Bạn đang xem trang 1 / 1 trang

Gặp mặt Thầy và Cô Đức ở Tokyo

Đã gửi: Năm T10 11, 2012 1:58 pm
Viết bởi Nguyễn Du

Như thông lệ hằng năm, cứ đến dịp tháng 9, các kohai từ Việt Nam lại sang Nhật để bắt đầu con đường du học của mình, một chặng đường hứa hẹn nhiều thành công nhưng cũng có không ít khó khăn ở phía trước. Để chuẩn bị cho kohai có sự chuẩn bị tốt nhất để bắt đầu chặng đường mới này, ngày 7/10 các sempai đi trước mà chủ yếu là sempai đã và đang phát báo, đã tổ chức buổi ra mắt cho kohai tại Hội trường ABK. Cũng đúng dịp này, thầy hiệu trưởng đang công tác tại Nhật, vì vậy dù rất bận nhưng thầy đã dành trọn một buổi chiều để gặp mặt anh em. Đi cùng thầy trong chuyến đi lần này, có cô Đàm Lê Đức, một người cô dù không trực tiếp giảng dạy nhưng cũng rất quen thuộc với anh em Đông Du chúng ta. Sau đây là hai bài tổng kết về buổi gặp mặt này.


1. Buổi ra mắt kohai. Nội dung buổi ra mắt do bạn Kì, sempai phát báo năm 2 tổng kết lại.




Chủ Nhật ngày 7/10 vừa qua, ban đại diện Kanto đã tổ chức gặp mặt thầy, cô Đức và chào mừng kohai khóa tháng 10 sang Nhật tại phòng hội nghị của ABK. Măc dù những cơn mưa lạnh lẽo cuối thu từ suốt những ngày qua vẫn rơi trên những chặng đường anh em phát báo, nhưng nó không khiến sự háo hức gặp mặt giữa sempai-kohai giảm đi dù chỉ một chút. Đúng 10h30, mọi người đã tập trung đầy đủ. Cái lạnh tê người đầu đông như báo trước một chặng đường khó khăn gian khổ mà các em phải vượt qua, nhưng tất cả đều rất háo hức. Buổi giao lưu giữa sempai-kohai bắt đầu bằng lời chia sẻ những kinh nghiệm học tập, làm việc đầy máu và nước mắt mà các anh đã dày công đúc rút. Được nghe những lời động viên, chia sẻ từ đáy lòng của các anh, nhiều kohai đã không cầm được nước mắt. Những thắc mắc, trăn trở, lo lắng của kohai đều được sempai tư vấn nhiệt tình. Mùa đông sắp tới, kohai chúng ta vô cùng lo lắng. Không biết áo ấm các em mang sang có đủ chống chọi với mùa đông khắc nghiệt hay không? Không biết những cơn bão tuyết sẽ cố gắng quật ngã các em như thế nào? Kohai ơi! Chỉ cần trong tim các em luôn giữ ngọn lửa nhiệt huyết thì không có khó khăn nào có thể cản bước các em được. Và sempai sẽ luôn sát cánh cùng các em trên chặng đường nhiều nước mắt nhưng cũng không ít niềm vui này, các em cứ yên tâm.
Buổi gặp mặt kết thúc bằng buổi tiệc chào đón kohai do sempai đích thân chuẩn bị,tình cảm mọi người đã được thắt chặt hơn. Trước sự đón tiếp tận tình và chu đáo của sempai, kohai đã có thể yên tâm bắt đầu một chặng đường mới. Và rồi một ngày nào đó, ở chính nơi đây, chính những kohai của ngày hôm nay sẽ tiếp tục đón những lớp đàn em kế tiếp. Chúc các em sống, làm việc và học tập thành công!

2.Bài nói chuyện của thầy hiệu trưởng và cô Đàm Lê Đức
Có đích đến sẽ có con đường

Chiều ngày 7-10 tại nhà ABK, Thầy và Cô Đàm Lê Đức – người bạn vong niên của Thầy, người gắn bó với mái nhà Đông Du từ những ngày đầu thành lập - đã có buổi gặp gỡ với DHS Đông Du vùng Kanto.

Hoạch định tương lai và cuộc đời để thành công là chủ để chính trong cuộc trò chuyện đậm ân tình, xúc động giữa Thầy Cô với các bạn trẻ.

Bằng cấp không phải là số 1

Thầy cho rằng: “Muốn thành công trước hết phải có mục đích, hướng đi rõ ràng”. Khi đã xác lập đươc mục tiêu, mỗi người sẽ tự lựa chọn cho mình con đường đi phù hợp với sở thích, khả năng của bản thân và nỗ lực để đạt được. Minh chứng cho nhận định, Thầy đưa ra những tên tuổi sempai nhờ có định hướng phù hợp ngay từ ngày đầu lập nghiệp nay đã thành danh như bác Ngô Diệu Kế, bác Trần Ngọc Phúc…

Theo quan điểm của Thầy, trong xã hội ngày nay, năng lực là yếu tố tiên quyết gầy dựng sự thành công. Chủ tịch sáng lập tập đoàn Honda hay Panasonic... chính là những gương điển hình tiêu biểu cho sự thành đạt đến từ chính năng lực thực sự chứ không phải từ bằng cấp cao.

DHS Việt Nam muốn trở về nước lập thân lập nghiệp bằng kinh doanh hay nghiên cứu khoa học cũng phải dựa vào tình hình kinh tế, xã hội hiện thời của đất nước. Theo Thầy, hiện nước ta vẫn chưa có công nghiệp, kinh tế vẫn phụ thuộc vào các ngành thủ công, chế biến nông thuỷ sản... Tuy nhiên đất nước bắt đầu chuyển mình, tiến lên công nghiệp hóa – hiện đại hóa nên cơ hội cống hiến và xây dựng đất nước rất rộng mở ở phía trước. Nguyện ước các thế hệ học trò ăn học thành tài, đem trí tuệ và công sức trở về phụng sự quê hương Tổ quốc, trở thành những hiền tài cho đất Việt luôn là những trăn trở đau đáu và khôn nguôi của Thầy.

Vậy phải học như thế nào để có khả năng áp dụng vào thực tế? Thầy chia sẻ rằng: những kiến thức học trong sách vở chưa đủ, đôi khi còn xa rời thực tiễn. Để “học đi đôi với hành”, để khoa học ứng dụng thực sự có hiệu quả thì trước hết mỗi người phải biết, phải hiểu cuộc sống quanh ta. Vậy nên, tự mỗi người cần nâng cao hiểu biết, trau dồi kỹ năng thông qua cách quan sát cuộc sống, học những bài học từ chính cuộc sống hàng ngày, bắt đầu từ những việc đơn giản, nhỏ nhoi. Dần dần, “tích tiểu thành đại”, những bài học rất đời, rất người và rất tình từ cuộc sống muôn màu đó sẽ khơi gợi và nuôi dưỡng tâm hồn, trí tuệ cho người trẻ.

DHS Đông Du đều phải đi làm baito để kiếm tiền ăn học, trang trải cuộc sống. Du học tự túc, hẳn sẽ nhiều thua thiệt với các DHS quốc phí vì nỗi lo “cơm, áo, gạo, tiền” luôn đè nặng trên vai. Nhưng chỉ đi lên từ gian khó, mỗi người mới sớm khôn lớn và trưởng thành. Tuy không có nhiều thời gian để chuyên tâm cho việc học như DHS quốc phí nhưng DHS Đông Du sẽ có nhiều cơ hội tiếp xúc với con người, văn hóa và lối sống của người dân bản xứ qua từng tháng ngày làm thêm miệt mài và khổ cực. Đó là một cơ hội lớn mà mỗi DHS cần phải nắm bắt và tận dụng để học hỏi, mở mang tầm hiểu biết lẫn vốn sống. Những người bản xứ mà các bạn trẻ trò chuyện, làm việc sẽ chính là những người thầy cuộc sống mang lại những giá trị riêng mà chẳng có sách vở nào truyền đạt được. Tầm nhìn được mở mang, kinh nghiệm kinh doanh được truyền đạt, mối quan hệ được thiết lập – đó là điều mà không phải DHS Việt nào đi học nơi xứ người cũng có cơ hội tiếp cận. Tuy nhiên, học người ta và phải luôn tự nhắc nhở mình sống có ý thức, có trách nhiệm và thể hiện được hoài bão, ước vọng cuộc đời để nhận lại sự trân trọng, tôn kính của họ. Đó cũng là lời Thầy nhắn nhủ cho mọi thế hệ DHS Đông Du trên con đường hòa nhập để học hỏi.

Cứ đi ắt sẽ đến 

Cô Đàm Lê Đức là tấm gương sáng của một nhà giáo dành cả cuộc đời tận tuỵ với sự nghiệp “trồng người”. Thời gian này, nhân dịp chuyến công tác tại Nhật, Cô đã dành thời gian gặp gỡ và nói chuyện với anh em sinh viên Đông Du ở vùng lân cận Tokyo.

Trong không khí trò chuyện ấm cúng, chân tình, Cô chia sẻ với mọi người công thức thành công của cô.

KKTN=THÀNH CÔNG
(KKTN = Kiên định, kiên trì, thời gian, niềm tin)

Theo Cô, để có được thành công, mỗi người cần quy tụ đủ bốn yếu tố trên. Trong bốn yếu tố đó, với Cô sự kiên trì chính là mấu chốt, là yếu tố quan trọng nhất. “Nếu người ta cho tôi chọn một phẩm chất hay một tư cách mà gần với thành công nhất thì tôi chọn đức tính kiên trì. Cứ mỗi lần mình gục ngã là mỗi lần mình đứng dậy, chắc chắn sẽ thành công. Nhưng kiên trì là một bông hoa không phải vườn nhà ai cũng mọc, điều này phụ thuộc vào ý chí, nghị lực của mỗi người. Không gì hèn bằng không có ý chí. Mất niềm tin thì không bao giờ lấy lại được. Hãy cứ làm và tin tưởng”, Cô bộc bạch. Cô cũng không ngần ngại kể về những va vấp, gian nan vất vả mà Cô phải trải qua, những bài học xương máu mà Cô phải đánh đổi để có ngày hôm nay. “Phải sống hết mình với tuổi trẻ, dù khó khăn, thử thách thế nào vẫn phải kiên định mục tiêu và không bao giờ bỏ cuộc”, Cô nhắn nhủ.

Trong buổi gặp gỡ, nhiều bạn trẻ thật sự xúc động khi lắng nghe những áng thơ Cô mới sáng tác về công ơn mẹ cha, thầy cô. Với Cô, người có hiếu không phải chỉ dừng lại ở phụng dưỡng cha mẹ mà phải cố gắng nuôi cái chí của cha mẹ. Qua những vần thơ da diết, lay động về công lao trời biển của mẹ cha, Cô đặt ra câu hỏi cho mọi người: “Tại sao ta phải hiếu thảo với cha mẹ?”. Và chính cô, đã trả lời câu hỏi đó bằng tấm lòng lẫn vốn sống của mình. Công ơn chín chữ cù lao được cô tóm gọn lại trong 5 công ơn lớn:

* Công sinh thành: Mẹ ta mang thai chín tháng mười ngày, mang nặng đẻ đau, vất vả vô cùng. Cô gợi nhắc lại câu nói mà Cô luôn tâm huyết: “Khi ta chào đời, ta khóc, mọi người cười. Vậy hãy sống làm sao để đến phút cuối cùng của cuộc sống, ta cười, mọi người khóc”. Hãy sống xứng đáng với những gì tạo hoá ban cho. Bất hiếu cũng chính là bất nhân. Với du học sinh Đông Du, cả cuộc đời Thầy đã hy sinh để có được Đông Du như ngày hôm nay, vì vậy mình phải xây dựng Đông Du sao cho xứng đáng với công ơn của thầy cô.

* Công nuôi dưỡng: Cha mẹ không chỉ sinh thành mà còn hết lòng dạy dỗ ta. Hạnh phúc thay người nào còn cha mẹ để tôn thờ phụng dưỡng, hãy quý trọng những giây phút còn có thể dùng để báo đáp công ơn cha mẹ, đừng để sau này cha mẹ mất đi mới hối hận. Bất nhân là bất nghĩa.

*Công dạy dỗ: Cha mẹ chăm sóc, dạy dỗ ta từ nhỏ. Cô trích dẫn bài học của mẹ cô: “Tiên trách kỉ, hậu cũng trách kỉ, không bao giờ trách cứ con người” =>Trước hết phải trách bản thân mình. Và của ba Cô: “Sống trong đời mình không nhất thiết phải nhất với đời mà phải nhất với chính mình”. Cô áp dụng vào công việc của mình, không bao giờ quên bài học cha mẹ. Bất nhân là bất trí. Cha mẹ là người thầy đầu tiên, suốt đời và toàn diện của mỗi chúng ta!!!

* Công chăm sóc, bảo vệ, giữ gìn: Cha mẹ đối với ta hết mình như vậy ta phải trên kính dưới nhường với cha mẹ. Bất hiếu chính là bất lễ.

* Công tin yêu, ước vọng kế thừa tương lai: Không kế thừa chí nguyện cha mẹ chính là bất tín, bất trung.

Cô nêu lên tấm gương đại hiếu Nguyễn Trãi và đặt câu hỏi “Làm thế nào cho tròn đại hiếu?” Cô khẳng định, cần giữ trọn chữ lễ và chữ trí.
Xuyên suốt buổi họp mặt, hình ảnh Cô xuất hiện không chỉ với tư cách một nhà giáo mà còn thấp thoáng dáng hình một người bà, người mẹ, một người bạn thân thiện, gần gũi.

Sau gần 5 tiếng trò chuyện đầy xúc cảm và nhiệt huyết, buổi gặp gỡ kết thúc trong sự nuối tiếc của Thầy Cô lẫn 80 anh em Đông Du (gồm kohai phát báo và sinh viên các trường Đại học). Còn nhiều lắm những tâm tình mà Thầy Cô muốn gửi gắm, sẻ chia cũng như những băn khoăn mà học trò chúng tôi muốn được tư vấn, tháo gỡ… Đối với những anh em đã sang Nhật, cơ hội được gặp Thầy, nghe Thầy nói chuyện là không nhiều và mỗi lần gặp gỡ lại thêm một bài học chúng tôi nhu nạp được. Đó là những cảm xúc rất thiêng liêng của tình thầy trò, là những kinh nghiệm quý báu của các sempai đi trước truyền lại cho lớp đàn em, là ý chí của ngọn lửa Đông Du được nuôi dưỡng, thắp sáng và chảy bền bỉ qua tầng tầng lớp lớp nhiều thế hệ… Tôi tin rằng sự “máu lửa” của Thầy Cô đã lan tỏa và sẽ mãi cháy sáng trong trái tim, trong khối óc của các anh em Đông Du. Tôi và các bạn - những người đã thụ hưởng tri thức và nhiệt huyết đó, nếu chỉ dừng lại ở sự kính trọng và khâm phục, nếu không nỗ lực để làm một điều gì đó sẽ thực sự là một điều có lỗi với Thầy Cô.

Hình ảnh:
Link