Em/ Hoa đọc được bài viết này của anh Dương Minh Quân đang theo học tại trường Todai. Em/ Hoa thấy bài viết rất hay và có ý nghĩa nên muốn chia sẻ cùng anh chị em Đông Du nhà mình, hi vọng sau khi đọc xong mọi người sẽ có một điều gì đó đọng lại :tanghoa
Thích nhất câu nói của thầy giáo trường Todai
"Hãy biết tạo dựng mạng lưới bạn bè, không có bạn bè thì anh chị làm gì cũng khó. Vào trường này, tôi hay nói với các anh chị đã tốt nghiệp, điều tốt nhất mà các anh chị sẽ được hưởng không phải là tấm bằng tốt nghiệp, mà là từ tấm bằng tốt nghiệp từ rất nhiều các OB/OG đã tốt nghiệp từ đây. Bạn bè là vô cùng quan trọng."
Ý nghĩa của đi làm là gì?
Đúng hơn là tại sao chúng ta lại lao động? Và tại sao lại phải suy nghĩ về nó, liệu có cần thiết và đúng thời điểm hay không? Rộng hơn nữa là ý nghĩa của cuộc sống? Ai đã xem 1 lít nước mắt thì chắc đều biết câu hỏi "Sống để làm gì? ", và chắc nhiều bạn chắc cũng tốn không ít nước mắt vì nó.
Phải nói rằng đây là một chủ đề mở, rộng và khó, ở đây mình chỉ muốn đề cập đến một góc nhỏ của vấn đề. Bởi ở đây không có ai bị bệnh nan y hay phải vật lộn với đồng hồ đếm ngược. Chúng ta chỉ là những con người rất bình thường với những vấn đề cũng rất bình thường trong cuộc sống.
Thứ nhất phải kể đến nguồn cơ của việc này. Đợt rồi mình đi gashuku với thầy giáo và các thành viên trong phòng thí nghiệm. Cũng không có gì đặc biệt ngoài dự kiến, chỉ đơn giản là một dịp để các thành viên xích lại nhau trong cuộc sống, có cơ hội hiểu sâu về nhau qua các hoạt động tập thể và tăng kĩ năng làm việc nhóm qua workshop. Kể thêm về thầy giáo của mình, là một người Nhật thành đạt trong cả sự nghiệp đi làm và nghề nghiệp giáo dục, đạt được nhiều thành tựu trong cuộc đời.
Thầy cực tốt với học sinh và luôn tâm niệm truyền hết tất cả những kinh nghiệm đã kinh qua, làm hết sức mình để bất kì ai dưới sự hướng dẫn của mình tìm được sự nghiệp thực sự bản thân, kể cả dù đó không phải là con đường nằm trong học thuật. Đây là một điều bất ngờ bởi nó đi ngược lại sự mâu thuẫn lợi ích ở đây: thầy là một người làm trong ngành nghề công nghiệp có tên là "giáo dục" và bọn mình là khách hàng trực tiếp của nó.
Việc thầy thỉnh thoảng hay dừng cuộc họp hay hội thảo để truyền đạt điều tâm đắc, hay viết thư chia sẻ 1 kinh nghiệm hoặc nói bất tận về một điều gì đấy rất là vĩ đại, bất chấp quá nửa ở dưới nó đang lướt FB, 1 nửa chát hoặc twitter còn 1 số đang ... tra từ điển xem thầy nói gì, là chuyện rất bình thường.
Thầy biết chứ, đứng ở chỗ của thầy (mình cũng thử roài) thì nhìn rõ mồn một nhiều đứa nó đang lướt cái gì, nhưng thầy vẫn tâm niệm, cho dù chỉ có 1 đứa nào đó, trong 1 hoàn cảnh nào đó nhớ lại lúc này và rút ra được điều gì đó từ những gì thầy đang nói thì cũng là 1 thành công. Cho vậy nên, khi tổ chức gashuku này, thầy thông báo trước một buổi sẽ họp, nghe thầy nói chuyện về VIỆC ĐI LÀM Ở NHẬT, và thảo luận về một số vấn đề cuộc sống, bọn mình cũng không lấy gì làm lạ. Tuy nhiên, nội dung cuộc nói chuyện lần này khá khác, bản thân mình cảm thấy thú vị nên muốn ghi chép lại, hi vọng cũng có 1 ai đó có kiên nhẫn đọc qua, trong 1 lúc nào đó sẽ cảm thấy nó có ích.
Dài phết đấy...
Phải nói trước, thầy giáo mình không phải là người giỏi hùng biện. Phần lớn các thầy giáo Nhật không giỏi điều này. Đây cũng là một lời khuyên bổ ích cho bạn, nếu bạn muốn được người khác nghe, hoặc là bạn phải cực kì giỏi vận dụng ngôn tư để ghi điểm bằng việc liên tục kiếm được sự tôn trọng của người nghe, 2 là bạn phải cực giỏi, hi sinh nửa cuộc đời để trở thành một vĩ nhân, lúc đấy thì ai cũng phải tìm cách để đào bới ý nghĩa trong từng câu chữ của bạn. Nghiêm túc đấy, muốn dễ thành đạt hơn, bạn nên giỏi sử dụng câu chữ.
Do vậy, Mình xin nói trước là ghi chép dưới đây của mình không phải là một bài phát biểu liền mạch và hấp dẫn, nếu thích bạn có thể lên mạng tìm inspiration talk, nhiều vô kể. Mình chỉ cố gắng truyền tải lại nhiệt huyết và tình cảm của thầy xuyên suốt buổi hội đàm mà thôi.
Đối tượng: Các bạn trẻ ở Nhật, sắp đã và đang sẽ bước vào công cuộc tìm việc ở Nhật. Nhưng nói thế không có nghĩa các bạn cứ phải trẻ, cứ phải ở Nhật, hay cứ phải sắp bước vào thị trường việc làm. Bất kỳ ai nếu muốn lắng nghe sẽ tìm thấy điều gì đó ở đây.
Thành phần tham gia: ở đây mình trích dẫn lời thầy và các thành viên tham gia buổi họp một cách ngắn gọn. (mở ngoặc là nhận xét của cá nhân mình)
-------------------------------------------------------------------
Thầy: Nào chúng ta bắt đầu nhé. Trước hết các anh chị có ai trả lời thử câu hỏi này không? "仕事をする意味" (trong trường hợp này mình xin hiểu là ý nghĩa của việc đi làm, vì xem xét đối tượng ở trên)
Nếu không ai muốn tự nguyện, thì bắt đầu từ Master 2 sắp đi làm nhé. Nào cậu A.
Cậu A (sắp vào Sony, rất thực thà, tính tình cũng khá trẻ): ề ề ề, ý nghĩa đi làm thì... Trước hết là em đi làm để có tiền để nuôi sống bản thân, để phục vụ nhu cầu cuộc sống đã. Rồi tính gì thì tính.
Thầy: Ý của tôi không chỉ là thế. Giả sử nếu như các anh chị không phải bận tâm về cuộc sống, ví dụ như các anh chị ở trong hoàn cảnh đủ để lo các nhu cầu tối thiểu và cũng không có động lực thúc bách phải cần tiền hay gì đó. Khi mà đơn thuần việc đi làm giống như một lựa chọn ý, các anh chị hiểu ý tôi chứ? Thế cậu B thì sao?
Cậu B (sắp vào NTT docomo): em thì em trước hết vẫn phải lo cuộc sống đã. Không phải nhận trợ cấp từ gia đình, không phải lo vật lộn cuộc sống. Thế thì khi đó ý nghĩa công việc... ừm... Có lẽ là do từ trước tới nay em đã quen với cuộc sống đều đặn, trường lớp, phòng nghiên cứu. Việc đi làm cũng là một điều tự nhiên, theo dòng cuộc sống mà thôi.
Cậu C (vào Micrsoft, già dặn nhất, kiểu như leader của nhóm Master):
Em nghĩ đi làm là để khẳng định mình, thách thức bản thân, trải nghiệm và hướng tới những giá trị cao hơn.
(sáo rỗng vãi chưởng, mà có khi cậu C cũng tin là thế thật :)) nhưng phải thế mới được chứ thật thà quá không ăn ai)
(sau đó thầy hỏi thêm 1 vài sinh viên Nhật, thầy đang định kết luận thì...)
Sinh viên nước ngoài A(gọi là SVNN A): Thưa thầy, em thử được không? Trước khi vào học, em cũng đi làm và làm việc tư vấn (consultant) nên có chia sẻ về điều này.
Thầy: À ừ nhỉ, các sinh viên nước ngoài đều có kinh nghiệm đi làm. Ừ anh nói xem.
SVNN A(sắp lên doctor): Theo em đây là một câu hỏi rộng, tùy vào từng người, không thể có câu trả lời nhất quán được. Vào mỗi giai đoạn, chúng ta sẽ mong muốn gì đó, mang những kinh nghiệm gì đó và muốn trở thành gì đó. Chúng ta sẽ chọn nghề nghiệp dựa trên những giá trị đó. Tuy nhiên theo thời gian, suy nghĩ kinh nghiệm thay đổi, chúng ta sẽ có định nghĩa mới về giá trị, do đó quan niệm của ta cũng thay đổi theo. Ví như về già ta sẽ muốn làm từ thiện...
SVNN B (Sắp vào NTT Higashi Nihon) : Em là con gái, điều to tát quá em không biết. Nhưng khi em ở nước em, đi làm. Em cảm thấy chán công việc chỉ làm coding, chẳng có một cảm giác thỏa mãn và cũng không có cơ hội để vươn lên. Tất nhiên lúc đi làm em chọn vì em muốn có tiền để không phụ thuộc bố mẹ, thỉnh thoảng có tiền cho bố mẹ đi du lịch. Thế nên em muốn đi học, em chọn master ở todai vì hi vọng đây sẽ là môi trường để em vươn lên và tìm được con đường có ý nghĩa hơn và tiếp xúc với nhiều cơ hội hơn.
SVNN C (đang là doctor): Trước hết thì để tôi bắt đầu bằng lý do bỏ việc đi học. Tôi cảm thấy công việc hiện tại, môi trường không đủ để phát triển khả năng cá nhân. Để tìm một môi trường khác, tôi nghĩ có lẽ thay đổi hẳn con đường sẽ mang lại khởi đầu cùng những cơ may mới.
(tiếp theo là 1 số SVNN ngoài khác)
Thầy: Tại sao tôi lại đặt câu hỏi như thế này cho các anh chị. Bởi vì phần lớn các anh chị sẽ làm việc ở Nhật hoặc ít nhất là liên quan đến Nhật, các anh chị cần biết về vấn đề xã hội Nhật. Hiện tại tỉ lệ bị trầm cảm do đi làm ở Nhật cực kì cao. Đây là vấn nạn không của riêng Nhật mà còn của nhiều nước phát triển khác.
(Thực sự mà nói ở VN thì đây chưa đến mức thành vấn nạn xã hội, khi mà trong xã hội chúng ta còn quá nhiều chuyện bất công phải phẫn uất, và ta còn phải xoay vòng để thỏa mãn nhu cầu tối thiểu để sống thì sự lo lắng về sức khỏe tinh thần có vẻ như còn quá xa xỉ. Nhưng không có nghĩa là bệnh tinh thần ở VN không tồn tại. Hiện tại quá 20% số người đi làm ở VN mắc bệnh tinh thần. Dịch vụ chăm và khám chữa bệnh sức khỏe tinh thần ở VN đang ở mức thấp đáng báo động)
Thầy: Tại sao lại như thế. Điều tra cho thấy, ..% người đi làm (kô nhớ số bao nhiêu) ở Nhật không thể giải quyết các vấn đề cá nhân dẫn tới không thể làm việc, và thất bại trong công việc giống như cái vòng luẩn quẩn không thể thoát ra. Tại sao lại thế? Bởi họ những người không suy nghĩ một cách nghiêm túc về ý nghĩa của việc đi làm, sẽ lập tức sụp đổ khi vấp phải những khó khăn tưởng như đơn giản nhất.
Nói rộng ra, đó là ý nghĩa cuộc đời là gì? Có vẻ nó độc lập với ý nghĩa của đi làm, nhưng nhớ rằng, phần lớn thời gian cuộc đời các anh chị sẽ đi làm, nên nó liên quan chặt chẽ lắm đấy.
(Mình đã có trải nghiệm này. Mình nhìn ra xung quanh, liệt kê tất những ai mình quen biết, từ già đến trẻ, trai gái, trạng thái tình cảm tiền tài xã hội... Chỉ đếm được trên đầu ngón tay những người thực sự cảm thấy mình "thành đạt". Có những thương gia thành đạt suốt ngày đuổi theo đồng tiền, khinh khỉnh nhìn tầng lớp trí thức vật lộn kiếm sống, nhưng lại không thể dàn xếp nổi 1 bữa tối giản dị với gia đình. Có những người cực thành công về học thuật, nhưng lúc nào cũng đuổi theo sức nặng công việc và luôn than thở mình không có đủ thời gian. Có những người sống phóng túng và hưởng thụ, nhưng không dám tự thừa nhận với người khác sự trống rỗng trong cảm nhận về giá trị bản thân. Có những người sống cực kì mực thước và khắt khe với cuộc sống, nhưng lúc nào cũng than thở về cuộc đời và ghen tức với bất kể sự phóng túng và bất kham nào. Phần lớn không ai không cảm thấy mông lung về cuộc sống của mình. Có thể có bạn cho rằng vì bản chất con người là "tham". Cũng có thể. Nhưng trong số rất ít những con người cực kì hài lòng với cuộc sống mà mình biết, hầu hết họ đều không phải là mực thước về sự thành công trong xã hội)
Thầy: Tôi đồng ý với SVNN A. Không có một định nghĩa chính xác nào, nó là tùy thuộc vào mỗi người. Chúng ta không nhất thiết phải nghĩ đến ý nghĩa của công việc. Nhưng nếu không nghĩ đến nó các anh chị sẽ không có đủ sức để chịu đựng nó, và đi làm là một thứ rất vất vả. Nếu anh chị cố gắng suy nghĩ để tìm ra ý nghĩa của việc đi làm cho bản thân, các anh chị sẽ có được những mục tiêu, sẽ hướng tới được những giá trị cao hơn, và nhờ thế sẽ chịu đựng được công việc mà không bị trầm cảm =))
Tôi xin trích lời của ... (ai đó Gandhi thì phải, không nhớ): công việc chính là hi vọng. Thông qua công việc chúng ta sẽ có thêm nhiều cơ hội, nhiều thời gian để trau dồi bản thân và tiếp xúc với điều mới, chúng ta sẽ có nhiều cơ hội để tìm thấy điều mà mình thực sự muốn làm.
Tiêp theo có ai dịch được câu này không, tôi nhớ SVNN D nói tiếng Đức.
(1 câu tiếng Đức rất dài - mình đã kịp google nhưng không lưu history)
SVNN D: hơi khó thầy... blah blah...
Thầy: Đúng là hơi khó. Kể có cho vào google translate cũng không dịch ra được đâu, thơ mà. Đúng như anh dịch rồi. Nó có thể hiểu là, chỉ có những thành quả và giá trị đạt được do chúng ta bỏ mồ hôi công sức mỗi ngày, đó mới là sự thành công thực sự với bản thân.
Điều tôi muốn nói, nếu các anh chị tới đây bước vào cuộc sống đi làm, hoặc đã đang đi làm đi nữa, hay bất kể là lúc nào, xin HÃY NGHĨ VỀ Ý NGHĨA CỦA CÔNG VIỆC. Hãy nghĩ về ý nghĩa của cuộc sống, suy nghĩ một cách tích cực chứ đừng để mình bị chi phối bởi cuộc sống.
Tiếp theo tôi xin giới thiệu với các anh chị một số nhân vật, mà tôi nghĩ là các anh chị nên biết. Trước khi giới thiệu, tôi muốn hỏi một vài câu. Ở đây, có ai đọc sách. Ai chỉ đọc dưới 10 quyển sách giơ tay
(đừng cười vì thế hệ Nhật trẻ sinh ra trong thời đại kĩ thuật số, không mấy ai sờ sách đâu, và quả thật quá nửa giơ tay)
Ai đọc dưới 50 quyển sách (1 số ít còn lại giơ tay... - có đứa hỏi "em đọc 50 quyển, nhưng JUMP có tính là sách không thầy)
Không đương nhiên là phải sách chữ đàng hoàng viết về 1 chủ đề nào đó. Thế ai đã đọc dưới 10 quyển sách không nằm trong ngành kĩ thuật giơ tay? 50 quyển?....
Đọc sách rất quan trọng. Bởi đi làm phải tranh luận, không đọc thì làm sao nói được, mà nhất là sách khác chuyên ngành. Như tôi đi làm, khi là kachou, trung bình 1 năm đọc khoảng 100 quyển sách các loại.
( ngoại truyện. Cu hỏi vụ 50 quyển JUMP, sau khi trở về lòng lao xuống gối: nào chúng mày đọc sách đi thử 1 ngày không dùng nét xem, suốt ngày dí mặt vào máy tính. Còn tao thì vô vọng rồi. Thôi để tao đắm mình vào thế giới web tiếp đâyyy. Thằng khác trả lời :"Vào điện thoại có tính là net không hả anh??" =)) )
Thầy:Tôi muốn giới thiệu ở đây 4 nhân vật. Người đầu tiên là Kei Ogura (小椋 佳). Có ai biết là ai không? Hả không ai biết thật ý hả. Đây là một nghệ sĩ âm nhạc khá có tên tuổi (thầy mở google list các bài hát của ông này ra). Các anh chị có biết bài nào không? Tôi đoán là không, bởi vì ông ý làm nghệ thuật vì sở thích. Khi có 1 ai đó mà ông ý cảm thấy muốn viết cho họ một bài hát, ông ý sẽ viết nên rất ít người biết đến khuôn mặt thật của ông ý. Thực ra thì công việc mà mọi người biết đến ông, đó là nhân viên của ngân hàng Dai-ichi. Vốn dĩ tốt nghiệp đại học Tokyo, sau đó đi làm ở đây, nhưng ông ý ngưng làm giữa chừng và theo đuổi song song ngành nghệ thuật.
Thầy: Người thứ 2 là Noam Chomsky. (ông này thì mình biết). Vốn dĩ là nhà ngôn ngữ học, triết học hoạt động nghệ thuật, N.Chomsky sau đó trở thành giáo sư đại học MIT, và dẫn đầu trong ngành xử lý ngôn ngữ cho lĩnh vực máy tính.
Thầy: Người thứ 3 là Michizo Tachihara (立原道造). Không ai biết nốt hả?? Các anh chị học cái gì thế? Đây cũng là một người tốt nghiệp ở Todai. Vừa là nhà thơ vừa là kiến trúc sư với 2 sự nghiệp song song.
Thầy: Người cuối cùng tôi muốn giới thiệu là giáo sư Shyuichi Sakai (坂井 修一). Chắc chắn các anh chị ở đây phải có người biết mặt thầy ý, ở cùng khoa chúng ta mà. Nhưng chắc ít người biết đến công việc thứ 2 của thầy này. (thầy mở đoạn video NHK phỏng vấn giáo sư Sakai và học sinh của thầy bên khoa âm nhạc) Ngạc nhiên không? Tôi đã google tên cô ca sĩ này, đúng là có thật. Giáo sư Sakai tham gia và được biết đến ở cả 2 mảng sự nghiệp.
Thầy: Các anh chị thấy điểm chung gì ở những người này không? Đó là 二足草鞋. Nghĩa là họ làm 1 lúc 2 nghề chính. Nhờ thế họ giữ được cân bằng tốt hơn, bởi khi 1 bên công việc không thuận lợi thì bên kia thuận lợi sẽ đỡ căng thẳng hơn. Tất nhiên là xác suất cả 2 bên công việc không thuận lợi thì khá là thấp. Điều tôi muốn nói là nếu các anh chị tìm được điều mình muốn làm, thì hãy làm đi, đừng ngần ngại, đừng do dự. Giống như Cậu A hỏi tôi muốn thử sức ở mảng mạch (vốn chuyên ngành là lập trình di động) tôi cũng nói làm đi, cứ thử nếu thích. Tóm lại là trên đời này, có rất nhiều người, và họ làm những việc mà anh chị cũng không thể ngờ tới được, đơn giản là hứng thú bản thân mà thôi. Các anh chị cũng nên tìm cho mình công việc thích hợp. Đương nhiên làm việc 2 chân kiểu kia sẽ có cái lợi như tôi đã nói rồi đấy.
Thầy: Tiếp theo người tôi muốn giới thiệu là một tác gia nổi tiếng: Genji Mitsuzawa (宮沢 賢治). Tại sao tự nhiên tôi lại nhắc đến nhân vật này. Trong trận động đất lịch sử năm ngoái, đặc biệt ở Iwate cái tên của ông này được nhắc đi nhắc lại nhiều lần. Vốn dĩ sinh ra ở Iwate, ông ý nổi tiếng là người tích cực tuyên truyền Phật giáo đại thừa, tên cụ thể là Lotus Sutra (mình google ra là Diệu pháp liên hoa kinh). Thế nhưng thực ra nghề nghiệp chính lại là tác gia sáng tác truyện thần thoại và đặc biệt là truyện cho trẻ em.
Thời của tôi thì tôi không để ý lắm, nhưng dạo gần cận đại thì các tác phẩm của ông ý lại nổi lên, bởi những vấn đề của nó đề cập rất hợp với thời hiện đại, thời đại mà ông ý không còn sống nữa. Đợt trước tôi có đưa cho SVNN B đĩa phim chuyển thể từ 1 tác phẩm của ông ý, để chị này học tiếng Nhật. Nhưng tôi cũng đoán là chị chưa mở ra đâu :)) thế nên hôm nay nhân thể tôi giới thiệu tới tất cả các anh chị luôn.
Bộ phim này tên là 「銀河の鉄道」.
(do không có thời gian, thầy chỉ tua qua một số đoạn chính để giới thiệu. Mình đã tự google để đọc hiểu nổi dung và thấy đây cũng là một anime khá ý nghĩa, giới thiệu ngắn gọn ở dưới.
Các nhân vật trong này được "mèo hóa" hình mèo. Nhân vật chính là Giovanni, một cậu bé sinh ra trong gia đình nghèo, mẹ bị ốm đau suốt, bố bỏ đi trong 1 chuyến thám hiểm viễn xứ và không bao giờ quay trở lại. Cậu vừa làm việc để nuôi mẹ, vừa cố gắng đi học để mẹ vui lòng. Đương nhiên với tất cả sự khác biệt của mình cậu ta trở thành đối tượng lý tưởng bị trêu chọc いじめ. Trong lớp luôn có 1 người đứng ra bảo vệ cậu, Campanella. Xin nói đây là con trai, thời này motive lãng mạn chưa xuất hiện. Một ngày nọ, sau khi làm việc cực kì vất vả, Giovanni ngủ quên trên đồng và bắt đầu mơ. Cậu thấy 1 đoàn tàu kì lạ xuất hiện ở chân đồi. Cậu leo lên và thấy Campanella ở trên. Cả 2 đi suốt 1 quãng đường dài, con tàu vượt qua dải ngân hà, cả 2 gặp rất nhiều thành phố kỳ lạ, với những con người, sự vật kỳ lạ. Giữa đường, Campanella đứng dậy từ biệt Gionvanni và biến mất. Khi Gionvanni tỉnh dậy, trở về làng, cậu nghe tin rằng đứa trẻ luôn tìm cách trêu trọc câu bị rơi xuống sông, Campanella lao xuống cứu đc lên nhưng bản thân thì thiệt mạng. Gionvanni tự hứa với lòng mình, với Campanella rằng từ giờ trở đi sẽ không có trở ngại nào có thể khiến cậu sụp đổ, cậu sẽ mạnh mẽ và dấn bước về phía trước)
Thầy:(dừng lại ở một số đoạn chính, ví dụ đoạn 2 người bạn đến 1 thành phố, ở đó có 1 ông già đang miệt mài khai quật. Hỏi rằng ông ý làm gì ông ý nói rằng đang khai quật bụi của 1 thành phố cổ??? Hỏi ông ý có gì hay thế thì trả lời hay lắm nhiều ý nghĩa lắm. Nhưng chưa kịp hỏi tiếp thì đến giờ tàu chạy)
世の中、わけ分からない仕事をやるやつが多いですね。そんなことをやると何が楽しいだろう
Trên đời này có nhiều người làm những công việc kì quái mà ta không hiểu được. Không hiểu người ta cảm thấy vui thích gì ở trong công việc đó nhỉ.
(thầy comment lúc Campanella chết)
Các anh chị phải biết là phần lớn người chết đuối, không phải vì bản thân chết mà vị bị người khác kéo theo chết chìm. Ở đây cũng muốn nói một điều là đời không có công bằng đâu. Nếu xem film xem tivi, với cảnh 1 đứa trẻ bị trêu trọc, kể trêu chọc và đứa trẻ hoàn hảo đứng ra bảo vệ lẽ phải, thì bao giờ đứa trẻ bị trêu chọc cũng sẽ cứ thể chìm xuống đáy xã hội, còn đứa trẻ hoàn hảo thì trở nên kiệt xuất. Thế nhưng trên đời này, những đứa trẻ kiệt xuất nhất lại là đứa đầu tiên bị chìm, chuyện như thế cũng không phải là hiếm.
(comment ở đoạn cuối)
Bộ film này khiến cho ta phải suy nghĩ về giá trị của cuộc đời, ý nghĩa của sự hạnh phúc. Như Gionvanni đây, đi học có phải vì muốn đi học? hay chỉ đơn giản là làm vui lòng mẹ đang ốm. Thế rồi cũng lại Gionvanni tìm được hi vọng và mục tiêu sống, nhưng lại từ cái sự rất tuyệt vọng: đó là cái chết của người bảo vệ duy nhất của mình.
Tại sao tôi lại có hứng thú với nhà văn này. Phải nói rằng ông ý là một người đặc biệt: cô lập với cuộc sống. Ông ý tự cô lập mình khỏi xã hội, tự tưởng tượng ra tất cả các tác phẩm mà ông ý sáng tác. Thông thường với tác gia thì đó là tự sát, vì văn phong không thể theo kịp thời đại. Trong hoàn cảnh của tác gia này, văn phong ông ý đúng là không hợp thời, nhưng thậm chí lại vượt trước cả thời đại. Nó động đến những vấn đề, những giá trị của xã hội hiện đại mà vào thời điểm đó ít người nghĩ đến. Đó có lẽ là ảnh hưởng của sự cô lập, cũng có thể 1 phần do cú sốc từ cái chết của em gái nhà văn gây ra.
Tóm lại tôi chỉ giới thiệu qua bộ phim, các anh chị ai có hứng thú muốn xem thì có thể tìm hiểu thêm.
TỔNG KẾT:
Thầy: Tại sao hôm nay tôi lại muốn nói đến chuyện này. Vốn dĩ khởi nguồn là như sau. Hai tuần trước tôi có dự bảo vệ của 1 doctor. Cậu này thì cực kì xuất sắc. Slide thuyết trình cùng bảo vệ thì tuyệt vời. Thành quả nghiên cứu thì không có gì để nói. Thế lúc vào công ty làm việc, mọi thủ tục qua được hết, nhưng cuối cùng thì bị... đánh trượt. Các anh chị biết tại sao không? Bị trượt ở vòng trắc nghiệm tính cách của phòng nhân sự. Các anh chị tin được không? Trắc nghiệm tính cách, trượt được đấy.
Tôi đã phải thân trinh hỏi thăm tình hình. Hóa ra là anh chàng quá thật thà, cứ thế trả lời mà không cân nhắc, sau đó lại làm lỗi ở một số chỗ, và bị kết luận là nói dối. Tôi đã thử hỏi lại một số câu và quả đúng là cậu ta nhận ra rằng mình đọc nhầm. Phải nói rằng, trắc nghiệm tính cách kiểu chọn, nó là dạng trắc nghiệm các anh chị có thể dễ dàng gian lận nếu có sự chuẩn bị. Nhưng nó cũng rất nguy hiểm ở chỗ, trả lời sai, đôi khi mọi công sức của anh chị bị đánh tuột chỉ bởi 1 điểm. Rất rõ ràng, chỉ có 1 mức qua và trượt mà thôi.
Tôi biết, thời đại các anh chị rất là khổ. Như thời tôi nhé, buchou kachou phải thân hành uống rượu tiếp chuyện với từng nhân viên. Thậm chí là 300, 300 hơi quá, 200 đi. Tôi đã phải uống với từng người trong 200 người đó. Thế nên tính cách, năng lực tất cả mọi thứ bộc lộ hết. Uống rượu vào thì cái gì cũng nói ra hết ngay ý mà, sự đánh giá nó toàn diện hơn, nó gần thực tế hơn. Nhưng thời nay thì cái gì cũng số hóa hết, kết quả chỉ đánh giá bằng từng con chữ. Rất tội nghiệp cho các anh chị nhưng nó là thế đấy.
Bước ra khỏi nhà trường, cuộc sống là một sân chơi không công bằng. Đừng có bao giờ mộng tưởng đến sự công bằng ở đây. Chẳng mấy khi tìm được ai đó mà có "start line" giống hết anh chị. Nên ý thức được điều đó.
Xây dựng bản thân, khi mọi thứ mất hết, kể cả quan hệ và giá trị tài sản hay tinh thần, điều gì còn lại? Cái này đây (thầy vỗ vỗ vào tay chính mình). Hãy biết bắt đầu từ cái này.
Tiếp đến là hãy biết tạo dựng mạng lưới bạn bè, không có bạn bè thì anh chị làm gì cũng khó. Vào trường này, tôi hay nói với các anh chị đã tốt nghiệp, điều tốt nhất mà các anh chị sẽ được hưởng không phải là tấm bằng tốt nghiệp, mà là từ tấm bằng tốt nghiệp từ rất nhiều các OB/OG đã tốt nghiệp từ đây. Bạn bè là vô cùng quan trọng.
Thế nên tôi mới tổ chức buổi hôm nay, hi vọng là giúp cho các anh chị chuẩn bị một số điều cơ bản để đối mặt với cuộc sống đi làm ở Nhật. Quan trọng nhất là hay luôn vận động, động não và suy nghĩ, nhất là về ý nghĩa của việc đi làm. Có như vậy khi gặp khó khăn vất vả, anh chị mới có đủ dũng khí và niềm tin để vượt qua được trở ngại....
- 山中湖 - 2012/8/2