Ơ đây mình sẽ upload từng phần bài viết của Nguyễn Kiến Giang viết theo đề nghị của Trung tâm Tâm lý dân tộc (TPHCM) nhân cuộc hội thảo về “Bản tính dân tộc Việt Nam” (do Phạm Bích Hợp chủ trì). Ðược in trong kỷ yếu cuộc hội thảo này dưới nhan đề Tâm lý dân tộc - nhìn từ nhiều góc độ. Sau đó, lại được in vào Văn hóa Việt Nam - Đặc trưng và cách tiếp cận do Lê Ngọc Trà tập hợp và giới thiệu, Nxb Giáo dục, 2001
1.
Xin thú thật, bàn về “bản tính dân tộc Việt Nam” như cách gọi của bản gợi ý là điều tôi rất ngại. Ngại vì hai lẽ: một mặt, người ta đã bàn nhiều - thậm chí quá nhiều - về những phẩm chất “yêu nước”, “nhân ái”, “sáng tạo”, “cần cù”, “thông minh”, v.v... của người Việt mà tôi thật sự không biết bổ sung gì nữa. Mặt khác, để tìm một “bản tính dân tộc” có cơ sở lý luận và phương pháp luận vững chắc và có sức thuyết phục không chỉ đối với người Việt Nam mà cả đối với những người nước ngoài muốn tìm hiểu chúng ta, thì lại càng không dễ dàng chút nào. Cho đến nay, nói chung chúng ta chưa có cơ sở lý luận và phương pháp luận nào thật rõ ràng như thế cả. Hầu hết những bàn luận về vấn đề này đều dựa vào những quan sát và suy nghĩ theo lối kinh nghiệm. Phương pháp kinh nghiệm cũng rất cần, nhưng không đủ để phân tích, lý giải vấn đề này. Ngay cả những thuật ngữ như “bản tính” và “dân tộc” cần được hiểu như thế nào cho đúng và tương đối thống nhất, cũng không đơn giản. Không phải không có những ý định đi xa hơn lối quan sát kinh nghiệm; đã có người đề xướng ra việc đi tìm nguồn gốc bản sắc văn hóa Việt Nam từ nền văn minh trồng trọt và trồng lúa nước để đối lập với nền văn minh chăn nuôi du mục; cũng có người muốn nhấn mạnh tới tính chất bricolage (sửa vặt) của văn hóa Việt Nam... Nhưng chỉ với những quan sát kinh nghiệm thôi, cũng có thể thấy rằng những luận điểm ấy khó lòng đứng vững.
Về phần mình, cách đây khoảng mươi lăm năm, nhân có một cuộc hội thảo về “bản sắc văn hóa Việt Nam” do Viện Văn hóa (thuộc Bộ Văn hóa và Thông tin) tổ chức, tôi đã thử mày mò đi tìm cơ sở lý luận và phương pháp luận cho vấn đề này. Cuối cùng đành phải bỏ dở, vì chưa đủ những dữ kiện cần thiết để rút ra những nhận định dù chỉ để thuyết phục bản thân mình.
Tôi đã thử chứng minh rằng văn hóa Việt Nam là một “hệ thống mở” qua hàng nghìn năm tồn tại của tộc người Việt. Nó là một hệ thống có nhiều cơ tầng có liên quan tới những “đợt” tiếp xúc với những nền văn hóa bên ngoài (cũng tương tự như tiếng Việt gồm nhiều cơ tầng khác nhau mà các nhà ngôn ngữ học đã tìm thấy). Với những cơ tầng hình thành nối tiếp nhau trong lịch sử như vậy, rõ ràng người Việt chúng ta đã tiếp nhận (như một “cái phễu” ngày càng rộng miệng) rất nhiều nguồn văn hóa khác nhau trong lịch sử (Trung Quốc, Ấn Ðộ, Chiêm Thành, Pháp, Nhật Bản, Nga, Mỹ...). Tách ra từng yếu tố một, khó có thể nói cái gì của riêng người Việt và cái gì của bên ngoài. Ðiều đó không có gì lạ. Rất nhiều tộc người khác, rõ nhất là các tộc người ở châu Âu, cũng đã trải qua những quá trình tương tự, và văn hóa của họ cũng chính là những “hệ thống mở” như của chúng ta hay còn hơn thế nữa. Nhưng vẫn có một cái gì đó làm cho văn hóa của chúng ta trở thành của chính chúng ta mà không trộn lẫn với bất cứ một thứ văn hóa nào khác. Cái gì đó, theo tôi nghĩ hồi viết tiểu luận nói trên, có lẽ là một “bộ lọc”. Những sự tiếp nhận từ bên ngoài (dù bị áp đặt hay tự nguyện) đều phải đi qua “bộ lọc” này để trở thành của chúng ta. Vấn đề đặt ra là “bộ lọc” này gồm những gì và được cấu tạo như thế nào. Có lẽ đó là điều khó giải đáp nhất, ít ra đối với tôi. Với những hiểu biết có hạn, còn lỗ mỗ của mình, tôi đã thử trả lời câu hỏi đó: “bộ lọc” này gồm có ba yếu tố là ứng xử, ngôn ngữ và tâm thức, ba yếu tố này quyện chặt với nhau đến mức không thể tách riêng từng yếu tố, nói cho đúng, “tuy ba mà một” (cũng có thể gọi là “tam vị nhất thể” (trinité) như ở một số tôn giáo, nhưng ở đây không có “ba ngôi” theo thứ bậc mà là cùng tồn tại và hòa vào nhau).
Ứng xử là những hành vi làm cho đời sống cá nhân và cộng đồng thích ứng với những điều kiện tự nhiên và xã hội, không chỉ để bảo tồn mà còn để phát triển. Ứng xử ở đây là sự thích ứng với một khu vực khí hậu đặc biệt, từ nhiệt đới đến á nhiệt đới), có những gió mùa, mưa bão, hạn hán gần như thường xuyên; là sự thích ứng với nghề làm lúa nước; là sự thích ứng với đời sống làng xã từ “đồng đẳng” đến “bất đồng đẳng”, từ đơn giản đến phức tạp, nhưng bao giờ tính cộng đồng cũng là nét trội (dominante)... Ngôn ngữ ở đây là tiếng Việt với vốn từ vựng và hệ ngữ pháp riêng của nó, với những từ ngữ ngoại nhập ngày càng phong phú nhưng vẫn bám vào cấu trúc của tiếng Việt. Và tâm thức ở đây là một phong cách tư duy riêng, phản ảnh ứng xử và ngôn ngữ, đồng thời làm cho ứng xử và ngôn ngữ thấm đượm phong cách tư duy riêng ấy. Xin lấy vài ví dụ: trong tiếng Việt, có những hành vi cơ bản - hay còn có thể gọi là “những hoạt động sống” cơ bản - gắn với từ ăn và từ này thường trở thành tiếp đầu ngữ: ăn uống, ăn mặc, ăn làm, ăn chơi, ăn học, ăn nằm, v.v... Phải chăng đối với người Việt, “hoạt động sống” gắn liền với những gì mang lại kết quả có thể hưởng thụ một cách chắc chắn và cụ thể? Hoặc nhiều từ ngữ chỉ những khái niệm trừu tượng thuộc về đời sống tinh thần của con người thường bắt nguồn từ những bộ phận nằm trong phần bụng: lòng tốt, tốt bụng, gan dạ, to gan lớn mật... (mà không bắt nguồn từ “trái tim” ở một số ngôn ngữ khác, như chữ tâm trong tiếng Hán, chẳng hạn). Phải chăng điều đó có nghĩa là, đối với người Việt, cái tinh thần (le spirituel) và cái thể chất (le corporel) chỉ là một, hay ít ra, nằm trong một liên tưởng (association) mật thiết với nhau?
Tôi chỉ tẩn mẩn tự hỏi được có thế, và đến đây, đành phải dừng lại. Một phần, như đã nói, vì không có thời gian. Nhưng có lẽ chủ yếu là vì không đủ sức đi tiếp. Lần này, xin nhắc lại ở đây (rất tiếc là bản thảo tiểu luận ấy đã mất, chỉ tóm tắt một số ý còn nhớ được) để may ra có giúp được chút gì chăng cho việc tìm kiếm và lý giải về “bản tính dân tộc” mà chúng ta đang thảo luận. Lại tiếp tục cuộc hành trình...