Bài đầu tiên,xin được nói về vấn đề tôi từng ko vui nhất trong lịch sử:"cải cách ruộng đất".Nhưng các bạn có biết không?Đằng sau nó vẫn là bàn tay của TQ.Xin trích 1 bài viết bên trang http://www.x-cafevn.org.Trong bài này còn nhiều vấn đề đánh để ta suy nghĩ:
Bùi Minh Quốc
Trân trọng gửi nhà văn - chiến sĩ Nguyễn Khắc Phục từng chiến đấu trên chiến trường Khu 5 cũ đang tiếp tục can đảm chiến đấu chống bành trướng, cùng toàn thể các đồng nghiệp, các cán bộ đảng viên và các bạn đọc quan tâm đến dân sự quốc sự.
Kính nhờ báo Văn Nghệ, báo Nhân dân, báo Người Đại biểu Nhân dân cùng tất cả các đài, báo trong ngoài nước và trên mạng internet công bố giùm.
Đúng ra, đối với đất nước ta, chủ nghĩa bành trướng hiện đại Trung Quốc đã có cả “diễn biến vũ trang” lúc rộ lên, lúc âm thầm nhỏ lẻ, và trong cái im ắng của những năm tháng bình yên thì kẻ thù nguy hiểm truyền kiếp phương bắc vẫn không ngừng chuẩn bị cho “diễn biến vũ trang”, nhưng dưới đây xin chỉ tập trung nói về diễn biến hòa bình.
Lâu nay khi nói đến “chống diễn biến hòa bình” chúng ta thường chỉ chú ý nhìn về phía tây, phía các nước đế quốc thù địch cũ.Thế là chệch hướng rất tai hại, là mất cảnh giác rất nghiêm trọng, một sự mất cảnh giác chiến lược.
Hãy cùng nhau đọc lại một đoạn hồi ký của bậc lão thành cách mạng Hoàng Tùng, nguyên bí thư trung ương Đảng, trưởng ban tuyên giáo trung ương: “Mùa thu năm 1950, Trung Quốc phái hai đoàn cố vấn sang Việt Nam. Một đoàn chính trị do La Quý Ba làm Tổng cố vấn. La Quý Ba trước là bí thư của Mao, bí thư Sơn Tây. Ông này là người nghiêm chỉnh, phục Mao Trạch Đông như một ông thánh. Ông là người tin cẩn của Mao. Còn Tổng cố vấn về quân sự là Vi Quốc Thanh. Đoàn cố vấn quân sự đông hơn, vì nó có đủ cả các bộ máy của quân sự. Ta không hiểu thâm ý của Trung Quốc là muốn sửa ta. Họ sang để giới thiệu kinh nghiệm Trung Quốc, lý luận Mao Trạch Đông, lý luận quân sự, tổ chức quân đội. Việc đầu tiên là họ sửa đổi đã. Họ sửa cả Đảng trong quân đội cho nên mới lập ra chức chính ủy. Trước, ta chỉ có chính trị viên. Cũng là chính trị cả nhưng có khác nhau về chức năng. Chính ủy là người bao trùm lên Tư lệnh, chứ không phải Tư lệnh là người quyết định. Lập ra Chính ủy là để xác định vị trí của Đảng, mà việc đầu tiên là nhằm vào ông Giáp. Vì ông Giáp xuất thân từ trí thức, năm 1950 mới có 10 tuổi Đảng, mặc dù ông tham gia cách mạng từ những năm 1930, nhưng ông hoạt động bị bắt rồi lại đi học mãi đến năm 1940 mới được Bác kết nạp vào Đảng, theo Trung Quốc ông là một trí thức xuất thân không phải công nông, mà để ông nắm quân sự thì không ổn. Đặt ra những Chính ủy để phụ trách Đảng trong quân đội. Có người đưa cho đoàn cố vấn một danh sách cán bộ trong quân đội xuất thân gia đình không phải là công nông định để gạt ra khỏi quân đội. Ai đưa danh sách này cho đoàn cố vấn? Tôi ngờ rằng đó là một người trong quân đội (…). Ông Giáp mới đưa danh sách đó cho Bác, Bác bảo đốt ngay đi, thay bằng ấy người thì quân đội không còn cán bộ…”.
Đoạn vừa trích dẫn trên là rút từ một bản photo truyền tay nhiều năm nay trong các lão thành cách mạng, các cựu chiến binh và các nhà nghiên cứu, tôi nêu ra để bạn đọc tham khảo khi đối chiếu với thực tế lịch sử trước và sau năm 1950. Phần tôi thì tôi tin những điều ông Hoàng Tùng kể là có thật; cũng như nhà văn Nguyễn Khải viết “Đi tìm cái tôi đã mất”, bậc lão thành Hoàng Tùng tự buộc mình phải nói với mọi người những sự thật quan thiết đến vận mệnh dân tộc để đáp ứng nhu cầu tâm linh của một người cao tuổi đã sắp về cõi.
Qua vụ việc ông Hoàng Tùng kể, ta thấy cái đòn “diễn biến hòa bình” của Trung Quốc trước hết nhằm vào quân đội ta (hãy nhớ đến luận điểm “súng đẻ ra chính quyền, súng chỉ huy Đảng” của Mao Trạch Đông), nhằm vào từ người đứng đầu là đại tướng tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp cho đến hàng loạt sĩ quan trung cao cấp, và đòn này được sự hưởng ứng (hay tiếp tay?) ngay từ trong nội bộ ta. May mà chủ tịch Hồ Chí Minh đã lẳng lặng dẹp khéo ngón đòn ấy, không thì chúng ta không thể có được Điện Biên Phủ.
Nhưng đến cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức với cả một hệ thống cố vấn Trung Quốc từ trung ương tới địa phương kèm sát các đoàn ủy của ta thì mưu đồ nham hiểm bất thành nêu trên đã thành công ở qui mô chưa từng thấy, dưới một hình thái bi thảm chưa từng thấy: Đảng ta tự đưa mình vào cảnh dùng tay nọ chặt tay kia. Hàng nghìn cán bộ đảng viên, hầu hết là những người tận tụy nhất, trung kiên nhất, hy sinh nhất, những người con ưu tú nhất của Đảng, của dân tộc bị giết, bị hành hạ, tù đầy, số sống sót thì bị vô hiệu hóa. Hàng vạn người dân lương thiện, trong đó nhiều người là ân nhân của cách mạng và kháng chiến cũng chịu cảnh tương tự. Tổn thất này vượt ngàn lần so với những tổn thất do thực dân đế quốc gây ra, cùng những hệ lụy tai hại dai dẳng về mọi mặt, nhất là về chính trị và văn hóa.
Nói cho chính xác thì qua vụ cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức, Đảng ta đã rơi vào cảnh tự chặt đứt dưới chân mình những cội rễ dân tộc mà từ đó Đảng được sinh ra. Đường lối giai cấp trong công tác cán bộ chính thức xác lập, đưa hàng vạn nông dân thất học vốn hiền lành chất phác nhưng được bồi dưỡng để nói điêu, tố điêu rất giỏi, thoắt cái đã trở thành cán bộ cốt cán. Khối đại đoàn kết toàn dân chỉ còn là hình thức, Mặt Trận trở thành nơi trình diễn sự đoàn kết bề ngoài, bên trong là “đoàn kết” kiểu chơi cha thiên hạ.
Giáo sư Phan Ngọc trong bài “Những suy nghĩ ban đầu về vấn đề học thuyết Hồ Chí Minh” cho biết một chi tiết quan trọng trong lịch sử Đảng bấy lâu bị bưng bít: “…khi anh Đào Duy Dếnh tức Đào Phan bí thư thành ủy Hà Nội bị bắt vào tù, anh tuyên truyền đường lối Việt Minh cho anh em cộng sản trong nhà tù Sơn La thì mọi người đều tán thành, nhưng có một người nói: “Có một Nguyễn Ái Quốc chứ mười Nguyễn Ái Quốc mà đi theo con đường ấy cũng thất bại”. Người đó là Lê Đức Thọ”(trang 9 tạp chí“Biển và Bờ” tháng 5.2008). “Con đường ấy” mà Lê Đức Thọ bài bác chính là con đường do Nguyễn Ái Quốc vạch ra, là đường lối Việt Minh – đường lối đoàn kết toàn dân đánh Pháp đuổi Nhật được quyết định tại hội nghị ban chấp hành trung ương Đảng lần thứ 8 tháng 5 năm 1941.
Nhà cách mạng lão thành Nguyễn Hữu Đang lúc sinh thời, từng kể với nhà thơ Phùng Quán và người viết bài này (tại chòi ngắm sóng của anh Phùng Quán): Hồi ở Việt Bắc, có thời gian sức khỏe yếu, ông được cho đi nghỉ dưỡng. Phụ trách cơ sở nghỉ dưỡng là một cán bộ cao cấp nhưng có tính hay nói tục (sau này lên tới cấp tướng, ở trong trung ương nhiều khóa nhưng vẫn hay văng tục). Một buổi tối ngồi quây quần trò chuyện, khi đề tài chuyển đến vấn đề đoàn kết dân tộc, đoàn kết tất cả những người yêu nước không phân biệt giai cấp, thì cái vị hay văng tục kia bật ra một câu khiến ông nhớ đời: nói thế chứ đoàn kết thế đéo nào được! (xin phép bạn đọc tôi ghi nguyên si cái từ văng tục của vị kia đúng như cụ Nguyễn Hữu Đang đã kể).
Thế lực bành trướng trong giới lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc dễ dàng nhận ra: từ khá sớm, trong đầu óc không ít cán bộ nòng cốt cao cấp của Đảng ta luôn có một mảnh đất mầu mỡ để gieo và thúc cho bốc nhanh những mầm mống giai cấp chủ nghĩa dù tạm thời bị xẹp xuống sau thất bại của Xô viết Nghệ Tĩnh nhưng sẽ sẵn sàng mọc dậy khi có cơ hội. Đấy chính là bàn đạp êm ái và đắc dụng nhất cho những bước chân bành trướng mà tất cả các thế lực bành trướng cổ truyền phương bắc chưa hề có được.
Sau cải cách ruộng đất, ủy viên bộ chính trị Lê Đức Thọ làm trưởng ban Tổ chức trung ương, nắm quyền về cấu trúc, xây dựng tổ chức và sắp đặt nhân sự trong toàn Đảng. Nắm tổ chức, nắm nhân sự là nắm thực quyền hầu như toàn quyền rồi còn gì! Xin hãy nhớ, Lê Đức Thọ nắm tổ chức (có thời gian còn nắm luôn cả tư tưởng) mấy chục năm liên tục cho tới 1986.
Hãy cùng nhau đọc lại những trang hồi ký của nhà cách mạng lão thành Nguyễn Văn Trấn ghi lời kể của ủy viên trung ương Đảng Bùi Công Trừng về hành xử của Lê Đức Thọ trong hội nghị trung ương lần thứ 9, năm 1963; nhân vật đầy quyền uy này ngang nhiên chặn lời cả cụ Hồ - “Bác phải để cho anh em người ta nói chứ!” - và lúc giải lao, Lê Đức Thọ cầm thuốc lá đi mời người này người nọ vừa làm ra vẻ “gần gũi” vừa để “chiếu tướng”. Sau hội nghị, lập trường chính trị của Đảng ta ngả hẳn sang lập trường của Đảng Cộng Sản Trung Quốc, hữu nghị với Liên Xô chỉ là bề ngoài để có vũ khí đánh Mỹ, bên trong là theo Trung Quốc chống Liên Xô kịch liệt. Xảy ra cái gọi là “Vụ án xét lại chống Đảng” do Lê Đức Thọ làm trưởng ban chuyên án, được phong (hoặc tự phong) là “tư lệnh đánh xét lại”, mà sau này nhà ngoại giao Nguyễn Khắc Huỳnh trong hồi ký của mình nhận xét rằng đó chỉ là thủ đoạn nham hiểm dựng ra vụ án nhằm thanh toán các đồng chí thật sự tài đức để thoán đoạt quyền bính. Hàng trăm cán bộ sĩ quan trung cao cấp trong và ngoài quân đội cùng gia đình họ bị tù đày, hành hạ triền miên, có người đã chết trong tù, về sau các nạn nhân kể rằng mọi cuộc thẩm vấn đều cố gán ép để họ khai một điều gì đó dính líu đến đại tướng Võ Nguyên Giáp nhưng không ai khai cả vì chẳng có gì để khai (Xin lưu ý: đại tướng Võ Nguyên Giáp một lần nữa lại là đích nhắm của các âm mưu đen tối, và cũng xin lưu ý: vụ việc xảy ra khi ta sắp phải đối đầu trực tiếp với Mỹ, còn Trung Quốc âm thầm chuẩn bị bắt tay với Mỹ và nắm Pôn-pốt thủ lĩnh Khơ - me Đỏ).
Có bao giờ âm mưu và thủ đoạn diễn biến hòa bình của phương Tây và của các thế lực bành trướng cổ truyền Trung Quốc đạt kết quả to tát như thế chưa?
Chưa.
Bởi vì phương Tây và các thế lực bành trướng cổ truyền Trung Quốc không có được mối quan hệ giữa hai “Đảng anh em” cầm quyền trên hai đất nước xung đột lâu đời về lợi ích quốc gia. Tính chất đặc biệt nguy hiểm trong âm mưu và thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của chủ nghĩa bành trướng hiện đại Trung Quốc đối với nước ta chính là ở đấy: bành trướng thông qua mối quan hệ giữa hai Đảng cầm quyền. Và tính chất đặc biệt nguy hiểm này chưa bao giờ được đề cập, được làm rõ trong công tác lý luận và tư tưởng, thậm chí còn cố tình lờ đi. Chính nhờ mối quan hệ giữa hai Đảng mà bọn Trần Ích Tắc, bọn Lê Chiêu Thống hiện đại thẻ - đỏ - tim - đen mới ẩn náu lâu đến thế, sâu đến thế trong bộ máy cầm quyền, và bọn này đã từ trong bóng tối ung dung thực hiện mọi âm mưu và thủ đoạn “diễn biến hòa bình” một cách “chính thống”. Chưa hề có một cuộc kiểm điểm đến nơi đến chốn về công tác tổ chức công tác cán bộ và công tác tư tưởng, những khâu có tính quyết định, là nguyên nhân của nguyên nhân mọi thành công và mọi sai lầm, nhất là những sai lầm dẫn đến tội ác (xảy ra ngay trong Đảng và ngoài xã hội) trước và sau khi có đổi mới (1986). Công tác bảo vệ chính trị nội bộ (trước kia gọi là bảo vệ Đảng) cũng chưa hề cho toàn Đảng toàn dân thấy tình hình thế lực bành trướng cài cấy người của chúng vào nội bộ ta như thế nào và ta đã đối phó ra sao, chỉ thấy những sai lầm chính trị mang tính hồ đồ rất có hại cho khối đại đoàn kết toàn dân và có lợi cho kẻ địch bành trướng như đẩy người Hoa về nước trong đó có rất nhiều bà con đã đóng góp của cải xương máu cho cách mạng Việt Nam, loại ra ngoài tổ chức hoặc vô hiệu hóa rất nhiều đảng viên người Hoa hoặc gốc Hoa từng chiến đấu vào sinh ra tử, dâng hiến cuộc đời cho Tổ Quốc Việt Nam và cách mạng Việt Nam như một con dân đất Việt. Sau sự hồ đồ đó lại là một trạng thái như thể không còn tên địch nào của thế lực bành trướng cài cắm trong nội bộ ta nữa.
Hãy cùng nhau mở lại báo Tuổi Trẻ ngày 27.4.2008 để đọc trên trang nhất một đoạn trong bài “Trị “chạy” chức” của nguyên phó ban tổ chức trung ương phụ trách công tác bảo vệ chính trị nội bộ Nguyễn Đình Hương:
“Vụ chạy chức ở Cà Mau không phải cá biệt, có thể nói cái sự “chạy” thì nơi nào cũng có, cấp nào cũng có, trung ương cũng có, tỉnh có, huyện có, các bộ ngành đều có…” ( ) “và chạy ở mức 100 triệu đồng chưa là cái gì, tôi biết có những trường hợp “chạy” lớn hơn nhiều”( ) “Chừng nào công tác cán bộ vẫn do một người hoặc một nhóm người quyết định mà người dân “chẳng biết đâu mà lần”, nạn “chạy chức, chạy quyền” sẽ vẫn còn đất sống”.
Có phải tình trạng “công tác cán bộ vẫn do một người hoặc một nhóm người quyết định” chính là tình trạng cố hữu từ thời trưởng ban Lê Đức Thọ chưa bao giờ được kiểm điểm làm rõ nên kéo dài suốt cho đến nay? Với một tình hình như thế, lấy gì đảm bảo kẻ địch bành trướng không cài cấy ngày càng sâu và ngày càng cao lực lượng của chúng trong nội bộ ta? Những vụ việc nghiêm trọng về gian lận đảng tịch và nhiều vấn đề nghiêm trọng khác của các đảng viên cao cấp Lê Đức Anh, Nguyễn Khoa Điềm, rồi vụ T4, vụ Tổng cục 2 hoạt động phá hoại có hệ thống kéo dài v.v… bị các lão thành cách mạng tố cáo và đòi hỏi phải giải quyết rốt ráo bao năm nay vẫn chưa xử lý rành mạch có liên quan gì đến những yếu kém, sự chệch hướng hoặc cố ý chệch hướng và buông lỏng trong công tác bảo vệ chính trị nội bộ?
Gần đây, tại cuộc hội thảo triển khai nghị quyết 23 của Bộ chính trị về văn hóa văn nghệ, ủy viên bộ chính trị, thường trực ban bí thư trung ương Trương Tấn Sang cảnh báo: “Các thế lực thù địch tiếp tục đẩy mạnh thực hiện âm mưu và thủ đoạn “diễn biến hòa bình” nhằm tạo ra sự “tự diễn biến” trên lĩnh vực tư tưởng - văn hóa trong xã hội ta”.
Cần đi sâu phân tích và làm rõ thêm ý kiến quan trọng nêu trên.
Trước hết phải vạch ra cho cụ thể, dứt khoát: trong “các thế lực thù địch” hiện nay, thì thế lực nào là nguy hiểm nhất?
Câu trả lời đã rõ như ban ngày: đó là thế lực bành trướng hiện đại trong giới cầm quyền Trung Quốc, chứ không phải những thế lực từ phương tây hay từ cộng đồng người Việt hải ngoại. Chúng đã và đang tạo ra sự “tự diễn biến” trong nội bộ dân tộc ta, mà trước hết là nội bộ Đảng ta như thế nào, và có phải chỉ diễn ra trong lãnh vực tư tưởng-văn hóa thôi không?
Xin nêu một dẫn chứng nho nhỏ mà tôi là một nhân chứng trực tiếp. Năm ngoái, (2007), nhà thơ Phan Đắc Lữ (một người tham gia kháng chiến từ lúc 16 tuổi, thuộc dòng họ Phan ở Bảo An, Gò Nổi, Quảng Nam, bà con gần gũi với các nhân vật yêu nước, cách mạng, và cán bộ cao cấp Phan Khôi, Phan Thanh, Phan Bôi, Phan Diễn…) đưa tôi đọc bản thảo tập thơ “Bốn mùa tôi” của ông. Ông kể rằng ông gửi bản thảo để xin giấy phép của nhà xuất bản Hội Nhà văn, nhưng bị họ cắt sửa tệ hại quá nên chẳng muốn in nữa. Trong những chỗ bị cắt, có 4 câu thơ này:
Tổ Quốc ta nơi nào cũng đẹp
Từ ải Nam Quan đến Cà Mau
Sông là máu đừng đem mua bán
Núi là xương đừng lấy đổi trao
(“Ký sự ngược sông Thu”)
Quái thật! Dưới chế độ ta, lại có kẻ nào dám cả gan hạ bút cắt bỏ những câu thơ yêu nước như thế? Nhìn kỹ vào các chữ ký trên bản thảo thì thấy, trực tiếp cầm kéo cắt là biên tập viên Ngô Văn Phú, ký duyệt là giám đốc Nguyễn Phan Hách, người kế nhiệm Ngô Văn Phú (đã nghỉ hưu nhưng được mời làm tiếp trong chân biên tập). Ngô Văn Phú và Nguyễn Phan Hách thì tôi biết, đó là hai đảng viên chức sắc trong Hội Nhà Văn và giới xuất bản, khó có thể nghĩ hai nhà văn ấy không yêu nước, nhưng thật tình tôi không hiểu nổi tại sao hai ông lại đang tâm dập tắt một tiếng lòng yêu nước của đồng nghiệp? Rõ ràng, đây là bằng chứng không thể chối cãi về tình trạng “tự diễn biến”. Từ người yêu nước, hai ông đã “tự diễn biến” thành công cụ cho thế lực vong bản bên trong và bành trướng bên ngoài, nếu không sớm tỉnh ngộ thì từng ngày một, qua từng việc một, sẽ dần dà tự hủy tư cách yêu nước của người đảng viên.
Trường hợp tôi vừa kể không phải là cá biệt. Nó diễn ra đầy rẫy hàng ngày trong hoạt động báo chí và xuất bản, bắt nguồn từ một tình trạng “tự diễn biến” ở cấp cao hơn trên qui mô lớn hơn. Cách đây hơn một năm, trong thư ngỏ gửi Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam cùng toàn thể đồng nghiệp trong Hội, tôi đã nêu vấn đề:“Chủ nghĩa bành trướng trong giới cầm quyền Trung Quốc không bao giờ tự lùi bước, tự mất đi, nó là mối họa trường kỳ đối với dân tộc Việt Nam ta cùng các dân tộc Đông Nam Á, và ngay cả với chính nhân dân Trung Quốc. Mấy chục năm qua, trong sinh hoạt văn hoá của nhân dân ta thiếu vắng hẳn các công trình nghiên cứu và tác phẩm văn học nghệ thuật về đề tài này, thậm chí các cuộc chiến tranh chống bọn diệt chủng Khơ me đỏ ở Cam-pu-chia, bọn bành trướng Trung Quốc ở biên giới phía Bắc, ở biển Đông, với xương máu của hàng vạn bộ đội và nhân dân ta, cũng vô cớ (một cách cố ý) bị biến thành đề tài cấm kỵ khiến sự thật lịch sử dần bị vùi lấp. Tại sao lại có một chủ trương thiếu văn hoá, đi ngược lại lợi ích dân tộc như vậy? Vấn đề hết sức nghiêm trọng này cần sớm được làm rõ, mà Hội Nhà văn Việt Nam là nơi cần phải có tiếng nói sớm nhất”. Thư ngỏ của tôi và của nhà văn Nguyễn Khắc Phục (ông có thư ngỏ gửi các nhà văn Trung Quốc về vấn đề Hoàng Sa, Trường Sa, thư ngỏ gửi thanh niên Việt Nam về nhiệm vụ chống bành trướng) bị báo Văn Nghệ cất kỹ vào ngăn kéo. Hơn một năm qua, ban chấp hành Hội Nhà văn vẫn im lặng. Không thể nghĩ là các nhà văn hội viên không yêu nước nhưng sự im lặng của ban chấp hành Hội khiến nhân dân buộc phải nghĩ rằng cái hội này đã thành công cụ của thế lực vong bản bên trong và bành trướng bên ngoài. Mà không chỉ riêng Hội Nhà văn “tự diễn biến” đáng xấu hổ như thế. Hầu hết các hội đoàn đều im lặng. Mặt trận Tổ Quốc cũng im lặng; bài phát biểu về vấn đề Hoàng Sa, Trường Sa của giáo sư Tương Lai, ủy viên đoàn chủ tịch trung ương Mặt trận tại diễn đàn Mặt trận không báo nào đăng. Thanh niên, sinh viên, nhà báo, văn nghệ sĩ đi biểu tình trật tự ôn hòa trên đường phố và trước đại sứ quán, tổng lãnh sự quán Trung Quốc để trực tiếp khẳng định với đối phương Hoàng Sa Trường Sa là của Việt Nam thì bị đàn áp thô bạo – bị quật xuống đường, bị bóp cổ, bị còng tay, rồi công an lôi về phường sách nhiễu, không từ cả đến các cựu chiến binh cao tuổi chỉ đứng bên hè hoan nghênh ủng hộ, mọi người phải phẫn nộ hỏi những người lính ăn lương từ tiền thuế của dân để làm nhiệm vụ bảo vệ dân: “Các anh có còn là người Việt Nam nữa hay không?”. Có nhà báo bị đưa ra tòa với một màn xử ngụy trang vụng về gượng gạo bằng khép tội trốn thuế. Phải chăng những người ngồi ghế xét xử đã “tự diễn biến” thành công cụ cho thế lực vong bản bên trong và bành trướng bên ngoài?
Theo nhận xét của riêng tôi, tình hình “tự diễn biến” đã trở nên rất nguy hiểm: trong nội bộ dân tộc, nội bộ đảng cầm quyền đã xuất hiện một thế lực ăn bám, ăn cắp, ăn cướp và mại bản về kinh tế, vong bản về chính trị và tư tưởng. Thế lực này núp trong bóng tối đằng sau cái bình phong Đảng lãnh đạo đang từng ngày từng giờ đẩy đảng viên vào cảnh dần dần tự hủy tư cách yêu nước của mình, đồng thời phá hoại nghiêm trọng tư cách yêu nước, tư cách vì dân của Đảng. Cách đây 20 năm, trước khi qua đời, nhà văn Nguyễn Minh Châu (giải thưởng Hồ Chí Minh) viết: “Làm thằng nhà văn Việt Nam vào lúc này mà tìm cách lẩn tránh vấn đề dân chủ là thiếu tư cách”. Tôi xin theo cái ý kiến rất xác đáng đó để nói to lên với mọi người rằng: làm người đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam vào lúc này mà tìm cách lẩn tránh vấn đề dân chủ và vấn đề chống bành trướng là thiếu tư cách.
TỔ QUỐC TRÊN HẾT, QUYỀN DÂN TRÊN HẾT
Đó là cốt lõi của tư tưởng Hồ Chí Minh.
Đó là cốt lõi của tư cách đảng viên.
Đó là tiêu chí hàng đầu trong phẩm chất chính trị của mỗi cán bộ gánh vác việc dân việc nước.
Đó là nguyên lý tồn tại của Đảng cầm quyền hiện nay và bất kỳ một đảng cầm quyền nào trong một chế độ đa đảng sau này.
Năm ngoái (2007), sau khi trúng cử đại biểu quốc hội, được báo chí hỏi ông thấy thế nào khi vẫn còn một số ít những người bỏ phiếu không bầu cho ông, chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã phát biểu (đại ý): tôi thấy cần phải tự xem lại mình. Một ý kiến rất đáng hoan nghênh, và tôi mong sớm có những việc làm đi đôi với lời nói đó; những người gánh vác việc dân việc nước cần phải thường xuyên “tự xem lại mình” từng ngày một, qua từng việc một.
Xin hãy mở lại báo Tuổi Trẻ ngày 13.01.2008 đọc trên trang nhất bài tường thuật với những hàng tít lớn sau đây:
“TẠI HỘI NGHỊ PHÒNG CHỐNG THAM NHŨNG, THỦ TƯỚNG NGUYỄN TẤN DŨNG: CÔNG KHAI HẾT, CẢ CHI TIÊU NGÂN SÁCH VÀ TÀI SẢN
…
Theo thủ tướng, có bốn nguyên nhân dẫn đến tham nhũng là thể chế còn sơ hở, thủ tục hành chính rắc rối phiền hà, tinh thần phê bình và tự phê bình còn yếu, đặc biệt là trách nhiệm của cấp ủy và người đứng đầu chưa được thể hiện”.
Gần một năm qua, tình hình tự phê bình và việc xem xét trách nhiệm của cấp ủy và người đứng đầu đã thể hiện như thế nào?
Mặt trận chống tham nhũng – theo tôi, cần phải chính thức gọi theo cách của Hồ chủ tịch là đánh giặc nội xâm – diễn biến rất xấu, những nhà báo, những sĩ quan công an được công luận thừa nhận là những chiến sĩ có công trên mặt trận này đáng lẽ được biểu dương thì lại bị áp đặt những bản án phản công lý mà các báo không được phép phân tích bình luận, vậy mà không thấy đâu một lời tự phê bình của Tổng bí thư và Thường trực ban bí thư.
Gần một năm qua, không có một nhúc nhích gì về việc công khai tài sản. Một cán bộ cao cấp phát biểu ở Quốc Hội rằng chưa công khai được vì Hiến pháp qui định phải tôn trọng quyền bí mật tài sản của công dân (!). Ái chà chà, tôn trọng Hiến pháp mà lại để luật báo chí luật xuất bản vi phạm Hiến pháp bao năm ròng như thế? Còn việc kê khai tài sản thì Hiến pháp có cấm việc tự nguyện kê khai và công bố công khai đâu? Hiến pháp và nhân dân không những không cấm mà còn hoan nghênh tất cả các ủy viên bộ chính trị, ủy viên trung ương ngay ngày mai tự nguyện công khai tài sản của mình trên các báo đài.
Xin mời các ủy viên bộ chính trị và ủy viên trung ương Đảng, các đại biểu Quốc Hội cùng tất cả mọi người đọc câu thành ngữ dân gian mới đang lưu truyền mà tôi nghe được:
"Đảng chỉ tay, Quốc hội giơ tay, Mặt trận vỗ tay, Chính phủ ra tay, Doanh nghiệp nhà nước ngửa tay, Công ty hữu hạn ngoặc tay, Công an còng tay, Tội phạm bắt tay, Báo chí chùn tay, Trí thức phẩy tay, Đồng đội cụt tay, Quan chức đầy tay, Dân trắng tay".
(Xin ghi chú ngay: tôi hiểu chữ Đảng trong câu thành ngữ trên không phải là toàn Đảng mà chỉ là một thiểu số quyền lực trong Đảng được đưa lên theo cách “công tác cán bộ vẫn do một người hoặc một nhóm người quyết định” như nguyên phó ban tổ chức trung ương Nguyễn Đình Hương đã thẳng thắn phơi bày).
Đó là hậu quả kết đọng đau đớn của tình trạng tự diễn biến bên trong và diễn biến từ bên ngoài.
Tình hình là như thế, theo sự quan sát và nhận thức của tôi.Tôi rất mong có một cuộc thảo luận bình đẳng, công khai và thẳng thắn để nhận được sự chỉ bảo xem nhận định của tôi có chỗ nào quá mức, chỗ nào chưa đúng mức so với thực tế.
Từ những nhận định về tình hình như đã trình bày, xin nêu mấy ý kiến về nhiệm vụ (đây chỉ là mấy ý kiến sơ bộ phác ra, tôi sẽ tiếp tục suy nghĩ và trình bày thêm sau, mong sớm có một cuộc thảo luận rộng rãi trong toàn Đảng toàn dân, chắc chắn sẽ xuất hiện vô vàn sáng kiến đóng góp cho công việc chung):
1- Trong nhiệm vụ chống diễn biến hòa bình, phải đặt lên hàng đầu nhiệm vụ chống diễn biến hòa bình của chủ nghĩa bành trướng hiện đại Trung Quốc, phải chống triệt để, thường xuyên và lâu dài trên tất cả mọi mặt nhưng trước hết phải tập trung chống thủ đoạn chiến lược diễn biến hòa bình thông qua mối quan hệ giữa hai Đảng cầm quyền.
2- Vận động toàn Đảng toàn dân yêu cầu cơ quan lãnh đạo Đảng phải tiến hành ngay việc xem xét lại một cách căn bản mối quan hệ giữa Đảng ta và đảng Cộng sản Trung Quốc (theo tôi, thực tế lịch sử đã cho thấy đó là mối quan hệ giúp một hại mười, sự giúp đỡ là của nhân dân Trung Quốc, chúng ta đời đời ghi ơn, nhưng thế lực bành trướng luôn lợi dụng sự giúp đỡ đó để thực hiện mưu đồ bành trướng). Trong khi chờ đợi cơ quan lãnh đạo bắt tay vào việc thì toàn Đảng toàn dân phát huy tinh thần làm chủ, tích cực chủ động tiến hành xem xét lại mối quan hệ đó, đặc biệt là các bậc lão thành, các nhân chứng lịch sử cần nghiêm túc chấp hành chủ trương “Nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật” mà Đảng khởi xướng từ đại hội 6, nói cho toàn Đảng toàn dân biết những sự thật bấy lâu bị bưng bít như lão thành cách mạng Hoàng Tùng đã nói (nhưng cũng chỉ mới nói được một phần nhỏ).
3- Vận động toàn Đảng toàn dân yêu cầu cơ quan lãnh đạo Đảng tiến hành rà soát lại công tác tổ chức công tác cán bộ, công tác bảo vệ chính trị nội bộ từ sau cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức đến nay, tập trung làm rõ những sai lầm chiến lược đã dẫn đến chỗ Đảng rơi vào tình trạng tự làm sa sút, làm mất dần và có nguy cơ mất hẳn tư cách một Đảng yêu nước, vì dân.
Trên cơ sở đó mà tiến hành chỉnh đốn Đảng, đổi mới công tác tổ chức, công tác cán bộ theo đúng tiêu chí TỔ QUỐC TRÊN HẾT, QUYỀN DÂN TRÊN HẾT. Trước mắt vận động thực hiện nguyên tắc mà các nguyên tổng bí thư Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu đã nêu: không nhất thiết phải là đảng viên mới được làm bộ trưởng, theo đó có thể tiến hành thực hiện lựa chọn người gánh vác việc dân việc nước chỉ căn cứ vào đức tài bất kể những người đó có là đảng viên hay không, làm được như vậy chắc chắn rằng những phần tử cơ hội chui vào Đảng để làm quan sẽ sớm tự động bỏ Đảng, việc chỉnh đốn Đảng sẽ sớm đạt hiệu quả cao.
4- Vận động toàn Đảng toàn dân yêu cầu cơ quan lãnh đạo Đảng tiến hành xác định lại tính chất của Đảng, chuyển từ Đảng của giai cấp thành Đảng của dân tộc – Đảng là tập hợp tinh hoa trí tuệ và đạo đức từ mọi giai cấp và tầng lớp của dân tộc, chỉ có như thế Đảng mới xứng đáng với vị trí cầm ngọn cờ đại đoàn kết dân tộc. Trước mắt cần:
- Tổ chức học tập trong toàn Đảng “tự xem lại mình” về thái độ yêu nước thụ động rất xa lạ với truyền thống dân tộc làm sa sút nghiêm trọng tư cách yêu nước của Đảng, đồng thời làm rõ trách nhiệm cá nhân về chủ trương đàn áp những người biểu thị lòng yêu nước trên đường phố vừa qua, trả tự do ngay cho những người đang bị giam cầm.
- Vận động toàn Đảng toàn dân đề nghị không nên treo cờ Đảng ngang với cờ Tổ Quốc vì trái với khẩu hiệu TÔ QUỐC TRÊN HẾT mà Hồ chủ tịch đã nêu ra từ Cách mạng Tháng Tám 1945.
- Vận động toàn Đảng toàn dân đề nghị giữ đúng lời thề của lực lượng vũ trang nhân dân mà Hồ chủ tịch đã nêu “Trung với nước, hiếu với dân”, không nên tùy tiện thêm mệnh đề “Trung với Đảng” vì như thế binh sĩ sẽ mất tinh thần chiến đấu khi nhìn vào tình trạng Đảng đang sa sút tư cách yêu nước, tình trạng chạy chức chạy quyền diễn ra phổ biến trong Đảng, công tác chính trị tư tưởng trong lực lượng vũ trang sẽ bế tắc, và chung cục sẽ rơi vào bẫy của chủ nghĩa Mao, những thế lực thẻ-đỏ-tim-đen nhân danh Đảng nắm quân đội sẽ thực hiện mưu đồ chính quyền trên đầu súng, súng chỉ huy Đảng. Trong khi chờ đợi sự thay đổi ở cấp vĩ mô thì toàn Đảng toàn dân tích cực chủ động vận động giáo dục thanh niên Việt Nam nắm vững quyên công dân, mỗi thanh niên làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ Quốc, bảo vệ trật tự trị an cho đời sống nhân dân hoàn toàn có quyền chỉ hô “Trung với nước, hiếu với dân”, và người nào thực lòng không thuận với sự thêm thắt mấy tiếng “trung với Đảng”, người ấy hoàn toàn có quyền nói thẳng với cấp trên rằng nếu ép buộc phải hô cả mấy tiếng ấy thì đó chỉ là hô gượng gạo ngoài miệng mà thôi.
5- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục bồi dưỡng lòng yêu nước, ý chí bảo vệ độc lập chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ, làm cho toàn Đảng toàn dân, các thế hệ hôm nay và mai sau, ý thức sâu sắc về mối họa bành trướng, về nhiệm vụ chống chủ nghĩa bành trướng hiện đại Trung Quốc. Cụ thể là:
- Sớm biên sọan để đưa vào sách giáo khoa các cấp bài học về địa lý, lịch sử hai quần đảo Hoàng Sa Trường Sa - những phần lãnh thổ thiêng liêng của đất nước Việt Nam mà tổ tiên để lại cho con cháu có nhiệm vụ gìn gữ hiện đang bị Trung Quốc xâm chiếm.
- Các báo đài sớm công bố các hiệp định về ranh giới trên đất liền và trên biển (có kèm bản đồ cụ thể) giữa nước ta và nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, đồng thời mở mục thường xuyên về đề tài chống bành trướng, giữ nước, vận động toàn Đảng toàn dân tham gia viết bài, trước mắt đề nghị Quốc Hội, Chính phủ cần có các tuyên bố ngang cấp với các tuyên bố của Trung Quốc về vấn đề Hoàng Sa Trường Sa.
- Đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học về vấn đề chống bành trướng, về chiến lược chiến thuật ứng xử trong quan hệ giữa nước ta với Trung Quốc, giải quyết tốt quan hệ giữa thái độ cương nhu trên bàn đàm phán với việc biểu thị lòng yêu nước của toàn Đảng toàn dân, chú ý phê phán lập luận ngụy biện nhân danh sự mềm dẻo trong đối ngoại để che dấu thái độ bạc nhược chư hầu làm suy yếu sức mạnh nghìn đời của dân tộc, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại mà vị trí mới của Việt Nam trên trường quốc tế là nhân tố rất quan trọng. Trước mắt cần cho công bố ngay những công trình đã có và tái bản những gì đã được xuất bản trước đây về đề tài này. Biên soạn những cuốn sách mỏng về Hoàng Sa Trường Sa phát hành đến tận thôn cùng xóm vắng và dịch ra tiếng Trung Quốc để nhân dân Trung Quốc biết rõ thực chất tình hình.
- Đẩy mạnh sáng tác văn học nghệ thuật và các hoạt động văn hóa khác về đề tài cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức, về cuộc chiến đấu giúp nước bạn Cam-pu-chia chống bọn diệt chủng Pôn-pốt tay sai của thế lực bành trướng, cuộc chiến đấu chống bọn bành trướng Trung Quốc xâm chiếm Hoàng Sa năm 1974, xâm lấn các tỉnh biên giới phía Bắc năm 1979, một số đảo ở Trường Sa năm 1988. Cần chú ý có những bài thơ, bài hát về Hoàng Sa Trường Sa cho thiếu nhi từ tuổi mẫu giáo trở lên.
- Biểu dương những cá nhân và tổ chức có thái độ tích cực chủ động trong việc biểu thị tinh thần giữ nước, chống bành trướng, đặc biệt chú ý biểu dương Đoàn luật sư TP HCM đã chủ động ra tuyên bố chính thức khẳng định chủ quyền của nước ta trên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa với sự biểu quyết nhất trí của hàng ngàn thành viên, phát động các hội đoàn trong cả nước học tập tinh thần và phương pháp công tác của Đoàn luật sư TP HCM.
Chung qui lại, công việc chống “diễn biến hòa bình” của chủ nghĩa bành trướng hiện đại Trung Quốc phải do toàn Đảng toàn dân thực hiện theo đúng nguyên tắc tư tưởng Hồ Chí Minh TỔ QUỐC TRÊN HẾT, QUYỀN DÂN TRÊN HẾT, nghĩa là tất cả những người Việt Nam yêu nước phải kiên quyết nắm lấy quyền làm chủ của mình, đảng viên làm chủ Đảng, công dân làm chủ các hội đoàn mà mình tham gia, trước hết phải kiên quyết và sáng suốt làm chủ diễn đàn, làm chủ từng lời phát biểu, làm chủ từng lá phiếu để giành lại quyền làm chủ công tác cán bộ từ tay “một người hoặc một nhóm người” về tay toàn Đảng toàn dân; làm chủ là lẽ sống, là nếp sống, là niềm vui sống hàng ngày của mỗi con người, của mọi người.
Đà Lạt 30.12.2008 – BÙI MINH QUỐC
Nguồn: Viet-studies