Sức mạnh Trung Quốc sau 4 năm vào WTO
Sau hơn 4 năm gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Trung Quốc đang làm vỡ mộng các tập đoàn đa quốc gia trên thế giới muốn thâm nhập thị trường khổng lồ này.
Mặc dù Trung Quốc đã đáp ứng đầy đủ các điều kiện của WTO, thậm chí một vài điều kiện còn được thỏa mãn trước thời hạn, nhưng chỉ là những điều kiện có lợi cho phía Trung Quốc. Niềm hy vọng Trung Quốc mở cửa thị trường ôtô, công nghệ cao, hoặc dịch vụ tài chính... cho các công ty đa quốc gia vẫn chỉ là niềm hy vọng.
Trung Quốc rút ra bài học rất nhanh, sử dụng WTO như một công cụ cho sự “bành trướng” thị trường của mình. Năm 2003, Trung Quốc đã dựa vào WTO để kiện thành công Mỹ khi nước này nâng thuế nhập khẩu thép để bảo hộ ngành công nghiệp thép.
Trung Quốc bộc lộ sự tự tin của mình rõ ràng nhất trong việc lên án EU và Mỹ gần đây, khi hai thành viên WTO này vẫn áp đặt hạn ngạch lên hàng dệt may của họ. Bắt đầu từ ngày 1/1/2005, theo như thỏa thuận, quota nhập khẩu hàng dệt may từ Trung Quốc vào hai thị trường này không còn nữa. Chỉ trong vòng 6 tháng đầu năm, hàng dệt may nhập khẩu từ Trung Quốc đã tràn ngập thị trường EU và Mỹ.
Hoảng sợ trước nguy cơ ngành dệt may của mình bị Trung Quốc đè bẹp, EU và Mỹ đã tái thiết lập hạn ngạch nhập khẩu hàng dệt may vào hai thị trường này. Bộ trưởng Bộ Thương mại của Trung Quốc, ông Bạc Hy Lai, đã lên án EU và Mỹ đi ngược lại “tinh thần tự do thương mại thế giới của WTO”.
Phải công nhận rằng, không có thành viên nào khác của WTO có một vị trí quan trọng như vị trí của Trung Quốc khi đàm phán: Thị trường khổng lồ, điều kiện sản xuất tốt, nhân công rẻ. Đấy là những điều kiện tiên quyết mà các công ty nước ngoài đang rất cần. Khi một công ty của Đức không chấp nhận các điều kiện của Trung Quốc, sẽ có ngay công ty khác của Mỹ hay những nước khác nhảy vào, hoặc ngược lại.
Một ví dụ tiêu biểu: Ngày 5/12/2005 vừa qua, Trung Quốc ký một hợp đồng gần 10 tỷ đôla với Airbus mua 150 máy bay loại A319, A320 và A321 của công ty này, với điều kiện là Airbus sẽ phải xây dựng một nhà máy lắp máy bay cho hợp đồng này tại Trung Quốc vào năm 2006. Airbus gật đầu đồng ý.
Trước đó vài tuần, Trung Quốc cũng đã ký một hợp đồng mua máy bay với Boeing, nhưng với số lượng nhỏ hơn rất nhiều, vì Boeing chỉ đồng ý xây một xưởng bảo trì máy bay ở Trung Quốc. Việc xây dựng nhà máy lắp ráp máy bay ở Trung Quốc đồng nghĩa với việc ngành công nghệ hàng đầu này sẽ từ từ rơi vào tay Trung Quốc. Chính phủ Mỹ cấm xây dựng nhà máy lắp ráp máy bay ngoài nước Mỹ, Boeing bó tay và Airbus đã có được hợp đồng béo bở trên, mặc dù các nhà kinh tế chiến lược châu Âu cực lực phản đối việc ký kết hợp đồng này.
Trong một vài ngành kinh tế, các nhà kinh tế chiến lược ở Bắc Kinh đã không cần phải che giấu mục tiêu của mình. Chính quyền Trung Quốc đã tạo ra rất nhiều bước đệm về thuế cho xe và phụ tùng ô tô nhập khẩu. Thông qua việc nâng thuế ở các bước đệm này, Trung Quốc có thể tăng giá thành xe nhập khẩu mà không vi phạm các điều khoản gia nhập WTO của mình.
Ví dụ, ở Trung Quốc, các công ty nước ngoài không được phép buôn bán xe nhập khẩu, trừ trường hợp các công ty này liên doanh với với một công ty của Trung Quốc. Các loại xe sang trọng của Đức như Mercedes, BMW, Audi cũng phải trải qua 50.000 km chạy thử, phải kiểm tra tiêu chuẩn khói thải “Euro 1”, mặc dù tất cả các xe sản xuất ở châu Âu đều đã phải thỏa mãn tiêu chuẩn khói thải cao hơn nhiều là “Euro 4”. Thế nhưng phần lớn loại xe sang trọng của Đức đều không vượt qua được cuộc sát hạch này, đơn giản là do nhân viên kiểm tra (cố ý) điều khiển máy đo không chính xác. Chuyện rất thường xảy ra ở Trung Quốc là các xe nhập khẩu đều bị hải quan giữ lại để kiểm tra các thùng gỗ đóng gói xe có... côn trùng hay không. Tất cả các phiền toái này đều phục vụ một mục đích duy nhất: Lợi nhuận từ xe nhập khẩu giảm, mức độ nhập khẩu giảm, các nhà sản xuất sẽ phải mang công nghệ vào Trung Quốc.
Trong lĩnh vực tài chính, các ngân hàng nước ngoài cũng không dễ dàng thâm nhập thị trường Trung Quốc như họ hy vọng ban đầu. Trung Quốc đã thỏa mãn những điều khoản gia nhập WTO của mình, tức là đến hết năm 2006 sẽ từ từ mở thị trường tài chính và ngân hàng của mình, nhưng đó chỉ là trên giấy tờ. Khi một ngân hàng nước ngoài muốn mở chi nhánh ở Trung Quốc, thì họ phải đặt tiền thế chấp hàng triệu USD. Nếu ngân hàng nào muốn kinh doanh bằng nhân dân tệ, thì đòi hỏi thế chấp này sẽ tăng lên gấp mấy lần. Vì vậy chẳng có gì khó hiểu khi không có một ngân hàng nước ngoài nào muốn đơn thương độc mã kinh doanh trong lĩnh vực này.
Mục tiêu của Trung Quốc trong lĩnh vực tài chính rất rõ ràng: các ngân hàng nước ngoài tạo sức ép với các ngân hàng trong nước, nhưng các ngân hàng nước ngoài không được chiếm thị phần quá lớn trong lĩnh vực này. Để đạt mục tiêu của mình, Trung Quốc cho các ngân hàng nước ngoài đầu tư vào các ngân hàng trong nước với tư cách là một cổ đông nhỏ: Vốn đầu tư nước ngoài không được quá 25%, trong đó một nhà đầu tư không được phép quá 20%. Chiến lược này nhằm vào 3 mục đích:
1. Với tư cách là cổ đông nhỏ, các ngân hàng nước ngoài không có đủ số phiếu để tham gia quyết định.
2. Thế nhưng muốn cho đầu tư của mình có hiệu quả, thì các ngân hàng nước ngoài phải cung cấp kiến thức, công nghệ... trong lĩnh vực tài chính cho các ngân hàng Trung Quốc.
3. Khi có sự đầu tư của các ngân hàng danh tiếng trên thế giới, giá trị của các ngân hàng Trung Quốc sẽ tăng lên đáng kể, và qua đó sẽ được các nhà đầu tư khác chú ý đến.
Trung Quốc cũng áp dụng biện pháp này cho thị trường bảo hiểm trong nước. Theo cam kết gia nhập WTO, bắt đầu từ năm 2005 các tập đoàn bảo hiểm nhân thọ nước ngoài có thể hoạt động tự do trong thị trường hơn 1,2 tỷ dân này. Nhưng điều khoản này cố ý bị trì hoãn để cho các tập đoàn trong nước có thời gian chuẩn bị và chiếm lĩnh thị trường trước khi các tập đoàn bảo hiểm nước ngoài có thể bắt đầu kinh doanh. Mục tiêu: Các tập đoàn bảo hiểm nước ngoài chỉ có thể bắt đầu kinh doanh, khi mà thị trường bảo hiểm đã hoàn toàn bị chi phối bởi các tập đoàn trong nước.
(Theo Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn)