Tư duy đột phá
Đã gửi: Ba T10 30, 2012 2:45 pm
A. TIẾP THU TRIẾT LÍ TƯ DUY MỚI - TƯ DUY ĐỘT PHÁ:
(Giáo sư HIBINO SHOZO ,Hội trưởng Hội qui hoạch kế hoạch Nhật bản, giáo sư khoa xã hội Đại học CHUKYO, tiến sĩ xã hội - điều khiển học sản xuất, là một trong những người phát kiến tư duy đột phá
Giáo sư trợ giảng: HIBINO HAJIME , Giám đốc Viện nghiên cứu SOBI ).
- Tư duy đột phá được coi là một tư duy triết học mới, thông điệp của Thế kỉ thứ 21. Nó bắt đầu được phổ biến rộng rãi tại Mĩ, Châu Âu, Ấn độ, Trung quốc và Thái lan.
- Đây là lối tư duy: phải đi từ cái căn nguyên, căn bản của vấn đề để soi xét, sáng tạo nhằm giải quyết một vấn đề từ nhiều hướng khác nhau.
- Nguyên tắc cơ bản của nó: tuyệt đối cấm bắt chước. Mỗi người cần có một hướng đi với cái độc đáo riêng của mình phù hợp với từng hoàn cảnh riêng. Nói một cách hình ảnh: với tư duy đột phá thay vì đưa cho chúng ta con cá, nó sẽ cấp cho ta cái cần câu để mỗi người có thể tự câu được con cá bằng cách riêng của mình.
Đây là một cuộc cách mạng trong nhận thức, một triết lý kinh doanh mới, phức tạp và mới mẻ. Với khoá đào tạo ngắn hạn, chỉ mong giúp thay đổi được nếp nghĩ cũ: nếu chỉ chạy theo để học tập, bắt chước các doanh nghiệp thành đạt thì chúng ta không thể tồn tại và phát triển được trong một môi trường cạnh tranh khốc liệt trong lúc tuổi thọ một sản phẩm thì ngày càng ngắn.
I. QUAN NIỆM VỀ KINH DOANH VÀ QUẢN LÍ:
Kinh doanh và quản lí là 2 phạm trù hoàn toàn khác nhau.
- Quản lí: là giữ vững các tiêu chuẩn, nguyên tắc đã đề ra. Đảm bảo ổn định chất lượng. Đây cũng là mục tiêu quản lí chất lượng của Doanh nghiệp.
Đối với Nhà quản lí: mục đích luôn ổn định, nó là tiêu chuẩn.
Nhà quản lí phần lớn là những nhà phân tích, họ dựa trên các thông tin từ sự thật, phân tích làm nền tảng cho tư duy.
- Kinh doanh: phải thấy trước nhu cầu của tương lai để lên được kế hoạch phát triển mới.
Đối với Nhà kinh doanh: mục đích luôn trở nên lạc hậu. Nhà kinh doanh giỏi là Người luôn tìm ra những mục đích mới để phấn đấu, vươn tới. Là người có khả năng đưa ra những giả thiết và hướng giải quyết các giả thiết đó. Họ có sức tưởng tượng, sức sáng tạo lớn. Nói cách khác, chúng ta cần ở Nhà kinh doanh là việc biết đưa ra các vấn đề chứ không phải cần họ giải quyết các vấn đề cụ thể.
Nhà kinh doanh là người phải tự mình tạo nên được cơ hội mà cơ hội đó không có sẵn. Nó không bị chi phối bởi những cái đã có từ hiện tại cũng như từ quá khứ.
Nhà kinh doanh phải biết được giá trị hiện hữu cho sự tồn tại của Doanh nghiệp mình là gì ? Tuỳ theo cách nhìn nhận sự việc, giá trị hiện hữu Doanh nghiệp cũng sẽ khác nhau. Doanh nghiệp tồn tại vì cái gì ? Và cần phải làm gì để tồn tại, phát triển ?
Nếu Nhà kinh doanh vẫn giữ cách suy nghĩ của người Quản lí thì có thể đưa Doanh nghiệp đi đến chỗ phá sản.
Do đặc thù của môi trường kinh doanh là cạnh tranh không những giữa các Doanh nghiệp cùng ngành nghề, nhiều Doanh nghiệp phá sản lại do một Doanh nghiệp mới ra đời (không cùng kinh doanh một loại sản phẩm). Nhà Kinh doanh muốn doanh nghiệp mình tồn tại và phát triển phải biết luôn luôn tự đổi mới, sản phẩm phải có tính độc đáo riêng.
II. TƯ DUY CŨ: TƯ DUY DESCARTES.
- Đây là lối tư duy đã tạo ra cuộc cách mạng công nghiệp, nó phát huy mạnh mẽ suốt từ năm 1590 cho đến năm 1990.
- Phương pháp của nó: thu thập thông tin, phân tích thông tin (quá khứ, hiện tại), để tìm ra những điểm yếu, thiếu sót, tìm biện pháp khắc phục, sửa chữa, thay thế, làm tốt trở lại.
- Lối tư duy này phổ cập không những trong kinh doanh mà cả trong quan hệ xã hội, trong gia đình.
- Tóm lại: nó phân tích từ các tiểu tiết, từng bộ phận để đi đến đánh giá cái tổng thể.
- Trong điều kiện xã hội hiện đại, khoa học công nghệ phát triển từng ngày, hội nhập kinh tế thế giới dẫn tới các mối liên hệ ràng buộc lẫn nhau ngày càng phức tạp (giữa các Doanh nghiệp cùng ngành nghề, giữa các Doanh nghiệp khác ngành nghề, giữa các Doanh nghiệp trong một nước, giữa các doanh nghiệp trên toàn thế giới,....).
Các mối quan hệ đó luôn luôn biến động, dẫn tới lối tư duy Descartes không còn phù hợp nữa. Nhà Kinh doanh luôn phải bị động điều chỉnh kế hoạch và luôn trong tình trạng chạy theo sự kiện.
III. TƯ DUY MỚI: TƯ DUY ĐỘT PHÁ.
- Mục tiêu: đứng trên cái tổng thể, cái căn nguyên nguồn gốc căn bản để phân tích bộ phận, tiểu tiết. (Học từ tương lai, đặt ra mục tiêu của tương lai để xây dựng kế hoach của hiện tại).
- Nhà Kinh doanh phải biết nhìn trước môi trường kinh doanh của mình trong nhiều năm sau để có thể đề ra kế hoạch chuyển đổi Doanh nghiệp kịp thời, không để bị động khi các mối quan hệ có sự thay đổi.
- Lối tư duy này phù hợp với giai đoạn chu kì sống của một sản phẩm rất ngắn. Nếu cứ đi học, bắt chước một cách máy móc các Doanh nghiệp thành đạt thì khi áp dụng thành công thì cũng là lúc nó đã trở nên lỗi thời.
- Nhà kinh doanh chỉ biết nhìn theo hướng mọi người đang nhìn thì sẽ không thể là nhà Kinh doanh ưu việt. Nguyên tắc là không bắt chước, không lệ thuộc vào người khác.
- Mục đích luôn trở nên cũ, lạc hậu. Với nhà Kinh doanh mỗi ngày phải tìm ra được mục đích mới, ước mơ mới để vươn tới. Giá trị hiện hữu khi không còn phù hợp thì Doanh nghiệp sẽ phá sản, hệ thống không thể tồn tại.
- Nhà kinh doanh phải khai triển được càng nhiều mục đích mới càng tốt. Sao cho doanh nghiệp của mình tiếp cận gần nhất mục tiêu căn bản với sự độc đáo riêng mà các nhà Kinh doanh khác không có hoặc chưa có.
- Quyết định sự thắng - bại của một Doanh nghiệp phụ thuộc vào Nhà Kinh doanh có đưa ra được kế hoạch chính xác, đúng thời điểm.
- Trong kinh doanh để doanh nghiệp tồn tại có 2 phương pháp cơ bản: mở rộng thị trường hoặc là thu nhỏ Doanh nghiệp.
Với tư duy đột phá: thiên về hướng mở rộng không gian giải quyết, mở rộng đầu vào.
- Người ta thường nói: thông tin là sức mạnh. Nhưng nếu chỉ nắm thông tin thì sẽ không giải quyết được vấn đề gì. Cốt lõi là xử lí tốt thông tin.
Khẩu hiệu của chúng ta phải là:
CẢI TIẾN, CẢI THIỆN VÀ CANH TÂN KHÔNG NGỪNG.
- Cần cố gắng đưa Doanh nghiệp chuyển từ đỉnh cao này sang đỉnh cao khác chứ không nên lấy một mô hình nào để học tập, theo đuổi, dù đó là mô hình hiện đang rất thành đạt.
- Nhà kinh doanh cần có một tư duy luôn lấy cái tuyệt đỉnh, cái giá trị tuyệt đối làm mốc để phấn đấu (đỉnh hình tam giác).
Với tiêu chí phấn đấu giá trị tuyệt đối, tuyệt đỉnh cần vươn tới của Công ty TOYOTA là:
1. Chi phí phát sinh là không.
2. Tồn kho là không.
3. Thời gian chờ đợi là không.
Tư duy đột phá của TOYOTA là: ĐƠN GIẢN – GỌN NHẸ – TỐC ĐỘ.
ƯU THẾ KHI LẤY MỤC TIÊU GIÁ TRỊ TUYỆT ĐỈNH ĐỂ VƯƠN TỚI:
1. Thời gian thu thập thông tin thấp nhất.
2. Chi phí thu thập thông tin nhỏ nhất.
3. Rút ngắn được thời gian phát triển.
4. Kích thích được tính sáng tạo.
5. Là nguyên tắc cơ bản để đi tắt đón đầu.
6. Bắt chước chỉ có thể vượt qua quá khứ.
7. Thúc đẩy không ngừng cải tiến, đổi mới.
7 NGUYÊN TẮC TRONG VIỆC THỰC HIỆN TƯ DUY ĐỘT PHÁ:
1. Phải tìm ra được sự khác nhau độc đáo cho riêng mình. Vì nếu không độc đáo thì nó chỉ là lí luận thông thường, không thể cạnh tranh tốt.
2. Từ mục tiêu nhắm tới (phục vụ ai? lúc nào? và ở đâu?) phải khai triển được càng nhiều mục đích nhằm đáp ứng càng nhiều yêu cầu của Khách hàng càng tốt.
Phân tích tìm những Mục đích chính, căn bản, độc đáo để tìm các phương án giải quyết khác nhau, chọn phương án hiệu quả nhất.
Chọn được mục đích, mục tiêu đúng thì mới có giải pháp đúng được.
Khi tham quan các doanh nghiệp thành đạt cần chú trọng tới mục đích của họ là gì chứ đừng quan tâm tới phương tiện họ đang dùng. Không nên xem cái họ đang làm mà cần tìm cái sắp tới, cái tuyệt định họ đang vươn tới.
3. Xây dựng hình dáng phải có: mô hình kinh doanh, cơ cấu sản xuất, dịch vụ phù hợp của riêng mình.
4. Xây dựng hệ thống: Tư duy đột phá là phải xây dựng được một hệ thống vận hành trôi chảy, không để xảy ra một sai sót nào, với độ an toàn cao nhất
Hệ thống nào có chi phí thấp nhất (đầu vào, đầu ra), sản phẩm đạt được phù hợp với mục đích đề ra là Hệ thống đạt hiệu năng cao nhất.
Xây dựng hệ thống mà mỗi thành viên đều có thể tự vận động.
Để làm ra một sản phẩm, tiến trình xử lí phụ thuộc vào các yếu tố:
- Mục đích, mục tiêu hướng tới là gì?
- Môi trường thực hiện ra sao ?
- Nhân lực ?
- Vật lực ?
- Thông tin cần có?
- Đầu vào, đầu ra ?
5. Thu thập thông tin thích hợp: từ Mục đích chính đã chọn, để giải quyết Mục tiêu đề ra cần thông tin gì, mới lên kế hoạch thu thập thông tin.
Khi thời gian và chi phí không cho phép, chỉ nên tập trung thu thập những thông tin nóng bỏng, trọng yếu nhất.
Chi phí không phải chỉ là tiền mà còn là thời gian. Chi phí thu thập thông tin, phân tích, bảo quản, thải loại rất tốn kém (tiền của cũng như thời gian).
Thu thập thông tin để tạo ra trí tuệ chứ không phải để giải quyết vấn đề.
Tư duy cũ: có vấn đề nảy sinh mới thu thập thông tin, càng nhiều thông tin càng tốt, sau đó về phân tích loại bỏ những thông tin không cần thiết, tìm giải pháp khắc phục, như vậy sẽ mất nhiều thời gian, nhiều chi phí không cần thiết.
Trong xã hội hiện đại, thông tin tràn lan. Thông tin có được trên Internet nhiều khi cũng đã trở nên lạc hậu đối với công việc kinh doanh.
Thu thập thông tin cũng cần có phương pháp:
B1. Dự kiến những thông tin cần thu thập.
B2. Tập trung vào những thông tin chính, loại bỏ những thông tin không cần thiết.
B3. Đánh thứ tự ưu tiên theo sự hữu ích của thông tin.
B4. Giao cho nhân viên đi thu thập thông tin theo thứ tự ưu tiên.
6. Lôi cuốn mọi người cùng tham gia: đây cũng là nguyên nhân quan trọng đảm bảo cho sự thành bại của kế hoạch. Mọi người, nếu không được thuyết phục thì họ sẽ không hành động.
Tạo điều kiện cho càng nhiều người cùng trao đổi càng tốt (tránh tranh luận: đúng - sai). Trao đổi là hợp tác tìm ra câu trả lời tốt nhất. Phát triển tính sáng tạo của mọi người, tiếp nhận mọi ý kiến, mọi ý tưởng (ý tưởng nào cũng có cái lí thú của nó).
Cần thấy là mỗi ý tưởng đều là mầm, là hạt giống cần tạo điều kiện nuôi dưỡng để nó có thể ra hoa kết trái.
Phương pháp: tiếp nhận mọi ý tưởng - khuyến khích để nhân các ý tưởng đó lên (mở rộng) - sau đó tóm tắt, tập trung vào những ý tưởng có hiệu quả tốt nhất.
Con người phải là đối tượng đầu tiên cần được động viên để cùng thống nhất hành động mới mong có được sự thành công.
Có thể ra lệnh, nhưng chưa chắc cấp dưới đã thực hiện đúng 100% mệnh lệnh của cấp trên. Cũng cần có sự đồng thuận của bộ phận xung quanh, đồng cấp (tâm phục, khẩu phục). Cần có sự hợp tác của nhiều Doanh nghiệp, thậm chí cả cơ quan công quyền.
7. Cần liên tục cải tiến, canh tân không ngừng. Cần chuẩn bị cải cách ngay khi vẫn đang còn sức mạnh, nếu không cũng chỉ thành công trong thời gian ngắn mà thôi. Sự mạo hiểm trong kinh doanh là cần thiết.
- Thông thường: người ta chỉ chú ý tới phương pháp tiếp cận thay vì phải chú ý tới Mục đích cần đạt được.
Với tư duy đột phá: trước hết phải tìm ra được những mục tiêu, mục đích chính cần đạt được là gì: cho ai ?, lúc nào ? và ở đâu ? rồi sau đó mới đi tìm các phương pháp để đạt được mục đích căn bản đó.
Với một mục tiêu cần đạt được, luôn luôn có nhiều cách giải quyết khác nhau, phương cách nào đáp ứng được nhiều mục đích hơn thì sẽ tốt hơn. Do đó, với lối tư duy mới sẽ luôn chủ động, biến hóa trong quá trình thực hiện.
Không có sản phẩm nào là tốt cho tất cả mọi người. Nó phụ thuộc vào ai là người sử dụng, sử dụng lúc nào và ở đâu. Do đó không thể học tập một cách máy móc, dập khuôn. Mỗi Doanh nghiệp cần có cái độc đáo, cái riêng của mình cũng như luôn luôn phải tự đổi mới mình thì mới mong có thể tồn tại và phát triển.
Những mục tiêu nào đáp ứng được cho nhiều người nhất sẽ được tiêu chuẩn hoá. Những mục tiêu mang cá tính riêng sẽ để người sử dụng chủ động chọn lựa bổ xung.
- Phương pháp khai triển mục đích phải đi tuần tự, không nhảy cóc và phải được thể hiện bằng ngôn ngữ của chính mình.
- Đừng để bề nổi chi phối bạn (như hình thức bên ngoài), mà phải cố phát hiện được cái căn nguyên, nguồn gốc cơ bản của nó.
- Nhà kinh doanh phải luôn tự đặt ra câu hỏi: mục đích này để làm gì ? để tìm lời giải (và cứ thế cho đến căn nguyên cuối cùng). Giống đứa trẻ luôn hỏi: cái này để làm gì, sau khi người lớn đưa ra câu trả lời, nó lại hỏi cái tiếp theo đó để làm gì ?.....
- Nhà kinh doanh phải khai triển được càng nhiều câu hỏi Mục đích để làm gì càng nhiều càng tốt để đi đến cái căn bản cuối cùng mà các Nhà kinh doanh khác không có hoặc chưa có.
- Để có thể tìm ra nhiều mục đích: cần có sức tưởng tượng và sự sáng tạo (khả năng đưa ra nhiều giả thiết để tìm hướng án giải quyết).
- Cần lưu ý: những người có chuyên môn cao: thường thiên kiến, bảo thủ, sơ cứng trong sự sáng tạo. Họ hay nhấn mạnh đến khó khăn tưởng chừng như khó có thể vượt qua. Những ý tưởng đột phá thường lại do những người không phải là chuyên gia chuyên ngành đưa ra.
Do đó, phương pháp tốt nhất là huy động được càng nhiều người cùng tham gia dưa ra càng nhiều phương án càng tốt. Mọi ý kiến đều hay, việc của Nhà kinh doanh là chọn ra được những ý kiến đáp ứng nhiều nhất mục đích chính đã chọn. Phương án nào đạt được mục đích rộng hơn thì nó sẽ tuyệt vời hơn.
- Cần có lòng quyết tâm, tính quyết đoán cao.
Phương án càng gần tới cái tuyệt đỉnh thường lại khó hiểu đối với đa số. Phương án mà được đa số mọi người hiểu và tán thưởng lại dễ là những phương án tầm thường.
IV. CHIẾN LƯỢC KINH DOANH THEO TƯ DUY ĐỘT PHÁ:
- Cách suy nghĩ an bài: doanh nghiệp nhỏ sẽ luôn luôn nhỏ. Nó phụ thuộc vào ý thức, cách nhìn nhận vấn đề. Cần cải tiến liên tục, canh tân liên tục.
- Khi nhìn góc độ này không giải quyết được thì phải chuyển ngay sang góc độ khác để xem xét. Có khi nhiều năm sau có thể lật ngược thế cờ không chừng.
- Khai triển mục đích là biện pháp vô cùng hữu hiệu. Mọi ý kiến dù khác nhau, nhưng bao giờ cũng có phần nào đó hướng tới mục đích chính, mục đích tiêu điểm. Khi ta khai triển mục đích, nếu mục đích đó không được thì mục đích khác sẽ là cái gì?
- Khi đối tượng nhắm tới thay đổi, các tập hợp thay đổi thì cái căn bản cũng thay đổi, hình dáng tuyệt đỉnh thay đổi, chiến lược thực hiện nó cũng phải thay đổi.
- Đưa ra được những câu hỏi sáng tạo sẽ tìm được các mục đích, từ đó tìm được mục đích tiêu điểm. Lên kế hoạch xây dựng hình dáng, hệ thống tương lai phù hợp.
- Điều quan trọng nhất: phải thay đổi được nhận thức. biết đứng ở hướng khác (mà mọi người đang đứng) để nhìn nhận vấn đề. Từ đó thay đổi ý thức, vận dụng tốt trí thức để có được kiến thức tổng thể. Muốn thay đổi hành động cần có ý chí, lòng can đảm, tính quyết đoán. Nhà kinh doanh phải có sự nỗ lực, lòng quyết tâm cao.
- Cái cải tiến ngày hôm nay là mang Tư duy Descartes. Cái triển khai ngày mai phải với Tư duy đột phá, phát triển cơ hội mới. Phát triển cơ hội là việc của Nhà kinh doanh, cải tiến hiện tại (5S) là việc của Nhà quản lí.
- Nhà Kinh doanh cần xem trọng nhân tính: con người là nền tảng (ở Mĩ coi con người là chi phí). Muốn tạo ra được sản phẩm tốt, dịch vụ tốt không ai khác là con người. Do đó, Doanh nghiệp phải biết chăm lo xây dựng con người. Có khó khăn trí tuệ mới nẩy nở.
- Xem trọng cộng hưởng tập đoàn (tính cộng đồng).
- Có nền văn hoá luôn phát triển, đổi mới.
V. MARKETING THEO TƯ DUY ĐỘT PHÁ: TIẾP THỊ DẠNG QUAN NIỆM
- Dạng thô sơ: sản xuất ra bao nhiêu bán bấy nhiêu. Cung thấp hơn cầu.
- Dạng thị trường (những năm 1970): sản xuất theo nhu cầu thị trường.
- Dạng hạt giống (những năm 1980): xây dựng các Viện nghiên cứu trong Doanh nghiệp, liên tục đưa các sản phẩm mới ra thăm dò thị trường trước khi cho sản xuất hàng loạt.
- Dạng đưa ra khái niệm (từ những năm 1990 đến nay): đây là mô hình kinh doanh mới, sáng tạo ra nhu cầu chứ không chạy theo nhu cầu nữa. Mục đích cuối cùng không phải đạt được kĩ thuật nữa mà là phục vụ con người.
Đưa ra những khái niệm, tiêu chuẩn mới cho thị trường.
Mục tiêu của nó là: ĐƯA RA KHÁI NIỆM - TẠO RA THỊ TRƯỜNG.
Tiêu điểm sáng tạo khái niệm: mục tiêu tiến tới của nó là: cho ai? lúc nào? ở đâu? Từ đó thay đổi mục đích, giá trị quan, ấn tượng cũng như hình dáng, cơ cấu của hệ thống phải có.
B. VẬN DỤNG TƯ DUY ĐỘT PHÁ ĐỂ CẢI CÁCH DOANH NGHIỆP:
(Thầy MIKI- YOSHI: viện trưởng Viện nghiên cứu kinh doanh sáng tạo giá trị, giáo sư đặc biệt ĐẠI HỌC TOWA. từng làm việc 30 năm tại Hãng TOTO (Trưởng ban xúc tiến cải cách nghiệp vụ với tư duy đột phá).
Hạnh phúc mà cứ chờ thì nó sẽ không tới. Hạnh phúc phải do tự mình xây dựng lên. Muốn vậy:
- Phải có lòng hiếu kì
- Phải có những mối quan tâm khác nhau và cần thử thách với nó (tính mạo hiểm).
- Mạnh lạc trong các mối quan hệ với mọi người.
- Có tư tưởng lạc quan trong cuộc sống.
Kinh doanh không thể do một người, mà phải là một cộng đồng có mối liên hệ đan chéo lẫn nhau, ảnh hưởng tới nhau.
Kinh doanh mà chỉ tập trung vào 1 cực, 1 nơi thì rủi ro lớn. Câu ngạn ngữ: không nên để hết trứng vào một giỏ.
Khái quát về Công ty TOTO:
- Thành lập ngày 15/5/1917 với tên CÔNG TY CỔ PHẦN TOTO KIKI. Hiện Đại bản doanh đang đóng tại tỉnh FUKUOKA (phía nam Nhật bản).
- Đến năm 1990, bắt đầu cải cách.
- Từ 1996 đến 1999, bắt đầu cải cách triệt để nhất với kế hoạch BR (áp dụng tư duy đột phá trong kinh doanh) và đã xây dựng được hình ảnh TOTO như ngày nay.
- Số vốn đến cuối năm 2006: 35,579 Tỉ Yên.
- Tổng số nhân viên trong Công ty (2006): 8.056 người cùng với 17.192 người tại các Công ty liên kết. (năm 1990 TOTO có khoảng 10.000 người, đến tháng 10/2004 lên tới 37.296 người)
Giai đoạn nền kinh tế Nhật bản bị suy thoái nghiêm trọng, Doanh nghiệp vẫn tiếp tục đầu tư xây dựng cơ sở vật chất dẫn đến:
- Dư thừa con người.
- Dư thừa thiết bị.
- Dư nợ lớn.
Nền kinh tế bong bóng là: thấy mọi người làm được thì cũng đua nhau làm theo. Cái đáng sợ nhất là làm theo phong trào. Cái quan trọng nhất là năng lực có thể nhìn thấy cái gì thu được sau đó.
Nhiều Ngân hàng có nguy cơ phá sản. Phải đến cuối năm 2006 mới có dấu hiệu hồi phục và bước đầu phát triển.
Muốn tăng lợi nhuận, có 02 cách: tăng doanh thu hoặc giảm chi phí.
Chi phí bao gồm: chi phí cố định (lương nhân viên) và chi phí biến động (vật tư, vật liệu).
Để tăng doanh thu: người ta thường giảm chi phí cố định bằng cách: giảm tối đa số nhân viên có thể giảm được, giảm lương. Số còn lại thuê lao động ngoài xã hội hoặc Hợp đồng ngắn hạn, Hợp đồng thầu phụ. Như vậy, ta đã biến một phần chi phí cố định (lương) thành chi phí biến động. Từ đây, chi phí thuê đất, thuê nhà, điện, nước,.... cũng giảm theo.
Tài nguyên kinh doanh bao gồm: con Người, vật tư thiết bị, tiền vốn, thông tin. Nay phải kể thêm sức mạnh Thương hiệu, sức mạnh kĩ thuật, nó là cốt lõi tạo ra sức mạnh cạnh tranh.
Phân tích một doanh nghiệp theo bốn chữ cái S.W.O.T:
- S: các điểm mạnh của Doanh nghiệp ?
- W: những mặt yếu của Doanh nghiệp?
- O: các điều kiện cơ hội ?
- T: những nguy cơ tiềm ẩn?
Chiến lược:
- Nên tập trung phát huy điểm mạnh hơn là khắc phục điểm yếu. Tấn công là biện pháp tự vệ hữu hiệu nhất. Nếu quá chú tâm vào khắc phục điểm yếu vừa thiếu chủ động, vừa không thể nâng tầm doanh nghiệp lên được.
- Luôn luôn phải biết tìm ra những cơ hội mới để phát triển và dự kiến trước những rủi ro tiềm ẩn để có biện pháp đối phó từ xa.
- Sự thành bại của Doanh nghiệp cũng phụ thuộc nhiều vào sự đồng thuận, trung thành của đội ngũ nhân viên.
Làm thế nào để cải cách và động viên nhân viên cải cách tư duy:
- Phải đi từ trên xuống. Ban Lãnh đạo cao nhất phải là người nắm chắc, hiểu rõ nội dung, bước đi trước hết rồi mới truyền đạt dần tới các cấp thừa hành bên dưới.
Làm sao có thể nâng cao lòng trung thành. thông thường ít ai yêu Doanh nghiệp mình. Quan trọng đối với họ chỉ đơn giản là: họ có yêu công việc họ đang làm hay không và họ có được đánh giá đúng năng lực hay không.
Giao việc cho cấp dưới phải nêu rõ được mục đích cần đạt được, thời gian phải hoàn thành và tạo điều kiện cho họ tự thể hiện được bản thân, sẽ tạo được lòng trung thành.
Càng lên cao bao nhiêu càng phải đi hiện trường, thực tế bấy nhiêu. Nếu không, chỉ luôn nghe những điều hay do cấp dưới tô vẽ lên. Ông Chủ thì luôn muốn đạt chất lượng cao, trong khi cấp dưới lại chỉ muốn giảm chi phí do đó có thể làm ảnh hưởng tới hình ảnh của Doanh nghiệp.
- Quan niệm kinh doanh thế nào? lĩnh vực hoạt động chính của Doanh nghiệp ?, cái gì không thuộc lĩnh vực hoạt động đó sẽ không làm. Người Lãnh đạo cao nhất nếu chưa xác định rõ hướng đi, thì ở dưới, mọi người sẽ khó có thể cùng đi một hướng thống nhất. Doanh nghiệp có thể tiến tới phá sản.
Dựa vào năng lực Doanh nghiệp (vốn, điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội, các nguy cơ tiềm ẩn,...) để đề ra chiến lược kinh doanh phù hợp, các kế hoạch kinh doanh dài, trung và ngắn hạn (từ nhiều năm cho đến từng tháng, từng tuần, từng ngày).
Phương pháp quản lí kế hoạch dạng vòng P.D.C.A: lập kế hoạch - thực hiện kế hoạch - kiểm tra thực hiện - hành động điều chỉnh kế hoạch tiếp theo. Xoay chuyển vòng P.D.C.A theo hình xoắn ốc đi lên.
Do điều kiện kinh doanh biến đổi rất nhanh, nên Doanh nghiệp Nhật Bản thường chỉ lập kế hoạch dài đến 3 năm. đối với xây dựng hạ tầng kĩ thuật, đầu tư thì kế hoạch có thể dài hơn.
Hiện nay, do yếu tố bảo vệ môi trường được quan tâm đặc biệt của toàn xã hội. do đó, tại Nhật bản đang thực hiện công thức SS > ES > CS (SS: môi trường; ES: nhân viên; CS: khách hàng).
Vì Nhân viên là người trực tiếp hàng ngày tiếp xúc với khách hàng, là cầu nối Doanh nghiệp với khách hàng. do đó, nhân viên không được hài lòng thì khó mà làm hài lòng khách hàng.
TOTO với tiêu chí: không có kế hoạch Number.1 (đứng đầu) mà mục tiêu của họ là lập kế hoạch Only.1 (duy nhất), không đâu có, đó là sự khác biệt độc đáo của TOTO.
Muốn vậy, phải biết lắng nghe khách hàng, thị trường, xã hội. Phải biết dự đoán trước viễn cảnh xã hội ở tương lai, từ mầm mống ý tưởng đó, sáng tạo kĩ thuật, tiếp thị để tạo ra thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Mục đích không phải là tạo ra công nghệ mới, mà là phải tạo được giá trị khách hàng, thị trường mới (đó là biết khai thác nhu cầu tiểm ẩn của khách hàng).
Thực hiện chiến lược đăng kí bằng phát minh sáng chế, lập viện nghiên cứu trong doanh nghiệp, liên kết với các trường đại học (rút ngắn thời gian nghiên cứu, đăng kí bằng sáng chế), sau đó bán phát minh để thu lợi nhuận.
Phải liên tục cải cách, canh tân. Khó khăn nhất là phải canh tân được đầu óc. Nếu không thay đổi căn bản lối suy nghĩ thì Doanh nghiệp không thể phát triển.
- Ở Nhật bản hiện nay đang thịnh hành quan niệm: 2 - 6 - 2:
Nghĩa là với một vấn đề thường có 20% ủng hộ, 20% phản đối và 60% do dự. Vởy, việc của chúng ta là làm so lôi kéo được 60% còn đang do dự. (Bản thân trong số ủng hộ, phản đối, cũng được chia thành tỉ lệ 2-6-2). Do đó, ở Nhật thường áp dụng biện pháp thường xuyên điều chuyển nhân sự, không để họ làm việc gần nhau quá lâu.
Từ năm 2007 đến 2010: ở Nhật sẽ có khoảng 7 triệu người về hưu. Đó là những người có công lớn nhất tạo ra hình ảnh của nước Nhật ngày nay. Cần có phương án tái sử dụng nhân tài và chuyển giao công nghệ trước khi về hưu và nuôi dưỡng thế hệ kế tiếp.
Một doanh nghiệp luôn tồn tại 3 yếu tố chiến lược:
- Doanh nghiệp mình tồn tại là vì cái gì.
- Khách hàng của mình là ai, ở đâu, và lúc nào.
- Khi nhiên cứu nhu cầu khách hàng, cần quan tâm đến yếu tố đối thủ cạnh tranh.
Doanh nghiệp còn phải có trách nhiệm đối với sự ổn định của: môi trường, xã hội, và kinh tế.
Doanh nghiệp tồn tại, phát triển phụ thuộc vào năng lực của nhà lãnh đạo. Nhưng doanh nghiệp lại không phải chỉ là tài sản riêng của Ông chủ. Nếu doanh nghiệp suy thoái, nó ảnh hưởng tới từng gia đình nhân viên, ảnh hưởng tới nơi doanh nghiệp hoạt động.
Tư duy đột phá không phải là phép mầu tuyệt đối. Muốn áp dụng tư duy đột phá phải có tri thức (sự hiểu biết rộng), khả năng khái quát, sáng tạo cao để biến tri thức thành trí tuệ. tư duy đột phá chỉ là một phần trong công tác quản lí.
Cái cuối cùng, chúng ta phải trả lời được câu hỏi: ta làm cái đó, mục đích là để làm gì và cứ giải đáp cho tới khi tìm được mục tiêu cuối cùng, mục tiêu căn bản, nguồn gốc căn nguyên thì chúng ta mới tìm ra giải pháp, con đường đi đúng được.
Cuối cùng: cần phối hợp giữa 2 lối tư duy: Descartes và đột phác, vận dụng cách suy nghĩ cho phù hợp với từng hoàn cảnh cụ thể.
Mục đích của 5S không phải chỉ là các tiêu chí: gọn gàng, sạch sẽ,.... mà là nó muốn thay đổi căn bản nhận thức của mỗi thành viên, mỗi người đều coi doanh nghiệp như là ngôi nhà thứ hai của mình, đó là văn hoá mới của doanh nghiệp.
C. VAI TRÒ NHÀ KINH DOANH KHI ÁP DỤNG TƯ DUY ĐỘT PHÁ:
(Giáo sư HIBINO SHOZO ,Hội trưởng Hội qui hoạch kế hoạch Nhật bản, giáo sư khoa xã hội Đại học CHUKYO, tiến sĩ xã hội - điều khiển học sản xuất, là một trong những người phát kiến tư duy đột phá).
Thu thập thông tin và tư duy là 2 việc hoàn toàn khác nhau. Càng nhiều thông tin, càng lười suy nghĩ, nó tạo hội chứng bắt chước. Phải xây dựng được những người biết tự mình biết suy nghĩ với động cơ tư duy hỗn hợp.
Ở Việt nam tính chuyên nghiệp còn thấp, do vậy vấn đề đầu tiên phải là đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng con người chứ không phải chế tạo ra những linh kiện.
Nhiệm vụ chính của Doanh nghiệp không phải chỉ tạo ra những sản phẩm cụ thể mà phải đào tạo ra những con người có thể tự suy nghĩ, tự điều khiển mình, biết tự động não. Đối với người Châu Á, con người là tài sản (Mĩ: coi con người là chi phí), đã là tài sản thì phải tìm cách phát triển giá trị của nó. Đây là vai trò của nhà kinh doanh.
Tư duy đột phá tạo cho nhà kinh doanh biết đứng từ trên đỉnh để nhìn xuống khi giải quyết công việc.
Người Lãnh đạo cần có tư duy hỗn hợp với 02 động cơ suy nghĩ là: tư duy đột phá và tư duy Descartes. Và biết phối hợp hoặc sử dụng hiệu quả cả 2 lối tư duy này.
Cần đổi mới bắt đầu từ người Lãnh đạo cao nhất rồi mới đến người mới tuyển dụng.
Cần đào tạo nhân viên sao cho họ làm việc với tinh thần tự hào doanh nghiệp dù ở cương vị nào, bất kì ở đâu.
TOYOTA: trên dây chuyền sản xuất, người tiếp theo chính là khách hàng, không bao giờ hàng xấu được chuyển tới nhân viên kế tiếp, mọi sản phẩm đều phải được kiểm tra kĩ lưỡng trước khi tiếp tục sang giai đoạn tiếp theo. Mọi nhân viên đều có thể bấm nút cho dừng dây chuyền nếu phát hiện hàng có lỗi.
Quan niệm phương Tây: doanh nghiệp bao gồm Chủ và thợ.
Quan niệm phương Đông: doanh nghiệp là một gia đình, mọi thành viên đều có trách nhiệm đối với sự tồn tại và phát triển doanh nghiệp mình. Mỗi thành viên phải luôn có tư duy suy nghĩ hỗn hợp trong đầu với 2 động cơ (Descartes và đột phá), điều đó sẽ tạo sức mạnh tổng hợp cho doanh nghiệp.
Đã là nhà kinh doanh thì phải tự mình suy nghĩ. Mục đích của khoá học là kích thích óc suy nghĩ chứ không muốn mọi người bắt chước những gì mà TOTO cũng như TOYOTA đã làm. Phải xác định được chính xác vấn đề cốt lõi nó nằm ở đâu ? Nhà kinh doanh khác nhà quản lí là họ phải suy nghĩ trong một không gian và thời gian rộng hơn nhiều.
Tư duy Descartes là tư duy dựa vào những gì có thể thấy được bằng mắt, từ sự thật khách quan.
Tư duy đột phá: phải thấy được những gì đằng sau nó, không thể nhìn thấy bằng mắt. Đó mới là cái tuyệt đỉnh, cái tương lai cần hướng tới.
Để có được tư duy đột phá, cần thực hiện các bước:
- Bước thứ nhất (đã biết): trong năm đầu, làm sao mọi người trong doanh nghiệp biết được có một tư duy mới: tư duy đột phá.
- Bước thứ 2 (đã hiểu): mọi người đều hiểu được tư duy đột phá là gì. Tại sao lại cần phải trang bị thêm tư duy đột phá.
- Bước thứ 3 (tự trang bị): mỗi người đã có thể tự trang bị cho mình có được động cơ tư duy hỗn hợp.
Nhà kinh doanh phải là người đôn đốc mọi người tự rèn luyện, tự mình vượt lên chính mình với sự nỗ lực cao nhất.
Phương pháp:
- Phải làm sao càng dễ hiểu, dễ thực hiện càng tốt.
- Phải luôn thuyết phục, liên tục kích thích, đôn đốc.
- Phải tạo niềm tin, luôn có giấc mơ thì mới thành công được.
Người Lãnh đạo còn hoài nghi thì không thể thành công. Chỉ cần áp dụng được trên 20% các bộ phận trong doanh nghiệp thì doanh nghiệp đã có sự thay đổi lớn.
Việc triển khai phải mất thời gian nhiều năm, không thể sốt ruột. Doanh nghiệp chỉ phát triển mạnh khi mọi người đều có thể tự mình suy nghĩ, tự mình vươn lên. Cũng như khi ta đưa họ con cá, họ sẽ lười suy nghĩ, cứ hết cá lại tìm cách xin thêm. Nhưng nếu đưa họ cần câu và dạy họ cách câu, họ muốn nhiều cá hơn thì họ phải tự nghĩ cách cho riêng mình.
Khi áp dụng tư duy đột phá, chúng ta sẽ luôn gặp các bức tường ngăn cản. Phải suy nghĩ cách vượt qua, phải làm cho đến cùng, liên tục.
- Không bao giờ được đưa ra những lí do: không thể làm được. Mà chỉ có những điều chưa làm được mà thôi.
- Không bỏ dở giữa chừng.
- Cần luôn hướng tới cái căn bản, cái cốt lõi của vấn đề mà ta đang theo đuổi.
- Đừng có bao giờ áp dụng các điển hình thành công khác, tuyệt đối cấm bắt chước.
Nhà kinh doanh phải là người đầu đàn chứ không nên là một ông vua. Là người đầu đàn trong cải cách, người luôn đưa ra được các kế hoạch kinh doanh mới. Có tiến hành làm mới phát hiện ra vấn đề và hiểu vấn đề, tạo kiến thức cho mình.
Người quản lí là người giải quyết đúng vấn đề, đúng tiêu chuẩn, qui trình. Phải tạo được con người để đặt đúng vào hệ thống.
Hiểu đúng căn bản sự việc, đúng vấn đề cần giải quyết để tránh nỗ lực giải quyết một vấn đề trong khi vấn đề đó khi đặt ra đã sai hoặc nay điều kiện môi trường đã thay đổi, không phù hợp nữa. Không thể để nhân viên cứ nỗ lực làm những việc mà từ mục tiêu đề ra cũng như kế hoạch thực hiện đã bị sai ngay từ đầu.
Phải làm sao mọi nhân viên không còn máy móc thực hiện những việc mà nó không còn cần thiết, không có ích lợi nữa. Những cái gì không cần làm mà cứ làm là lãng phí tiền của, lãng phí thời gian.
Bằng phương pháp khai triển mục đích: sẽ tìm được Mục đích lớn hơn, mục đích căn bản và loại bỏ những mục đích nhỏ hơn, những mục đích không cần thiết khác. Cần liên tục khai triển mục đích để thay đổi cách nhìn nhận vấn đề. Luôn đặt ra câu hỏi: mục đích của mục đích là gì ? Để tìm ra mục đích chính cần quan tâm.
Khi khai triển mục đích cần nâng cao năng lực ngôn ngữ để có thể hiện đúng được bản chất vấn đề mà mình muốn nêu (cần tham khảo từ điển)
- Không nhìn sự vật bằng con mắt thông thường với Tư duy Descartes. Phải nhìn sự vật qua bản chất, căn nguyên của nó (không nhìn thấy được bằng mắt).
- Nhân viên là con người, không phải Robot. Do vậy, khi xem xét hành động của họ, không nên chỉ phân tích đơn thuần mà nên trên quan điểm có sự tương tác giữa những con người trong một tập thể với nhau.
Nếu chỉ đưa lối suy nghĩ phân tích (Descartes) vào kinh doanh thì không tránh khỏi thất bại.
Phải lôi cuốn được mọi người cùng tham gia mới có những thông tin nóng bỏng. Cần thay đổi liên tục với 7 nguyên tắc đã nêu. Xuất hiện ý tưởng mới cần phải nuôi dưỡng ngay.
Nhà kinh doanh xuất sắc phải biết đặt ra những câu hỏi thông minh cho mọi người chứ không phải là người trả lời câu hỏi, trả lời là việc của các chuyên gia.
Để đạt được 1 mục đích, phải đưa ra được càng nhiều giải pháp càng tốt. Đừng bao giờ nghĩ với 1 giải pháp ta sẽ thu được nhiều kết quả khác nhau.
Sự hiểu biết chưa thể tạo nên sức mạnh (mới là nhà lí luận). Muốn có sức mạnh, phải thực hành. Muốn thực hành, phải lôi kéo được mọi người xung quanh. Hành động mới chính là sức mạnh.
Với tư duy Descartes: mục đích sao cho chủ trương của mình đưa ra phải thắng người khác, phải được áp dụng. Chỉ có thắng và thua.
Lúc tìm giải pháp: áp dụng trò chơi tin tưởng (tư duy đột phá), mọi ý kiến đều cần thiết. Không phải là tìm sự thật mà tìm giải pháp. Cộng hưởng các ý tưởng khác nhau, nhân lên tạo ra những thay đổi ấn tượng. Chúng ta phải biết cách cộng hưởng sáng tạo riêng của mọi thành viên.
Khi áp dụng: áp dụng trò chơi nghi ngờ (tư duy Descartes) nhằm giảm rủi ro khi thực hiện.
Một số ví dụ sơ lược trong khai triển mục đích:
1. Máy ảnh để làm gì: để chụp ảnh.
- Chụp ảnh để làm gì: từ đây đã bắt đầu xuất hiện nhiều mục đích khác nhau, tùy thuộc vào đối tượng, thời gian và địa điểm sử dụng (kí giả, người du lịch, đám cưới, ảnh phong trào,…).
Trong mỗi đối tượng nêu trên lại xuất hiện thêm nhiều mục đích khác nhau: kí giả (chiến trường, kí giả thể thao, …), người du lịch (người già, nữ sinh, gia đình mới cưới,…),….
Cứ như vậy, ta khai triển mục đích càng nhiều càng tốt. Vậy, nhà sản xuất máy ảnh sẽ phải chọn sản phẩm của mình sản xuất trong tương lai là nhằm tới khách hàng nào? Khi nào ? và Ở đâu ?
Vì sao lại chỉ chọn đối tượng đó ?. Khi giải đáp được các câu hỏi, ta sẽ tìm được hướng giải quyết vấn đề một cách chính xác nhất. Xác định được mục đích hướng tới, sẽ triển khai thiết kế máy ảnh với những tính năng cần có theo nhu cầu khách hàng.
2. Tương tự như vậy đối với xe hơi: họ mua xe hơi để làm gì ? Nếu chỉ để di chuyển từ nơi này đến nơi khác thì sẽ có nhiều phương tiện tốt hơn (máy bay, tàu hỏa, xe buýt, thậm chí cả xe đạp, xe máy,….). Mục đích là để đi hội thảo, Internet có khi đáp ứng tốt hơn nhiều. Do vậy, nếu ta trả lời được câu hỏi: họ mua ô tô để làm gì, ta sẽ đưa ra được những sản phẩm phù hợp với đối tượng sử dụng.