http://vietnamnet.vn/giaoduc/201005/Sinh-vien-noi-ngoai-va-cuoc-chien-viec-lam-909156/
Hàng ngàn sinh viên, thạc sĩ tốt nghiệp ở nước ngoài trở về ồ ạt trong vài năm gần đây đang trở thành mối lo của những người tốt nghiệp trong nước trong cuộc cạnh tranh việc làm. Nhưng có thật sự sinh viên “mác nội” không có cơ hội để chiến thắng?
TIN LIÊN QUAN
83% du học sinh về nước không hài lòng với lương, thưởng
Tìm hiểu thông tin tại một triển lãm du học. Ảnh: Lê Anh Dũng
Sinh viên du học có gì trong tay?
Phạm Thanh Thuý, một du học sinh đoạt học bổng Erasmus Mundus với ngành học Kinh tế thương mại quốc tế (Economics of International Trade) vừa xin được việc làm tại một công ty đa quốc gia.
Sau khi đi thi tuyển ở nhiều nơi, Thuý nhận thấy nhiều công ty lớn chỉ gọi phỏng vấn những người đã từng đi du học nước ngoài về. Họ đánh giá cao tác phong làm việc, cách tiếp cận và giải quyết vấn đề của sinh viên du học tại các nước có nền giáo dục tiên tiến.
Thuý cho biết: "Các công ty tuyển dụng hỏi rất kỹ về dạng du học của thí sinh: dạng học bổng hay tự túc, nếu là học bổng thì của tổ chức nào. Nếu du học thạc sĩ thì trước đây tốt nghiệp đại học nào? Có nghĩa là họ cũng rất phân biệt chuyện sinh viên trượt đại học trong nước mới phải đi du học với những du học sinh đoạt học bổng. Thậm chí theo họ, chất lượng của những du học sinh đoạt học bổng Nhà nước 322 cũng khác với du học sinh được học bổng của các tổ chức quốc tế hay trực tiếp từ các trường đại học của các nước phát triển”.
Nguyễn T. Hoài, một nghiên cứu sinh ở Bỉ bật mí: “Phương pháp đào tạo của các trường đại học các nước tiên tiến chẳng có gì quá cao siêu như ta thường nghĩ. Các giáo sư không giảng bài nhiều, chỉ định hướng môn học và cung cấp những đầu sách và bài báo cần thiết, sinh viên tự học là chính và học tập lẫn nhau. Tuy nhiên, khi sinh viên thắc mắc, họ được giải đáp rất chu đáo từ giáo sư và các trợ giảng. Và cũng chính vì tự học nên họ phải học các kỹ năng tự tìm kiếm tài liệu và tự nghiên cứu".
Ngày đầu tiên gia nhập nhóm nghiên cứa của trường, bà giáo sư hướng dẫn đưa cho cô một đề tài vỏn vẹn ba dòng và yêu cầu tôi giải quyết từ 4 đến 6 năm. Các đồng nghiệp hướng dẫn Hoài tìm tài liệu bằng "google" và các trang web chuyên ngành, khi có đầu mối thì đến thư viện để lấy sách hoặc tải tài liệu từ kho dữ liệu của trường. Kỹ năng tìm kiếm cũng là một vấn đề không phải ai cũng biết.
Theo quan sát của những người đã từng đi du học, những sinh viên “mác ngoại” cầm mảnh bằng rất oai nhưng có lẽ không quan trọng bằng những gì họ gặt hái được khi phải sống xa nhà nơi đất khách quê người: sự chịu đựng (sức ép thi cử để hoàn thành khoá học, ăn uống không ngon miệng bằng ở nhà, nỗi nhớ người thân…), sự độc lập (ra nước ngoài là phải biết lo cho mình tất cả), kỹ năng giao tiếp (đặc biệt với nền văn hoá khác), khả năng tự tìm kiếm (nếu không muốn bị lạc giữa thành phố vì không biết cách đi tàu điện ngầm, hoặc phải ở nhà thay vì được du lịch bụi khắp các nước). Đó là chưa kể ngôn ngữ Anh, Pháp… thành thạo vì phải giao tiếp thường xuyên.
Chính vì thế, các bạn đi du học về tự tin hơn nhiều vì họ đã có kinh nghiệm giải quyết nhiều tình huống, cho dù họ có thể không nhiều kinh nghiệm làm việc bằng những bạn ở nhà đi làm.
Theo thống kê của Tổ chức du học sinh Việt Nam tại Mỹ (Vietabroader) thì lượng du học sinh tại Mỹ trở về Việt Nam làm việc trong năm vừa qua tăng đến 40%.
Từ năm 1998 - 2008 ước tính có khoảng 50.000 học sinh, sinh viên Việt Nam sang Mỹ du học. Song song với lượng du học sinh sang Mỹ tăng như vậy thì lượng du học sinh trở về Việt Nam làm việc cũng tăng đáng kể.
Cơ hội cho sinh viên “mác nội”
Sinh viên du học có nhiều lợi thế, nhưng không có nghĩa là họ sẽ đi đầu trong “cuộc chiến việc làm” thời khủng hoảng.
Theo anh Bùi Quang Huy, Giám đốc đối ngoại và phát triển kinh doanh Manpower Việt Nam, một đại diện tuyển dụng cho các công ty, tập đoàn lớn thì sự thành công trong quá trình xin việc và làm việc là kết quả tổng hòa của rất nhiều yếu tố.
Anh chia sẻ: “Thật sai lầm khi nghĩ rằng đi du học về là bạn có một bước chênh lệch lớn với các sinh viên tốt nghiệp trong nước. Cho dù bạn có học các trường danh tiếng ở nước ngoài đi chăng nữa thì cái tên trường và khóa học chỉ là thuận lợi ban đầu, trong quá trình sàng lọc các ứng viên. Thực ra, dưới con mắt nhà tuyển dụng, bạn là con người có tố chất như thế nào, bạn có thể áp dụng sáng tạo những kiến thức đã học trong xử lý công việc hàng ngày ra sao, có kinh nghiệm trong lĩnh vực cần tuyển dụng như thế nào mới quan trọng”.
Anh Huy cho biết: Trong hoạt động tuyển dụng, Manpower thường xuyên nhận được rât nhiều hồ sơ của các du học sinh trở về nước và cả sinh viên tốt nghiệp các trường đại học trong nước. Có thể nói rằng, sự khác biệt là không rõ ràng như chúng ta thường nghĩ. Chúng tôi đã gặp nhiều trường hợp sinh viên trong nước có phương pháp tiếp cận công việc, trình độ ngoại ngữ vượt trội so với một số du học sinh. Tất nhiên, họ có cơ hội nhiều hơn trong quá trình tìm việc. Kinh nghiệm cũng là yếu tố thuận lợi khi cân nhắc hai đối tượng có trình độ tương đương nhau. Tóm lại, phẩm chất và tố chất của ứng viên vẫn là yếu tố quyết định chứ không phải bằng cấp du học.
Theo một nghiên cứu về Khan hiếm nhân tài năm 2009 của tập đoàn Manpower tiến hành ở 33 quốc gia vừa qua, bất chấp kinh tế thế giới suy thoái, nhu cầu nhân lực cao vẫn đang rất nóng bỏng. Những vị trí tay nghề chuyên môn có kỹ thuật cao hay vị trí then chốt vẫn khó tìm người. Ngay trong lúc này, có tới 30% các nhà tuyển dụng thừa nhận rằng họ không tìm được ứng viên phù hợp cho các vị trí của họ. Như vậy, cơ hội cho các ứng viên chuẩn bị đầy đủ các kỹ năng phù hợp với trình độ và thế mạnh của mình là luôn rộng mở.
Các nhà khoa học về quản lý nhân sự chia các kỹ năng của con người thành 3 loại. Các kỹ năng đó bao gồm: Kỹ năng cơ bản là kỹ năng các bạn học đuợc ở cuộc sống, gia đình, bạn bè và nhà trường. Kỹ năng thứ hai là kỹ năng chuyên nghiệp, là những kỹ năng học được trong quá trình làm việc, áp dụng những kiến thức đã học trong công việc hàng ngày và qua các lớp đào tạo trong quá trình công tác. Kỹ năng thứ ba là kỹ năng cá nhân, đây là sự tổng hoà và nâng cao của hai kỹ năng trên phối hợp với tố chất cá nhân của bạn.
(Theo Thế Giới Mới)