Bạn đang xem trang 1 / 1 trang

Thư gửi sinh viên Đông Du

Đã gửi: Hai T7 04, 2011 9:00 am
Viết bởi Khách

Thân gửi các Em Sinh viên Đông Du,


Thầy đã về Việt nam tối khuya thứ hai tuần rồi. Và sáng thứ ba lại đi làm việc ngay. Có thể là do cái mệt tích lũy kéo dài suốt hơn 3 tuần lễ của chuyến đi, và cũng có phần vì nhiều chuyện khác của Trường tồn đọng lại trong lúc vắng nhà , Thầy cảm thấy càng mệt hơn. Đầu không tập trung được, và tự cảm thấy mình giải quyết mọi chuyện chưa sáng suốt lắm. Hy vọng tuần tới mọi chuyện sẽ tốt hơn. Đó cũng là lý do hôm nay mới viết thư cho các Em được.


Trước hết, chuyến đi tuy có mệt nhọc, nhưng có kết quả tốt. Thầy rất vui được gặp mặt lại các Em, được trò chuyện với các em về việc học và sinh hoạt, cũng như có vài ý kiến nhỏ giúp các em chấn chỉnh lại cách học, cách chuẩn bị xin việc khi ra Trường. Tại các nơi đi qua Thầy cảm nhận được sự cố gắng học tập và đoàn kết của các Em.



 


Thầy cũng cảm nhận được các ưu tư của các Em trước tình hình Trung Quốc lấn chiếm các hải đảo và hải phận Việt Nam. Rất tiếc hiện tại chúng ta chưa thể làm được gì cho Đất Nước, nhưng đừng bao giờ quên trách nhiệm đối với sự vẹn toàn lãnh thổ, và quyền lợi của Việt Nam. Hãy học thật tốt, học thật nhiều kiến thức mới để về xây dựng một nước Việt Nam giàu mạnh, chỉ có vậy mới ngăn chặn được các âm mưu xâm lăng của ngoại bang. Yêu nước là nghĩ về quê hương, học tập, làm việc, sống vì quê hương. Đất Nước đang chờ đợi những thành quả học tập, những việc làm thiết thực hướng về Quê hương của các Em.


Trong suốt chuyến công du và ngay cả giờ đây Thầy đang lo âu về cách suy tư của sinh viên Đông Du và của thanh niên trong nước nói chung, nhất là về cách học. Phải học những kiến thức khoa học kỹ thuật, những kinh nghiệm quản lý kinh tế xã hội của người, để canh tân phát triển Đất nước, như đang học trong các Trường đại học. Nhưng vừa học, vừa phải đối chiếu, phân tích, tìm hiểu những sự kiện quanh mình, kiểm nghiệm lại những điều đã học trong thực tế , và phác khởi những chuyện mới hơn, tốt hơn, những kế hoạch sẽ làm trong tương lai, cho xí nghiệp mình sẽ làm việc, và cho Việt Nam. Như vậy mới học và thực sự hiểu được những kiến thức trong sách, mới có thể vận dụng khi ra đời. Ngoài những kiến thức chuyên môn, chúng ta còn phải học thêm nhiều kiến thức phổ thông khác mà ta chưa biết. Để có thể hữu ích hay được trọng dụng khi ra đời , tối thiểu phải có những kiến thức phổ thông, phải có các năng lực thực tiễn (khác với những kiến thức ghi trong các sách giáo khoa) cao hơn những người xung quanh. Chuyện này đúng cho chuyện xin việc làm tại Nhật cũng như tại Việt Nam.


Hãy thay đổi tư duy, thay đổi cách học, cách nhìn ngay từ bây giờ, dẫu rằng có thể là đã quá muộn. Muộn vì khi còn nhỏ sống trong nước, chỉ biêt vui chơi, học hành, chẳng để ý gì tới xã hội, để rồi đây vài năm nữa khi về nước chúng ta trở thành người ngoại quốc. Muộn vì ở Nhật, suốt ngày bận việc làm thêm, bận việc học tại Trường, học sách, chẳng còn thì giờ đâu mà nhìn, phân tích, hay suy nghĩ về môi trường sống quanh mình, để cuối cùng trở thành những con người ngớ ngẩn không giống ai (mặc dù có bằng này bằng nọ), thì làm sao kiếm được việc khi ra Trường. Mà dẫu có việc làm thì cũng chỉ là những việc lao động phổ thông không có tương lai.


Chúng ta sẽ đóng góp cho sự nghiệp xây dựng Đất nươc với những kiến thức thực tiễn học được tại Nhật, chúng ta phải có tương lai. Muốn vậy phải biết cách học, học tại trường, học sách, học bạn, học ngoài xã hội, phải biết phân tích, tìm hiểu, suy nghĩ về những chuyện quanh mình, những chuyện này có thể không liên quan tới chuyên môn của mình, có thể chỉ ở trình độ thấp, nhưng ra đời lại có thể hữu ích cho mình hơn cả chuyên môn có, và có thể mình cũng chưa biết, chưa hiểu đâu !


Trở lại vấn đề yêu quê hương. Chúng ta yêu quê hương không phải chỉ với những tình cảm bồng bột nhất thời, mà với những hoài bão làm cái này cái nọ đưa Quê Hương mình tiến lên. Hoài bão đó, phải hình thành ngay từ thời chúng ta còn thanh niên, phải được gọt dũa, thử thách và hoàn chỉnh dần theo thời gian. Phải tìm những người đồng chí cùng một tâm nguyện, và cũng cần biết cách thuyết phục người khác đi theo. Hãy biết cách học hỏi, hãy vạch ra ước mơ làm những chuyện tốt, chuyện lớn cho Quê hương đi. Chúng ta đang ở một môi trường có không biết bao nhiêu chuyện có thể học được, có thể tham khảo được, và hơn tất cả là đang có một nhiệt huyết học và hành. Đừng để mất đi cơ hội quý báu này, để mai sau lại hối hận. Hy vọng các Em hiểu những điều Thầy muốn nói.


 


Thư dài rồi, hẹn sẽ viết tiếp trong các thư sau.


 


 


Ngày 3 tháng 7 năm 2011


Thầy Nguyễn đức Hòe