Mục đích của topic này không có ý định đi sâu vào nghiên cứu ngôn ngữ của hai đất nước này, mà chỉ là một chút quan sát với góc cạnh mà bình thường ít ai để ý tới chúng mà thôi. Do đó bài viết này không đặt nặng tính học thuật lắm.
Mở đầu:
Người ta nói con người không ai thấy được gương mặt của mình. Người ở Tokyo chả khi nào trèo lên tháp Tokyo cả mà chỉ có người từ nơi khác đến hiếu kỳ mới trèo lên mà thôi. Điều này ở mặt nào đó thì rất đúng, nó thể hiện rõ qua nhiều khía cạnh như văn hóa, tập quán và đặc biệt là ngôn ngữ.
Nhiều dân tộc không có thói quen tự ý thức về tiếng nói của mình. Phần lớn người ta vẫn nói theo thói quen, đời trước dạy thế nào thì đời sau bắt chước chứ ít bỏ công ra mà suy sét cái mình đang dùng.
Hẳn là người Việt cũng thế, nhiều khi họ nói mà không để ý xem mình đang nói điều gì. Trong tiếng Việt cũng có khá nhiều điểm lý thú nhưng nếu không dụng tâm quan sát thì không thấy được. Nhưng người ngoại quốc khi học tiếng Việt thì họ lại chú ý tới những điểm lạ của tiếng Việt mà người bản xứ chả mấy ai ngờ.
Một người Nhật khi học tiếng Việt đã tự hỏi, tại sao bố tương đương với ba, cha, mẹ tương đương với má. Thế tại sao nói "ba mẹ", "ba má", "cha mẹ", "bố mẹ" mà không nói "bố má" hay "cha má" ?
Lại nữa, "ba" , "má" là yếu tố miền Nam, "bố", "mẹ" là yếu tố miền Bắc. Vậy tại sao một từ Nam lại đi chung với một từ Bắc được như trong "ba mẹ" nhỉ?
Khi đựoc hỏi thế này, nhiều người Việt không biết đáp làm sao, bởi bản thân họ cũng chưa từng nghĩ đến điều này.
+ Có thể nhiều người sẽ cho đây là chuyện tầm phào, nhưng có một thắc mắc thế này.
"The pig" trong tiếng Anh thường được người miền Bắc dịch là con lợn, và con heo đối với người miền Nam. Lợn hay heo thì cũng chỉ là hai cách gọi khác nhau của hai miền chỉ cùng một con vật. Nhưng người Bắc (chính thống) thì không chấp nhận có từ "heo" trong từ điển tiếng Việt và người Nam cũng thế, không biết có từ "lợn" trong tiếng Việt.
Nhưng mâu thuẫn là.....khi dịch từ "dolphin" sang tiếng Việt thì cả hai đều cho rằng đó là...cá heo, chứ không phải cá lợn.
Vâng, có con lợn, không có con heo nhưng lại có cá heo chứ không có cá lợn hay cá nhợn hay cá lợn nhợn.
Buồn cười là bây giờ bật TV lên, thấy rất nhiều phim Bắc kỳ sản xuất, toàn diễn viên xinh đẹp đất thủ đô, phát âm đặc chất giọng đất ngàn năm văn hiến nhưng thỉnh thoảng lại chen vào một số từ miền Nam. Nghe người Bắc, phát âm giọng Bắc nhưng lại cứ hay nói "ba má", "con heo" thấy nó sao sao ấy. Bối cảnh bộ phim chẳng liên quan gì đến miền Nam cả, thế mà diễn viên (chắc là vô ý thức) lại nói theo kiểu miền Nam trong khi chất giọng đặc Bắc kỳ. Có lẽ đây là hiện tượng xâm thực văn hóa, xâm thực ngôn ngữ bắt nguồn từ lý do kinh tế?
Ai cũng thấy mảnh đất Sài Gòn là đầu tàu kinh tế của cả nước, vì thế nên ảnh hưởng của nó đến những vùng miền khác quá lớn. Thành ra người Bắc tự trong ý thức họ cũng đã điều chỉnh theo lối nói của người miền Nam mà không hề hay biết. Giống như hiện tượng tiếng Anh đang xâm lược địa cầu hiện nay?
Nhưng dù gì thì chất giọng Bắc kỳ cũng vẫn cứ là đáng yêu nhất, chuẩn nhất và dễ nghe nhất. Còn gì bằng khi nghe giọng nói của "cô Bắc kỳ nho nhỏ".... Giọng con gái miền Bắc tuyệt vời!!
+ Hôm nọ khi đang đọc vài thứ linh tinh thì bất ngờ thấy đọc điều này. Lại là bất ngờ.
Có câu tiếng Anh như thế này "he suddenly attacked me"
Nhiều người dịch là "hắn bất ngờ tấn công tôi"
Người khác lại cho là "hắn thình lình đánh tôi"
Một số khác lại dịch "hắn bất thình lình đánh tôi"
Đến đây tự dưng lại thấy lạ. Không hiểu mình có hiểu sai hay không mà từ thình lình ở đây được dùng với nghĩa là bất ngờ, bất ý, không báo trước mà làm. Thế nhưng ở câu dưới người ta lại dùng với tiếp đầu ngữ "bất" mang nghĩa phủ định lại từ "thình lình". Nhưng thực sự thì "thình lình" và "bất thình lình" lại đồng nghĩa với nhau.
Thường thì tiếp đầu ngữ "bất" đi liền với từ nào thì nó phủ định lại từ ấy, chẳng hạn
hiếu -bất hiếu
trung- bất trung
Thế nhưng ở đây lại thấy quan hệ không tương phản giữa
thình lình - bất thình lình
Vậy là sao nhỉ ?
Bàn thêm, trong tiếng Việt thì tiếp đầu ngữ "bất" và "vô" (yếu tố Hán Việt) đi trước từ ngữ mang ý nghĩa phản lại từ đấy, phủ định nó. Chẳng hạn như
Vô minh, vô ngã, vô tâm, vô thần, vô giáo dục,...
Bất hiếu, bất nhân, bất nghĩa, bất tài,........
Khi hỏi nhiều người, trong đó có cả sinh viên đại học, nhiều người có học vị rằng khi nào thì dùng "bất" và khi nào thì dùng "vô" thì phần lớn họ không trả lời được. Quả là con người không ai thấy mặt mình thật.
Đồng ý là những điều này sách vở nhà trường không hề dạy, và nhiều điều khác nữa nhưng chỉ cần để tâm một chút thôi thì sẽ không khó thấy.
+ Thức khuya đọc sách thánh hiền cũng là một cái thú của nhân sinh. Nhưng nếu có mẹ thì thật là phiền vì bà thường hay lo lắng cho sức khỏe của con cái. Ngẫm lại thì thấy "khuya" cũng là một từ độc đáo trong tiếng Việt vì phát âm của nó. Hình như nó là từ duy nhất có phụ âm với "uya". Con nít thường quen với "ia" vì nó dễ phát âm hơn. Mà về mặt ý nghĩa thì từ này cũng có điểm đáng nói
- Đã mười hai giờ rồi đấy. Khuya rồi đấy con đi ngủ đi.
- Vâng ạ.
Rõ ràng trong hội thoại này thì từ "khuya" mang nghĩa muộn rồi, không còn sớm nữa. Khuya = muộn (A)
Thế nhưng hai võ sĩ đánh nhau, võ sĩ A thua mất mạng nên con trai đi tìm võ sĩ B để báo thù. Võ sĩ A gườm mắt nhìn cậu thiếu niên
- Hừ muốn báo thù à. Với trình độ của mày thì còn khuya nhé. (Một phần lớn dân chúng Việt Nam nói như thế này)
Ở đây lại xuất hiện từ "khuya". Nó mang nghĩa còn rất sớm, còn lâu mày mới bằng tao. Khuya = rất sớm, còn sớm, còn lâu (B)
Từ (A) và (B), thêm một chút lý sự cùn thì ta có
Khuya = muộn
Khuya = rất sớm
Từ đó đưa đến muộn = rất sớm.
Một phương trình độc đáo của tiếng Việt dưới góc nhìn của một kẻ gàn dở
+ Ngày xưa nghe một người nói rằng trong các văn kiện ký kết giữa các quốc gia thì người ta dùng tiếng Pháp. Ở Việt Nam vẫn thế vì tiếng Pháp có độ chính xác cao còn tiếng Việt thì không. Không biết tiếng Pháp nên không rõ thế nào nhưng về phần tiếng Việt thì khi ngẫm lại không phải là không có những điểm làm người ta khó hiểu. Một trong những điểm này chính là cách sử dụng trợ từ của tiếng Việt. Nó làm cho người ngoại quốc, điển hình là người Nhật cảm thấy rất khó nắm bắt được.
Khi một sự gì đó xảy ra ở đâu đó thì trong tiếng Anh dùng trợ từ "at", "in",...đứng trước danh từ chỉ nơi chốn đó. Chẳng hạn
There's a dog in the garden
(có con chó trong vườn)
Trong tiếng Nhật thì đó là trợ từ "ni" và "de". Còn trong tiếng Việt?
Không cứ gì cả. Như câu trên, trợ từ nơi chốn ở đây là "trong". (trợ từ tùy theo cá nhân mà có thể có những tên gọi khác, chẳng hạn như giới từ). Nhưng cũng có người nói rằng
"Có con chó ngoài vườn"
Vậy hóa ra trong = ngoài? Thực ra đây chỉ là một cách diễn đạt phụ thuộc vào hệ quy chiếu của người nói. Nói một cách chính xác thì là "ở trong vườn".
Thế nhưng thường thì người Nhật sẽ hiểu câu "có con chó (ở) ngoài vườn" là có một cái vườn được bao bọc bởi bốn bức tường, và con chó nằm bên ngoài cái vườn đó. Vì nếu học không đến chốn thì rất dễ đánh đồng từ "ngoài" ở đây với "soto" trong tiếng Nhật.
Đây cũng là một vấn đề đối với người ngoại quốc học tiếng Nhật vì những ảo tưởng đồng nghĩa như thế nếu không có sự định nghĩa một cách từ điển về từ ngữ đó.
Tương tự câu "trên trời có đám mây đen" thì nhiều người sẽ hiểu rằng phía 'trên" của trời có đám mây. Không hiểu bên "trên" của trời còn có gì nữa nhỉ, tò mò quá ().
"Trong nhà" thì được hiểu chính xác là bên trong căn nhà, nhưng "dưới đất" hay "ngoài đường" thì lại được hiểu với ý rằng bên dưới, bên ngoài của cái danh từ được nói ở đây.
Đấy, đâu phải chỉ có người Việt mới thấy khó khi học ngoại ngữ, mà người ngoại quốc cũng rất khó khăn khi học tiếng Việt. Có lẽ phải mất một thời gian dài mới quen được.
+ Trong việc giáo dục tiếng Việt có một điều vô lý mà đa phần người dân Việt đều mặc nhiên chấp nhận, không nghĩ ngợi gì.
Thế hệ của tôi, thuở mới bắt đầu đi học được cô giáo dạy cho những chữ cái đầu tiên, bắt đầu là a (a), b (bờ), c (cờ), d (dờ),......
Bảng chữ cái này đã ăn sâu vào trong đầu óc non nớt của lũ trẻ như nét mực tàu chảy trên tấm lụa trắng. Thế nhưng khi vào cấp hai, môn toán hình học được đưa vào giảng dạy và cũng từ đó mà chúng tôi được biết đến một khái niệm mới, nhưng vô cùng quen thuộc tuy chưa từng được dạy dỗ về nó bao giờ cả. Đó là những tam giác ABC (a bê xê), những đoạn thẳng A Bê, Xê Dê,....
Không một đứa học trò nào thắc mắc, trừ một đứa là tại sao lại tồn tại đến hai cách đọc khác nhau của cùng một hệ thống chữ. Người ta chỉ dạy A Bờ Cờ nhưng cớ sao sau này thầy dậy (tất cả giáo viên của môn này) toán hình lại cho đó là A Bê Xê? Phải chăng thế hệ thầy được giáo dục như thế?
Nếu điều này là đúng thì toàn bộ họ đã đi ngược lại với chủ trương giáo dục của bộ, vì bộ dạy cho học trò là Bờ Cờ Dờ Đờ chứ không phải Bê Xê Dê Đê. Nhưng tại sao không ai hỏi gì đến họ? Không biết trẻ con bây giờ thế nào chứ sách giáo khoa của thế hệ tôi, tìm nát cả cũng chẳng thấy chỗ nào ghi là A Bê Xê. Chỉ có A Bờ Cờ mà thôi.
Nhưng phải nói là A Bê Xê nghe lọt tai hơn A Bờ Cờ, và có vẻ trí thức hơn. Nghe đâu lối đọc A Bê Xê đã có từ thời Pháp thuộc, sau này người ta mới bỏ nó đi và phổ cập cái thứ chữ A Bờ Cờ. Đến bây giờ họ lại quay về với A Bê Xê. Đúng là đi dăm bước lại trở về chốn cũ. Nhưng chỉ là sự quay lại trong ý thức, vì hình như đến bây giờ trẻ con cũng phải học A Bờ Cờ thì phải.
Không một văn bản chính thức nào công bố là bỏ lối đọc A Bờ Cờ, sử dụng lại A Bê Xê cả. Đây là điều khác nhau giữa Việt Nam và Nhật Bản. Ngày xưa ở Nhật người ta sử dụng hệ thống chữ Hán phức tạp, sau này chính phủ ra lệnh cải cách bỏ đi rất nhiều thứ cũ kỹ mà thay bằng chữ đơn giản, dễ viết dễ đọc hơn. Tất cả đều được thông báo chính thức cho mọi người dân làm theo.
Nhưng cũng không thể phủ nhận ưu điểm của hệ thống A Bờ Cờ. Nó tránh được một số lỗi chí mạng của A Bê Xê.
Chẳng hạn, nếu C đọc là "cờ" thì CA được đọc là "cờ a ca", có lý vô cùng.
Nhưng nếu C được đọc là "xê" thì CA lại đọc là "xê a ca", rất vô lý vì "xê a xa" mới hợp!
Nhiều ý kiến cho rằng hệ thống A Bờ Cờ dân dã hơn, phù hợp với đại đa số người dân ít được học hành vào giai đoạn lịch sử đó, kéo dài đến cả chục năm sau này. Khi đã giàu có lên, thông thái hơn thì người ta thầm quay lại với A Bê Xê cũng là điều dễ hiểu!