Ai sẽ làm lành trong xung đột vợ chồng
Đã gửi: Hai T2 24, 2003 2:58 pm
Khi vợ chồng giận nhau, thường thì một người sẽ phải chấp nhận hay chủ động vai trò làm hoà trước, nhằm mưu cầu sự bình an cho gia đình. Nhưng không phải đối tác nào cũng nhìn nhận ra thiện chí đó.
Chị Trần Như P. một tiểu thương ở Bình Chánh (TP HCM) cho biết: "Từ lúc cưới nhau đến giờ đã có hai mặt con, lúc nào tôi cũng chủ động làm hoà trước dù chẳng có lỗi gì. Ban đầu thấy nhà cửa êm ấm, vợ chồng vui vẻ, tôi cảm thấy tự hào vì mình phải biết nhường nhịn. Nhưng dần dần tôi cảm thấy mình đang phải cố chiụ đựng để làm hoà. Đã vậy chồng tôi lại quen thói cứ việc gây gổ, vợ sẽ chịu đựng nên chưa bao giờ xin lỗi, càng không bao giờ sửa lỗi. Cứ mỗi dịp Tết là tôi lại khổ vì chồng tôi đi nhậu nhiều hơn ngày thường. Tôi sợ sức chịu đựng của mình chỉ có hạn, không biết cách nào để làm hoà có hiệu quả hơn".
Sau hơn 20 năm chung sống với chồng, bà Nguyễn Thu H., giáo viên một trường phổ thông ở quận Bình Thạnh luôn hết lòng vì chồng con, nhưng hạnh phúc vẫn ở đâu đâu. Những xung đột lớn bé trong nhà, bà đều chủ động làm hoà. Từ lúc con còn bé, con đau ốm, con đi học... vợ chồng không thống nhất ý kiến với nhau, tranh cãi... bà đều chịu lép, nhường chồng quyết định để cho vui cửa vui nhà. Con lớn lên, vợ chồng vẫn có những mâu thuẫn trong việc dạy con, bà tiếp tục nhường chồng. Giờ đây, đầu đã hai thứ tóc, bà ngồi tính lại: "Ông ấy coi thường tôi, nghĩ rằng vì tôi sai, tôi có lỗi nên tôi phải ráng làm hoà".
Theo bà Nguyễn Thị Thương, Phó giám đốc Trung tâm tư vấn Tình yêu - Hôn nhân - Gia đình (Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam), thường thì người phụ nữ hay giành phần làm hoà khi trong nhà xảy ra xung đột. Nguyên nhân là do thiên hướng của người phụ nữ là mềm mỏng, ngọt ngào, lại chiều chồng thương con, coi hạnh phúc của chồng con là hạnh phúc của mình. Khi chủ động làm hòa, người phụ nữ đơn giản chỉ muốn hướng đến sự êm ấm hoà thuận trong gia đình. Tuy nhiên theo bà Thương, khi thực hiện nhiệm vụ làm hoà các bà vợ hay bỏ qua một công đoạn rất quan trọng là nhắc nhở nhau xem phải trái thế nào, ai lỗi nhiều, ai lỗi ít... để vợ chồng cùng rút kinh nghiện, tự điều chỉnh cái sai của mình. Và kiểu làm hoà một chiều như thế không thể chạm đến được gốc rễ của vấn đề.
Một nụ cười, một câu chuyện vui là cách làm hoà của chị Lê Uyên T., bác sĩ một bệnh viện ở Gò Vấp. Chị nói: "Lúc đó tôi mềm mỏng, vui vẻ, nhưng sau đó vợ chồng tôi luôn có một cuộc họp rất dân chủ, cởi mở để nói chuyện phải, trái. Lúc đó mới thật sự là làm hoà, là vợ chồng cùng nhận ra khuyết điểm của mình với nhau".
Đàn ông cũng không ít người chủ động làm hoà trước. Không nói nhiều nhưng anh Lê Ngọc S., kỹ sư ở khu xây chế xuất Linh Trung thường hăng hái làm những việc lau nhà, giặt quần áo để hạ nhiệt độ trong nhà. Anh kể: để cửa nhà êm ấm, tôi hay chủ động làm hoà. Ai cũng nghĩ là tôi sợ vợ, nhưng tôi luôn chờ cơ hội để chỉnh cái tật của vợ. Một lần vợ tôi bị ngã trật khớp. Đến nhà thăm hỏi hầu hết là bạn bè của những người mà bà ấy từng không muốn họ đến nhà. Tôi nói: "Em xem, lúc khó khăn hoạn nạn là có bạn bè động viên an ủi, chứ có phải chỉ bù khú tốn thời gian như em nghĩ đâu...". Từ đó vợ tôi niềm nở tiếp khách còn hơn cả chồng.
Ông Trần Lê Thứ, giáo viên một trường PTCS ở Bình Thạnh thì không phải là người chủ động làm hoà, nhưng không vì thế mà không nhận ra thiện ý của vợ: "Bà xã tôi tế nhị, khéo léo lắm, gây nhau căng thẳng mấy bà ấy cũng làm hoà được. Nhưng tôi không mượn thế lấn tới, tôi luôn nhận phần lỗi của mình dù là rất nhỏ. Chúng tôi xác định mục đích xây dựng gia đình lâu dài và bền vững là chuẩn mực cao nhất. Vì vậy, vợ chồng tôi luôn coi chuyện làm hoà với nhau là trách nhiệm của bản thân".
(Theo Phụ Nữ TP HCM)
Chị Trần Như P. một tiểu thương ở Bình Chánh (TP HCM) cho biết: "Từ lúc cưới nhau đến giờ đã có hai mặt con, lúc nào tôi cũng chủ động làm hoà trước dù chẳng có lỗi gì. Ban đầu thấy nhà cửa êm ấm, vợ chồng vui vẻ, tôi cảm thấy tự hào vì mình phải biết nhường nhịn. Nhưng dần dần tôi cảm thấy mình đang phải cố chiụ đựng để làm hoà. Đã vậy chồng tôi lại quen thói cứ việc gây gổ, vợ sẽ chịu đựng nên chưa bao giờ xin lỗi, càng không bao giờ sửa lỗi. Cứ mỗi dịp Tết là tôi lại khổ vì chồng tôi đi nhậu nhiều hơn ngày thường. Tôi sợ sức chịu đựng của mình chỉ có hạn, không biết cách nào để làm hoà có hiệu quả hơn".
Sau hơn 20 năm chung sống với chồng, bà Nguyễn Thu H., giáo viên một trường phổ thông ở quận Bình Thạnh luôn hết lòng vì chồng con, nhưng hạnh phúc vẫn ở đâu đâu. Những xung đột lớn bé trong nhà, bà đều chủ động làm hoà. Từ lúc con còn bé, con đau ốm, con đi học... vợ chồng không thống nhất ý kiến với nhau, tranh cãi... bà đều chịu lép, nhường chồng quyết định để cho vui cửa vui nhà. Con lớn lên, vợ chồng vẫn có những mâu thuẫn trong việc dạy con, bà tiếp tục nhường chồng. Giờ đây, đầu đã hai thứ tóc, bà ngồi tính lại: "Ông ấy coi thường tôi, nghĩ rằng vì tôi sai, tôi có lỗi nên tôi phải ráng làm hoà".
Theo bà Nguyễn Thị Thương, Phó giám đốc Trung tâm tư vấn Tình yêu - Hôn nhân - Gia đình (Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam), thường thì người phụ nữ hay giành phần làm hoà khi trong nhà xảy ra xung đột. Nguyên nhân là do thiên hướng của người phụ nữ là mềm mỏng, ngọt ngào, lại chiều chồng thương con, coi hạnh phúc của chồng con là hạnh phúc của mình. Khi chủ động làm hòa, người phụ nữ đơn giản chỉ muốn hướng đến sự êm ấm hoà thuận trong gia đình. Tuy nhiên theo bà Thương, khi thực hiện nhiệm vụ làm hoà các bà vợ hay bỏ qua một công đoạn rất quan trọng là nhắc nhở nhau xem phải trái thế nào, ai lỗi nhiều, ai lỗi ít... để vợ chồng cùng rút kinh nghiện, tự điều chỉnh cái sai của mình. Và kiểu làm hoà một chiều như thế không thể chạm đến được gốc rễ của vấn đề.
Một nụ cười, một câu chuyện vui là cách làm hoà của chị Lê Uyên T., bác sĩ một bệnh viện ở Gò Vấp. Chị nói: "Lúc đó tôi mềm mỏng, vui vẻ, nhưng sau đó vợ chồng tôi luôn có một cuộc họp rất dân chủ, cởi mở để nói chuyện phải, trái. Lúc đó mới thật sự là làm hoà, là vợ chồng cùng nhận ra khuyết điểm của mình với nhau".
Đàn ông cũng không ít người chủ động làm hoà trước. Không nói nhiều nhưng anh Lê Ngọc S., kỹ sư ở khu xây chế xuất Linh Trung thường hăng hái làm những việc lau nhà, giặt quần áo để hạ nhiệt độ trong nhà. Anh kể: để cửa nhà êm ấm, tôi hay chủ động làm hoà. Ai cũng nghĩ là tôi sợ vợ, nhưng tôi luôn chờ cơ hội để chỉnh cái tật của vợ. Một lần vợ tôi bị ngã trật khớp. Đến nhà thăm hỏi hầu hết là bạn bè của những người mà bà ấy từng không muốn họ đến nhà. Tôi nói: "Em xem, lúc khó khăn hoạn nạn là có bạn bè động viên an ủi, chứ có phải chỉ bù khú tốn thời gian như em nghĩ đâu...". Từ đó vợ tôi niềm nở tiếp khách còn hơn cả chồng.
Ông Trần Lê Thứ, giáo viên một trường PTCS ở Bình Thạnh thì không phải là người chủ động làm hoà, nhưng không vì thế mà không nhận ra thiện ý của vợ: "Bà xã tôi tế nhị, khéo léo lắm, gây nhau căng thẳng mấy bà ấy cũng làm hoà được. Nhưng tôi không mượn thế lấn tới, tôi luôn nhận phần lỗi của mình dù là rất nhỏ. Chúng tôi xác định mục đích xây dựng gia đình lâu dài và bền vững là chuẩn mực cao nhất. Vì vậy, vợ chồng tôi luôn coi chuyện làm hoà với nhau là trách nhiệm của bản thân".
(Theo Phụ Nữ TP HCM)