Bạn đang xem trang 4 / 5 trang

Re:Tiếng Việt- tiếng Nhật

Đã gửi: Bảy T10 04, 2008 11:04 pm
Viết bởi Kongou-Musha
Mới dọn đến nhà mới một ngày mà bà lão hàng xóm đã sang nhờ… lôi con chuột ra khỏi miếng keo. Nhà toàn đàn bà nên chẳng ai dám làm. Khi vừa nói tiếng “Chuột!” đẫ bị chỉnh ngay.


-Ấy cháu đừng gọi tên. Phải gọi là anh tí đấy.


Không ngờ lại có nhiều người kiêng kỵ không dám gọi thẳng tên con chuột mà phải vòng vo tam quốc như “bác”, “cậu”, “anh tí”…..


Ở Nhật cũng thế. Ở những địa phương nuôi tằm người ta rất ghét chuột vì chúng phá tằm nên tránh tên Nezumi mà gọi thành “Yome ga Kimi”.(嫁が君)

Từ này chỉ dùng trong ngày Tết như một thứ Engi kotoba.

Nhà thơ Haiku Masaoka Shiki cũng từng viết


  あんどんの油なめけり嫁が君

Ando no

Abura namekeri

Yome ga Kimi


Con chuột

Trộm đèn dầu


Vì vậy Yome ga Kimi được dùng như Kigo (từ chỉ mùa trong thơ Haiku) chỉ mùa xuân.


Re:Tiếng Việt- tiếng Nhật

Đã gửi: Hai T10 06, 2008 5:01 pm
Viết bởi Kongou-Musha
Thịt cá voi (Kujira - 鯨) là loại thực phẩm rất được ưa chuộng tại Nhật. Cá voi còn là hình ảnh tượng trưng cho mùa đông. Về Hán tự, chữ "Kujira" được viết bằng chữ "kinh" bên cạnh bộ "ngư". Như vậy có thể thấy cổ nhân đã xem "cá voi" là một loài cá. Nhưng ngày nay khoa học phát triển đã nhìn nhận Kujira không còn là cá nữa mà là một loài động vật hữu nhũ. Nhiều người nghĩ rằng việc này cho thấy sự chậm tiến và không biến đổi cho thích hợp của Hán tự. Tương tự, con rắn (hebi - 蛇) và ếch (kaeru - 蛙) cũng được viết Hán tự với bộ "trùng" bên cạnh cho thấy quan niệm của người xưa rằng hai loài bò sát này thuộc sâu bọ. Nhưng thực ra không nên quan niệm chặt chẽ như thế.

























Ngay cả trong ngôn ngữ các nước Tây phương, là nơi khoa học phát triển mạnh mẽ cũng có tình trạng tương tự. Như trong tiếng Anh có từ Crawfish hay Crayfish chỉ con tôm đồng (tiếng Nhật: Zarigani, cho thấy nó có họ hàng với cua) hay từ Cuttle-fish chỉ con mực (Ika). Chứng tỏ người Anh xem mực và tôm đồng thuộc họ cá. Tương tự tiếng Thụy Điển gọi cá voi là Valfsik. Fisk ở đây tương đồng với Fish trong tiếng Anh, nghĩa là cá. Vậy người Thụy Điển cũng xem "cá" voi là cá. Hoặc như con bươm bướm trong tiếng Đan Mạch là sommerfugl, tức là xem như một loài chim. Con bọ rùa (Tentou-mushi) trong tiếng Anh lại là lady-bird, là một loại chim? Nhưng cũng có từ lady-bug chỉ bọ rùa.



Re:Tiếng Việt- tiếng Nhật

Đã gửi: Sáu T10 10, 2008 10:27 pm
Viết bởi Kongou-Musha
Trong tiếng Việt có từ "tri âm", "tri kỷ". Là từ Hán Việt chỉ người rất thân có thể hiểu rõ mình. Phân tách các yếu tố Hán thì đối với "tri kỷ" thật rõ ràng: tri là hiểu biết, kỷ là bản thân. Vậy tri kỷ là hiểu rõ mình. Hoàn toàn không có gì khó hiểu.

Thế còn "tri âm" thì sao? Nếu phân tách ra thì có thể hiểu sát sao là "hiểu rõ âm thanh". Vậy hiểu rõ âm thanh nghĩa là sao? Có lẽ nhiều người sẽ thắc mắc không hiểu tại sao hàng ngày vẫn sử dụng tiếng Việt mà không hề ý thức về điều này.

"Tri âm" bắt nguồn từ tích Bá Nha, Tử Kỳ ngày xưa bên Tàu. Thời Chiến Quốc có Bá Nha chơi đàn giỏi song cô đơn vì không ai hiểu tiếng đàn của mình. Một hôm nhân duyên đưa đẩy gặp được Tử Kỳ là người hiểu rõ tiếng đàn, tâm trạng của mình nên kết làm huynh đệ thân thiết. Khi Tử Kỳ mất thì Bá Nha thương tiếc, đập đàn mà thề chẳng bao giờ đàn nữa. Vì kẻ hiểu tiếng đàn của mình đã chẳng còn.

Vậy, hóa ra "tri âm" có nguồn gốc từ đó.


Re:Tiếng Việt- tiếng Nhật

Đã gửi: Tư T12 10, 2008 12:58 am
Viết bởi Kongou-Musha
Ngày 11 tháng 12 là ngày kỷ niệm điện thoại của nước Nhật. Đây là ngày lắp điện thoại đầu tiên ở Đông Kinh nhưng người đầu tiên sở hữu số điện thoại lại thấy thật vô ích, bởi lúc đó chẳng có ai khác có điện thoại nên ông ta không gọi được cho ai.
Bây giờ, mỗi khi gọi điện người Nhật vẫn nói "mosi mosi", kiểu như người Việt "a-lô". Đây là từ tỉnh lược, vì đầu tiên người ta nói "mousimasu, mousimasu" (tôi nói đây, tôi nói đây), chứ không phải từ mosi mang nghĩa là nếu như trong câu もし私ならば (nếu là tôi). Vì thế, có một số người khi nói chuyện điện thoại với người Âu Mỹ lại tự động "dịch" ra thành "If if", như thế là sai trầm trọng. Cái sai này bắt nguồn từ sự không hiểu biết mà hay nói chữ như người ta vẫn nói.

Lúc cục điện thoại mới thành lập thì toàn bộ nhân viên trực điện thoại đều là nam giới. Khi có khách hàng yêu cầu được nối máy với số cần gọi thì anh nhân viên này hay cao giọng 「お前の方は何番だ? よし、じゃあかけてやる」(số của ông là số mấy? Được rùi, để tui nối cho). Thái độ này làm khách hàng rất bất mãn nên về sau toàn bộ nhân viên trực điện thoại được thay bằng nhân viên nữ hết.
Trên xe điện cũng thế. Ngày xưa (cũng gần trăm năm rồi) khi hành khách nhỏ nhẹ yêu cầu 「まことにすみませんが 小川町まで乗せて下さりますか」(thành thật xin lỗi anh, cho tôi đến đến phố Ogawa được không) thì anh lơ xe đáp lại như ban ơn rằng:
「よし、のれ」(được, lên đi).

Hóa ra nước Nhật cũng có thời kỳ "bao cấp" như Việt Nam.
Nhưng đó là chuyện của trăm năm trước. Còn bây giờ thì?

Re:Tiếng Việt- tiếng Nhật

Đã gửi: Ba T12 16, 2008 10:43 am
Viết bởi Kongou-Musha
Gần cuối năm, khí hậu Việt Nam dễ chịu hơn hẳn. Không còn những ngày oi bức đến nỗi mới dội nước lên người đã thấy bốc hơi đâu hết như mấy tháng trước. Nhưng cũng có lắm người phàn nàn "lạnh quá!".
Ngẫm lại tiếng Việt cũng có lắm từ "lạnh" đấy chứ. Rét, buốc, giá, còn gì nữa không nhỉ? Tiếng Nhật cũng có những từ đại loại thế: samui (寒い ), tumetai (冷たい), nhưng tiếng Anh lại gom cả hai từ, một chỉ sự khách quan và một chỉ sự chủ quan vào chỉ bằng một từ: cold. Tiếng Anh kém phong phú hơn tiếng Nhật, tiếng Việt ở mảng thời tiết chăng? Chẳng hạn, tiếng Nhật có câu

「おお、寒い、手がこんな冷たくなったわ」(Ôi lạnh quá, tay cóng cả rồi nè)
thì samui là sự lạnh khách quan, tumetai là sự lạnh chủ quan, thuộc cảm nhận của người nói. Không hiểu câu này nếu dịch sang tiếng Anh sẽ như thế nào? Freeze, frozen chắc khó mà tương đương với cảm giác tumetai của tiếng Nhật được.
Tính từ "tumetai" này có nguồn gốc từ "tume ga itai" (ツメが痛い) (đau cái tume, ý nói rét đến đau cả tume). Tume ở đây không phải là móng tay như từ điển hiện đại định nghĩa, nó không phải là cái "nail" trong tiếng Anh mà chỉ toàn bộ phần đầu cả ngón tay, gồm cả móng nữa. Ngày xưa nghĩa của từ つめ (tume) là như vậy. Bằng chứng là trong tiếng Nhật có động từ つまびく (tumabiku) mang nghĩa là kéo dây cung bằng đầu ngón tay, khảy dây đàn bằng móng tay. Động từ つまむ (tumamu) là nắm, kéo, vặn bằng đầu ngón tay, bốc bằng tay, gắp bằng đũa....



Tượng Dược Sư Như Lai (Yakushi Nyorai)

Tiếng Nhật còn có từ 爪印 (tume-in), lật nhiều từ điển bây giờ ra thì thấy giải thích là "đóng dấu bằng móng tay". Nhưng cách giải thích này là sai. Theo từ điển Koujien, từ điển uy tín nhất hiện nay thì từ này có nghĩa đóng dấu (trong văn thư) bằng đầu ngón tay. Như vậy có thể thấy được rằng người Nhật rất mù mờ trong chuyện đặt tên các bộ phận cơ thể.Tương tự, từ 手 (te) đối với người Nhật (ngày xưa) cũng không phải rõ ràng là "bàn tay", "hand" mà nó mơ hồ, có thể vừa là "hand" nhưng cũng vừa là "cánh tay", "arm", 腕 (ude).

Như vậy, tiếng Nhật tuy phong phú về khoảng từ vựng chỉ thời tiết, cá, thảo mộc, tình cảm hướng nội nhưng lại rất mơ hồ về từ ngữ chỉ bộ phận thân thể.

Re:Tiếng Việt- tiếng Nhật

Đã gửi: Ba T12 16, 2008 7:11 pm
Viết bởi aokuma159
cho e góp ý tý,theo em bít thì つ viết bằng chữ la tinh là tsu thì fải

Re:Tiếng Việt- tiếng Nhật

Đã gửi: Ba T12 16, 2008 9:20 pm
Viết bởi namnh
Viết theo cách gõ đó mà em
Chiện nhỏ mừh
Enjoy this site, it's very interesting
^^

Re:Tiếng Việt- tiếng Nhật

Đã gửi: Tư T12 24, 2008 10:36 pm
Viết bởi Kongou-Musha
Tiếng Nhật là thứ ngôn ngữ có sự tiếp nhận, hấp thu, dung hòa nhiều thứ tiếng khác nhau và phát triển nên một hệ thống đặc biệt của riêng nó. Thuyết vững chắc nhất hiện nay cho rằng tiếng Nhật thuộc cùng ngữ hệ với tiếng Mông Cổ, Triều Tiên và tiếng Bascus ở châu Âu, nhưng xét kỹ thì thấy nó có nhiều điểm dị biệt so với các ngôn ngữ kia. Chữ Hán đóng một vai trò quan trọng trong tiếng Nhật (cũng như yếu tố Hán trong tiếng Việt), ngoài ra các nhà nghiên cứu còn cho rằng phát âm của tiếng Nhật còn chịu ảnh hưởng của tiếng Phạn nữa. Thành ra nếu đọc các chữ đầu trong bảng chữ cái Iroha của tiếng Nhật thì sẽ thấy âm hưởng như kinh Phật :

a-ka-sa-ta-na-ha-ma-ya-ra-wa-n

Khi dạy tiếng Nhật cho người ngoại quốc, người ta không dạy thứ tự a-ka-sa-ta-na-ha-ma-ya-ra-wa-n này nhưng từ điển tiếng Nhật luôn sắp thứ tự vần theo lối này.
Người ta còn cho rằng người nghĩ ra bài thơ Iroha là nhà sư Koubou Daisi (Hoằng Pháp Đại sư, tức sư Kukai, Không Hải, ông tổ Mật tông ở Nhật). Có thể nói không ngoa rằng Iroha, bảng chữ Kana là một thành tựu lớn của tiếng Nhật. Nó chấm dứt thời kỳ vay mượn chữ Hán "không có chọn lọc", vốn không diễn tả được âm tiếng của tiếng Nhật và khó diễn đạt được tâm hồn người Nhật. Ai cũng biết là chữ Hiragana (tức chữ mềm) là lối viết thảo của chữ Hán (Kanji) còn chữ Katakana (tức chữ cứng) là một phần của chữ Hán. Thế nhưng do đâu dẫn đến sự ra đời của Hiragana?
Có hai nguyên nhân chính:

+ Ban đầu người Nhật dùng toàn bộ chữ Hán để diễn đạt ý tưởng của mình qua công văn, sách vở, nhưng chữ Hán vốn nhiều nét, viết chậm nên hiệu suất làm việc của quan lại (ghi chép) không cao. Vì thế cần có một loại chữ đơn giản hơn.

+ Thời kỳ đầu người Nhật dùng chữ Hán để diễn đạt ý tưởng của mình qua thơ ca, văn nghệ (Waka). Nhưng chữ Hán chỉ thích hợp với Hán văn, Hán thi và khó diễn tả được cảm xúc tinh tế của tâm hồn người. Hơn nữa nét chữ Hán viết theo lối khải, chân phương thường cứng và chỉ có lối viết thảo, tức Hiragana sau này mới thể hiện được cảm xúc tinh tế của Waka.

Ban đầu (thời Heian) chỉ có nữ giới dùng chữ Hiragana, vốn mềm mại uyển chuyển, còn chữ Hán vẫn là biểu tượng của quyền lực và tri thức độc quyền của nam giới. Nhưng sau này cả nam giới cũng dùng chữ Hiragana. Và mãi đến sau này, khi đã giao du hòa nhập với Thế giới thì người Nhật mới bắt đầu dùng chữ La Tinh (Romaji) để biểu âm cho ngôn ngữ của mình như là một phương tiện để dạy tiếng Nhật cho người ngoại quốc dễ dàng hơn. Ngày nay người ta vẫn sử dụng song song hai hệ thống Romaji là

+ Hệ thống của Nhật (日本式), trong đó あ được biểu ký là a, か là ka, và tiếp theo là ki, ku, ke, ko, sa, si, su, se, so, ta, ti, tu, te, to, na, ni, nu, ne, no, ha, hi, hu, he, ho, ma, mi, mu, me, mo, ya, (i), yu, (e), yo, wa, wi (i-ゐ), (u), we (e, -ゑ), wo, n....

+ Hệ thống Hebon (ヘボン式): tương tự như hệ thống của Nhật, chỉ khác là し được biểu ký bằng shi thay vì si, ち là chi thay vì ti, つ là tsu thay vì tu, しゃ là sha thay vì sya, しゅ là shu thay cho syu....



Bài thơ Iroha, sẽ nói kỹ hơn trong bài sau.


Hệ thống biểu ký của Nhật thường được dùng cho mọi ghi chép quốc nội còn hệ thống Hebon được dùng cho ghi chép mang tính Quốc tế và người Tây phương chuộng lối này hơn. Nhưng hệ thống Hebon cũng không phải là hoàn hảo. Lấy ví dụ

待つ (matsu, matu: chờ đợi) --> 待たない (không chờ). Nếu chọn lối Hebon thì theo lý luận sẽ thành mattsanai (bất tự nhiên), còn nếu chọn lối của Nhật sẽ hợp lý hơn: matanai.

Nhưng nhìn chung thì lối biểu ký Hebon hợp với phát âm của tiếng Nhật hơn. Nhưng bản thân người Nhật lại không rành lắm và không để ý lắm đến chuyện biểu ký tiếng nói của họ bằng chữ La Tinh ra sao. Rất nhiều người không biết đến những quy tắc như ん(n) phải viết thành nếu đứng trước b, p (こんばん phải viết là komban). Mà có lẽ họ cũng chẳng cần thiết phải để tâm đến chuyện này, bởi lẽ tiếng Nhật chỉ có toàn Romaji thì cũng hệt như tiếng Việt không có dấu.

Nhìn lại thì thấy tiếng Việt là một ngôn ngữ đặc biệt ở châu Á, âm điệu của nó hoàn toàn phù hợp với biểu ký bằng chữ La Tinh, một điều mà các ngôn ngữ Á châu khác, trong đó có tiếng Nhật, dù muốn cũng không làm được.



Re:Tiếng Việt- tiếng Nhật

Đã gửi: Ba T1 13, 2009 3:00 pm
Viết bởi Kongou-Musha
Thời điểm cuối năm đã cận kề, nhà nhà đều tất bật với việc trang hoàng, mua sắm chuẩn bị cho cái Tết đến. Đây cũng là thời điểm những kẻ tha phương cầu thực nơi xứ xa bỗng dưng nhớ về quê cũ, lòng bỗng thấy chạnh lại khi nghe tiếng nhạc văng vẳng phương xa:

“Tết con không về chắc mẹ buồn lắm, mái tranh nghèo không người sửa sang”

Không một bà mẹ nào lại không trông ngóng đứa con trở về sum họp với gia đình trong ba ngày Tết. “Về quê ăn Tết” là cụm từ cửa miệng của các bà mẹ trong thời gian này, nhắc nhở đứa con luôn nhớ về truyền thống của dân tộc. Tôi nghe bỗng thấy mỉm cười trong lòng. Hóa ra truyền thống đã “ăn” sâu vào tiềm thức của dân mình đấy chứ nhỉ. Tại sao lại phải “ăn” Tết? Trong khi thật tế là ngày nay, người ta chơi nhiều hơn là ăn uống trong ba ngày nay. Ấy thế mà từ “ăn Tết” đã trở thành cố hữu trong tâm trí mỗi người, và có lẽ không ai nghĩ đến chuyện thay nó bằng từ khác như “chơi Tết”, “hưởng Tết”,....
Tương tự, tiếng Việt cũng có rất nhiều từ đi với “ăn” khác, như “ăn cưới”, “ăn hỏi”, “ăn cỗ”, “ăn tiệc”, “ăn chận”, “ăn cướp”,....(và thậm chí là trong miền Nam còn có từ “ăn đám ma”, “ăn đám giỗ” nữa). Không phải là nhà nghiên cứu ngôn ngữ nhưng người viết nhận thấy từ “ăn” trong tiếng Việt không đơn thuần chỉ hành động đưa thức ăn vào mồm, bắt đầu một quy trình tiêu hóa và hấp thụ mà còn chỉ sự, hành động liên quan đến sự hưởng thụ nữa. Chẳng hạn, nếu như “ăn cưới” ít nhiều liên quan trực tiếp đến hành động ăn thì “ăn hối lộ” lại liên quan đến sự hưởng thụ. Ngoài ra, người viết còn nghe được từ “ăn hiếp” (bắt nạt) ở một số địa phương phía Nam nữa. Có lẽ từ “ăn” trong trường hợp này chỉ là ghép vào để thuận miệng mà nói, giống như trường hợp “chợ búa”.
Người ta nói ngôn ngữ là tấm gương phản chiếu lề thói sinh hoạt, cá tánh hay lối suy nghĩ của một dân tộc rõ nét nhất. Như vậy có thể thấy ông cha ta ngày xưa đã bị chuyện ăn uống ám ảnh như thế nào. Miền Bắc không được thiên nhiên ưu đãi, canh tác trồng trọt khó khăn nên có lẽ lịch sử dân tộc Việt Nam là một chuỗi đói nghèo khốn khổ triền miên. Con người lao động quần quật quanh năm mà không đủ ăn, lúc nào cũng mong ngóng đến một dịp nào đó để ăn uống cho thỏa thê. Có lẽ vì vậy mà “ăn Tết”, “ăn cỗ” đã mọc rễ vững chắc trong tâm trí người Việt, dù cho sau này ông cha ta khai phá miền Nam, vùng đất màu mỡ nhưng cũng không bỏ được nếp nghĩ này. Trong dân gian cũng có lưu truyền câu chuyện con cá gỗ, và theo tìm hiểu của người viết thì người Việt Nam có thói quen ăn mặn hơn so với các dân tộc khác. Người viết còn nghe được câu chuyện ngày xưa, khi Tết nhất đến thì những gia đình nghèo đông con nấu món “thịt kho Tàu” cho rất nhiều muối để chỉ cần một ít thức ăn cũng đủ cho cả buổi cơm gia đình. Những chi tiết này cho biết ngày xưa dân tộc ta đã phải lao khổ như thế nào.
Ngày nay, kinh tế nước nhà phát triển theo đà tiến của Thế giới, người dân không còn nghĩ đến chuyện ăn no mặc ấm nữa mà hướng đến chuyện ăn ngon mặc đẹp. Những thế hệ sinh sau đẻ muộn có lẽ không biết đến đói rét là gì, nhưng dân tộc Việt Nam không được phép quên lịch sử của bản thân mình. Rằng ngày xưa chúng ta đã phải khổ cực như thế nào, rằng thậm chí đến bây giờ, ở đâu đó trên mảnh đất quê hương vẫn còn có những người chật vật với mưu sinh hàng ngày....

Vương Trí Như

Re:Tiếng Việt- tiếng Nhật

Đã gửi: Tư T1 14, 2009 12:17 am
Viết bởi widescreen
đọc bài trê tự dưng nhớ tới món kho quẹt.mặn chát,quẹt một chút rồi ăn với cơm................