Ở Nhật, để mua một lon nước, bạn có thể vào một cửa hàng Convenience Store gần đó. Nhưng có một cách khác nhanh hơn: mua ở máy bán nước tự động. Nhất là những lúc đi đường mùa hè, hay vừa chơi thể thao xong, những chiếc máy bán nước tự động sẽ giúp bạn thỏa mãn cơn khát một cách nhanh chóng. Không chỉ nước giải khát, còn rất nhiều mặt hàng khác được bán bởi máy bán hàng tự động (Vending Machine).
Người ta cho rằng VM đầu tiên được nhà toán học người Hy Lạp phát minh vào năm 215 trước công nguyên. Đó là một máy bán nước thánh, được đặt trong tháp cổ đại Ai Cập. Chiếc máy này hoạt động trên nguyên lý lực học (梃子原理). VM thương mại được giới thiệu lần đầu tiên tại London(Anh). Mô hình của nó giống như một hộp thư bưu điện. Ở Nhật Bản, VM đầu tiên được phát minh bởi ông Tawaraya Takashichi (俵谷高七) vào năm 1888. Trong những VM mà Tawaraya phát minh, nổi tiếng nhất là VM được làm bằng gỗ (sáng chế năm 1904), có thể đồng thời bán 3 loại hàng: tem thư, bao thư và bưu thiếp. Sau đó, trải qua nhiều khâu đoạn cải tiến và nâng cấp, VM ngày nay có thể dùng cả tiền xu và tiền giấy, có thể bán cả nước nóng và nước lạnh, bán được nhiều loại hàng: các loại nước uống đóng chai, lon hoặc dùng cốc giấy, và nhiều loại hàng hóa khác như: báo,tạp chí, thuốc lá,.. Thêm vào đó, máy chụp ảnh tự động, máy bán vé tự động, máy đổi tiền tự động, ... cũng được coi là VM.
Hiện nay, ở Nhật có khoảng 550 vạn chiếc VM. Trong đó VM bán đồ uống chiếm khoảng 250 vạn chiếc. Ước tính cứ 1km vuông có 6.6 máy bán nước tự động (ở Mỹ là 0.4 máy/km vuông). Mỗi năm có khoảng 200 vạn máy mới được đưa vào sử dụng, và một lượng tương đương được phế thải. Có nghĩa là số lượng VM tăng không đáng kể. Có thể nói VM ở Nhật Bản đã đến mức bão hòa.
Người ta ước tính mỗi người Nhật dùng 53 nghìn Yên/năm để mua hàng từ VM. Tổng doanh thu của VM vào khoảng 7 nghìn tỷ Yên/năm, nhiều hơn cả Mỹ (khoảng 4 nghìn tỷ ). Trong đó, doanh thu từ máy bán nước tự động chiếm gần 50%, tiếp đó là máy bán vé (24%), máy bán thuốc lá (23%). Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến doanh thu khổng lồ từ VM. Thứ nhất, VM hoạt động 24/24 giờ trong ngày. Thứ hai, khách hàng có thể sử dụng VM mọi nơi (công sở, trường học, trên đường,... ). Thứ ba, không cần người đứng bán và chiếm ít diện tích sử dụng nên đã hạn chế được khoản chi phí mặt bằng và nhân công. Ngoài ra, phải kể đến những lý do khác như: an ninh ở Nhật rất tốt, chất lượng hàng hóa được bảo đảm,...
Tuy nhiên, song song với lợi nhuận to lớn từ VM, có rất nhiều vấn đề nảy sinh. Thứ nhất, vấn đề rác thải: các loại chai, lon, bao bì,...được thải ra từ các mặt hàng của VM. Thêm vào đó là một lượng lớn VM phế thải hàng năm. Thứ hai là vấn đề năng lượng: tổng điện năng tiêu thụ của tất cả các VM ở Nhật vào khoảng 100 vạn Kwh (tương đương với điện năng mà một máy phát điện hạt nhân sản xuất ra). Ngoài ra, còn một vấn đề xã hội rất nghiêm trọng: những người vị thành niên cũng có thể tự do mua thuốc lá, bia rượu được bán ở VM. Để khắc phục những vấn đề này, nhiều biện pháp đang được áp dụng. Ví dụ, dùng những vật liệu có thể tái sử dụng (tái chế) làm vỏ, bao bì cho những mặt hàng của VM. Thiết kế bộ phận hẹn giờ cho VM, VM sẽ tự ngừng hoạt động vào những thời điểm ít người sử dụng (khi công sở, trường học đóng cửa, ...). Triển khai mô hình "my cup" (dùng ly của mình để mua nước) cho những máy đặt trong công sở, trường học,...
Ở Việt Nam, tiền xu đã được phát hành và đưa vào sử dụng. Đây là một bước khơi mào để dịch vụ bán hàng tự động phát triển. Vào tháng 7 năm ngoái, chiếc máy bán hàng tự động đầu tiên ở Việt Nam đã được đưa vào sử dụng. Đó là một máy bán bao cao su. Đây là dấu hiệu đáng mừng nhưng cũng là điều để chúng ta suy nghẫm! Tình hình an ninh và ý thức về phân loại rác ở Việt Nam hiện nay là một thách thức lớn đối với những ai có tham vọng đầu tư và triển khai dịch vụ này.