Bạn đang xem trang 1 / 1 trang
Lão Mai Quyền
Đã gửi: Ba T4 20, 2004 9:12 pm
Viết bởi hellomy9
Thật ra võ học rất có ích cho mỗi người, nam cũng như nữ. Nếu nam thì không bàn, còn nữ thì có thể dùng nhu chế cương được và các môn thích hợp cho bạn là Thái Cực Quyền, Nhu đạo... Bạn học võ thuật không phải để đánh người, mà là để phòng thân và giúp đỡ người khác - để hỗ trợ cho sức khỏe bản thân. Giống như việc viết thư pháp, thầy dạy viết thư pháp luôn chỉ dạy bạn cặn kẽ cách viết chữ "tâm". Võ thuật cũng vậy, bạn sẽ học được chữ "nhẫn". Có thể nói mọi thứ đều bắt nguồn từ đạo lý làm người.
Nhiều người quan niệm học võ thuật khiến bạn trở nên háu thắng hơn, khó kiềm chế hơn. Điều đó hoàn toàn sai lầm, trừ khi sinh sự với người khác là mục đích bạn theo học võ thuật. Học võ thuật rồi bạn sẽ thấy rằng bạn có thể kìm chế mình, hòa nhã hơn, thư thái hơn.
Nhiều người quan niệm con gái mà học võ thuật sẽ trở nên nam tính và cộc cằn khì khì... điều này không hoàn toàn đúng, đúng khoảng 70% với những cô gái theo võ thuật từ nhỏ. Nhưng chỉ ở 10% với những người theo võ thuật khi trưởng thành thôi, mình nghĩ thế.
hellomy thích võ thuật lắm đó khì khì, hôm nay cho mọi người xem bài Lão Mai Quyền gọi là giới thiệu về võ thuật. Mặc dù loại võ công này mình không thích, nhưng bài viết này có thể đưa các bạn đi xa hơn khái niệm về võ thuật. Có thể bạn sẽ cảm thấy phần nào yêu thích hihi
Re:Lão Mai Quyền
Đã gửi: Ba T4 20, 2004 9:13 pm
Viết bởi hellomy9
Đầu tiên mời bạn xem phần giới thiệu Mai hoa nhe!
Hoa mai với người xưa
Trong nhiều thứ cây và hoa đi vào văn học, thì cây mai được các thi sĩ đặc biệt yêu thích. Có lẽ, tại hoa mai tượng trưng cho khí phách xung hàn, chịu đựng được giá rét, lạnh buốt qua mùa đông khắc nghiệt, để rồi bừng nở vào mùa xuân ấm áp. Mai không phô trương mời gọi, mai khiêm tốn dịu dàng. Người xưa đã liệt mai vào hàng "tứ quý" hay "tứ quân tử", tức "tùng-cúc-trúc-mai".
Mãn Giác thiền sư đời Lý, sáng ngủ dậy thấy hoa mai nở:
Đừng tưởng xuân tàn hoa rụng hết
Đêm qua, trước cửa, nở hoa mai
Hoa mai nở đang làm cho nhà sư bối rối, rộn ràng và bừng cháy ngọn lửa "đời thường" tưởng chừng như đã tắt ngấm từ bao giờ trong tiềm thức vị chân tu này.
Vua Trần Nhân Tông, một ông vua cung kiếm, anh hùng dân tộc, người đã viết nhiều thơ ca ngợi hoa mai:
Hằng Nga nếu biết vẻ đẹp của hoa mai,
Thì có luyến tiếc chi cung thiềm lạnh lẽo.
Các thi sĩ của Hội Tao đàn thời nhà Lê chẳng những đua nhau vịnh mai như bài cây mai già, cây mai, bóng mai trước nước, hoa mai đầu xuân, vịnh cây mai vẽ... của nhiều tác giả và được in chung trong tập "Hồng đức Quốc âm thi tập".
Vua Lê Thánh Tông có bài mai thụ (cây mai) đã ví mai là đấng trượng phu quân tử:
Tiết cứng trượng phu, tùng ấy bạn,
Kết trong quân tử, trúc là đôi...
Nguyễn Trãi thì lại thích mai già (lão mai) trĩu nặng sắc mầu và dáng vóc của thời gian qua bài "Lão mai":
Hoa nảy cây nên thuở đốc sương
Chẳng tàn, chẳng cõi hãy phong quang
Cách song mai ngỡ hồn Cô Dịch
Quảng bóng in nên mặt Thọ Dương
Đêm có mây nào quyến nguyệt
Ngày tuy gió chẳng bay hương
Nhờ ơn vũ lộ đà no hết
Đông đối đầu đông, hãy một đường...
(Nguyễn Trãi toàn tập)
Phùng Khắc Khoan trong bài "Bệnh trung thư hoài" (tâm sự lúc ốm) lại muốn mình trở nên như loài mai, loài trúc để được cứng cáp, xanh tươi:
Tùng sau năm rét tiết càng cứng
Mai trước xuân hoa sắc vẫn xanh
Nhân dịp Quận kính Nguyễn Quý Cảnh về hưu trí, Lê Quý Đôn có mừng bài thơ, trong đó có mai, có cúc, có trúc:
Vườn kỳ danh vọng bao năm trúc
Núi Dĩu tâm nhàn một cánh mai
Trong Viện, đời xem hoè bóng rợp
Trước sân người đám cúc hoa tươi
Hoa mai được đại thi hào Nguyễn Du đưa vào thơ. Khi đi sứ sang Trung Quốc, chủ một lò gốm nọ nhờ nhà thơ ghi cho vài chữ vào bộ ấm chén trước khi cho vào lò nung, Nguyễn Du vui vẻ cầm bút:
Nghêu ngao vui thú yên hà,
Mai là bạn cũ, hạc là người quen.
Và, trong Kiều, Nguyễn Du còn dùng hình tượng bông mai để khắc hoạ cốt cách và phong thái tuyệt vời của Thuý Kiều, Thuý Vân":
... Thuý Kiều là chị, em là Thuý Vân
Mai cốt cách tuyết tinh thần,
Mỗi người một vẻ, mười phân vẹn mười.
Còn Cao Bá Quát là một bậc thánh của thi ca, cả đời chỉ cúi đầu trước hoa mai:
"Nhất sinh đê thủ bái mai hoa".
Ông còn có bài thơ Trồng mai (Tào mai) để lại cho hậu thế:
Đầu non nắm hạt mai gieo
Giống thanh gởi chốn núi đèo xanh tươi
Nửa mai xuân điểm bầu trời
Bức tranh tuyệt tác cho đời ngắm chung...
(Hoàng Tao dịch)
Nhà thơ Đào Tấn, nhà soạn tuồng nổi danh của đất võ Bình Định, lúc sinh thời đã yêu mến hoa mai nên đã lấy bút hiệu là "Mai Tăng", an nghỉ ngàn thu trên sườn núi Mai Sơn, thuộc làng Hoàng Mai (Tuy Phước - Bình Định).
Khi tìm được đất sinh phần, ông liền khẩu chiếm:
Non mai vườn thọ tìm xong
Đá cao đứng tựa ung dung mỉm cười
Mai tăng ngày gởi xương mai
Hồn mai cùng giấc mộng dài nở hương...
(Quách Tấn dịch)
Nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu cũng đã hết lời ca tụng sự giao hoà kết nghĩa đá vàng giữa Lục Vân Tiên và Kiều Nguyệt Nga bằng hình tượng "Mai Điểu":
Xem thơ biết ý gần xa
Mai hoà vận điểu, điểu hoà vận mai
(Lục Vân Tiên)
Nhà thơ Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu đã "tự vịnh" ví ông như cành mai trắng (bạch mai) tượng trưng cho sự trong trắng, thanh cao trên cõi đời:
Trung hiếu vẹn toàn hai khối ngọ
Thanh cao phô trắng một cành mai...
Hoa mai là hoa cao quý, sang trọng, đài các, tinh khiết và thanh cao nhất. Từ lâu, nhân dân ta đã yêu quý, trân trọng hoa mai. Ngày Tết - ngày thiêng liêng của dân tộc - mai đã được bày biện ở chốn trang nghiêm, biểu hiện sự may mắn, tốt lành trong năm mới.
nguyễn nhân thống
Re:Lão Mai Quyền
Đã gửi: Ba T4 20, 2004 9:15 pm
Viết bởi hellomy9
Lão Mai Quyền
Võ Sư Nguyễn Anh Dũng Phân Thế
(Trích từ luận án võ sư Nguyễn Anh Dũng - 1993)
-------------------------
A. DẪN NHẬP:
Hình ảnh cây Mai già đứng chơ vơ mà vững chải, uyển chuyển, mềm mại uốn mình theo gíó, nhưng vẫn an nhiên tự tại với tư thế hiên ngang, đẹp đẽ đã thành nguồn thi hứng cho các văn nhân tao nhã và cũng là một hình tượng nhiều chất võ để các bậc võ sư tiền bối chiêm nghiệm và cách điệu hoá, sáng tạo thành những bước đi, lối đánh dặc trưng làm giàu thêm cho nền võ học Việt Nam. Môn phái Vovinam Việt Võ Ðạo đã trân trọng gìn giữ tài sản quí báu này và đây cũng là một đề tài để các võ sư bản môn nghiên cứu, phân tích tỉm hiểu thấu đáo, luyện tập kỹ lưỡng ngõ hầu lột tả được những hàm ý mà tiền nhân đã gởi gấm vào bài Quyền Lão Mai này.
B. PHÂN TÍCH:
1/. Thủ pháp:
Vòng tròn được khai thác triệt để từ đầu đến cuối bài, tượng trưng cho nét mềm mại, nhu nhuyển của bông hoa. Ðôi tay đã phối hợp liên tục, tạo thành các vòng luân chuyển, cuốn lên như cơn lốc, và sự thay đổo hướng hướng phát đòn một cách đột ngột, bất thần đã làm cho hình nét vòng tròn càng thêm hoàn chỉnh.
2/. Thân Pháp:
Sự uốn người chuyển hướng ở góc 90 độ xảy ra thường xuyên đã tạo đà tốt cho phương pháp ly tâm phát lực, mở rộng được biên độ khớp bả vai, vai và hông được mềm dẻo, linh hoạt. Các góc xoay người 180 độ và 360 độ cũng được khai thác với các động tác bật trở về,nâng cao khảnăng định hướng và thăng bằng xoắn.
3/. Bộ Pháp:
Phương pháp di chuyển nhẹ nhàng, phối hợp đinh tấn và trảo mã tấn, đổi hướng zic zac đã hổ trợ tích cực cho sự linh diệu của thủ pháp và thân pháp. Cách hoán vị chân xoay 360 độ bật ngược trở về, các lối tấn tọa, độc cước, trung bình ... được sử dụng xen vào các trường hợp hồi vị đã điểm xuyết cho bài quyền những hình ảnh ngoạn mục, gây ấn tượng dể nhớ và thích thú cho người tập lẫn người xem.
Qua thể hiện, ta hình dung được hình ảnh cội mai già trước cơn gió lốc, bao nhiêu tiềm lực dồn hẳn về một hướng sau đó bật ngược trở về với tư thế an nhiên. Những vòng tròn được phát liên tục về hướng trước mặt như gió cuốn hoa rơi và sau đó cũng bằng một vòng tròn đẹp mắt, sự việc được quay trở lại với vị trí ban đầu. Liên hệ vào lời thiệu, ta thấy ngay một bức tranh linh sinh động đầy màu sắc với nhân vật chủ đề là cội Mai già và chung quanh được tô điểm bởi mây, nước, bướm, trăng....Giàu chất thơ lãng lãng thanh thoát nhưng hàm chứa một uy lực vô biên. Những đướng nét biểu trưng diễn tả rất sát với từ ngữ như: độc thọ, nhất chi, liên ba, nguyệt quách, vân tôn, lôi diễn chấn .... Ðã làm cho ta thấy khả năng tượng hình của người xưa thật phong phú, nhờ vậy người tập dễ nhớ tuần tự các động tác gần như lập đi lập lại, nhìn qua có vẽ như đơn điệu, trùng lấp.
Lời thiệu:
Lão Mai độc thọ nhất chi dinh
Lưỡng túc khinh khinh tấn bộ hoành
Thoái nhất bộ đơn hầu lão khởi
Phi nhất túc hoành khí thanh đình
Tàn nha hổ giương oai xiết toả
Chuyển giốc long nổ lục lôi canh
Lão Hãu thổi tọa liên ba biến
Hồ điệp song phi lão bản sanh
Nguyệt quách song câu lôi diễn chấn
Vân tôn tam tảo hổ xà thành
Lời thảo:
Mai già một cội một cành
Hai chân nhẹ lướt bộ hành tiến lên
Lui về một bước toạ liền
Luân thân tung cước trụ hình nghiêng ngang
Giương oai sức hổ đánh sang
Chuyển mình hồi bộ rồng càng ra uy
Khỉ già núp lóng một khi
Vụt chồm như sóng tức thì đánh lên
Hai bướm bay trước bản tiền
Vầng trăng vằng vặc hai viền móc câu
Liên hồi sấm động sơn đầu
Gom mây ba lượt quét mau hổ xà
PHẦN DIỄN TẢ:
I. Lão Mai độc thọ nhất chi dinh:
1) Bái quyền: Tay trái xòe, phải nắm đấm, vòng về trước, đặt chạm nhau, thu về sườn.
2) Nhảy TB tấn, 2 tay đấm chéo che hạ bộ ( phải ngoài, trái trong)
3) Hai tay xòe chuyển 2 vòng dọc - đập mạnh lưng tay phải (nắm lại) vào lòng bàn tay trái
đồng thời dậm mạnh chân phải vào sát chân trái (rùn xuống)
4) Chân phải tiến sang hữu, kéo chân trái theo bỏ chéo (phía trước chân phải) đồng thời 2 tay vòng theo (phải gạt lối 1, trái gạt lối 2, nắm đấm) tay phải dựng đứng, tay trái ngang ngực (chỏ phải nằm trên lưng nắm đấm trái)
5) Lập lại 1 lần nữa (như 4) nhưng tay trái xòe, tay phải bung 2 ngón tay trỏ và giữa chỉa về trước.
II. Lưỡng túc khinh khinh tấn bộ hoành:
6) Tiến đinh tấn trái 45 độ (hướng tiền cánh trái), tạt ngược trái. Tiến chân phải chảo mã tấn đấm lao phải.
7) Tiến đinh tấn phải 45 độ (hướng tiền cánh phải), tạt ngược phải. Ðấm bật trái từ dưới lên
8) Tiến chảo mã trái, đấm lao trái (không đổi hướng)
9) Tiến đinh tấn trái 45 độ (hướng tiền chánh trái), tạt ngược trái. Tay phải đấm bật từ dưới lên
III. Thoái nhất bộ đơn hầu lão khởi:
10) Chụm chân phải lên chân trái, co gối trái lên, xoay người theo chiều kim đồng hồ nhảy dài về phía sau (gối phải co đứng, chân trái), 2 tay vòng trước mặt (tay phải như gạt lối 1, tay trái như gạt lối 2, bàn tay nắm)
11) Tiến đinh tấn phải (hướng tiền) tay phải đấm bật từ dưới lên
12) Nhấc chân phải nhảy về sau ngồi tư thế quị tấn (mông tì lên gót trái) tay phải dựng đứng, chỏ tì lên gối phải, lưng tay trái đập lên đuì trái (2 bàn tay nắm) (2 gối hướng hữu)
IV. Phi nhất túc hoàn khí thanh đình:
13) Nhảy về trước, 2 chân chéo (phải trước trái sau) 2 tay thu về sườn.
14) Ðấm, đạp chân trái và tay trái (hướng tiền)
15) Bỏ chéo chân trái ra phía hậu (trước chân phải) đạp lái phải (hướng tiền)
16) Hạ chân phải đinh tấn (hướng tiền), quạt tay phải đấm thấp
17) Rút chân phải ra sau thành đinh tấn trái, quay tay trái đấm thấp.
V. Tàn nha hổ giương oai xiết toả:
18) Tiến chân phải chảo mã (45 độ cánh tả hướng tiền) đấm lao phải
19) Tiến đinh tấn phải (45 độ chánh hữu hướng tiền) tạt ngược phải
20) Tiến chảo mã, chân trái trước (45 độ cánh hữu hướng tiền) đấm lao trái
21) Tiến đinh tấn phải (hướng tiền) đánh chỏ phải lối 1 (tay trái vổ vào bắp tay phải)
22) Tiến đinh tấn trái (hướng tiền) đánh chỏ trái lối 1 (tay phải vổ vào bắp tay trái)
VI. Chuyển giốc long nỗ lực lôi oanh:
23) Nhảy lùi chân trái về phía sau chảo mã tấn (chân phải trước), tay phải gạt che gối, tay trái gạt che đầu (2 bàn tay nắm)
24) Nhảy lùi chân phải về phía sau chảo mã tấn (chân trái trước), tay trái gạt che gối trái, tay phải gạt che đầu.
25) Nhảy luì chân trái về phía sau chảo mã tấn (chân phải trước), tay phải gạt che gối, tay phải gạt che đầu.
26) Xoay người ngược chiều kim đồng hồ nhảy về phía sau đứng trung bình tấn (mặt hướng tiền), hai tay gạt như lối 1, bàn tay như long trảo
27) Kéo chân trái chụm về chân phải, tay thu về sườn
28) Tiến đinh tấn trái (45 độ cánh tả hướng tiền) tạt ngược trái
29) Tiến chảo mã phải đấm lao (vẩn theo hướng cũ
30) Tiến đinh tấn phải (45 độ cánh hữu hướng tiền) tạt ngược phải, đấm thấp trái (quạt từ dưới lên )
VII. Lão hầu thối tọa liên ba biến:
31) Nhấc chân phải nhảy về phía sau (theo chiều kim đồng hồ chân phải quì, chân trái chống, tay trái đấm thẳng xuống đất, tay phải gạt che đầu.
32) Tung người về phía hướng tiền, chảo mã tấn (chân phải trước) , đồng thời tay gạt chận ngang gối phải, tay trái che đầu
33) Nhảy tung người lên (hướng tiền) chảo mã tấn (chân trái trước), đồng thời tay trái gạt chận ngang gối trái, tay phải che đầu.
34) Thực hiện giống 32
VIII. Hồ điệp song phi lão bản sanh:
35) Ðá song phi: Cạnh phải, tạt trái
36) Ðá song phi: Cạnh trái, tạt phải
37) Hạ chân phải đinh tấn (hướng tiền) đấm bật phải từ dưới lên
38) Chân phải trụ, co chân trái xoay người (theo chiều kim đồng hồ nhảy về phía sau (chân trái đứng, phải co) 2 tay vòng gạt trước mặt (phải lối 1, trái lối 2, bàn tay nắm), đặt chỏ phải trên lưng nắm tay trái.
39) Bước dài chân phải đinh tấn (hướng tiền), tay phải chém ngược từ dưới lên trên, bàn tay trái xòe che nách.
40) Tiến đinh tấn trái (hướng tiền), tay trái chém phía trên, tay phải đấm phía dưới.
IX. Nguyệt quách song câu lôi diễn chấn:
41) Nhảy lùi về sau trung bình tấn (mặt vẫn hướng tiền khi nhảy), cụp các ngón tay lại kéo ghịt vào sườn, lòng bàn tay hướng ra sau
42) Chụm chân trái vào phải đứng nghiêm, tay vòng thu nắm đấm vào sườn.
43) Bước xéo chân trái 45 độ về phía trước dánh chỏ trái từ phải sang, tay phải đẩy theo.
44) Chụm phải vào trái, 2 tay thu về sườn.
45) Bước chéo chân phải 45 độ về phía trước đánh chỏ phải từ trái sang, tay trái đẩy theo
46) Kéo chân trái về sát chân phải rồi tiến thẳng về trước chém đấm (trái trên, phải dưới)
47) Bước chân phải đinh tấn phía trước chém đấm (tay phải chém trên, trái đấm dưới)
48) Thực hiện như 46
X. Vân tôn tam tảo hổ xà thành:
49) Nhảy lùi về sau chảo mã tấn, chân trái trụ, 2 tay vẽ 1 vòng tròn từ trên xuống (tay phải đặt dọc đùi phải, lòng bàn tay ngữa, tay trái dừng ở khoẻo tay phải.
50) Thực hiên như 49 nhưng đổi tay và chân
51) Thực hiện như 49
52) Xoay người theo chiều kim đồng hồ (chân phải trụ nhảy về phía sau (chân trái trụ, phải co), 2 tay vòng thực hiện như 38
53) Bước dài chân phải (đinh tấn), tay phải đấm bật từ dưới lên.
54) Nhảy lùi về sau, tư thế trung bình tấn (mặt vẫn hướng tiền khi nhảy) 2 tay đấm chéo che hạ bộ (trái trong, phải ngoài)
55) Rút chân phải chụm vào chân trái, 2 tay thu vào sườn và buông xuôi.