Bạn đang xem trang 1 / 1 trang

Xin hãy tin em - Nguyễn Thị Thu Huệ

Đã gửi: Chủ nhật T3 07, 2004 2:55 am
Viết bởi whocares
Truyện này đã được dựng thành phim với bài hát " Mong ước kỷ niệm xưa"



Ðừng đi anh. Em xin anh. Hãy nghe em, em chưa biết van xin ai bao giờ, chưa biết xin lỗi ai bao giờ, nhưng lúc này, em xin lỗi anh và van anh hãy tin em!
-Hoài chạy theo, túm lấy tay chàng trai, níu kéo.
Chàng trai hất tay Hoài ra, đi nhanh ra cửa. Chàng ngồi lên chiếc xe 82-89 mới cứng nổ máy êm rì, phóng vụt đi.
Hoài tựa người vào khuôn cửa nhỏ, nước mắt thánh thót rơi. Cô cứ đứng như thế, khuôn mặt mờ mịt đau khổ. Hoài không biết đám bạn vừa tan học đang kéo về. Tiếng Phương "hoắng" reo to:
- A, chúng mày ơi, về xem bà thủ tướng "thớt trơ" khóc kìa. Nghìn năm có được một lần,có lẽ sắp bão to.
Tiếng cười rộ lên. Những người bạn học cùng khoá của Hoài ùa vào. Họ quăng cặp, túi, ba lô lên những chiếc giường tầng rồi xúm lấy ôm Hoài. Hoài mím môi và hất đám bạn bè ra, trèo lên giường nằm, khóc nức nở. Mọi người tản đi hết. Còn lại mình Thanh đang thay quần áo, vừa thay vừa véo von "Em ơi, Hà Nội phố, ta chờ em, mùi hoàng lan, ta chờ em, mùi hoa sữa..."
- Im đi cho tao yên,s ao mày không đi nốt cho tao thoát? -Hoài hét lên.
- Ði đâu? Rau mua rồi, nhà tắm thì đông, không ở nhà nấu cơm cho cái lão họ Trư nó ăn, nó chửi cho!-Thanh đang cười thoắt nghiêm trang.
- Thằng họ Trư nhà mày thiếu gì tiền mà không đi ăn hàng, lại cứ phải rúc ở cái xó này ăn cơm nhà bếp?-Hoài quay người ra,thôi khóc.
- Nó tiếc tiền ăn ngoài quán vì nó kiếm tiền cũng có dễ đâu mà quăng tiền ra cửa. Ðêm qua đi với nhau về khuya, tao và nó vào ăn phở. Nó đói,nó làm hai bát,tao một bát, mất đứt chín nghìn, nó bảo với bà chủ quán"sướng nhé, móc được tiền của tôi bà sướng mất ngủ nhé". Bà bán phở vừa cười vừa chửi nó là đồ mọt ăn cứt sắt.
- Nó vừa ki,vừa trư như thế, mày đánh đu làm gì?
- Nó không ki với tao, nó làm ăn được toàn đưa tao giữ để chi tiêu, với lại thằng này tuy cục súc thật nhưng được cái thật thà, chỉ ăn với ngủ và với tao, chứ không để ý đến con khác, trong khi các khoá sau mình bao con hơ hớ ra đấy. Không yêu nó, mày bảo yêu ai, tuổi tác bọn mình thế, ại năm thứ năm rồi, biết từ giờ tới lúc ra trường có thằng nào nó rước cho kịp để còn ở lại Hà Nội?
- Làm sao mày khóc? Tao thấy đến mẹ mày ốm ở quê mày cũng không khóc cơ mà? -Thanh ngây mặt nhìn Hoài đang chống tay,lồm cồm bò dậy.
- Anh Thắng bỏ tao rồi! Giọng Hoài hơi ngạt đi.
- Sao, ông ấy yêu mày thế kia mà? Thanh hốt hoảng.
- Tại tao, tại tao hết Thanh hết Thanh ạ, bây giờ làm thế nào?-Hoài khóc.
- Cái số chúng mình thật khốn nạn. Tại sao chúng mình lại không sinh ra ở Hà Nội? Chúng mình là cái loại cao không tới,thấp không xong. Về quê còn khốn nạn hơn. Ðàn bà con gái mà không biết làm ruộng và đẻ con, lại ti toe học "dững" đại học trở lên, kiếm đâu ra? Những ông học ít thì không dám mơ tới bọn mình vì sợ không "ngang phân", thế là bọn mình thành đứng đường. Bọn tao đang mừng cho mày, vậy mà...
- Chào hai em, hai em to nhỏ gì đấy? -Ðàm vừa nói vừa dắt thẳng chiếc xe mini Tầu, trên xe thò ra chùm dâu da xoan.
- Bọn em đang tâm sự, chàng họ Trư yêu dấu! -Thanh vụt đứng dậy đón Ðàm, co chân hôn chút vào má anh trước mặt Hoài. Hoài quay mặt vào tường, nước mắt thánh thót rơi.
- Anh đói quá, có gì ăn không, tối nay đi xem nhé, phim "xác chết trên cao nguyên", thấy bảo như phim ma của Mĩ mà ở các quán giải khát mình vẫn ngồi uống và xem ấy.
- Sắp xong cơm rồi, hôm nay em làm món nộm rau muống có cả muối vừng, ngon tuyệt.
Họ tâm sự, chàng kể về số tiền kiếm được hôm nay, nàng kể về những chuyện trên giảng đường. Họ không cần quan tâm đến Hoài. Ðây là phòng nội trú nữ, năm năm nay họ sống như trong một gia đình, không có một chuyện gì họ giấu nhau, kể cả những chuyện tế nhị nhất.
Hoài vùng dậy,ra sân. Sân trường mát rượi, nắng tắt từ lúc nào. Những tốp sinh viên đi cùng nhau lấy cơm ở nhà bếp về, người xách xô ra máy nước công cộng, tiếng hát ngang ngang quê quê của một cô nào đó trên tầng hai. Mắt Hoài nhoè nước.




***




- Ðố ai đọ được với Hoài cao thủ nào, tao là trọng tài, bên nào thắng được bao ba số, bên nào thua mất một chầu nước mía, trọng tài ở giữa cổ động viên và chi tiền thuốc lào.
- Ðáng gì cái tiền thuốc lào, mày khôn thế, chỉ ăn người nó quen đi, mày cá em Hoài xinh đẹp được hay thằng Toản cụt được?
- Cá chó gì, tao chỉ tin em Hoài em thôi, anh chả cần cá cũng thắng bởi biết em quá, chúng mình vào sinh ra tử có nhau rồi, hôm liên hoan với bọn K34 mà không có Hoài nốc hộ tao nửa lít rượu, tao toi từ lâu rồi.
Hoài cười khật khừ, má cô hóp lại vì rít thuốc, mặt Hoài tràn đầy một nụ cười ma quái, đầy vẻ bề trên.
Tiếng hò reo nổi lên, chả biết bọn lau nhau cổ động viên lôi ở đâu ra đến năm cái điếu cày, mỗi thằng một chiếc,c ắm cúi vê thuốc cho vào nõ. Hoài bắt đầu rít trước. Mắt cô lim dim như say thuốc phiện, rồi rít sòng sọc, tiếng rít nghe giòn tan. Cô làm động tác từ từ như tạo dáng, điềm tĩnh rít và khoan khoái thả khói như thể hút thuốc lào ngon thật sự. Ðến điếu thứ mười thì Toản cụt gục, Hoài vẫn tiếp tục rít, càng sau càng ngon lành hơn. Mặt Hoài như có sương phủ, mơ màng một vẻ đàng điếm và đĩ thoã. Cuối cùng là tiếng hò reo và những tiếng chút chít của những cái hôn bọn đàn em tặng Hoài vì cô thắng cuộc.
- Hoan hô đệ nhất phu nhân của Badôca, hôm nọ bà phu nhân đã chiến thắng trận rượu, nay lại đoạt cúp vô địch về thuốc lào ,bọn em xin đãi bà chị một chầu ba số và bia hơi thịt chó, đi thôi.
Cả bọn như một cơn lốc kéo nhau ra quán thịt chó ở cổng kí túc xá. Bụi bay mù mịt theo chân họ.
Hoài sống như thế đã hai năm nay, sau khi vào trường được một năm, Hoài đã chứng tỏ bản lĩnh của một cô gái thành thị tỉnh lẻ: ngang tàng bất chấp tất cả. Cô muốn mình làm được tất cả mọi thứ không thua kém ai. Hoài học thông minh, nhạy cảm nhưng lười. Cô lại xinh, hai mắt to tròn sắc sảo, khoé miệng lúc nào cũng như bĩu ra, thêm với cái dáng luỳnh khuỳnh như con trai, Hoài ít được lòng của phái nữ, cô chỉ được đám đàn ông tung hô thôi.
Hoài bắt đầu nổi tiếng từ khi cô bị điểm hai môn Nga văn. Cô chỉ thích tiếng Anh vì cô bập bẹ học hát được vài câu tiếng Anh. Do số giờ lên lớp thiếu nhiều quá, cộng với tính ngang tàng của mình, trong giờ kiểm tra, Hoài làm được một câu hỏi xong cô đề ở dưới "không biết cách chia động từ vì rắc rối quá, đề nghị cô giáo thông cảm và toàn quyền phán xét, xin cảm ơn". Thế là Hoài xơi điểm hai. Chiều hôm đó, sau khi trả bài kiểm tra học kì, cả lớp có mình Hoài điểm hai. Cô liền về nhà, nhằm lúc giờ đi ăn cơm của sinh viên nội trú, cô mang tất cả tự điển và giáo trình ra giữa sân cỏ, chỗ mà bắt buộc ai cũng phải đi qua, chất chúng lại thành một đống và tưới một chai rượu quốc lủi lên. Chai rượu bán ở các quán pha nhiều cồn cộng với cái gió của buổi chiều đã mau chóng bén vào nhau và tạo nên một đám cháy con con như đám cháy của một đống rác nhỏ. Chưa xong, Hoài còn mặc một bộ soóc bò, tóc buộc đuôi gà và nhảy disco xung quanh đám lửa, có lúc ngoáy mông lắc vai như nhảy xếch, rồi uốn éo như lambada. Một lúc sau,quanh cô là cả một đám đông. Có thằng nào lấy một cái đàn ghita, đứa lấy hai cái đĩa sắt, đứa lấy cài bàn gỗ, tất cả tạo thành một giàn nhạc sống mà nhạc trưởng là Hoài, vừa chỉ đạo vừa diễn luôn.
Sinh viên đại học khác học sinh phổ thông ở chỗ sống và học tập một cách tự giác.
Thầy giáo chủ nhiệm là người tế nhị, thầy có thể hùng hồn giảng bài chứ nói đến chuyện sinh hoạt cá nhân, lại là của sinh viên nữ thì thầy hay ngại.
- Em uống rượu hay hút thuốc lá, thuốc lào thì bận đến ai? Em có làm sao thân em chịu chứ em có phiền vào ai đâu mà bọn chúng nó mách thầy? Em có phải thò lò mũi xanh đâu mà chúng nó phải lo cho em? -Khi thầy giáo góp ý, Hoài cãi.
- Không chạm đến ai nhưng nó chướng lắm. Những trò đó là của đàn ông, em là con gái, phải giữ những bản tính của con gái chứ?
Hoài không trả lời thầy chủ nhiệm mà về, xông thẳng vào buồng hét lên:
- Con nào hớt lẻo với thầy chuyện của tao? Từ nay trở đi tao cấm đứa nào đụng đến tao, tao có quắp thằng nào nằm giữa cái phòng này thì đấy cũng là chuyện của tao, chỉ trừ bây giờ tao cướp người yêu của chúng mày hay cắp ăn trộm tiền bạc quần áo, chúng mày mới được quyền nói! -Hoài nói và bỏ đi qua đêm hôm đó.
Ðến năm thứ tư thì Hoài trở thành một nhân vật nổi tiếng khắp trong trường và lan ra cả khu vực quanh trường. Hoài có thể uống cả chai rượu trắng không say, hút thuốc lào không mệt mỏi, nhảy đầm qua đêm và đánh đu với những người đàn ông nào chịu được cô. Nhà trường không có lí do để thi hành kỉ luật vì học lực của Hoài cũng tương đối khá, những chuyện riêng tư thì chỉ nghe trong đám sinh viên chứ tận mắt các thầy chưa ai trông thấy.
Rồi bỗng một hôm, Hoài dẫn về phòng một chàng trai lạ hoắc. Cả phòng ngơ ngác vì vẻ con nhà lành của chàng trai, ăn mặc sang trọng và lịch sự, nói năng chững chạc và ra chiều mến Hoài lắm. Hoài giới thiệu đó là Thắng, một kĩ sư vô tuyến điện đang công tác tại một viện nghiên cứu, do có việc phải về Vinh, tình cờ gặp chị của Hoài, chị ấy gửi quà cho cô và anh ta mang đến. Họ gặp nhau lần này là lần thứ ba. Cả phòng nữ ngạc nhiên trước cử chỉ lời ăn tiếng nói của Hoài, cô như một người khác, giống như một tiểu thư khuê các ngoan ngoãn tuyệt vời chứ không như cô Hoài "thớt trơ" mọi người vẫn gọi.
Và sau đấy họ yêu nhau. Tình yêu quả là một phương thuốc thần tiên. Trước đây, mỗi khi nghe tin con gái vừa xảy ra một vụ việc như đánh nhau, uống rượu suốt đêm với đám con trai và nhảy thoát y vũ, bố mẹ cô liền tức tốc gửi thư và số tiền còm do trồng rau nuôi gà ở quê lên cho cô con gái học đại học thanh toán tiền cắm quán, Hoài chỉ ra bưu điện nhận tiền chứ chẳng ngó đến thư. Vậy mà bây giờ, suốt từ tết, cô viết về nhà đến chục lá thư, tiền bố mẹ cho không tiêu hết vì có dám xuống quán nữa đâu. Hoài như con cua bể, tự lột xác thành người khác. Bạn bè và thầy giáo mừng cho Hoài và ra sức vun vén cho hạnh phúc của cô. Cuộc tình của họ kéo dài được một năm trong sự thu vén che đậy cái quá khứ không lấy gì làm đẹp đẽ của Hoài.
Buổi tối,Thắng bảo Hoài:
- Mai sinh nhật mẹ, anh muốn chính thức ra mắt cả gia đình chuyện của chúng mình, rồi tuần sau nghỉ làm luận văn, chúng mình về Vinh xin phép bố mẹ em, có lẽ gần hết học kì II và trước khi ra trường chúng mình sẽ tổ chức lễ cưới. Sẽ rất vui vì bạn bè em có đủ cả.
Hoài sung sướng mê đi trong vòng tay Thắng. Cô nghĩ tới lúc được mặc váy trắng, ôm một bó hoa to bước lên xe hoa trong tiếng pháo,tiếng nhạc dìu dặt. Cô sẽ làm vợ và luôn được sống bên anh, người mà cô tin, yêu và nghe lời hơn cả bố mẹ.
Tối hôm sau, Hoài dồn tất cả tiền của mình cộng với một trăm nghìn vay của mấy đứa trong lớp đi ra chợ vải, chọn ba mét vải sa tanh vàng in hoa chìm rất lịch sự và một chiếc bánh gatô to bê đến nhà Thắng. Tất cả gia đình anh chờ đón cô và nhìn cô đầy trìu mến. Rồi họ mở sâm banh uống chúc mừng sinh nhật bà mẹ Thắng. Hoài như bước vào cõi mơ bởi ánh sáng của những ngọn nến, của mùi thuốc lá ngoại lâu nay cô nghiến răng cai, của những li rượu màu ngọt ngào mê đắm khác hẳn những chiếc cốc thuỷ tinh rượu trắng ngày trước cô thường nốc. Cô bắt đầu cười nói tự nhiên và uống rượu.Lần đầu tiên Hoài uống rượu trước mặt Thắng,trước đây, thỉnh thoảng cùng đi dự sinh nhật với anh, cô đã được đám bạn bè dặn trước lúc đi là tuyệt đối không uống một hụm nào, không được lộ cho Thắng biết cái quá khứ của mình. Lúc này thì không, Hoài tin rằng chỉ một thời gian ngắn ngủi nữa cô sẽ thành vợ Thắng, sẽ không cần giấu giếm mọi chuyện. Rượu sâm banh hoa quả rất ngon, lại nhẹ hơn bia, cô tự nhiên uống hết những li mà mọi người rót cho mình. Rồi mọi người ra nhảy, bản nhạc vanxơ vang lên dìu dặt, quyến rũ, tất cả mọi người ôm nhau ra, Hoài thì đứng im lìm,nhìn ngắm. Thắng giơ tay lịch sự mời cô, lúc ấy,q uên những lời dặn dò trước đây của bạn bè, quên giữ ý tứ hàng ngày, Hoài gần như quay lại cái bản năng của mình. Phần vì lâu không uống rượu nên tửu lượng của cô kém đi, cộng với cái giống sâm banh pha cô nhắc rất dễ say, Hoài bảo:
- Em không biết nhảy van hay tăng gô, đó là điệu nhảy của bọn trưởng giả học làm sang, em không bao giờ học nhảy cả, chỉ nhìn chúng nó nhảy là em bắt chước, em chỉ nhảy disco hay lămbada thôi.
Hoài say sưa nói và không nhìn thấy mặt Thắng hơi đờ ra.Anh hỏi:
- Sao không bao giờ anh thấy em nhảy,mà những lần đi sinh nhật cùng anh,em có nhảy đâu?
- Lúc đó khác, bây giờ có anh, em sắp làm vợ anh, cần gì giấu nữa.
Hoài mím môi và im lặng. Bản vanxơ vừa hết, rồi đến một bài nhạc kích động, đám con cháu thanh niên lao ra, quay cuồng, đảo điên trong ánh đèn màu. Hoài từ từ tiến ra. Cô hơi say, chân cô nhẽ bỗng như không bén đất, một cảm giác như bay lên ở các bước chân xâm chiếm Hoài. Cô lao vào cơn lốc của tiếng nhạc. Người Hoài giật đùng đùng, tóc cô rũ rượi, tay vung vẩy theo nhịp chân. Thắng chết lặng đứng nhìn Hoài như một cô gái rẻ tiền thỉnh thoảng đến các vũ trường nhử khách. Anh cay đắng lại chiếc giàn cát xét, tắt phụt bản nhạc trước con mắt ngạc nhiên của mọi người. Anh hô to:
- Thay băng lămbada đi.
Có tiếng reo và một thoáng sau bản nhạc lămbada quyến rũ khêu gợi vang lên. Trong khói thuốc mờ ảo, trong ánh đèn xanh đỏ và không khí đầy mùi rượu và hoa quả, Hoài lắc lư, uốn éo mông và run rẩy thân hình. Cả nhà đứng CHẾT LẶNG NHÌN NHƯ HÚT VÀO CÔ. RỒI MỌI NGƯỜI NHÌN THẮNG, NHÌN HOÀI. ÁNH MẮT CỦA CẢ NHÀ HỐT HOẢNG VÀ SỢ HÃI LẪN NGẠC NHIÊN NHƯ NHÌN THẤY một bệnh dịch. Thắng cắn chặt môi, im lìm như hoá đá thôi miên Hoài. Cô như thoát xác bay lên bởi men rượu, bởi lâu không nhảy hết mình và đang hạnh phúc. Tất cả mọi người ra bàn, bà mẹ Thắng lại gần Thắng, nói nhỏ một câu "con định rước ai về nhà này thế? Mẹ mong là không bao giờ phải gặp lại nó một lần nữa. Con làm hỏng buổi sinh nhật của mẹ rồi" và bà đi lên gác. Không ai bảo ai, tất cả lặng lẽ ra về. Họ ra đi lặng lẽ chứ không ồn ào như trước, Thắng tắt nhạc, Hoài vẫn trong cơn say, cô còn uốn éo thêm một lúc nữa rồi thôi, ngơ ngác nhìn quanh. Thắng lại gần bên Hoài, anh nghiến răng:
- Tôi không ngờ cô giỏi như thế, tôi xin lỗi là đã dám sánh đôi cùng cô một năm nay. Tôi xin phép được đèo cô về.
Và Hoài hiểu mọi chuyện. Trên đường về, cô đã kể tất cả quãng đời trước kia của mình cho anh nghe vì nghĩ rằng sắp là vợ chồng của nhau thì cần gì phải giấu. Cái quan trọng là cô đã thay đổi.Thắng cay đắng nghe Hoài nói, và anh thả cô vào trường không một lời hẹn. Hoài đau khổ cứ định ôm Thắng thì anh lại hất cô ra vì kinh tởm thật sự. Anh dứt khoát rũ cô ra sau khi nói lại một câu:
- Tôi nhầm về cô ! Cũng may là tôi kịp biết là cô lừa tôi một cách tinh vi, cái lừa lọc của một có người có học nguy hiểm hơn của thằng vô học. Cô quên tôi đi, giữa chúng ta sẽ không có một chuyện gì nữa. Tôi không thể là một con chó ngu si gặm khúc xương thừa.




***




- Ði ăn cơm với tao, Hoài. - Thanh kéo tay Hoài, ngó nghiêng sau Thanh là ông bồ họ Trư.
Có lần Hoài hỏi Thanh , tại sao mày lại yêu hắn trong khi mày gọi hắn là họ Trư ? Thanh trả lời: những thằng họ Trư là giống Trư bát giới,vừa háo sắc lại tham ăn,yêu nó,mình không mất gì miễn là cho nó ăn ngon và thoả mãn,nhưng tao chỉ yêu những thằng giầu thôi."Tại sao ?" "Tại nó đủ sức lo cho mình. Chúng mình. Chúng mình không hi vọng gì về quê với cái bằng đại học hão này, mà sống ở Hà Nội thì phó tiến sĩ nhiều không đếm xuể, mình học là cốt để ngoi lên Hà Nội,v à phải ở lại chứ không về quê nữa. Không phải những thằng họ Trư thì ai thèm mê mình?"
- Tao không muốn ăn - Hoài trả lời.
- Quên hắn ta đi. Ðời mình còn dài, tao sẽ kiếm cho mày một ông đồng hương cùng họ Trư với bồ của tao. Ðơn giản thôi em ạ. Có số hết mày chống làm gì ?
Nghe tao mà vứt cái mơ mộng hão của mày đi,phải thực dụng. Tối đi xem phim và quên nó đi, mày yêu nó thế còn là lâu đấy.
Nước mắt Hoài trào ra. Bố mẹ ơi, sao bố mẹ không dạy con rằng mọi chuyện đều xảy ra có một lần trong đời, cái gì qua đi không lấy lại được ? Sao bố mẹ chỉ nhăm nhăm gửi tiền cho con mà không ở bên con mỗi sáng mỗi chiều cho con bớt cô đơn? Bây giờ học mà làm gì khi trong đầu con rỗng tuếch chẳng còn tí kiến thức nào ngoài sự lo toan cho cuộc sống sắp tới ?
Tiếng hát ngang ngang quê quê trên tầng hai vang lên "ta chờ em cây bàng mùa đông mồ côi, góc phố mùa đông mồ côi,vầng trăng mồ côi,mùa đông năm ấy..."
Hoài vùng chạy, cô lao ra đường, xuống quán. Sau một năm, bà chủ quán lại thấy Hoài uống rượu.