‘Mỗi người giỏi về nước đều là vốn quý'
Cảm động trước tấm lòng của một giáo sư muốn về nước phát triển khoa học, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân cho rằng Việt Nam rất cần và sẽ tạo điều kiện để người tài trở về cống hiến.
Bộ trưởng Nguyễn Quân có buổi trao đổi với VnExpress về việc thu hút các nhà khoa học người Việt Nam ở nước ngoài về nước, đồng thời tạo điều kiện làm việc thuận lợi cho họ, trong bối cảnh Việt Nam sẽ hợp tác với nước ngoài xây dựng các viện nghiên cứu theo mô hình tiên tiến.
Bộ trưởng Nguyễn Quân. Ảnh: Hương Thu
- Bộ trưởng có suy nghĩ gì sau khi đọc chia sẻ của giáo sư Nguyễn Văn Thuận, trường Đại học Konkuk, về mong muốn trở về nước xây dựng cơ sở khoa học đón các du học sinh tìm về trong tương lai?
- Tôi rất xúc động trước tấm lòng của giáo sư Nguyễn Văn Thuận, một nhà khoa học đang thành đạt và có vị trí làm việc rất hấp dẫn ở Hàn Quốc. Giáo sư Thuận nhiều lần về nước, và có nhiều quan hệ hợp tác với các nhà khoa học trong nước; tôi cũng gặp giáo sư mấy lần ở Việt Nam và Hàn Quốc, vì thế tôi tin giáo sư hiểu rất rõ khó khăn của đất nước và quyết định trở về của giáo sư chắc chắn không phải là bồng bột, nhất thời. Giáo sư đã chấp nhận khó khăn, thực trạng của cơ chế đãi ngộ hiện nay, dũng cảm từ bỏ cuộc sống nhung lụa về nước làm việc, điều đó khiến tôi và những người làm quản lý khoa học trong nước cảm thấy trách nhiệm càng nặng nề hơn. Chúng tôi sẽ phải làm hết sức mình để giáo sư và các nhà khoa học khác trở về và ở lại, không phải rồi lại ra đi vì không thể tìm được chỗ đứng, không thể cống hiến trí tuệ và tâm huyết của mình cho quê hương.
- Có đến 60% độc giả VnExpress khuyên giáo sư Thuận không nên về Việt Nam vì điều kiện trong nước có thể ‘thui chột’ tài năng nhà khoa học. Bộ trưởng nhìn nhận con số này như thế nào?
- Tôi thật sự thất vọng với các ý kiến bình luận như vậy. Bởi một nhà khoa học tự nguyện đem tài năng trí tuệ của họ về xây dựng đất nước lại gặp sự cản trở của nhiều người. Nếu nói lý do về nước không có điều kiện tốt gây lãng phí tài năng thì trước đây làm sao thuyết phục được cụ Trần Đại Nghĩa, cụ Lương Định Của và nhiều nhà khoa học nổi tiếng khác về nước, lúc đó làm gì có điều kiện tốt cho nghiên cứu khoa học, nhất là khi chiến tranh đang diễn ra. Vậy thì tại sao bây giờ điều kiện tốt hơn rất nhiều, dù chưa bằng các nước phát triển, một nhà khoa học có tấm lòng về Việt Nam lại bị phản đối?
Có thể làm việc ở Việt Nam họ không phát huy được hết tài năng như ở nước ngoài, nhưng đất nước đang cần họ, kể cả những nghiên cứu chưa phải là xuất sắc ở trình độ quốc tế chăng nữa cũng vẫn là đóng góp quý báu cho nền khoa học còn yếu kém của chúng ta, cho đất nước còn nghèo khó của chúng ta.
Hãy cứ để người ta về, nếu về họ không làm được việc họ lại ra đi, đó là quyền của họ. Tôi nghĩ, trước hết nên khuyến khích họ về xây dựng đất nước, chứ không nên ngăn cản. Vấn đề là chúng ta phải cùng nhau xây dựng cơ chế mới tạo điều kiện tốt nhất trong điều kiện có thể, để họ làm việc và công hiến.
- Nhiều độc giả cho rằng các nhà khoa học tài giỏi thì cống hiến ở nước nào cũng được, không cứ là phải ở Việt Nam, vì mỗi thành tựu đều là sự cống hiến nghiêm túc cho nhân loại. Ông nghĩ sao về ý kiến này?
- Tôi không phủ nhận điều này. Nhưng không có người giỏi về thì các viện nghiên cứu Việt Nam sẽ mãi mãi khó khăn, đất nước không phát triển được. Khi không có người giỏi hay người giỏi không về vì lý do trong nước không có điều kiện thì làm sao khoa học nước nhà “bật” lên được.
Tôi mong rằng, các nhà khoa học giỏi, có phong cách làm việc của các nước phát triển, sẽ đem về Việt Nam cách làm khác, như luồng gió mới giúp thay đổi hiện tượng - mà như một số ý kiến trên diễn đàn vẫn nói - đó là làm khoa học ở Việt Nam phải biết làm giả chứng từ, đưa phong bì hay copy-paste.
- Cơ sở nào để các nhà khoa học đang ở nước ngoài tin rằng sự trở về Việt Nam là đúng đắn?
- Đất nước Việt Nam ngày càng phát triển, chúng ta hoàn toàn có thể tin nền khoa học Việt Nam sẽ có tương lai tươi sáng. Hiện chúng tôi đang chuẩn bị Đề án xây dựng ở Việt Nam một viện nghiên cứu theo mô hình Viện Khoa học và công nghệ Hàn Quốc (KIST) với tên gọi Viện Khoa học công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc (V-KIST). Đây sẽ là nơi thí điểm tạo điều kiện làm việc tốt nhất cho nhà khoa học, để họ cảm thấy không thua kém bao nhiêu so với làm việc ở nước ngoài, và bù lại họ sẽ tự hào hơn khi tạo ra sản phẩm khoa học chất lượng trên chính quê hương mình.
- Ý tưởng về viện V-KIST ở Việt Nam ra đời như thế nào?
- Viện V-KIST là kết quả cuộc đàm phán của Thủ tướng Việt Nam với tổng thống Lee Myung-bak trong chuyến thăm chính thức tháng 3 vừa rồi sau khi Thủ tướng nước ta sang Seoul dự Hội nghị thượng đỉnh về an ninh hạt nhân. Mới đây, Việt Nam đã ký kết biên bản ghi nhớ với Hàn Quốc về việc xây dựng viện V-KIST. Chúng tôi đang làm đề án trình chính phủ hai nước, nếu phê duyệt sẽ thực hiện đàm phán tài chính, thiết kế.
Viện KIST thành công nhờ 3 yếu tố. Đó là khi thành lập viện, Chính phủ Hàn Quốc trình Quốc hội ban hành luật đặc biệt cho viện KIST, với luật này viện hoạt động mà không bị ràng buộc bởi các luật khác, kể cả luật ngân sách nhà nước, thời gian đầu KIST không bị kiểm toán.
Thứ hai, viện được nguyên thủ quốc gia đỡ đầu, thời đó là tổng thống Hàn Quốc Park Chung-hee. Ông là người đưa ra nhiều quyết sách quan trọng, trong đó có quyết định chế độ tiền lương cho nhà khoa học cao gấp 3 lần lương giáo sư trong nước, kể cả việc chấp nhận mức lương cho giới khoa học trong viện cao hơn cả lương tổng thống.
Thứ ba, viện KIST tập hợp được đội ngũ các nhà khoa học người Hàn ở nước ngoài giỏi nhất về nước, hầu hết là từ Mỹ về, và họ được hưởng mức lương cao hơn mặt bằng trong nước, dù vẫn thấp hơn ở Mỹ và châu Âu.
Chúng tôi cũng muốn 3 yếu tố trên sẽ được áp dụng khi xây dựng viện V-KIST ở Việt Nam. Nếu không thì việc thành lập một hay nhiều viện nghiên cứu ở Việt Nam theo cung cách như chúng ta vẫn làm chắc chắn không thu hút được những nhà khoa học tài năng ở nước ngoài về làm việc xây dựng quê hương.
- Dựa vào đâu mà Bộ trưởng tin rằng viện V-KIST ra đời sẽ thu hút nhân tài về nước?
- V-KIST sẽ thu hút một số nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài và những nhà khoa học xuất sắc trong nước làm việc, bởi nếu được áp dụng mô hình của KIST thì nơi đây có điều kiện làm việc tốt nhất cho giới khoa học, với hệ thống trang thiết bị hiện đại, khuôn viên thiết kế theo phong cách viện nghiên cứu của các nước phát triển. Quan trọng nhất là viện có cơ chế hoạt động và chế độ đãi ngộ tốt hơn mặt bằng chung hiện nay.
Hàn Quốc trước đây cũng gặp nhiều khó khăn, thu nhập bình quân đầu người chỉ vài trăm USD, nhưng khi viện KIST ra đời, các nhà khoa học Hàn Quốc từ Mỹ và các nước phát triển khác vẫn tự nguyện trở về. Vì thế, theo mô hình của viện KIST, khi V-KIST đi vào hoạt động, các nhà khoa học người Việt Nam về nước cũng như các nhà khoa học trong nước đến làm việc ở V-KIST chắc chắn sẽ có môi trường làm việc tốt, có cơ chế tài chính thuận lợi, có đồng nghiệp tốt, có thư viện và Internet, có phòng thí nghiệm, lương dù thấp hơn mức lương ở nước ngoài nhưng cao hơn mặt bằng chung của xã hội.
- Tức là chỉ khi V-KIST thành lập, các nhà khoa học mới có thể có điều kiện nghiên cứu tốt. Còn hiện tại thì sao?
- Đương nhiên các viện nghiên cứu hiện có đang hoạt động theo mô hình cũ, cơ chế cũ, rất nhiều khó khăn. Nhưng nếu ai cũng cứ chờ Việt Nam phát triển như Mỹ hay Hàn Quốc mới trở về thì tôi nghĩ là quá muộn. Đất nước càng khó khăn càng cần người có trí tuệ, tâm huyết và yêu nước. Còn ở các nước phát triển trên thế giới, tôi nghĩ các nhà khoa học ở nước ngoài có về hay không thì cũng không thành vấn đề, vì trong nước họ đã hội tụ nhiều người giỏi rồi. Với Việt Nam, mỗi người giỏi ở nước ngoài trở về đều là vốn quý, những người đó có thể làm thay đổi cả một lĩnh vực ở Việt Nam. Giống như thế hệ đi trước, cụ Lương Định Của đã góp phần thay đổi nền khoa học nông nghiệp nước nhà, nhân dân ta gọi cụ là bác sĩ nông học. Đất nước phát triển như ngày hôm nay cũng là nhờ phần công lao của họ.
- Tại sao Việt Nam chọn viện KIST Hàn Quốc làm mô hình mà không phải viện nghiên cứu ở các nước phát triển hơn?
- Việt Nam chọn KIST có 4 nguyên nhân. Một là, KIST nằm trong top 10 viện nghiên cứu hàng đầu thế giới hiện nay, nhiều nhà khoa học đạt giải Nobel về công nghệ thường đến viện KIST nói chuyện hoặc giảng bài. Thứ hai, Hàn Quốc với Việt Nam có nhiều điểm tương đồng, họ xây dựng viện KIST ngay sau chiến tranh Triều Tiên khoảng hơn 10 năm, lúc đó họ cũng nghèo và gặp rất nhiều khó khăn, họ xây dựng Viện KIST thành công từ con số 0. Thứ ba, mô hình, cơ chế hoạt động của viện KIST vẫn mang phong cách các nước phương Tây. Thứ tư, Chính phủ Hàn Quốc đặc biệt ủng hộ dự án này và Hàn Quốc có thể viện trợ ODA cho Việt Nam.
Bên cạnh đó, Hàn Quốc đánh giá viện KIST là cái nôi của khoa học công nghệ nước này. Viện này nổi tiếng là viện nghiên cứu theo đặt hàng và hầu hết sản phẩm nghiên cứu của họ đều được ứng dụng ở các tập đoàn công nghiệp hàng đầu của Hàn Quốc. Theo thống kê của Hàn Quốc, các nghiên cứu của viện KIST đóng góp gần 30% giá trị gia tăng của sản phẩm công nghiệp nước này.
- Quay trở lại vấn đề "ở hay về" của các nhà khoa học, hồi còn học ở Thái Lan, bản thân Bộ trưởng có bao giờ nghĩ sẽ ở lại nước ngoài làm việc?
- Tôi là người duy nhất trong nhóm sinh viên tốt nghiệp năm 1989 ở Viện công nghệ châu Á (AIT), Bangkok về Việt Nam ngay sau khi tốt nghiệp. Có nhiều lý do khiến tôi muốn về nước làm việc, trong đó có nguyên nhân gia đình và công việc giảng dạy ở Đại học Bách Khoa Hà Nội.
Điều quan trọng, tôi nhận thấy về Việt Nam tôi sẽ có điều kiện phù hợp hơn để phát triển, có lẽ tôi không thuộc típ người thích sống ở nước ngoài, kể cả ở Thái Lan có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam. Ở quê hương bao giờ cũng thoải mái nhất, và nếu làm được việc gì đó cho quê hương mình thì vẫn thấy có ý nghĩa nhất.
Hương Thu
Theo VnExpress