Vi dụ, khi bạn lắp ráp một đồ chơi bạn quên cả ăn uống, chưng tỏ bạn có năng khiếu thiết kế hệ thống. Hai là liên quan đến kinh doanh, quản lý. Ở mục này, bạn là người hay lý luận, nói năng lập luận chặt chẽ, không vấp váp và có giác quan thứ sáu (smile)...Ví dụ bạn có cảm giác về thị trường rất tốt, bạn thường hay nghĩ là nếu hiện tại sản xuất mặt hàng này thì sẽ có lợi nhuận cao, chẳng mấy chốc lại thấy mặt hàng đó trên thị trường. Hơn nữa bạn là người có óc quan sát về mặt con người rất tinh tế. Bạn có thể nhìn và đoán ra là người đó có tin tưởng được hay không?


  Nếu bạn có cả hai năng khiếu trên thì bạn sẽ có khả năng trở thành nhà lãnh đạo tài ba.


  Sau đây là một số điều không được đánh giá cao lắm đối với một SE (System Engineering)

1.      Bạn nói chuyện rất hời hợt. Bạn nói nhiều nhưng hay bị lỡ lời, hay làm tổn thương người khác.
2.      Bạn hay đi lạc đường, đi mãi một con đường không tìm đường mới mặc dù đi đường đó tốn thời gian.
3.      Bạn hay làm lại từ đầu các công việc bị lỡ dở, không có khả năng tiếp tục các công việc làm nửa chừng
4.      Bạn hay tính toán sai những con số mặc dù rất đơn giản, thối tiền bị nhầm lẫn
5.      Khi nhận một món đồ chơi, bạn không bao giờ sử dụng hết các chức năng của nó .
6.      Khi giải thích một vấn đề gì đó, bạn thường không vào trực tiếp mà thường vòng vo


 Công việc thì có rất nhiều, thiên hình vạn trạng, chỉ cần bạn thích hợp với một số đặc tính của chúng thôi, thì trong lĩnh vực đó chắc chắn bạn sẽ tỏa sáng.


  Tôi thường nghĩ rằng nếu muốn biết mình là người hiền hay ác thì chúng ta sẽ nhờ các đạo diễn phim Hồng Kông phán đoán, còn nếu muốn biết khả năng của mình thì hãy đi xin việc ở Nhật.


(Phần 3 Các vấn đề liên quan đến hồ sơ xin việc)



Re:Về việc xin việc tại Nhật.

Đã gửi: Chủ nhật T10 19, 2003 10:42 am
Viết bởi forward
Anh Võ đâu rồi ! đang đợi phần tiếp theo của anh đây. Mải lo luyện Hà ghê thần công rồi hay sao vậy.[grin][bounce]

Re:Về việc xin việc tại Nhật.

Đã gửi: Chủ nhật T10 19, 2003 1:03 pm
Viết bởi vo
Phần 3: Các vấn đề liên quan đến hồ sơ xin việc

Việc viết lý lịch là một việc đòi hỏi cẩn thận nhất, tốn thời gian ngẫm nghĩ, đọc đi đọc lại, tốt nhất là nhờ một người Nhật đáng tin tưởng nhất xem giùm. Tại sao phải là người Nhật đáng tin tưởng? Vì lý lịch liên quan đến các vấn đề cá nhân, tham vọng, sở trường của bản thân. Tốt nhất là nhờ một giáo viên hay một người bạn thân có kinh nghiệm nào đó. Đừng ỷ lại khả năng tiếng Nhật của mình mà tạo ra những thất bại đáng tiếc. Sau đây là một số kinh nghiệm của bản thân và một số Sempai truyền lại tôi xin nêu lên để các bạn cùng thảo luận.

Người Nhật muốn biết những gì qua hồ sơ xin việc? Đầu tiên là tấm hình của các bạn, hình phải rõ ràng, đúng khổ, không nên nghiêm nghị mà hãy tươi một chút (ý của riêng tôi). Kế đến là lịch sử bản thân, ở mục này các bạn phải ghi rõ hai phần riêng biệt: Lịch sử học tập và lịch sử làm việc, các bạn nào chưa từng làm việc thì hãy ghi là Nashi, còn nếu đã từng làm việc bạn nên ghi cụ thể thời gian công tác, chức vụ. Về lịch sử hoc tập nên ghi từ đại học trở đi, đối với lưu học sinh nên ghi rõ ràng là trường quốc lập, hay tư lập. Người Nhật có vẻ rất quan tâm đến xuất thân trường của chúng ta. Ví dụ bạn tốt nghiệp trường đại học kinh tế TPHCM, bạn nên ghi là: ホーチミン市国家大学 経済大学 sau đó bạn sẽ ghi cụ thể chuyên nghành đã học.

Kế đến là nguyện vọng vào công ty, phần này là một phần quan trọng bậc nhất của hồ sơ xin việc. Tùy theo công ty các bạn phải điều chỉnh cho phù hợp. Theo tôi phần này các ban nên để trống, sau khi đi setsumeikai, tùy theo nội dung công việc bạn sẽ điền vào cho thích hợp. Nội dung của phần này sẽ được truy cứu trong khi phỏng vấn.  

Tiếp theo là vấn đề ngoài học tập (thể thao, văn nghệ, sinh hoạt giao lưu, công tác tình nguyện, arubaito...) nói chung là các vấn đề liên quan đến các sinh hoạt cá nhân ngoài trường học. Thông thường, người Nhật không đánh giá cao các hoc sinh chỉ học và học không vui chơi không sinh hoạt cộng đồng....Về thể thao, việc chơi một môn thể thao nào đó chứng tỏ tính cách của bạn. Ví dụ, các môn thể thao thiên về thể lực: bóng đá, bóng rổ, dã cầu....nói lên bạn rất năng động, thích giao du. Ngược lại, các môn về bóng bàn, cầu lông, kiếm....nói lên bạn khéo léo nhưng không thích giao du lắm....Người hay làm công tác tình nguyện chứng tỏ tính bao dung, hòa hợp.....Nói tóm lại, người Nhật có thể biết phần nào tính cách của bạn thông qua những thông tin ngoài học đường. Phần này theo tôi thì các bạn không cần thay đổi gì cả, đối với mọi công ty như nhau.

Phần tiếp theo là vấn để liên quan đến sở thích và năng khiếu.Người Nhật muốn biết thiên chất của các bạn để họ có thể giao công việc phù hợp. Bạn nên tìm một năng khiếu nào đó mà bạn cho là nổi bậc. Ví dụ như cờ vua, bạn nên kể từ bé bạn không cần ai hướng dẫn nhưng vẫn có thể biết cách đi các quân cờ. Rồi thì dần dần năng khiếu đó được phát huy như thế nào.....Bạn nên nêu cụ thể các giai đoạn phát huy của năng khiếu đó.

Phần tiếp theo là vấn đề liên quan đến sở trường của bạn, bạn chú ý là sở trường liên quan đến sở đoản và khác với năng khiếu. Một điều được khá được thuyết phục là sở trường phải do người khác đánh giá (có thể là gia đình, bạn bè, thầy giáo). Ví dụ, bạn có khả năng tính nhẩm rất nhanh, chính xác....Thì bạn nên nói là hồi còn phổ thông thầy tôi thường nói là với khả năng tính toán nhanh và chính xác của tôi chắc chắn là sau này tôi sẽ trở thành một chuyên gia máy tính giỏi....

Mục cuối cùng là các vấn đề liên quan đến thưởng, phạt, các chứng chỉ...Bạn nên ghi cụ thể những điều liên quan này, nó sẽ giúp các bạn có chủ đề để thuyết phục giám khảo khi thi vấn đáp.

 Lý lịch là một vấn đề cũ rích từ xưa đến nay, chắc các bạn ai cũng đều biết. Tuy nhiên đừng xem nhẹ nó, mọi thứ đều phải được cân nhắc, cẩn trọng, điều này nói lên bạn tôn trọng ban giám khảo và mức độ quan tâm đến công ty đó. Không nên viết cẩu thả, viết cho có, chỉ làm mất thời gian, mất cơ hội của chính bản thân. Đó cũng là kinh nghiệm của chính bản thân tôi rút ra từ các thất bại lúc trước.
 Một điều không thể quên được là các bạn nên ký tên hoặc đóng dấu vào bản lý lịch của mình..

(Phần 4: Vấn đề liên quan đến thi kiểm tra tư chất và SPI)
(Phần 5: Vấn đề viết luận văn và thi vấn đáp)
(Phần 6: Vấn đề liên quan chuẩn bị tinh thần trước khi vào mùa xin việc)
(Phần 7: Vài điều cấm kỵ trong khi xin việc)
 


Re:Về việc xin việc tại Nhật.

Đã gửi: Chủ nhật T10 19, 2003 11:43 pm
Viết bởi DucVu
 Xin góp chút ý kiến nhỏ từ kinh nghiệm bản thân liên quan đến phần 3 (lý lịch)

"Việc viết lý lịch là một việc đòi hỏi cẩn thận nhất, tốn thời gian ngẫm nghĩ, đọc đi đọc lại, tốt nhất là nhờ một người Nhật đáng tin tưởng nhất xem giùm. Tại sao phải là người Nhật đáng tin tưởng? Vì lý lịch liên quan đến các vấn đề cá nhân, tham vọng, sở trường của bản thân. Tốt nhất là nhờ một giáo viên hay một người bạn thân có kinh nghiệm nào đó."

Theo kinh nghiệm bản thân tôi thì Đây là yếu tố quyết định để bạn có thể đến được cửa phòng phỏng vấn hay không do đó bạn nên chú trọng đến việc viết sơ yếu lý lịch phải thật sạch, đẹp, không tẩy xóa và nên nhờ những người sau đây sửa giúp bạn

 Nếu bạn thuộc vào trường hợp đặt biệt như có giấy giới thiệu của thầy cô ...thì hãy nhờ trực tiêp người giới thiệu sửa giúp mặc dù lý lịch chỉ mang tính hình thức (đây là con đường ngắn nhất để tìm được việc làm).
  Nếu bạn còn đang đi học và có thể xin việc thông qua sự giới thiệu của trường thì nên nhờ các thầy cô phụ trách giới thiệu việc làm của trường hướng dẩn phần còn lại không cân phải nêu ra ở đây.(đây là con đường dễ đi nhất)
  Nếu bạn không thuộc 2 diện trên (có lẽ bạn đang đi tìm việc trên con đường không ít gian nan đấy)thi nên nhờ những người Nhật đã có kinh nghiệm xin viêc làm sửa giúp bạn sơ yếu lý lich.

Chúc may mắn.

Re:Về việc xin việc tại Nhật.

Đã gửi: Hai T10 20, 2003 11:04 am
Viết bởi tranhuong
 Những kinh nghiệm này thật quí và chắc chắn sẽ giúp ích rất nhiều cho các bạn khi tìm việc.
Cũng chỉ còn một hai năm nữa là em và các bạn cùng khoá cũng phải gõ cửa nghề nghiệp đây. Chắc phải nhờ các sempai chỉ giáo nhiều.
Đề nghị anh Võ tích cực đúc kết những kinh nghiệm nhanh nhanh để anh em tham khảo.

Re:Về việc xin việc tại Nhật.

Đã gửi: Hai T10 20, 2003 12:50 pm
Viết bởi vo
Xin tuân lệnh Khiếm Tố Ca Hòa Nhật Tiên Tử. Lão nạp xin tận lực  trao đổi kinh nghiệm cùng các quí vị võ lâm (ho sù sụ).

Khi nào có dịp may lão nạp xin lãnh giáo chiêu Thạnh Nhũ thiếu cực kiếm và Viba chưởng pháp của tiên tử, kính bút.