Bạn đang xem trang 2 / 3 trang

Re:Về việc xin việc tại Nhật.

Đã gửi: Năm T10 23, 2003 9:26 pm
Viết bởi Toan
Hoan hô anh Võ. Đây qua là những kinh nghiệm "ngàn vàng" cho các kohai như em. Em đang chờ đọc tiếp phần 4. Đặc biệt, anh hãy nói "kỹ kỹ" 1 chút về SPI. Anh có biết trang web nào giải thích rõ ràng về SPI cũng như cho làm thử các trắc nghiệm SPI không? Mong anh "chỉ giáo"!!!

Re:Về việc xin việc tại Nhật.

Đã gửi: Sáu T10 24, 2003 3:12 pm
Viết bởi KhiemToCa
Tiểu muội nào giám múa rìu qua mắt thợ. Chưởng pháp của Võ Huynh danh chấn giang hồ thì làm sao mà tiểu muội chịu nổi lấy một chiêu.
 Mà Võ huynh gây nên nghiệp chướng gì mà giang hồ (Đông Du loạn kiếm pháp )đồn đại rùm beng lên thế [wink]

Re:Về việc xin việc tại Nhật.

Đã gửi: Bảy T10 25, 2003 8:54 am
Viết bởi forward
Toàn ra ngoài mua thử một quyển SPI làm thử xem. Anh Võ có 薦め quyển nào không ?


Re:Về việc xin việc tại Nhật.

Đã gửi: Bảy T10 25, 2003 2:25 pm
Viết bởi vo
Cũng có một vài quyển hay. Nhưng để tôi xem cụ thể. SPI thì không khác nhau bao nhiêu từ xưa đến nay. Nhưng trong một phạm vi khá rộng nên chỉ cần một thay đổi nhỏ cũng tạo cảm giác khác biệt.

Tôi chỉ có một số hiểu biết về ngành khối kỹ thuật  còn về khối văn thì không rõ.

Theo tôi các bạn nên chuẩn bị kiến thức căn bản trong một vài quyển cũ. Khi thật sự vô mùa xin việc thì sẽ tìm mua những quyển sách thích hợp cho mùa năm nay.

Hình như không có trang Web nào đăng tải những thông tin về các bài toán SPI.
Tôi sẽ tranh thủ viết Phần SPI sau đó, mong các bạn cùng hưởng ứng.


Re:Về việc xin việc tại Nhật.

Đã gửi: Ba T1 13, 2004 4:25 pm
Viết bởi tuonghuan
Anh Võ qua lại rồi sao im hơi lặng tiếng dữ vậy.Vang Long Võ Đại Sư dạo này giang hồ thiếu mất đi chất thơ lãng mạn ngày nào.Mong đại sư mau mau tái xuất giang hồ để võ lâm được tiếp tục thưởng thức "Hà ghê thi chuong phap".
   Nhan tien muon hoi anh Vo mot chut ve "viec xin viec lam tai Nhat".Khi xin viec lam tai Nhat thi thanh tich hoc tap cua minh co quan trong lam khong?Tam quan trong  cua no o muc do nao?Co phai la yeu to quyet dinh khong?

Re:Về việc xin việc tại Nhật.

Đã gửi: Ba T2 10, 2004 12:58 am
Viết bởi vo
Phần 4: Vấn đề liên quan đến kiểm tra tư chất và SPI

 Giống như những phần đã nói trước, người Nhật tuyển một nhân viên giống như mua một món hàng đắt tiền cần thiết, họ ngắm nhìn tất cả mọi khía cạnh, kiểm tra, đánh giá trước khi mua. Một trong những cách đánh giá của họ là dùng bài kiểm tra viết, trong đó thường được biết đến là kiểm tra tư chất (tekiseikensa), thông thường kèm theo kiểm tra tư chất là kiểm tra SPI(Synthesis Personality Inventory).

Một điều cần phải nhớ rằng không có sự phân biệt nào giữa học sinh Nhật và lưu học sinh. Và chắc chắn 100% là bất lợi đối với lưu học sinh vì những lý do chủ yếu sau:
      Không thể nào lý giải vấn đề như người Nhật bằng chính ngôn ngữ là Tiếng Nhật.
      Không thể có cách tư duy vấn đề như chính người Nhật
      Không được giáo dục một cách bài bản, càng bất lợi đối với người chưa từng trãi qua giai đoạn 4 năm đại học.

Sau đây tôi xin nói về một số vấn đề về thi tư chất và thi SPI. Thi tư chất nhằm đánh giá những khả năng, thiên chất của thí sinh. Họ ra những câu hỏi rất bình thường, ví dụ như bạn sẽ dọn dẹp sạch sẽ bàn ghế của bạn mỗi ngày phải không? Bạn đã từng băng qua đường khi đèn đỏ không? Bạn là mẫu người dẻo dai nhưng chậm chạp hay là người nhanh nhưng không bền…. Những câu hỏi như thế nhằm đánh giá tính cách của bạn để họ tìm được nhưng công việc có nội dung vừa ý với bạn.Theo ý tôi, thì đối với những câu hỏi loại như vầy bạn nên trả lời thật theo tính cách của bạn, vì không có tính cách tốt hay xấu, ngược lại, họ có thể dựa vào đó để xếp cho bạn một công việc phù hợp. Ví dụ họ biết bạn là người thích di chuyển, ưa vận động thì họ có thể xếp cho ban công việc như marketing chẳng hạn chứ không cho bạn vào phòng nghiên cứu. Tuy nhiên, cũng không nên thật thà quá đáng, chỉ rõ những thói xấu của bản thân.

Để tránh sự suy nghĩ lâu làm mất chính xác của câu trả lời các mục này thường làm trong thời gian rất ngắn, khoảng 20s mỗi câu và có khoảng vài trăm câu. Một điều đáng chú ý thứ hai là, các câu hỏi có khả năng xuất hiện lặp đi lặp lại ở những dạng khác nhau ví dụ ở trên họ hỏi là bạn có thường hay trễ hẹn không? Thì ở dưới lại lặp lại câu hỏi là Bạn không bao giờ trễ hẹn phải không? Vì thế bạn chú ý, tránh trả lời các câu hỏi mâu thuẫn nhau về mặt logic.

Về phần SPI, Người Nhật cho rằng trong não của con người có ba chiều huớng phát triển: thứ nhất đó là khả năng về từ ngữ, kế đến là khả năng về toán số và sau cùng là khả năng về không gian. Vì thế, họ nhắm vào 3 điểm này để kiểm tra đánh giá khả năng của một con người.
Đầu tiên,về từ ngữ các dạng thi giống như thi cấp I tiếng Nhật. Cũng có điền vào chổ trống, chia đoạn văn, ý nghĩa đoạn văn, trả lời câu hỏi và tiếng hán. Có điều nó ở mức độ cao hơn Cấp I là thời gian ngắn hơn và không hề có thời gian để xem lại.

Kế đến là khả năng về toán số, họ cho đủ loại: logic, cộng trừ nhân chia trình độ lớp 8, toán gà chó mấy con, chuỗi số, tập hợp….Về mục này chỉ còn cách là ở nhà luyện cho thành thạo rồi như một cái máy tính mà thôi.

Sau cùng là vấn đề về không gian, họ cho bạn tìm các vấn đề liên quan đến hình quay, tìm quy luật của một số sơ đồ hình....giống như là thi IQ vậy. Đây cũng chỉ còn cách là luyện thật nhuyễn ở nhà mà thôi.

Nói chung, SPI và thi tư chất là kỳ thì sơ khảo của mọi thí sinh, chúng ta như những hạt đậu được đưa lên một cái sàng chọn lọc vừa công bằng vừa nghiệt ngã. Chúng ta phải làm sao cho hạt đậu mình càng lớn thì khả năng bị lọt lổ càng ít. Việc làm lớn hạt đậu chỉ có một cách duy nhất là, bế quan luyện công mà thôi (nhớ canh giờ luyện).



Re:Về việc xin việc tại Nhật.

Đã gửi: Năm T2 12, 2004 1:17 pm
Viết bởi vo
Phần 5: Vấn đề thi viết luận văn và thi vấn đáp



 Sau khi bạn vượt qua vòng thi SPI và thi về tư chất, sau khoảng thời gian từ 3 đến 5 ngày các bạn sẽ được thông báo ngày thi vòng thứ hai, đó là thi viết luận văn và thi vấn đáp. Tôi xin nói một số “cảm nhận" về vấn đề này.

 Mục đích của việc thi viết luận văn là kiểm tra khả năng về ngôn ngữ, khả năng điễn đạt ý kiến của bản thân thông qua ngòi viết. Khác với việc thi tư chất và SPI, thi viết nhằm đánh giá khả năng lý luận, mức độ nhận thức của thí sinh. Những người có khả năng viết văn giỏi, về một mặt nào đó, nói lên khả năng lập luận, khả năng lập kế hoạch, dự án của họ khá cao.

Thông thường, theo cá nhân tôi thì các bạn phải nhận xét vấn đề trước khi bắt đầu viết. Thời gian viết thông thường khoảng 30 phút, viết khoảng 800 từ. Có nơi thì cho viết thoải mái, không giới hạn số từ và thời gian rộng rãi. Chủ đề viết thi muôn hình vạn trạng, có khả năng liên quan đến một vấn đề thời sự nào đó, hoặc về một vấn đề khá trừu tượng. Ví dụ, có một công ty khá lớn chuyên về lĩnh vực viễn thông ra một đề tài là “窓” viết 800 từ trong vòng 30 phút. Hoặc là các đề tài nói về SARS, hoặc nói về sự thăng tiến trong công ty, những khả năng giải quyết những bế tắc trong xã hội. Theo cảm nhận của tôi, thì người Nhật thích các chủ đề về xã hội hơn là kỹ thuật. Điều quan trọng của viết luận văn là tránh sai lỗi chính tả (sai hán tự) và phải đầy đủ cấu trúc của bài viết. Có nghĩa là phải đầy đủ mở bài thân bài và kết luận.

Về thi vấn đáp, đây là vòng đầu tiên của thi vấn đáp, thông thường bạn sẽ được từ hai đến ba giám khảo, trong đó sẽ có một người già (thường là trưởng phòng nhân sự) và một đến hai người trẻ (chuyên về kỹ thuật) phỏng vấn. Thời gian phỏng vấn khoảng 30 phút đến 1 tiếng.

Các bạn nên chú ý luyện tập tự giới thiệu: Tên quốc gia -Tên trường- Tên bản thân. Sau khi gõ cửa phải chờ họ cho phép rồi mới vào, nhớ chào hỏi giới thiệu xong, chờ họ cho phép thì mới được ngồi, đừng quên shitsureitasimasu. Ở phần này các bạn nên cố gắng nói lưu loát, đặc biệt không để mâu thuẫn về mặt logic. Các bạn nên tự tin và cố gắng nhìn thẳng vào mặt người phỏng vấn các bạn. Nhưng không phải nhìn chằm chằm, nhìn say đắm, có thể nhìn xuyên qua họ. Theo tôi, một điều gây ấn tượng xấu là bạn nhìn xuống đất và hai mắt đảo liên tục. Thêm một điều cần chú ý là các bạn nên dùng kính ngữ nhất quán từ đầu buổi vấn đáp đến cuối buổi, đây là một điểm khó đối với lưu học sinh. Nếu có thể bạn nên dùng thể ~matsushite sẽ gây ấn tượng tốt cho giám khảo.

Một điều cấm kỵ nữa là không nên “tâm sự” với ban giám khảo. Vì khi đó bạn dễ bị rơi vào bẫy là không nhất quán trước sau vì càng nói nhiều càng dể sai sót. Các bạn nên nói vừa phải, chính xác, rõ ràng. Sau khi ra khỏi phòng thi các bạn thường sẽ được một nữ nhân viên hỏi về cuộc thi vừa qua. Các bạn nên thận trọng kể cả những người này, không nên cho đó là người ngoài cuộc, thường thì họ là những anten của công ty.

 Cũng có trường hợp bạn được phỏng vấn theo nhóm, trong trường hợp này bạn nên mạnh dạn phát biểu, đưa ra những ý kiến riêng của mình, đồng thời khi phê phán ý kiến người khác cũng không nên gay gắt, mà phải nhẹ nhàng. Kết thúc vấn đề nên tóm tắt các ý kiến của người khác sẽ gây ấn tượng tốt cho ban giám khảo.

Nói tóm lại về vấn đề thi vấn đáp và viết luận văn đòi hỏi bạn có một số nhận thức nhất định về lĩnh vực chuyên môn và xã hội. Các bạn nên trang bị thêm các kiến thức về xã hội, thời sự, kinh tế làm các dẫn chứng cho bài viết của mình. Tư tin, sẵn sàng trả lời, có khả năng đưa ra để án và lập luận là then chốt của kì thi này.

Tái bút, để trang bị kiến thức cũng như các từ ngữ chuyên môn các bạn có thể đọc báo nikkei hoặc xem tivi kênh 12(hình như là vậy) mỗi tối từ thứ hai đến thứ sáu hàng tuần, từ 11h đến 12giờ. Chương trình này có các chuyên mục về kỹ thuật, kinh tế, sản phẩm mới, vấn để thời sự nóng bỏng...


Re:Về việc xin việc tại Nhật.

Đã gửi: Hai T2 23, 2004 3:30 pm
Viết bởi vo
Phần 6 và 7: Chuẩn bị trước khi vào mùa xin việc và vài điều cấm kỵ trong khi xin việc

Cũng là thi viết , thi phỏng vấn nhưng xin việc khác với các kỳ thi khác là người dự thi không chịu một áp lực trong một thời gian ngắn như các thí sinh dự thi đại học. Có nghĩa là, thời gian xin việc khoảng một năm từ khi vào năm thứ 3 đại học cho đến khi tốt nghiệp. Điều này làm cho những người đi trở nên lơ là, không tập trung vào việc chuẩn bị.

Về việc chuẩn bị thì tùy theo cá nhân từng người sẽ khác nhau. Tuy nhiên, các điểm sau đây theo tôi là cần thiết.
A/ Chuẩn bị từ trước:
Việc chuẩn bị từ trước sẽ giúp ta thuận lợi hơn trong kỳ xin việc, bao gồm các vấn đề sau:
 1/ Chuẩn bị lấy tất cả các chứng chỉ cần thiết cho năm cuối, hoặc tập trung lấy các chứng chỉ cần thiết để giảm thiểu việc học trong học phần rơi vào mùa xin việc.

 2/ Làm baito nên làm vào ban đêm hoặc vào thứ bảy và chủ nhật, vì nếu làm ban ngày thì sẽ mất đi thu nhập do phải nghỉ đi xin việc.

 3/ Thu thập tài liệu xin việc của những người đi trước trong lab, hoặc từ thầy cô, bạn bè.

 4/ Đăng ký một môn học chuyên về vấn đề nghề nghiệp tương lai. Thông thường, trong học phần trước khi vào mùa xin việc, ngoài các thông tin, các seminar về hướng nghiệp còn có một môn học chuyên về nghề nghiệp tương lai. Môn học này giúp bạn đánh giá về xã hội, cơ hội nghề nghiệp, phân tích bản thân.....Các bạn nên tìm và đăng ký học bằng được(nếu có) vào học phần trước khi vào mùa xin việc.

 5/ Luyện tập viết văn, đọc tin tức về kỹ thuật, kinh tế, xã hội, quốc tế.....

 6/ Đăng ký vào các trang Web tìm việc như: http://www.rikunabi2005.com/, http://job.nikkei.co.jp/

 7/ Luyện tập các bài toán về xin việc.

B/ Chuẩn bị khi gần đến mùa xin việc:
Trước khi vào mùa xin việc nên chuẩn bị các vấn đề sau:

1/ Một cuốn sổ tay để ghi lịch trình đi xin việc. Bạn không thể nhớ được ngày giờ của từng công ty được, bạn cần có một cuốn sổ tay ghi những thông tin của từng công ty.

2/ Chuẩn bị một bộ đồ veston sao cho tự tin nhất.

Một số ý kiến trong khi xin việc
 1/ Điều tra kỹ đường đi đến công ty, phải lấy thời gian hợp lý, rộng rãi, bạn phải trừ hao cho việc đi bộ và tìm đường

 2/ Nhiều người cho rằng để đỡ tốn thời gian, nên chon các công ty có kiểm tra vòng đầu (tekiseikensa) vào ngày đầu tiên, chứ không phải chỉ có setsumeikai.  

 3/ Có người lại cho rằng, chỉ thi vào các công ty chỉ qua kỳ thi vấn đáp. Nếu các bạn không có tự tin vào các kỳ thi sơ khảo ban đầu nên chọn phương án này. Tuy nhiên, số lượng các công ty như thế rất ít.

 4/ Chọn cho mình một “chiến lược”xin việc. Không phải ai cũng có thể thành công một cách trơn tru trên con đường xin việc, mà nguyên nhân thất bại chính là các vòng sơ khảo. Cho nên bạn phải chọn cho mình một chiến lược hẳn hoi. Ví dụ bạn có thể thi các công ty nhỏ và vừa vào đầu mùa thi, các công ty lớn sẽ thi sau đó. Khi bạn đã đậu vào một công ty nhỏ rồi bạn sẽ tha hồ thử sức vào các công ty lớn hơn, công ty mình yêu thích hơn.

 Hay là, các công ty nhỏ bạn thi tự túc còn các công ty lớn bạn sẽ nhờ trường giới thiệu.

 Có nhiều người cho là các công ty đầu tiên sẽ là bước luyện tập cho họ, nên, thay vì làm bài thi họ chỉ chép lại các bài toán mà cảm thấy khó, sau đó sẽ về nhà luyện tập.

 5/ Bạn đừng nên ảo tưởng là các công ty sẽ ưu ái cho lưu học sinh hay những giọng điệu ngọt ngào của những ngươi làm công tác tuyển nhân viên. Vì thật ra, thì đối với tất cả mọi người đểu được đối xử như nhau.

 6/ Càng về sau thì các kỳ thi càng khó vì họ chỉ tuyển một ít nhân viên họ cần và các môn thi được rút kinh nghiệm từ các kỳ thi trước đó nên bạn phải hết sức cố gắng.

Nói chung, tùy theo sở thích cá nhân, tùy theo năng lực cá nhân, bạn nên tìm hiểu và thi vào một công ty mình yêu thích. Đó là tất cả tương lai, cuộc đời bạn, nếu bạn sai lầm, cái giá phải trả là thời gian và những năng lực tiềm tàng của bạn sẽ bị giết chết.

Chúc các bạn tự tin và thành công


Re:Về việc xin việc tại Nhật.

Đã gửi: Năm T1 19, 2006 8:57 pm
Viết bởi nhat
Xin lỗi mọi người vì mình đã khơi lại cái topic cũ này. Mình đã đọc từ khi nó mới được viết ra, nay sực nhớ lại và đọc thêm một lần nữa. Hy vọng đây là kinh nghiệm rất quí đối với những anh em đang xin việc, kể cả tìm Arubaito.
Cảm ơn Võ huynh nhiều.

Re:Về việc xin việc tại Nhật.

Đã gửi: Năm T1 19, 2006 11:31 pm
Viết bởi HUYENDUONG
  Em xin nêu lại câu hỏi của Huân:Khi xin việc làm thì thành tích học của mình chiếm bao nhiêu phần trăm quyết định ạ?
  Muốn đăng ký các semina về tìm việc làm thì mình tìm ở đâu vậy anh?