Nhà khoa học Nhật Bản và câu chuyện tế bào gốc
Nhà khoa học Nhật Bản và câu chuyện tế bào gốc
Nhà nghiên cứu tế bào gốc, giáo sư Shinya Yamanaka, người đồng nhận giải Nobel Y học năm 2012, ngày 7/12 đã thể hiện quyết tâm sử dụng tế bào gốc đa năng nhân tạo (iPS) để chữa trị những căn bệnh suy nhược mà đến nay vẫn chưa có phương pháp điều trị hiệu quả.
Trong bài giảng hàng năm tại Viện Karolinska ở Stockholm, Thụy Điển, trước lễ trao giải Nobel ngày 10/12 tới, nhà khoa học Nhật Bản đã chia sẻ câu chuyện thú vị dẫn đến phát hiện khoa học quan trọng, đó là sản xuất thành công iPS nhờ hàng loạt những khám phá ngoài mong đợi.
Trước khi kể về những phát hiện thú vị từ các bài thí nghiệm mà các thầy đã giao cho ông, giáo sư Yamanaka chia sẻ: “Tôi có hai người thầy lớn trong những ngày đầu làm khoa học”. Người thầy đầu tiên chính là tuýp người như Giáo sư Katsuyuki Miura Đại học Thành phố Osaka và Tom Innerarity, thời điểm đó là điều tra viên cấp cao tại Viện Gladstone, Mỹ. Yamanaka cho biết hai người này luôn biết động viên và khích lệ các nhà khoa học trẻ ngay cả khi những kết quả trong thí nghiệm đều cho kết quả mâu thuẫn với giả thuyết mà họ đưa ra. Ông cho biết ông đã cố gắng làm một người thầy tốt giống như họ nhưng điều đó quả thật “rất khó.”
Một người thầy lớn khác “chính là thiên nhiên” - "người" đã mang lại cho Yamanaka những kết quả ngoài mong đợi, cũng là "người" đã mang lại cho ông các kế hoạch hoàn toàn mới mẻ.
Nhà khoa học Nhật Bản này cho biết lần đầu tiên ông đã không thể hình dung được là sẽ mất bao lâu trước khi xác định được các nhân tố then chốt cần thiết để tái lập trình các tế bào sinh dưỡng thành tế bào iPS. Ông cũng từng băn khoăn rằng liệu có thể sẽ phải mất tới “10, 20, 30 năm hoặc thậm chí có thể còn lâu hơn nữa” để đi đến khám phá này. Tuy nhiên, cuối cùng thì nhóm của ông chỉ mất có 6 năm trước khi đạt được đột phá quan trọng vào năm 2006 khi Yamanaka phát hiện ra một lựa chọn khác với việc phải phá huỷ các phôi người, từ đó xua tan những trở ngại về mặt luân lý và đạo đức trong công nghệ tế bào gốc.
Giáo sư Yamanaka, 50 tuổi, đã cho phép các nhà nghiên cứu trẻ làm việc tại phòng thí nghiệm của mình, đặc biệt là Kazutoshi Takahashi, một giảng viên đại học Kyoto, và hai nhà nghiên cứu khác nhằm tăng tốc cho khám phá mới của mình. Ông nói: “Nếu không có những cống hiến hết mình của ba người đó, chúng ta có thể sẽ không bao giờ sản xuất được tế bào gốc iPS, ít nhất là ngay trong phòng thí nghiệm của mình... Tôi cảm thấy vô cùng tự hào về các khoa học trẻ.”
Yamanaka cũng cho biết những nghiên cứu được tiến hành tại Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng tế bào gốc iPS (CiRA) của đại học Kyoto, một viện nghiên cứu do ông làm Viện trưởng, được cho là sẽ giúp kiểm tra các điều kiện và sàng lọc các loại thuốc cho các căn bệnh liên quan đến tế bào thần kinh vận động như bệnh xơ cứng cột bên teo cơ, một căn bệnh về suy yếu hoạt động của hệ cơ hiện chưa có phương thuốc nào chữa trị đặc hiệu.
Trước đó một ngày, nhà khoa học John Gurdon, 79 tuổi, người đồng nhận giải Nobel Y học với Yamanaka năm nay và là giáo sư danh dự Đại học Cambridge, cũng đã có bài giảng thường niên. Yamanaka cho biết ông cảm thấy rất vinh dự khi được chọn là người cùng nhận giải thưởng với Giáo sư Gurdon, người khai phá ra lĩnh vực tái lập trình hạt nhân cách đây nửa thế kỷ, thời điểm Yamanaka mới ra đời.
Sau bài giảng, Giáo sư Yamanaka cho biết ông đã phần nào bớt căng thẳng khi đã hoàn thành một trong những sự kiện quan trọng trong chuyến thăm của mình tới Stockholm và tự chấm “60% điểm” trong bài giảng bằng tiếng Anh của mình. Vợ của Yamanaka, bà Chika, 50 tuổi, cho biết bà cảm thấy xúc động khi lắng nghe bài giảng của chồng vì nó khiến bà nhớ lại nhiều kỷ niệm./.