ĐÂU RỒI, CHỢ ĐẦU MỐI
Trịnh Đình Thắng
3/8/2012
Nói đến chợ đầu mối, người ta nghĩ ngay đến một khu chợ nhộn nhịp, quy tụ hàng trăm loại nông sản từ nhiều nơi chuyển đến. Ngoài ra, chợ đầu mối còn là nơi mà các nhà bán lẻ tìm đến mua hàng với khối lượng lớn và nhiều loại mặt hàng. Thế nhưng, chợ đầu mối ở Việt Nam thì vẫn còn cảnh “cầm làn đi chợ”, thật không thể tin được.
Chợ đầu mối ở ta dường như đang được hiểu sai và chưa được quy định rõ ràng về luật pháp. Nếu có chợ đầu mối, chúng ta sẽ giải quyết được nhiều vướng mắc trong vận chuyển, phân phối nông sản, đồng thời kích thích cho nông nghiệp phát triển theo hướng hiện đại hóa.
Hơn nữa, phát triển chợ đầu mối là điều tiết dòng chảy của hàng hóa nông sản, làm minh bạch giá cả và cung cầu, giúp nhà nước điều tiết kế hoạch phát triển nông nghiệp cho từng vùng. Dưới đây tôi xin trình bày những vai trò và chức năng của Chợ đầu mối để giải thích cho những điều này.
Vai trò của Chợ đầu mối
Chợ đầu mối là nơi tập trung một lượng lớn nông sản tươi sống (như: rau quả tươi, thủy sản, thịt…) từ các tỉnh thành cả nước chuyển đến. Tại đây, nông sản sẽ được nhanh chóng trao đổi, phân phối với giá thành phù hợp (ở sau sẽ giải thích về việc phân phối theo nguyên lý bán đấu giá).
5 chức năng chính của Chợ đầu mối
Chức năng 1: Tập trung hàng hóa
Để các nhà bán lẻ, các nhà hàng, doanh nghiệp chế biến (ở đây tạm gọi là người mua) đảm bảo nguồn cung, họ tìm đến những nơi quy tụ nhiều chủng loại nông sản với số lượng lớn. Đặc biệt, nông sản tươi cần được vận chuyển và tiêu thụ ngay trong ngày, do đó, người làm nông sau khi thu hoạch muốn bán đi thật sớm.
Chức năng 2: Hình thành giá thị trường
Khi hàng hóa được quy tụ về với số lượng lớn, các người mua sẽ phải cạnh tranh nhau với giá cả hợp lý nhất với họ. Điều này sẽ phản ánh được cán cân cung cầu và tính minh bạch về giá cả thị trường. Khi nguồn cung ít, người mua phải nâng giá hòng mua bằng được hàng hóa. Ngược lại, khi hàng nhiều, người mua không cần phải nâng giá cũng có được hàng hóa mình cần. Hàng hóa thừa thải sẽ được các doanh nghiệp chế biến tìm mua. Giá cả thị trường các mặt hàng dầu mỏ, vàng, ngô… cũng được hình thành theo nguyên lý này và nó là thông số để các doanh nghiệp điều tiết hoạt động kinh doanh. Có giá cả thị trường minh bạch sẽ thay đổi cơ bản cách nhìn nhận giá cả thị trường nông sản hiện nay vốn tham khảo giá cả của những nơi nhỏ lẻ.
Chức năng 3: Phân phối hàng hóa
Nông sản tươi sống là loại hàng hóa đặc thù, vì nó mất đi giá trị theo thời gian (độ tươi). Khi hàng hóa được quy tụ về cùng với hàng loạt người mua, hàng hóa sẽ được nhanh chóng phân phối với những đơn vị hàng hóa từ lớn đến nhỏ. Nông sản sẽ tránh được tình trạng làm ra rồi mà không có người tiêu thụ.
Chức năng 4: Quyết toán
Người nông dân sau khi bán hàng muốn lấy tiền ngay để tiếp tục sản xuất. Trong khi đó, người mua hàng phải bán được sản phẩm đã mua thì mới có tiền để trả. Để giải quyết nghịch lý này, chợ đầu mối sẽ có thêm chức năng tài chính đó là: sau khi hàng được mua, chợ đầu mối sẽ đứng ra thanh toán cho người nông dân với giá thành đã giao bán, sau đó, chợ đầu mối sẽ thu lại tiền của người mua sau 1 – 2 tuần kể từ ngày giao dịch.
Chức năng 5: Thông tin
Khi phần lớn nông sản quy tụ về một mối (các chợ đầu mối), thông tin chính xác về số lượng, giá cả… đã được giao dịch sẽ được công bố ngay trong ngày. Những thông tin này rất quan trọng để phục vụ cho sự ổn định cung – cầu và giá cả cho thị trường nông sản. Có chợ đầu mối sẽ chấm dứt tình trạng ép giá của thương lái, mà ở đó, người nông dân không có quyền lựa chọn người mua. Đem đến chợ đầu mối, họ tha hồ lựa chọn người mua với giá thành tốt nhất và phản ánh đúng nhu cầu của thị trường.
Ở Nhật Bản, chính phủ quy định Luật chợ đầu mối, trong đó quy định nguyên tắc trao đổi hàng hóa và kế hoạch xây dựng chợ đầu mối từ trung ương đến địa phương. Chợ đầu mối trung ương do chính phủ cấp phép thành lập tại các thành phố lớn; chợ đầu mối địa phương do chính quyền địa phương thành lập, vận hành, quản lý. Trong chợ đầu mối, có các “chủ vựa” thuê kho bãi, tập trung hàng hóa và đứng ra tổ chức đấu giá đối với tất cả người mua (thay vì ra giá đối với mỗi lượt người mua như chủ vựa ở ta). Giờ đấu giá được quy định rõ ràng, thường là 4 – 5 giờ sáng. Trước giờ đấu giá, người mua được đi một vòng để xem tất cả lô hàng được bày ra sẵn. Đến giờ đấu giá, chủ vựa sẽ ra giá, người mua sẽ quyết định mua, ai đưa ra giá cao nhất sẽ được mua. Mỗi lô hàng được bán đi chỉ trong vòng chưa đầy 1 phút.
Tham khảo: Trang web Bộ nông lâm thủy sản – Nhật Bản