Bạn đang xem trang 3 / 5 trang
Re:Tiếng Việt- tiếng Nhật
Đã gửi: Sáu T9 12, 2008 9:25 am
Viết bởi Kongou-Musha
Người Nhật có khuynh hướng lấy tên các loài hoa đặt cho con gái, từ những loài hoa điển hình như Cúc (菊 - Kiku) hay Mơ (梅 - Ume) cho tới những khuynh hướng mới như lấy tên hoa Sumire, Kanna. Vì thế ta hay thấy những tên gọi như Umeko, Kikoko là vậy. Rất nhiều phụ nữ mang tên hoa, nhưng tuyệt nhiên không thấy người nào mang tên hoa hồng (Barako) cả, mặc dù nó được mệnh danh là nữ hoàng của các loài hoa.
Đây không phải là do người Nhật ghét hoa hồng mà là vì họ ghét cái trọc âm (âm đục) bắt đầu bằng "B" của hoa hồng (Bara). Người Nhật cảm thấy những từ ngữ bắt đầu bằng trọc âm đều bẩn thỉu và ghét nó. Đây có lẽ là đặc điểm mà chỉ có dân tộc Nhật sử dụng tiếng Nhật mới có, những dân tộc khác không thấy có. Rất nhiều từ trong tiếng Nhật có nghĩa không hay bắt đầu bằng trọc âm như "Baka" (ngu ngốc), Debu (từ xấu chỉ những người béo, kiểu như "thằng mập"), Biri (hạng chót, hạng bét), Boke (người đần),....
Nhưng ngược lại, tiếng Anh cũng có nhiều từ bắt đầu bằng trọc âm mang nghĩa tốt như Beautiful (đẹp), Best,....
Cảm giác của người Nhật cũng dần thay đổi, điều này cũng không còn đúng như xưa nữa nên sau này có thể chúng ta sẽ thấy người tên là Barako chăng?
________________________________________________________________
Re:Tiếng Việt- tiếng Nhật
Đã gửi: Bảy T9 13, 2008 8:51 am
Viết bởi Kongou-Musha
Viết nhật ký không chỉ là đặc điểm của người phương Tây mà người Nhật cũng có thói quen này. Nhưng sổ nhật ký của người Nhật có một đặc điểm là sau khi viết sự kiện gì xảy ra vào ngày nào tháng nào giờ nào thì họ luôn chừa một dòng dành cho thời tiết của ngày đó. Quả nhiên Nhật là dân tộc luôn sinh hoạt theo thời tiết.
Vì thế mà tiếng Nhật đã sản sinh ra nhiều từ liên quan tới thời tiết mà các ngôn ngữ khác không có hay ít thấy.
Khoảng đầu tháng tư thì công nhân viên chức được nghỉ nhiều ngày liên tục nên họ thường tổ chức đi dã ngoại, leo núi. Và họ thường "cấm" những người được gọi là "Ame Otoko" (雨男 - người mưa?) đi theo. Ame Otoko là từ độc đáo để chỉ những người hễ khi bắt tay làm chuyện gì, khi đi đâu đó là trời đổ mưa. Không biết là mê tín hay trùng hợp mà thực tế là có nhiều người như vậy.
Một trong tứ đại văn hào thời Minh Trị là Ozaki Kouyou (尾崎紅葉 - những ai từng học tiếng Nhật ở bậc đại học chắc cũng có lần đọc qua một vài tác phẩm của văn hào này) cũng là một Ame Otoko, hễ ông ta đi ra ngoài là trời đổ mưa. Lúc bấy giờ có Sasaki Nobutsuna (佐々木信綱), ngọn cờ đầu của thi đàn thời Minh Trị cũng là một Ame Otoko nổi tiếng.
Nhưng kỳ lạ là khi hai ông này đi chung với nhau thì trời lại khô ráo sáng sủa. Người ta cho rằng hai ông này đều là "người mưa", nên âm tính gặp âm tính lại thành ra dương tính và trời nắng ráo.
Re:Tiếng Việt- tiếng Nhật
Đã gửi: Chủ nhật T9 14, 2008 6:39 pm
Viết bởi Kongou-Musha
Bài hát Akatombo (chuồn chuồn đỏ) mở đầu bằng một đoạn rất nên thơ là Yuuyake Koyake no Akatombo...(夕焼け小焼けの赤蜻蛉). (Nghe bài hát và lời dịch tiếng Việt tại: http://www.youtube.com/watch?v=oGCnZ3yETXE )
Yuuyake là ráng chiều, nhưng còn Koyake thì phải hiểu làm sao đây? Có lẽ là hiện tượng ráng chiều nhưng không toàn phần như Yuuyake? Nếu nhìn tự dạng 小 thì có lẽ nhiều người sẽ đoán như vậy. Không phải, tiếp đầu ngữ "Ko" (小) rất thường hay xuất hiện trong những trường hợp như vậy. おお寒小寒 (Oosamu Kosamu, trong một bài hát của trẻ con vào mùa đông) cũng là một ví dụ cho trường hợp này.
Thời Taishou (大正), bọn trẻ con ở Tokyo hay chơi trò "tuột quần" chúng bạn. Chúng giữ chặt Kimono của mình không cho đối phương giở lên và tranh nhau giở gấu quần của bạn lên để xem mông. Đây là trò chơi "oshiri no youjin koyoujin" (おしりの用心小用心) (hãy cẩn thận với cái mông) và tiếp đầu ngữ "Ko" ở đây chỉ mang ý nhấn mạnh.
Vì thế nên Yuuyake Koyake chỉ là hình thức nhấn mạnh của Yuuyake mà thôi.
Câu thứ hai trong bài là "Owarete mita noha itsu no hika" (負われて見たのは いつの日か)
sẽ khiến người đọc nghĩ đến cảnh tác giả bị rượt đuổi trên đồng (追われ) nếu không nhìn chữ. Kỳ thật "Ou" ở đây tức là "Ombu suru" (負んぶ), nên câu này phải hiểu là tác giả nhìn thấy khi được cõng trên lưng.
Đây là bài hát mang âm hưởng buồn về một cảnh làng quê thanh bình. Bài hát này rất quen thuộc với học sinh tiểu học trên khắp đất nước Nhật Bản trong thời gian chiến tranh Thế giới sắp kết thúc. Đối với người Đài Loan trong thế hệ đó, những người được hưởng nền giáo dục của Nhật thì không ai có thể quên được bài hát này. Bài hát được phổ nhạc từ bài thơ của tác giả Miki Rofu viết về ký ức tuổi thơ đồng quê của mình. Quê hương tác giả là vùng Hakodate phía bắc, bài này gợi nhớ lại những mảnh ký ức của tác giả khi được người chị cõng đi trên con đường làng trong buổi chiều tà. Hình ảnh con chuồn chuồn đậu trên cây sào tre là một hình ảnh nông thôn bình dị, đẹp đẽ nhưng cũng man mác buồn. Có lẽ vì thế mà sau khi bại chiến, người Nhật đã đón nhận bài hát này hết sức nồng nhiệt. Không một ai không biết đến bài này, nó gợi lên những kỷ niệm buồn về một quá khứ yên ả, thah bình đã qua...
Nhất Như tạm dịch ý
"Trong ráng chiều, chú chuồn chuồn đỏ. Tôi nhớ ngày nào chị cõng trên lưng Trên cánh đồng năm xưa, tiếng trẻ hái dâu, hái đầy một giỏ mộng mơ. Tôi nhớ chị tôi mười lăm đi lấy chồng, mãi ngóng trông tin tức quê nhà. Trong ráng chiều, chú chuồn chuồn đỏ, đậu mãi trên ngọn sào năm xưa".
Re:Tiếng Việt- tiếng Nhật
Đã gửi: Ba T9 16, 2008 12:33 pm
Viết bởi Kongou-Musha
Mukou Jima (向島) là một địa danh ở Tokyo, ngay bên bờ sông Sumida là một địa điểm ngắm hoa Anh đào rất nổi tiếng thời tiền chiến. Có một người khách miền quê vào một quán trà trên bờ đê sông Sumida, gọi món đặc sản là bánh Sakura mochi. Người khách này ra vẻ như không biết cách ăn nên ăn luôn cả phần lá bọc bên ngoài bánh. Bà chủ quán thấy thế mới nói
- Bánh đó anh hãy lột vỏ ra rồi ăn...
Vị khách chỉ đáp lại "vậy sao" rồi ngoảnh mặt ra phía sông Sumida mà ăn.
Câu chuyện cười này rất phổ biến ở Tokyo vì người vùng này phát âm cụm từ "lột vỏ" (皮をむく -kawa wo muku) có dấu nhấn trùng với cụm từ "hướng ra sông" (川を向く-kawa wo muku) vốn đồng âm với nhau.
Nhưng câu chuyện này sẽ trở nên vô ý vị ở miền Kansai như Kyoto, Osaka vì ở đó người ta phát âm có giấu nhấn phân biệt rõ ràng giữa "lột vỏ" và "hướng ra sông".
Bây giờ phát âm của vùng Tokyo được xem là chuẩn của tiếng Nhật nhưng không phải vì thế mà nói phát âm của vùng này là hoàn hảo nhất mà chỉ là vì lý do lịch sử mà thôi.
Re:Tiếng Việt- tiếng Nhật
Đã gửi: Tư T9 17, 2008 1:16 pm
Viết bởi Kongou-Musha
Giáng sinh là nghi lễ tôn giáo của người phương Tây nhưng ngày nay nó đã mất đi ý nghĩa tôn giáo mà trở thành một sự kiện văn hóa của nhân loại. Nếu có ai đó ở Hawaii gửi cho bạn tấm thiệp mừng Giáng sinh từ Hawaii thì trên thiệp sẽ thấy đề là Meli Kalikimaka và người Nhật sẽ đọc là メリ. カリキマカ. Lễ Giáng sinh cũng được người Nhật mô phỏng theo âm của chữ Christmas mà thành Kurisu Masu (クリスマス).
Tiếng Hawaii không có nhiều phụi âm, chỉ chừng mười âm là hết. Vì không có âm s nên họ dùng âm k gần giống để thay nên Christmas đã trở thành Kalikimaka. Ngoài ra tiếng Hawaii cũng không có âm d, t và b nên dùng k thay cho d, t và p thay cho b. Nên tháng mười hai (December) trở thành Kekemapa.
Tuy nhiên người Mỹ cũng thường đùa nhạo người Nhật bằng cách phát âm rõ từng chữ Ku. Ri. Su. Ma. Su và có lẽ họ nhìn cách phát âm này cũng hệt như người Nhật nhìn cách phát âm của người Hawaii.
Người ta thường có cái tự phụ ngôn ngữ của nước mình siêu việt, nhưng thực ra nếu lấy từ con mắt của một người nước khác thì họ cũng sẽ thấy tiếng nước họ như vậy và tiếng nước mình...kém hơn. Đúng là ai cũng thấy mình đẹp và người khác xấu cả.
Re:Tiếng Việt- tiếng Nhật
Đã gửi: Năm T9 18, 2008 9:30 pm
Viết bởi thangpc208
Thật không ngờ là lại có thứ ngôn ngữ sử dụng ít âm tiết hơn cả tiếng Nhật, thú vị thật.
Re:Tiếng Việt- tiếng Nhật
Đã gửi: Chủ nhật T9 21, 2008 10:16 pm
Viết bởi Kongou-Musha
Trong ngôn ngữ nhiều nước, không ít những từ chỉ tính chất bắt nguồn từ danh từ và không ít danh từ bắt nguồn từ danh từ riêng trong truyện cổ tích, các tác phẩm văn học.
Có thể thấy rõ điều này trong tác phảm Truyện Kiều của Nguyễn Du, nhiều tên riêng của nhân vật ngày nay đã trở thành một từ chỉ tính chất của con người, như Sở Khanh, Hoạn Thư,...
Tuy nhiên trong tiếng Việt lại có những từ điển hình loại này có nguồn gốc ngoại lai trong thời gian gần đây.
Nhớ đâu vào khoảng năm 1990, đài truyền hình VN có công chiếu bộ phim dài tập Nhật Bản là Oshin, không nói chắc ai cũng rõ. Bộ phim gây dược tiếng vang lớn đến nỗi từ Oshin hiển nhiên đã có một chỗ đứng trong "từ điển Tiếng Việt" của mỗi người VN. Trong đầu óc của người VN, từ Oshin có nghĩa là kẻ làm người ở không ra gì.
Cũng quanh quẩn đâu mốc thời gian đó, tình hình xe máy ở VN còn rất hiếm, và hãng xe Nhật Bản đầu tiên nhập vào VN là Honda. Sau thành quen miệng, người dân dù nhìn thấy bất kỳ xe gắn máy hiệu gì,cũng đều gọi là Honda.
Như vậy Honda có nghĩa là " xe 2 bánh có gắn động cơ".
Re:Tiếng Việt- tiếng Nhật
Đã gửi: Năm T10 02, 2008 12:16 pm
Viết bởi Kongou-Musha
Train, từ tiếng Anh có nghĩa là xe lửa, tàu lửa, hỏa xa. Từ “hỏa xa” nếu viết sang Hán tự sẽ là 火車. Trong tiếng Nhật cũng có chữ Hán này, đọc là “kasha” nhưng lại hoàn toàn không mang nghĩa “xe lửa” như trong tiếng Việt và tiếng Tàu. Xe lửa trường hợp này là Ressha (列車).
Thế còn Kasha (火車) thì như thế nào?
Đó là một từ phát tích từ Phật Giáo. Kasha là chuyến xe (có lửa) chở người lúc sống làm nhiều chuyện ác xuống địa ngục. Vì thế mà phái sinh thêm một từ rủa người: Kasha baba (火車婆). Đây là tiếng rủa bà già ác độc, mụ già ác, trong kiếp sau sẽ bị Kasha đưa xuống địa ngục. Từ này tương tợ với Oni baba (鬼婆).
Tiếng Nhật và tiếng Việt đều sử dụng chung một lượng lớn từ gốc Hán. đây là thành phần không thể thiếu trong cả hai ngôn ngữ. Người Việt có thuận lợi khi học tiếng Nhật, theo nhiều người nói, là kho từ gốc Hán. Tuy nhiên có rất nhiều trường hợp viết cùng chữ Hán nhưng nghĩa của nó trong tiếng Việt và tiếng Nhật hoàn toàn khác nhau. Trường hợp “Kasha” chỉ là một ví dụ.
Re:Tiếng Việt- tiếng Nhật
Đã gửi: Năm T10 02, 2008 1:07 pm
Viết bởi bamaguro
Đây không phải là do người Nhật ghét hoa hồng mà là vì họ ghét cái trọc âm (âm đục) bắt đầu bằng "B" của hoa hồng (Bara). Người Nhật cảm thấy những từ ngữ bắt đầu bằng trọc âm đều bẩn thỉu và ghét nó. Đây có lẽ là đặc điểm mà chỉ có dân tộc Nhật sử dụng tiếng Nhật mới có, những dân tộc khác không thấy có. Rất nhiều từ trong tiếng Nhật có nghĩa không hay bắt đầu bằng trọc âm như "Baka" (ngu ngốc), Debu (từ xấu chỉ những người béo, kiểu như "thằng mập"), Biri (hạng chót, hạng bét), Boke (người đần),....
Nếu lí luận của bạn đúng thì từ ベトナム cũng sẽ gây cho người Nhật một イメージ không hay ?? Sao nguoi Nhat không dùng ヴィトナム để chỉ Việt Nam nhỉ,hoặc 越南 như hồi xưa nhỉ .
Re:Tiếng Việt- tiếng Nhật
Đã gửi: Năm T10 02, 2008 7:35 pm
Viết bởi Kongou-Musha
Loạt bài viết này có "khuyết điểm" là không muốn và không bao giờ nhắc đến người Nhật hiện đại.
Ghét trọc âm là một điều ăn sâu trong tâm thức của người Nhật trước đây, kiểu người truyền thống xem như từ thời Taishou trở về trước.
Nhưng điều này bây giờ đã không còn đúng nữa. Có thể sau này ta sẽ thấy "Barako" chẳng hạn.
Rất nhiều điều đề cập đến trong bài này bây giờ đã biến khỏi tâm hồn, đầu óc của thế hệ người Nhật đương đại rồi [cry]