Bạn đang xem trang 2 / 5 trang

Re:Tiếng Việt- tiếng Nhật

Đã gửi: Tư T9 03, 2008 5:00 pm
Viết bởi thangpc208
cũng chính vì biểu hiện ngôn ngữ khác nhau nên ta không thể nào áp đặt ngôn ngữ này lên ngôn ngữ khác, bảo ngôn ngữ này đúng, ngôn ngữ kia sai. Tiếng anh- anh, anh_mĩ,... cùng được gọi là tiếng anh mà vẫn có những sự sai khác không chỉ trong từ vựng mà còn trong cả ngữ  pháp,sự sai khác là rất rõ ràng nhưng chẳng ai nói cái nào sai cả. Huống hồ tiếng nhật và tiếng việt là 2 thứ tiếng chỉ chung nguồn gốc từ rất xa sưa, người Việt nói người Nhật hoàn toàn không hiểu và ngược lại( người anh và người mĩ chỉ có 1 số ít trường hợp bị hiểu nhầm), thì không thể nào nói rằng cái này đúng, cái kia sai được. Theo suy nghĩ của em thì ngôn ngữ là thứ được hình thành dựa trên sự thống nhất của cộng đồng sử dụng ngôn ngữ đó, bây giờ, khi tất cả mọi người đều nghĩ "nhân tài" là người tài thì nó có nghĩa là người tài, người nào bảo nó không có nghĩa là người tài sẽ bị mọi người nói là sai. Cứ cho là ban đầu nó được dùng với nghĩa là người tài đi. Nhưng như thế thì hẳn sẽ là "tài nhân" chứ đâu phải "nhân tài" nhỉ. như vậy chẳng phải là đang áp đặt cách tư duy tiếng nhật vào tiếng việt. Ngày xưa, lúc còn học tiếng Nhật ở Việt Nam, các cô cũng chỉ bảo là đa số các từ hán sẽ có nghĩa giống tiếng việt thôi, chứ chẳng phải tất cả, cái đa số ấy thể hiện cho nguồn gốc chung xa sưa của 2 ngôn ngữ, phần nhỏ còn lại là sự thay đổi dần dần qua lịch sử hàng ngàn năm.


Re:Tiếng Việt- tiếng Nhật

Đã gửi: Tư T9 03, 2008 11:06 pm
Viết bởi Kongou-Musha
Tiếng Nhật là thứ ngôn ngữ duy nhất được sử dụng tại đảo quốc Nhật Bản và là một thành phần phản ánh đầy đủ nhất về tâm hồn, tính cách rất đặc trưng của dân tộc này. Bỏ qua sự khác biệt về tự dạng, ngữ hệ thì tiếng Nhật còn khác những ngôn ngữ Tây Âu hay bất cứ một thứ tiếng nào khác ở những điểm rất đặc thù không thể tìm thấy ở bất cứ dân tộc nào hết. Tiếng Nhật chính thống có nguồn từ vựng rất phong phú ở các mặt như thời gian, khí tiết, cá, thực vật, Phật giáo và một số từ ngữ đặc trưng rất Nhật để chỉ tâm tư tình cảm gần như là độc đáo của riêng dân tộc này mà khó có thể tìm ở đâu khác. Đó là sự nhạy cảm với thời tiết, sự mẫn cảm với sự sống quá mức, nét cực đoan trong tâm tư, và một vô thường quan như cách gọi của Phật giáo. Dĩ nhiên là theo thời đại, tiếng Nhật cũng có sự biến đổi cho phù hợp với hoàn cảnh sống mới của con người. Theo đó nhiều thứ được xem là đặc thù của tiếng Nhật đã mất đi và nhiều thứ mới mẻ được thêm vào.

Loạt bài viết này không có ý hướng dẫn người đọc đi vào những cấu trúc ngữ pháp của tiếng Nhật, dù là căn bản hay nâng cao. Bởi vì nhiều blog khác, nhiều website khác và nhiều trung tâm Nhật ngữ đã làm tốt rồi. Mục đích của loạt bài viết này mong muốn cung cấp cho người đọc một cái nhìn tổng quát nhất về tiếng Nhật chính thống, tức là thứ tiếng Nhật tương đối cổ so với thời đại ngày nay, thông qua những khía cạnh mà bạn không được biết tới khi học ở trường, hoặc giả nếu có cũng chỉ ở mức độ nào đó. Như thế có nghĩa là bạn không học được gì thực dụng để áp dụng vào cuộc sống qua loạt bài viết này, mà nếu có thể chỉ là một cái nhìn, một sự bổ sung cho tâm hồn về những điều đã từng tồn tại ở Nhật và góp phần làm nên tâm hồn Nhật, tính cách Nhật chính thống mà ngày nay không dễ gì nhận ra nữa.

Ngày hai mươi tháng chín năm Meiji (Minh Trị) đầu tiên, Thiên Hoàng Minh Trị (明治天皇 - Meiji Tennou) rời khỏi Kyoto, lần đầu tiên đến vùng đất mà ngày nay gọi là Tokyo. Ngày xưa Tokyo được gọi là Edo nhưng kể từ ngày mười ba tháng mười năm đó đã được đổi thành Tokyo cho đến ngày nay. Sau đó, Thiên Hoàng Minh Trị trở lại Kyoto lần nữa vào ngày hai mươi hai tháng mười hai rồi đến năm sau, ngày hai mươi tám tháng ba thì ngài đã đến Tokyo lần nữa và không bao giờ quay lại Kyoto nữa. Kể từ đó Hoàng cung được chuyển sang Tokyo.

Kyoto trong một ngàn năm trước đã là thủ đô của nước Nhật, nhưng kể từ khi Tokyo trở thành thủ đô thì vị trí tiếng nói chuẩn của Kyoto cũng mất đi và nhường lại cho Tokyo. Về mặt lịch sử ngôn ngữ thì đây là một thay đổi lớn nhất của tiếng Nhật trong hai ngàn năm qua.

Tiếng Nhật có hai dòng chính là tiếng Nhật Kantou (関東) của những vùng phía đông như Tokyo, Kanagawa và tiếng Nhật Kansai (関西) của những vùng phía tây như Kyoto, Osaka... (Ngoài ra còn một dòng ở phía bắc, vùng Touhoku và vùng phía nam từ Kagoshima trở xuống). Tuy tiếng Nhật ở Kyoto đã mất vị trí chuẩn của nó nhưng địa phương này vẫn tự hào là nơi còn giữ được nhiều truyền thống văn hóa cổ truyền của dân tộc cũng như nhiều di sản quý giá khác. Thế như sau này tiếng Nhật Kansai như Kyoto, Osaka vẫn có nhiều dịp ảnh hưởng tới tiếng nói của vùng Kantou. Chẳng hạn như từ "nhà tắm" đặc trưng của Tokyo là Yuya (湯屋 ), "tiệm hớt tóc" là Tokoya (床屋) được chuyển thành Furoya (風呂屋) và Sanpatsuya (散髪屋) của miền Kansai. Đây chỉ là một ví dụ nhỏ của sự ảnh hưởng ngược của tiếng Kansai lên tiếng Kantou.


Re:Tiếng Việt- tiếng Nhật

Đã gửi: Năm T9 04, 2008 11:33 am
Viết bởi Kongou-Musha
Lúc mũi ta ngửi thấy mùi hoa mơ (梅 - Ume) thoang thoảng trong gió lạnh và đây đó vài đóa hoa đã nở thì cũng là lúc thời khắc sang tháng hai đã rõ rệt nhất. Hoa mơ và con ngựa (馬 - Uma) tuy không có điểm gì chung nhưng chúng đều được viết ra kana là ウメ và ウマ nhưng phát âm chính xác của nó là Mme (ンメ) và Mma (ンマ) mới đúng, còn như Ume (ウメ) và Uma (ウマ) là không chính xác.
Từ thời Shouwa, các sách giáo khoa đã dạy cho trẻ con phát âm hai từ này là Mme và Mma nhưng trong những năm sau này, có nhiều phát thanh viên của đài NHK đã không phát âm đúng như vậy.




Manyoushu (万葉集) là tập thơ cổ nhất nước Nhật, gồm 20 quyển được làm ra từ thời Nara và tương truyền là do Hoàng hậu Iwanohime (后磐姫) sưu tập nhiều bài thơ của mọi tầng lớp trong xã hội ở mọi vùng trong nước Nhật trong 400 năm và có 4500 bài thơ. Tập thơ cổ có nhiều bài biểu hiện trực tiếp, nói lên nhân tình, tâm trạng của người Nhật xưa rất phong phú. Phát âm Ume và Uma vốn bắt nguồn từ thời đại của tập thơ này, nhưng đến thời Heian (平安) thì đã trại sang thành Mme ンメ và Mma ンマ và cho đến ngày nay, sau hai ngàn năm thì phát âm của hai từ này có khuynh hướng quay lại như cũ.
Nhiều người lớn tuổi không quen tai với khuynh hướng phát âm Ume, Uma của người trẻ nhưng đây cũng là một điều đáng hoan nghênh khi họ quay lại với phát âm của thời cổ.


Re:Tiếng Việt- tiếng Nhật

Đã gửi: Năm T9 04, 2008 9:03 pm
Viết bởi Kongou-Musha
Tâm lý người Nhật rất sợ bị người khác cười. Đối với họ đó là chuyện rất đáng xấu hổ nên mọi người đều cố gắng cư xử sao cho mình không bị cười. Ngay từ thời cổ, các võ sĩ khi vay mượn gì của nhau thì trong văn tự cho vay đều có một dòng như thế này "nếu tôi không trả món nợ này thì người trong thiên hạ sẽ cười chê, tôi sẽ đau khổ tột cùng".
Thời hiện đại, các ông bố bà mẹ vẫn hay mắng con là "mày làm như thế mà không sợ khi lớn lên thế gian sẽ cười sao?" Đây là một cách mắng độc đáo có lẽ chỉ có ở Nhật. Người Tây phương cho rằng văn hóa Nhật là văn hóa mặc cảm, tội lỗi. Khi xảy ra chuyện xấu, dù mình không có lỗi thì cũng cố xem là mình có lỗi.



Ngày mười lăm tháng bảy ở Nhật là ngày lễ Chugen (中元), một lễ hội truyền thống pha trộn ngày lễ Sechinichi của Đạo giáo được truyền từ Trung Hoa sang và ngày lễ Vu Lan (盂蘭盆会- Urabon e) của Phật giáo. Trong ngày này người ta dâng hương cúng Phật, cầu nguyện phúc đức cho người sống và cả người chết, tương tợ như ngày rằm tháng bảy xá tội vong nhân ở Việt Nam. Trong những ngày này, khi tặng quà cho nhau người ta hay nói câu "Douzo go Shounou Kudasai" (どうぞご笑納下さい). Về mặt ngữ nghĩa thì là "xin anh hãy (xem đây là một thứ không ra sao và) cười chê nó nhưng hãy nhận lấy nó". Câu này còn được dùng khi tặng thứ gì đó cho người khác, với ý nhún nhường là món đồ mình tặng không giá trị gì và đáng để đối phương cười vào mặt. Đây mới chính là cách biểu hiện đậm chất Nhật và đúng phong vị Nhật

Gần đây trên bao bì của những thứ thực phẩm bán ở siêu thị hay thấy câu "Go Shoumi Kudasai" (ご賞味下さい). Người ta còn dùng để chúc nhau ngon miệng với ý là "xin anh hãy xem những thức này là ngon lành mà thọ dụng". Tuy nhiên đây không phải là cách biểu hiện đúng tính chất của nền văn hóa tội lỗi này. Câu này là do nhiều người hiểu lầm từ câu ご笑味下さい cũng có cùng phát âm là "Go shoumi kudasai" và viết chữ Hán khác thay thế có cùng cách đọc. Tuy nhiên Shoumi (笑味) ở đây mang ý: xin hãy cười nhạo cái vị tầm thường của thức này mà thọ dụng nó.
Như thế mới là cách biểu hiện thuần Nhật.


Re:Tiếng Việt- tiếng Nhật

Đã gửi: Sáu T9 05, 2008 3:56 pm
Viết bởi Kongou-Musha
         Nhật Bản là xứ ôn đới với khí hậu phân chia 4 mùa rõ rệt,cùng với những thay đổi của khí tiết có những từ ngữ đẹp chỉ những việc liên quan đến sự thay đổi này. Ngày nai chắc ít ai để ý tìm tòi hay hiểu biết hết về khí tiết như ngày xưa, vì dù sao nông nghiệp cũng đã mất đi vai trò quan trọng của nó như ngày xưa. Tuy nhiên chủ đề này được lập ra chỉ để nhắc nhở rằng trong tiếng Nhật
(cũng như tiếng Việt) cũng có những từ ngữ như thế.


Nếu so sánh thì khí tiết Nhật Bản và miền Bắc Việt Nam có nhiều điểm tương đồng và dị biệt. Những từ ngữ này tồn tại trong kho tàng ngôn ngữ mỗi nước nhưng ngày nay chắc ít ai để ý hay rõ tường tận . Xã hội công nghiệp hiện đại cũng làm cho nguời ta không thể chú ý đến sự biến chuyển của thiên nhiên nữa.


Nếu muốn thấy rõ khí tiết ảnh hưởng đến tập tục sinh hoạt của nguời VN như thế nào thì tìm đọc quyển " Thương nhớ mười hai" của nhà văn Vũ Bằng,trong đó ông miêu tả cặn kẽ từng sự biến đổi qua 12 tháng cùng những tập tục của nguời VN như tết trung thu,tiết đoan ngọ,tiết trừ sâu bọ, xem ra khá giống với tập tục của nguời Nhật Bản.
__________________________________________


Phần 1 : Những từ ngữ liên quan đến mùa xuân.

* 穀雨 (koku U) một trong 24 khí tiết,tiếng Việt gọi là tiết Cốc Vũ. Khoảng ngày 21 tháng 4 là tiết cốc vũ, cây cỏ nảy nở xanh tốt trong mưa xuân nên có tên gọi như thế. Cốc (Koku) ở đây nghĩa là cốc vật,ngũ cốc,những thứ cây lương thực họ đậu và lúa, Vũ (U) ở đây nghĩa là mưa.

* 東風 (Kochi)
nguời Việt gọi là Đông Phong. Khi gió từ hướng Đông và Đông Bắc thổi đến là dấu hiệu của mùa xuân đến. Nguời ta nói gió này làn hoa đào (ume) nở, nên có câu thơ Tàu là hoa đào cười gió đông.

* 三寒四温 (Sankan Shion)

Khi khí tiết 3 ngày lạnh,4 ngày ấm lặp đi lặp lại là lúc mùa xuân bắt đầu.

* 残雪 (Zansetsu)
Từ chie tuyết không tan ngay cả khi xuân đến. Còn gọi là Kozo no Yuki.

* 春暁 (ShunGyou)
Buổi sớm mùa xuân. Chữ 暁 đọc là Akatsuki,ngày xưa dùng đọc là Akatoki. Tương đương với 曙 (akebono) nhưng chỉ thời gian sớm hơn,từ nửa đêm tới lúc rạng sáng.

* 春分 (Shunbun) tiết xuân phân, một trong 24 khí tiết,khoảng ngày 21 tháng 3 khi ngày và đêm dài bằng nhau.

* 春眠 (Shunmin) ngủ xuân, từ này chỉ một giấc ngủ dài. Vào đêm xuân thì tâm trạng con nguời ta có phần dễ chịu,nên hay thức khuya và khi ngủ thì đánh một giấc dài đến sáng mà không hay biết. Shunmin Akebono wo Oboezu là ý nghĩa này.



* 泡雪 (Awa Yuki) một hình thức của tuyết, hình bong bóng,rất mềm và dễ vỡ.

* 雨水 (Usui) : một trong 24 khí tiết,ngày thứ 15 kể từ ngày lập xuân (khoảng ngày 19 tháng 2), cho đến lúc này thì trời vẫn hay đổ tuyết và nước đóng băng, rồi tuyết ngưng mưa xuống, thực vật nảy nở báo hiệu mùa xuân đến.

* 薄氷 (usurai) : khi hết xuân là lúc nước trong hồ chỉ còn một lớp băng mỏng, báo hiệu mùa xuân sắp đến.

* 麗 (Urara ) hay còn gọi là UraUra, lúc này trời trong xanh, không nóng cũng không lạnh. Nghe bài Warabe Uta "Haru" sẽ thấy mở đầu với câu Haru no Urara no Sumidagawa . (Khí trời ấm áp trên sông Sumida Gawa,một con sông nổi tiếng xinh đẹp hay trở thành đề tài cho các tác phẩm văn học,lúc này người ta hay chèo thuyền ngắm cảnh hoa anh đào nở 2 bên ven sông)

* 朧月 (Oboro Zuki) Vào đêm xuân ngẩn nhìn bầu trời thì thấy xung quang mặt trăng có vầng khí như hơi nước bao quanh khiến nó trông lờ mờ huyền ảo. Về bản chất hiện tượng thì Oboro Zuki giống như Kasumi nhưng Kasumi thuộc ban ngày,Oboro Zuki thuộc ban đêm.




* 陽炎 (Kagerou) đây là hiện tượng hay thấy ở mùa xuân và mùa hạ, khi hơi nước từ mặt đất bốc lên gặp không khí nóng khiến ánh sáng bị khúc chiết không theo quy tắc, trông lung linh như ngọn lửa trong suốt.

* 霞 (Kasumi) Đây là hiện tượng xảy ra vào mùa xuân từ sáng sớm đến trưa, khi hơi nước bốc lên không trung và nếu nhìn những cảnh vật từ xa như núi sẽ thấy một màng như mây bao quanh. Cùng hiện tượng nhưng nếu xảy ra vào mùa thu thì gọi là Kiri.

* 風光る (Kaze Hikaru) vào mùa xuân, mặt trời bắt đầu chiếu mạnh và những ngọn gió thổi tới cũng trông lấp lánh trong nắng.

* 堅雪 (Kata Yuki) mùa xuân, ban ngày tuyết tan do dương khí nhưng đêm lạnh khiến bề mặt nó kết tinh và cứng lại.

* 啓蟄 (Keichitsu) một trong 24 khí tiết,vào ngày 6 tháng 3, khi sâu bọ côn trùng trốn rét trong mùa đông bắt đầu chui ra khỏi nơi ẩn nấp.

* 春雷 (Shunrai), những đợt sấm đầu tiên của một năm bắt đầu vang lên vào tiết Keichitsu báo hiệu mùa xuân đến.

* 春霖 (ShunRin) : khoảng từ đầu đến cuối xuân khi khí trời không phân chia rõ rệt.

* 蜃気楼 (Shin Ki Rou) hiện tượng ảo giác khiến nguời nhìn thấy những vật không có thực, hay những vật có thực ở nơi này lại nhìn thấy ở nơi khác do khúc chiết của ảnh sáng gây ra. Hiện tượng này thường xảy ra trong không trung và hình ảnh khi thì dài ra,khi thì lunh linh và biến đổi thiên hình vạn trạng. Nguời xưa nói hiện tượng này do con hâu khổng lồ trong truyền thuyết Trung Hoa hắt hơi gây ra. Từ này đã trở thành một Kigo trong thơi Haiku. Ở Nhật Bản Toyama ken nổi tiếng vì hay xảy ra hiện tượng này và thấy sớm nhất trong mùa xuân.

* 清明 (Seimei) :một trong 24 khí tiết,ngày thứ 15 kể từ xuân phân (khoảng ngày 5 tháng 4) .Lúc này vạn vật nảy nở tươi tốt và nguời Hoa,nguời Việt có thói quen tảo mộ. Thời gian ở đât tính theo dương lịch, còn câu " Thanh minh trong tiết tháng ba'' là tính theo âm lịch nên có sự sai khác về thời gian.

* 名残り雪 (Nagori Yuki) Tuy là xuân sắp đến nhưng đó đây vẫn có vài đợt tuyết còn sót lại của mùa đông.

* 雪崩 (nadare) tuyết lở,mùa đông tuyết tích tụ trên các sườn núi và xuân đến do độ dốc và nhiệt độ nên chúng đổ xuống. Ở các vùng ven biển Nhật Bản hay xảy ra hiện tượng này.

* 八十八夜 (hachi Juu hachi ya)
Kể từ ngày lập xuân, 88 ngày sau,ứng với ngày 1,2 của tháng 5 là lúc nhà nông bắt đầu gieo hạt.

* 苗代 (Nawashiro, Naeshiro) ruộng nước để gieo hạt giống mùa xuân,từ thời của tập thơ Man Youshu nó đã trở thành Kigo chỉ mùa xuân.

* 花曇 (hana gumori) Vào khí tiết hoa anh đào nở, bầu trời và cảnh sắc trông mơ hồ và giống như nhìn từ một lớp mây, có khi có sương mù và mưa.

* 花冷え (Hana hie) lúc hoa anh đào nở là lúc dương khí dễ biến động,trời hơi chớm lạnh.

* 春一番 (Haru ichiban) Khoảng thời gian cuối tháng 2 đến tháng 3, khi những đợt gió nam đầu tiên trong năm thổi mạnh báo hiệu mùa xuân.

* 春うらら (haru Urara ) Ngày mùa xuân ấm áp, không nóng cũng không lạnh, lòng nguời dễ chịu.

* 春炬燵 (Haru gotatsu) : Kotatsu là kiểu bản Nhật có đặt lò lửa nhỏ để sưởi ấm phần thân dưới và tay. Haru Gotatsu là kotatsu lúc này chỉ dùng với mục đích là bàn, không còn để sưởi ấm vì xuân đã đến, người ta giảm bớt lửa.

* 春告げ鳥 (haru tusge tori) : tên khác của Ugusui, loại chim đặc trưng của mùa xuân (không phải én), nó báo hiệu xuân đến.

* 彼岸 (Higan) thời kỳ phụng sự Phật Sự,tổ chức lễ tế,viếng mộ của nông dân.

* 麦踏 (Mugi Fumi) đúng như tên gọi, có nghĩa là dẫm lên lúa mạch. Đầu xuân nguời ta giẫm lên rễ lúa mạch để phòng mầm nảy nở quá nhanh vì sương.

* 山笑う (Yama Warau) đầu xuân, cây cỏ trên núi nảy nở xanh tốt khiến ngọn núi trông rực rỡ như đang cười.

* 夜桜 (Yozakura) ngắm hoa anh đào nở ban đêm



* 立春 (Risshun) một trong 24 khí tiết,khoảng ngày 4 tháng 2 và là điểm mốc bắt đầu của mùa xuân.

Phần hai: những từ ngữ liên quan đến mùa hạ




* 青田(Aota ) :ruộng lúa xanh,ruộng lúa còn chưa chín.

* 梅雨 (Bai U) những cơn mưa dài kéo từ thượng tuần tháng 6 đến thượng tuần tháng 4. Còn gọi là Samidare ( 五月雨)

* 青梅雨 (Aotsuyu) : Bai U đổ xuống những lá non mới mọc làm chúng trông như xanh hơn.

* 朝凪 (Asa Nagi) Nagi là hiện tượng trời không có gió và biển lặng sóng.

Còn Asanagi là hiện tượng buổi sáng mùa hè khi gió từ đất liền thổi đến gặp gió biển và trời trở nên đứng gió,sóng lặng. Hiện tượng Yunagi rất phổ biến ở vùng biển Seto.

* 朝焼 (Asayake) hiện tượng bầu trời đỏ rực trước khi mặt trời mọc đằng đông,khi vào giữa mùa hè thì bầu trời chuyển sang vàng cam lúc này.

* 油照 (Abura deri) hiện tượng trời nóng như đỏ lửa vào hè,khi trời ít mây và không gió. Ý từ này chỉ sức nóng như đung sôi cả dầu.

* 打ち水 (Uchi Mizu) : để tránh cái nóng của mùa hè,nguời ta hay tạt nước lên cây ở trước sân nhà hay trong vườn.

* 空蝉 (Utsu Semi) : vỏ ve sầu khi lột xác. Ve sầu sống 16 năm dưới lòng đất,năm thứ 17 lột xác lên khỏi mặt đất vào mùa hè để sinh sản rồi chết. Từ này còn để chỉ những hành động lột xác,trốn thoát nguy hiểm trong gang tất,thuờng nguời Việt gọi là kim thiền thoát xác. Đây cũng là tên một bộ pháp nổi tiếng trong thuật Ninja (Ninjutsu -Ninpou) dùng để thoát hiểm và là tên của một nhân vật trong truyện Genji Monogatari của nữ sĩ Murasaki Shikibu.

* 炎暑 (Ensho) cái nắng như thiêu đốt của mùa hè.

* 炎天下 (Entenka) dưới bầu trời như thiêu đốt của mùa hè.

* 薫風(Kunpu ) Còn đọc là Kaze kaoru : gió nam của mùa hè mang theo mùa hương của cỏ cây.

* 夏至 (Geshi) : ngày hạ chí,một trong 24 khí tiết, khoảng ngày 21 tháng 6,đây là thời điểm mặt trời lệch về phương bắc nhiều nhất và ngày dài nhất.

* 早乙女 (Sa Otome ) cô gái trẻ làm ruộng.


* 五月晴(Satsukibare) : khoảng thời gian quan đãng trong mùa Bai U (xem bên trên ) theo âm lịch.

* 小暑(Shou sho) một trong 24 khí tiết, khoảng mùng bảy tháng bảy.

* 涼風 (Suzukaze ) : gió mát thổi đến giữa hè.



* 蝉時雨 (Semi Shigure ) : vào hè tiếng ve kêu râm rang,có khi lên đến cao điểm nghe như tiếng mưa Shigure, những cơn mưa bất chợt kéo dài từ thu sang đông.


* 走馬灯 (Souma Tou) : một loại lồng đèn chơi, giống như đèn kéo quân trẻ con Việt Nam hay chơi vào hè, sức nóng của đèn làm nó quay kéo theo những hình ảnh trên đó.



* 大暑 (Taisho) một trong 24 khí tiết ,khoảng ngày 23 tháng 7. Đúng như tên gọi, đây là lúc cái nóng lên đến cực điểm.

* 梅雨寒 (Tsuyu zamu) Khí lạnh kéo đến từ phương bắc trong thời kỳ Bai U.

* 土用波 (DoYou Nami) Doyou là khoảng thời gian từ tiểu thử đến lập thu,trong khoảng thời gian này ven bờ biển Thái Bình Dương hay có sóng lớn cùng với những cơn bão từ Nam Dương báo hiệu mùa hè sắp hết.

* 夏座敷 (Natsu Zashiki ) Washitsu (phòng truyền thống kiều Nhật ) đã dọn dẹp bớt,gỡ bỏ Shoji và Fusuma. Các bạn có thể thấy hình ảnh này qua bộ phim truyền hình Asuka nói về tiệm bánh cổ truyền (Wagashi) Ougiya Isshindou ở Kyouto chiếu trên truyền hình VN những năm trước. Mùa hè đến,bức tranh bé Asuka vẽ cảnh nhà cửa đã treo cao mành trúc đã gợi ý cho ông Roku Tarou làm ra loại bánh 'Natsu Nagori' mang hương vị và phong cách đặc trưng của mùa hè.

* 初鰹 (Hatsu Gatsuo ) Katsuo là tên một loại cá,giống cá ngừ và thịt của nó thường được bào ra và phơi khô,dùng rắc lên món ăn hay nêm nếm. Đó là thành phần không thể thiếu trong bữa ăn Nhật. Nó là linh hồn của ẩm thực Nhật Bản. Hatsu Gatsuo là đợt cá Katsuo đầu tiên trong năm kéo đến dòng biển Kuro Shio vào đầu mùa hè. Từ thời Edo người ta thuờng tranh nhau để mua đợt cá đầu tiên này.

* 短夜 (Mijika yo ) đêm ngắn mùa hè.

* 立夏 (Rikka) một trong 24 khí tiết,tiết lập hạ theo cách gọi của nguời VN,vào
khoảng ngày 6 tháng 5 . Trong lịch nguời ta quy định kể từ ngày này cho đến
trước ngày lập thu là mùa hè.

Phần ba: Những từ ngữ liên quan đến mùa thu

Hết hạ sang thu,khí trời thay đổi,cỏ cây dần chuyển sang sắc đỏ trong từng đợt gió se lạnh,vạn vật như nhuốm màu u sầu. Mùa thu luôn gợi nhiều cảm hứng trong lòng các nhà nghệ sĩ.

* 百舌(Mozu) : một loại chim nhỏ thuộc họ Mozuku,đầu màu nâu lưng màu tro và mỏ cong như gọng kìm,ăn côn trùng và chuột,khi mùa thu đến cất tiếng hót lanh lảnh. Trong lời bài Warabe Uta trên có xuất hiện từ này 'mozu no koe'.

*秋晴(Aki bare) khí trời dễ chịu trong mùa thu,bầu trời tưởng như cao hơn.

* 秋深し(Akifukashi) :Khoảng thời gian giữa thu,lúc mùa thu thịnh nhất và cũng báo hiệu mùa đông sắp đến.

* 秋の空 (Aki nosora) thời tiết mùa thu dễ thay đổi,từ này còn chỉ tâm ý dễ chuyển.

* 鰯雲 (Iwashi gumo) : tên tục của Kenseki Un,một loại đám mây cao từ 9km từ mặt đất tở lên,trắng loan lổ,trông như bầy cá Iwashi.

* 刈田 (Karita) ruộng lúa sau khi thu hoạch,chỉ còn trơ lại những gốc rạ luôn mang lại cảm giác cô tịch.

* 寒露(Kanro) một trong 24 khí tiết,khoảng mùng 8 tháng 10 ,lúc này dưới ảnh hưởng của khí lạnh sương bắt đầu đông.

* 霧 (Kiri) : xem Kasumi phần mùa xuân.

* 処暑 (shosho) một trong 24 khí tiết,khoảng 23 tháng 8,là lúc cái nóng của mùa hè không còn nữa. Shosho có nghĩa là nắng dừng.

* 霜降 (Sou Kou) 1 tong 24 khí tiết,khoảng 23 tháng 10,tiết sương giáng. Sáng
sớm hay có sương báo hiệu mùa đông sắp đến.

* 灯火親しむ (Touka shitashimu) : mùa thu là khí tiết dễ chịu,chong đèn đọc sách là thích hợp nhất vào mùa này.

* 二百十日(Nihyaku tooka) kể từ ngày lập xuân,110 ngày sau tức là ứng vào ngày 1 tháng 9 thì lúc này bão hay kéo tới,báo hiệu những gay go cho nông gia.

* 野分 (Nowaki) tên cổ của Taifu,bão nhiệt đới.

* 白露 (Hakuro) 1 trong 24 khí tiết,khoảng mùng 8 tháng 9,sương đọng trên lá báo hiệu mùa thu nhưng thực tế thì những đợt nắng sót lại của mùa hè cũng
rất gắt.

* 待宵 (matsuyoi) yến thưởng trăng trong đêm âm lịch 14 tháng 8.

* 山粧う (Yama Yosoou) mùa thu cây cỏ trên núi chuyển sang sắc đỏ,trong như núi đang trang điểm.

* 夜長 (Yonaga) hiện tượng ngày chóng tàn đêm kéo dài.

* 立秋 (Risshi) 1 trong 24 khí tiết,tiết lập thu khoảng ngày 7,8 tháng 8. Trong lịch để từ ngày này trở đi là mùa thu nhưng thực tế tại Nhật là thời kỳ nóng nhất trong năm.

Phần bốn: Những từ ngữ liên quan đến mùa đông



* 大晦日 (oo misoka) : đêm 30 tháng 12,đêm giao thừa.

* 風花 (Kaza hana): vào những ngày trong,cùng với gió thổi tới là từng đợt hoa tuyết rơi như đang múa. Ở những vùng phía bắc như xứ Mutsu (vùng Sendai ngày nay) trở ra đây là dấu hiệu chính thức của mùa đông.

* 空っ風 (Karakkaze) : gió bắc thổi mạnh trong những ngày trong,điểm đặc biệt của vùng Joushuu.

* 枯野 (kare no) cánh đồng mùa đông,lúc cỏ cây đã úa héo và tiếng côn trùng cũng ngưng bặt vì sương lạnh.

* 寒の入り (Kan no Iri) : bắt đầu tiết tiểu hàn,khoảng ngày 6,7 tháng 1.

* 寒雷 (Kanrai) : những đợt sấm trong mùa đông,đặc điểm của vùng ven biển Nhật Bản.

* 木枯し (Kogarashi) những đợt gió lạnh như làm khô cây cỏ từ cuối thu sang đông.

* 小春日和 (Koharu Biyori) : ngày khí trời ấm áp dễ chịu như mùa xuân trong khoảng đầu mùa đông. 日和 (Hiyori) là từ chỉ khí tiết dễ chịu,trời trong.

* 霜柱 (Shimo bashira) :nước trong lòng đất đóng băng trồi lên mặt thành hình cột,ta đạp chân lên nghe tiếng rốp rốp.

* 霜花 (Shimo bana): vào những ngày đông lạnh từ trong phòng ấm nhìn ra cửa sổ hay thấy hơi nước kết tinh bám vào kính trong như dạng hoa.

* 樹氷 (Juu hyou) cột băng,bám trên những cành cây do khí lạnh và hướng theo chiều gió.

* 小寒 (Shou kan) : 1 trong 24 khí tiết, khoảng giữa đông chí và tiết đại hàn,khoảng 5,6 tháng 1. Thời kì này còn gọi là Kan No Iri. Trời càng lúc càng lạnh cho đến đại hàn.

* 小雪 (Shousetsu) 1 trong 24 khí tiết,khoảng 23 tháng 11,là lúc thấy những đợt tuyết đầu tiên,nhưng cũng có những ngày koharu biyori ấm áp.

* 大寒 (Tai kan) tiết đại hàn,1 trong 24 khí tiết,lúc lạnh nhất trong năm. Người xưa có phong tục quanh ngày này luyện tập võ nghệ cũng như luyện gian khổ của các nhà sư Phật Giáo. Nguời Nhật xưa tin rằng tắm nước lạnh trong mùa đông,cái lạnh sẽ xua trừ những tạp niệm trong tâm hồn và những chướng ngại trong thân thể,giúp con nguời đạt được cái tâm thuần khiết dũng mãnh và lòng kiên định.

* 大雪 (Taisetsu) :1 trong 24 khí tiết,khoảng mùng 7 tháng 12,cùng với gió bắc tuyết đổ xuống nhiều. Kể từ ngày này cái lạnh càng gay gắt hơn.

* 氷柱 (Tsurara) cột băng,nước kết tinh bám trên cành cây hay mái nhà.

* 冬至 (Touji) ngày đông chí,1 trong 24 khí tiết,là lúc ngày ngắn nhất trong năm.

* 年越 (toshi koshi) : ngày cuối cùng trong năm,nguời ta ăn mì toshi koshi soba để tống tiễn năm cũ đón năm mới.

* 冬毛 (fuyuge) lông chim,thú thay trước đông,dài và mềm để chuẩn bị cho cái lạnh sắp đến.

* 冬ごもり (Fuyu gomori) : (sâu bọ,nguời) trốn cái lạnh ẩn vào (tổ,nhà). Trú đông.

* 冬支度(Fuyu jitaku) sự chuẩn bị cho mùa đông.

* 冬将軍 (Fuyu Shougun) : từ nhân cách hoá của cái lạnh khắc nghiệt trong mùa đông. Điển tích của cách nói này bắt nguồn từ sự thất bại của Nã Phá Luân (Napoleon) khi đánh nước Nga La Tư (Russia) vì cái lạnh ở đây.

* 松の内 (Matsu no Uchi) : dịp Tết nguời ta hay trang trí gốc thông,ngoài cổng gọi là Kado matsu, vùng Kantou (Vùng quanh Edo) có tục chỉ để đến ngày 6 nhưng vùng Kansai (miền Kamigata,những khu vực quanh Kyouto,Oosaka) thì lại để đến nàgy 14.

* 山眠る (Yama Nemuru) khi cây có đã rụng hết lá thì núi trông như đang ngủ yên trong cái lạnh của mùa đông.

* 立冬 (Rittou) tiết lập đông,1 trong 24 khí tiết,khoảng ngày 7 tháng 11,mùa đông chính thức bắt đầu từ đây.


Re:Tiếng Việt- tiếng Nhật

Đã gửi: Bảy T9 06, 2008 9:37 pm
Viết bởi thangpc208
hay quá, đọc thấy nhiều cái thật thú vị.
Nhưng mà bào anh mới post dài quá, em nghĩ nên chia nhỏ ra vài phần, để thế đọc môt. lúc cũng thấy hơi nản [tongue][tongue][tongue]

Re:Tiếng Việt- tiếng Nhật

Đã gửi: Chủ nhật T9 07, 2008 3:26 pm
Viết bởi Kongou-Musha
Cám ơn bạn đã quan tâm.

Baiu (梅雨) hay còn gọi là Tsuyu là mùa mưa kéo dài từ thượng tuần tháng sáu cho tới thượng tuần tháng bảy và là một hiện tượng đặc trưng của vùng lưu vực sông Dương Tử, Đại Hàn và phần lớn lãnh thổ Nhật Bản trừ vùng Hokkaidou. Baiu xuất hiện rất nhiều trong văn thơ và còn là một từ chỉ mùa (季語- Kigo) trong thơ Haiku.



Khi vào mùa Baiu thì thức ăn dễ ôi thiu nên các vụ ngộ độc thực phẩm cũng hay thấy trên mặt báo. Khi trúng độc thực phẩm thì việc tiên quyết đầu tiên cần làm là cho người bệnh thổ hết thức ăn trong dạ dày ra. Động từ này là "haku" (吐く), mang nghĩa là lấy những thứ trong cơ thể ra thông qua đường mũi hay đường miệng. Như vậy, trong trường hợp này thì không rõ là lấy ra từ phổi hay từ dạ dày. Điều này nói lên rằng người Nhật ngày xưa không rành mạch lắm về giải phẫu và sinh lý. Chẳng hạn nếu có bệnh nhân nói 赤いものをはきました (tôi thổ ra huyết) thì bác sẽ sĩ bối rối vì không biết là loét dạ dày hay loét phổi.

Dường như ngày xưa người Nhật không biết rằng trong cổ họng có cả khí quản và thực quản nên một chuyện mê tín ngày xưa cho rằng khi ăn ngấu nghiến thì không nói được thành tiếng. Có thể họ nghĩ rằng trong thực quản có thanh đới! Cũng là động từ "thổ ra" nhưng trong tiếng Anh có phân biệt rạch ròi giữa "Spit" và "Vomit" và trong tiếng Hoa cũng thế, phân biệt rạch ròi giữa thổ cái từ bao tử và từ phổi ra.

Như thế ngày xưa người Nhật không để tâm đến chuyện sinh lý lắm nhỉ.


Re:Tiếng Việt- tiếng Nhật

Đã gửi: Ba T9 09, 2008 9:56 am
Viết bởi Kongou-Musha
Trong Phật giáo có những vị tôn cách gọi là Minh Vương (明王 - Myou Ou) mang hình tướng Phẫn nộ, bảo vệ Phật pháp và trấn áp Phật địch, tà ma ngoại đạo. Có vị tên gọi Đại Nguyên Súy Minh Vương (大元帥明王 - Daigensui Myou Ou) vốn là thần tướng dạ xoa, sau được đức Phật giáo hóa mà nguyện bảo vệ Phật pháp. Công đức của vị này là phù trợ quốc gia an ổn không bị ngoại xâm quấy nhiễu.
Triều đình đã từng làm lễ cúng dường vị Đại Nguyên Súy Minh Vương này trong cuộc nổi loạn của Taira no Masakado (平将門) và trong cuộc xâm lược của quân Nguyên Mông sau đó mà nước Nhật vẫn vững như bàn thạch.



Ngày mùng tám tháng giêng là ngày Hoàng cung cúng dường vị Đại Nguyên Súy Minh Vương này, cầu nguyện cho đất nước được hòa bình yên ổn. Nghĩ lễ này được gọi là Daigen no Hou (大元法). Tên gọi đầu đủ phải là Daigensui no Hou (大元帥法) nhưng vì như thế rất khó đọc nên người ta đã lược bỏ một chữ 帥 để trở thành Daigen no Hou cho đến ngày nay.
Tuy mất công viết ra nhưng không đọc chữ đó cũng là trường hợp thường thấy trong tiếng Anh, không phát âm "gh" hay "h".

Ngày xưa nước Nhật bị chia cắt thành nhiều vùng tự trị khác nhau (tuy vẫn thần phục Thiên Hoàng), trong đó có xứ Izumi và được viết ra Hán tự là 和泉. Thực tế chỉ có chữ 泉 mới đọc là Izumi, còn chữ 和 ở đầu là âm câm không đọc. Tương tự có xứ Yamato viết là 大和 và Oumi được viết là 近江 nhưng thực tế chỉ đọc chữ cuối mà không đọc chữ đầu.
Ngược lại còn có chuyện tuy viết ra nhưng không đọc, chẳng hạn như một họ thường thấy là Igarashi, viết là 五十嵐. Đáng lý phải viết là 五十日嵐 mới đầy đủ.
Lại như tên đất Kameido được viết giản lược thành 亀戸 trong khi nếu viết đầy đủ theo cách đọc phải là 亀井戸.
Họ Hattori được viết là 服部 nhưng vốn ban đầu nó được viết là 服織部 và đọc là Hattoribe nhưng bị giản lược thành Hattori. Đây là một hiện tượng phức tạp của tiếng Nhật.


Re:Tiếng Việt- tiếng Nhật

Đã gửi: Tư T9 10, 2008 10:54 am
Viết bởi Kongou-Musha
Đối với người học tiếng Nhật thì không gì khó bằng tên họ của người Nhật. Đây là đất nước có nhiều họ nhất thế giới và cách viết, cách đọc cũng rất phức tạp, ngay cả người Nhật nhiều khi cũng phải lúng túng không biết viết và đọc tên họ của đồng bào mình ra sao.
Việc này cũng có lý do của nó.

Trước thời Minh Trị thì người bình dân ở Nhật không có họ, mãi đến ngày mười ba tháng hai năm Minh Trị thứ tám thì họ mới được phép mang họ. Những người bình dân trước giờ vốn đã quen với những tên gọi dân dã như anh Kuma, chị Orin nay phát hoảng lên, luống cuống chạy đi tìm những anh tri thức, những nhà bác vật hay trưởng thôn để xin cái họ. Họ gì cũng được, miễn là có để đăng ký hộ tịch thôi. Vì có quá nhiều người nên trưởng thôn lo không xuể mới giao phó cho họ rằng:

- Nhà mày có một cây tùng nên lấy họ là Matsushita (松下 - nghĩa là dưới gốc tùng).
- Nhà chú phía trước con sông nên lấy họ là Maekawa (前川 - nghĩa là con sông phía trước).

Thế là bách tính đua nhau tự đặt họ như vậy. Anh nào ở trong núi thì mang họ Yamashita, anh nào ngoài đảo thì lấy Nakajima,....
Theo giáo sư nghiên cứu tên họ là Sakuma Ei thì ở tỉnh Aichi có một ngôi làng mà toàn bộ dân làng đều mang họ thực vật như Daikon (củ cải), Ninjin (cà rốt). Lại có một vùng khác mà dâng làng toàn mang họ tôm cá như Tai (鯛 ), Himera,... hệt như thủy tộc dưới long cung.



Ngoài ra cũng có những ngôi làng mà toàn bộ dân chúng ở đó đều mang cùng một họ. Như ở tỉnh Shimane có một vùng mà hơn năm chục hộ đều mang họ Kuwabara. Chắc là do trưởng thôn khi đặt tên cho dân làng đã lười biếng ? Chỉ khổ cho bác đưa thư, ngày nào cũng đi hô khản cổ "Kuwabara, Kuwabara".

PS: Trải qua mấy nghìn năm lịch sử, đất nước Nhật Bản cũng do dòng họ Thiên Hoàng trị vì nhưng có một điểm lạ thường là: đây là dòng họ duy nhất ở Nhật không có họ.


Re:Tiếng Việt- tiếng Nhật

Đã gửi: Năm T9 11, 2008 10:04 am
Viết bởi Kongou-Musha
Ngày mồng tám tháng tư là ngày đức Phật Thích Ca (釈迦 - Shaka) đản sinh. Để kỷ niệm ngày này, từ cổ tới nay các chùa ở Nhật tổ chức lễ hội tắm Phật (潅仏会 - Kanbutsu e). Người ta dựng một căn nhà nhỏ xinh đẹp được trang trí nhiều hoa gọi là Hanamidou (花御堂), bên trong có tượng đức Phật Thích Ca mới ra đời. Người đến hành lễ tay cầm cái gầu tre múc nước ngọt tưới lên đầu tượng Phật.

Lễ hội này bắt nguồn từ truyền thuyết Hoàng Hậu Maya sinh ra Phật Thích Ca ở vườn Lâm Tỳ Ny (ルンビニ園 - Rumbini en hay còn gọi là 藍毘尼園- Rambini on, xuất phát từ chữ Phạn Lumbin ) dưới gốc cây Vô Ưu (無憂樹 - Mu uju ). Vì sao gọi là cây Vô Ưu? Vô Ưu mang nghĩa là không phiền não. Cây này còn gọi là cây Ashoka, cây họ đậu cao, giống ở Ấn Độ. Hoàng Hậu Maya sinh ngài Tất Đạt Đa dưới gốc cây dễ dàng mà không đau đớn gì nên dân chúng gọi đây là cây Vô Ưu.
Sau khi Phật Thích Ca được sinh ra thì ngài đi bảy bước, chỉ một tay lên trời, một tay xuống đất mà rằng: "Thiên thượng thiên hạ duy ngã độc tôn" (天上天下唯我独尊 - Tenjou tenga Yuiga Dokuson) nghĩa là khắp gầm trời này ta là duy nhất không ai bằng.



Lúc này tám vị Long vương từ trên trời phun mưa lành xuống tắm cho Phật, và tục lệ xối nước trà ngọt lên đầu tượng Phật trong hội Kambutsu cũng bắt nguồn từ đó. Ngày nay lễ hội này còn được biết đến với cái tên Hana Matsuri (花まつり - lễ hội hoa).
Đối với người Nhật thì danh tư "Hana" (hoa) là mặc nhiên chỉ cả hoa Anh đào (Sakura). Nhưng ở địa phương Mikawa tỉnh Aichi còn có một lễ hội khác cũng tên là Hana Matsuri nhưng không liên quan gì đến hội tắm Phật. "Hana" của vùng này mang nghĩa là hoa lúa và lễ hội ở Mikawa là để cầu được lúa tốt ngon cơm.