toi la new bie chua biet post cai gi, nen gui lai cai mot chut lich su cua cu phanboichau-phong trao dong du:
Năm 1905, Phan Bội Châu cùng Tăng Bạt Hổ, Đặng Tử Kính sang Nhật gây dựng phong trào Đông du. Đó là thời điểm nước Việt Nam đứng trước một yêu cầu bức thiết phải canh tân xứ sở và Phan tiên sinh cho rằng phải cử nhiều thanh niên sang Nhật Bản, nhằm tạo ra một lực lượng có thực tài làm nòng cốt cho sự nghiệp phục quốc. Cũng năm này, cụ Phan đã hoàn thành trước tác Việt Nam vong quốc sử và sau đó một năm là trước tác Hải ngoại huyết thư. Kỳ vọng vào việc xây dựng lại đất nước theo hình mẫu của nước Nhật dưới thời Minh Trị, cụ Phan rất hâm mộ một nhà giáo dục và nhà tư tưởng danh tiếng thời đó là Fukuzawa Yukichi (cụ dịch là Phúc Trạch Dụ cát).
Khác với các sĩ phu đương thời, cụ Phan không muốn tiến thân bằng con đường khoa bảng mà sẵn sàng xả thân vào sự nghiệp thương dân, cứu nước. Fukuzawa cũng là người đi tiên phong trong việc đả phá lối học hành hư văn. Ông đã từng viết: Lối học hành đó chỉ nhằm những chuyện xa vời và không có ích trong đời sống hàng ngày. Ông đề xuất chủ trương Thực học (Jitsugaku) - nền học vấn gắn với đời sống con người. Fukuzawa đã sang Mỹ và châu Âu 3 lần và đã viết 3 tập của bộ sách Seiyô jijô (Tây dương sự tình) kể về các chuyện lạ mà ông đã lĩnh hội được từ các nước phương Tây.
Mặc dầu khi đó nước Nhật đã giành được độc lập nhưng chính quyền Tokugawa đã ký kết những điều ước bất bình đẳng với các cường quốc phương Tây. Fukuzawa cho rằng nền độc lập quốc gia chỉ có thể có được trên nền tảng tinh thần độc lập của từng người trong nước. Đó là tinh thần: Biết tự mình lo toan cho chính mình mà không cậy nhờ người khác... Biết phân tích phải trái một cách đúng đắn mà không ỷ lại vào trí khôn của người khác... Dùng tâm lực lao động để nuôi lấy chính mình mà không cậy nhờ vào sức người khác... Fukuzawa đặc biệt quan tâm đến việc dùng biện pháp kinh tế để vừa duy trì độc lập vừa đưa Nhật Bản lên hàng ngũ các cường quốc. Ông cho rằng kẻ thù nguy hiểm nhất không phải là kẻ thù quân sự mà là kẻ thù thương mại, không phải là kẻ thù vũ lực mà là kẻ thù trí lực.
Trong các trước tác viết trong phong trào Đông du, cụ Phan đã phân tích rạch ròi: Dân trí thấp kém, dân quyền bị khinh bỉ và tình trạng thiếu đoàn kết là những nguyên nhân đưa đến hiểm họa vong quốc ở Việt Nam. Cụ viết về nguyên nhân mất nước:
Một là, Vua sự dân chẳng biết/ Hai là, quan chẳng thiết gì dân/ Ba là, dân chỉ biết dân/ Mặc quân với quốc, mặc thần với ai
(Việt Nam nghĩa liệt sử).
Bàn về Thực học, cụ Phan khuyên du học sinh: Việc học tập thành thạo các ngành binh công nông thương có nhanh cũng đến 5 năm ta chớ lấy làm lâu! Muốn học được nghề nghiệp của các nước trước hết phải học tiếng nói, chữ viết, 1 năm, 2 năm cho quen tiếng, nhuần lưỡi, người có chí không lấy làm khó, mà cốt lên vũ đài văn minh mà thôi.
Cả Fukuzawa lẫn Phan Bội Châu đều mong muốn tiếp thu văn minh nước ngoài với tinh thần khiêm tốn nhưng tích cực, chủ động và sáng tạo để từng bước rút ngắn khoảng cách của nước mình với các nước tiên tiến.
(e-bachkhoatoanthu)
[lol]