Tôi là một du học sinh trở về từ Nhật Bản, sau 7 năm học tâp và làm việc. Tôi trở về quê hương, nơi tôi sinh ra và lớn lên trong suốt 18 năm tuổi trẻ. Quê hương nơi có mái nhà ấm cúng, có những nụ cười tiếng nói thân thương mà tôi yêu và nhớ suốt quãng thời gian dài nơi đất khách quê người.
Quê hương là chùm khế ngọt
Cho con trèo hái mỗi ngày
Quê hương là đường đi học
Con về rợp bướm vàng bay
Quê hương là con diều biếc
Tuổi thơ con thả trên đồng
…
Tôi đã về, đã bỏ lại công việc tại Nhật, nơi luôn có những níu kéo tôi ở lại. Nếu ở lại, tôi sẽ có một cuộc sống bình yên, với một khoản tiền lương đủ sống, một căn phòng với đầy đủ tiện nghi, một công việc nhẹ nhàng, ổn định… Nhưng có là gì? Khi lòng người không yên. Mảnh đất của lòng tôi nằm ở một vùng trời nhớ khác. Tôi về.
Cũng đã 3 tháng trôi qua kể từ ngày về (25-3). Tôi phần nào đã quen với cuộc sống nơi này. Nghĩ ra thật buồn cười khi một con người Việt Nam phải học lại cách sống ở Việt Nam. Nhưng sự thật, có quá nhiều bỡ ngỡ. Lúc tôi ra đi tôi chỉ là đứa học sinh phổ thông mới vừa tốt nghiệp, một chữ “đời” với tôi lúc đấy còn xa lắm. Lúc tôi biết định nghĩa nó thì tôi đang ở trong một xã hội khác, tôi biết một chữ “đời” rất khác. Cái lưỡi không cảm nhận hương vị như ngày nào, vì nó đã bị những vị ngọt khác phủ đầy; Đôi mắt không nhìn mọi vật như ngày nào, vì thế giới quan của nó đã quá rộng. Cả bàn tay cũng không chọn những việc như ngày nào, vì có nhiều bàn tay khác đang chờ nó… Tốt hay xấu đều có cả, và tôi đã thay đổi, một điều không thể tránh khỏi, nó là thực tế mà tôi phải nhận ra.
Hôm trước tôi ghé tiệm sách mua vài thứ, chọn xong tôi xếp hàng đứng chờ người trước đang thanh toán, nhưng từ phía sau có chị gái đem hàng lại rồi chen vào.” Ơ! Chị này! Tôi đang xếp hàng”, liệu tôi có nên nói ? hay có phải tôi chỉ là một kẻ chậm chân trong xã hội bừa bộn này ?
(thực ra tôi đã nói nhiều lần trong trường hợp giống thế này, chỉ là lần này tôi im lặng)
Tôi đã là một du học sinh, tôi mang trong mình sứ mệnh tiếp thu một nền văn hóa khác và truyền đạt lại những điều hay cái tốt cho đất nước tôi. Điều thứ nhất, tôi đã làm được, tôi đã tiếp xúc và đã tiếp thu được một phần nào nền văn hóa Nhật Bản. Tuy nhiên, liệu tôi có truyền đạt được những điều hay cái tốt của một nền văn hóa mới cho những người xung quanh? Giữa hai nền văn hóa luôn có sự xung đột, nếu tôi không chỉ ra được điểm tốt hơn của điều tôi đã học, và chỉ biết phủ nhận nhịp sống đang tuần hoàn nơi đây, thì có lẽ, tôi sẽ là kẻ bị bài trừ! Bạn có nghĩ vậy không?
Không ai nói Tiền là tất cả, nhưng ai cũng nói không có Tiền không làm được gì cả. Đấy là thực tế xã hội hiện nay. Tôi cũng như nhiều anh em khác, mang trong mình nhiều lí tưởng, nhiều ước mơ, hoài bảo, nhưng chúng tôi không thể sống thiếu miếng ăn, cái mặc, chổ ở. Về Việt Nam chúng tôi phải nghĩ đến chuyện làm việc kiếm tiền để duy trì cuộc sống. Có người muốn lập công ty, có người muốn làm cho công ty Nhật Bản, có người có việc gì làm việc đấy… mọi người đều phải sống.
Mở công ty là một việc đơn giản. Nhưng để duy trì nó, để kiếm cái lợi nhuận là việc không đơn giản Một anh chàng là thợ sửa điện, anh cặm cụi chân lấm tay bùn xông pha mấy năm, anh có chút kỹ thuật. Rồi anh rủ bạn cùng làm, anh sẽ thành công vì anh đã có kinh nghiệm từ những ngày tháng kham khổ. Một người bán hàng suốt ngày phải xin gặp những mối hàng, lúc thì phải cúi đầu, lúc như cầu xin, chỉ để có được những đơn hàng. Sau vài năm người này mở công ty, người này sẽ thành công vì đã có tích lũy. Tôi và các bạn tôi về Việt Nam với hai bàn tay trắng, cái có được là những thứ xa vời với thực tại, thế thì chúng tôi có làm được không ? Chúng tôi có cái gì làm cơ sở cho sự thành công trước mắt?
Vốn ư? Có bao nhiêu sau những năm đi học!
Kỹ thuật ư? Làm được cái gì?
Quan hệ ư? Tin được chỗ nào khi câu chuyện là kinh doanh, tiền bạc.
Rất khó, khó bởi vì chúng tôi muốn làm cái lớn, khi chưa làm được cái nhỏ. Chúng tôi nghĩ chúng tôi quá lớn, chúng tôi khinh rẽ những việc làm chân tay, chúng tôi sợ bè bạn dèm pha là những kẻ du học nghèo đói. Nhưng hãy nhìn sự thật, chúng tôi có gì ? Ngôn ngữ chẳng qua chỉ là một phương tiện, có chăng thì dùng ba tấc lưỡi lừa người được vài vố, rồi trốn mình ở một xó xỉnh nào trong xã hội.
Phải chân lấm tay bùn, phải xem mình như những con người bình thường khác, phải quên đi cái sự đua đòi, ăn theo trong xã hội. “Đầu đội trời, chân đạp đất” là vậy, đầu nắng, chân bùn.
Thành công à? Thử mới biết.
Các bạn nghĩ chúng tôi làm được không?
M.H(29/06/2009)