Quê hương luôn luôn có một sức hút mãnh liệt
Đã gửi: Chủ nhật T11 28, 2004 6:57 pm
Người đàn ông với cái tên là ngôi làng nơi ông đã sinh ra bắt đầu những ngày đầu tiên của mình tại Canada là một người rửa bát
Trong cộng đồng người Việt ở Quebec, Canada, cái tên Nguyễn Thanh Mỹ được biết tới như là một trong những người rất thành đạt. Sôi nổi, tự tin, mạnh mẽ, vị ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa 6 này từng đi lên từ những ngày... rửa chén, phụ bếp trong những nhà hàng nơi đất khách.
Nỗi lo sợ ngày về...
Năm 1997, Nguyễn Thanh Mỹ khi đó đã là tiến sĩ ngành năng lượng và vật liệu, đang làm cho một công ty của Mỹ. Tới dự một hội nghị tại Nhật Bản, ông mới giật mình thấy Việt Nam sao quá gần, tại sao không thể về thăm quê hương khi đã 18 năm trời xa cách. Ông kể: “Nhưng đến tận khi bước xuống phi trường Tân Sơn Nhất, vẫn không biết rồi sẽ thế nào. Ngày mình ra đi, năm 1979, đâu có hợp pháp gì”. Nỗi lo lắng thường trực ấy đã qua, khi những anh công an giúp ông làm thủ tục visa. Trở lại quê hương - làng Thanh Mỹ, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh, ông bộc bạch: “Về lại Việt Nam và nhìn thấy quê hương rồi thì hình như có cái gì trong tim mình lóe sáng trở lại. Mình nhớ về cội nguồn nhiều hơn”.
Từ rửa chén, đến phụ bếp, lên bếp chính...
Thời còn ở quê hương, Nguyễn Thanh Mỹ đã từng học Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh. Khi đến Canada, Mỹ được nhận đi làm những việc lao động chân tay. “Lúc đầu tôi làm rửa chén ở nhà hàng của ông Phan Thành - người hiện nay có khu du lịch Làng tôi ở TP Hồ Chí Minh - năm trước là phụ bếp, sau đó lên bếp chính. Một thời gian lương ít quá tôi chuyển qua làm ở nhà hàng khác, đúng ra tôi được nâng chức từ bếp lên phụ bồi, xong làm bồi”. Bước ngoặt của cuộc đời ông là khi quen cô Bùi Thị Nhàn, một thiếu nữ trẻ trung, xinh đẹp quê gốc Thái Bình. Gia đình nề nếp, gia phong, có học thức của cô không dễ chấp nhận một chàng con rể chỉ làm bồi, làm bếp. Ông Mỹ nhớ lại: “Phải đấu tranh lắm mới vô được gia đình. May có bà nội của cô khi đó đã tám mấy tuổi rồi, cụ chấp nhận khi tôi hứa: nếu cho cháu cưới Nhàn thì cháu sẽ cố gắng để vợ không phải đi làm cho người ta, gia đình muốn có kỹ sư thì cháu đi học kỹ sư thôi”. Lời hứa đó được thực hiện ngay khi Nguyễn Thanh Mỹ cưới vợ. Một ngày ông đi làm bồi, làm bếp từ 2 giờ chiều tới 2 giờ sáng, rồi đi học từ 8 giờ sáng tới 1 giờ trưa, một tuần làm hết... bảy ngày. “Thời gian đó mơ ước duy nhất trong đời chỉ là có tám tiếng đồng hồ để ngủ thôi. Chẳng có lúc nào được ngủ hết. Mắt tôi đỏ quạch vì thiếu ngủ, bởi thế nên bị gọi là Mỹ mắt đỏ”. Học lại dự bị đại học, rồi đại học ngành hóa học phân tích, cứ thế bảy năm liền cho tới khi ông hoàn thành tấm bằng tiến sĩ, và đi làm cho một số công ty lớn tại Mỹ.
Chuyến về quê hương năm 1997 thay đổi đời tôi...
Nguyễn Thanh Mỹ kể: “Sau khi trở lại Mỹ, tôi quyết định ra mở công ty riêng. Chỉ có làm chủ chính mình thì mới giàu có được, mới thực hiện được những hoài bão của mình”. Và ông về Quebec, Canada mở Công ty American Dye Souce, Inc. chuyên về nghiên cứu và sản xuất những vật liệu hữu cơ dùng trong ngành phát quang, ngành điện tử, cho tạo hình, chống làm giả... Với sản phẩm hóa học hướng tới thị trường nghiên cứu, American Dye Soure, Inc. làm ăn rất phát đạt. Ông Mỹ khẳng định: “Thị trường nghiên cứu tưởng không lớn lắm nhưng rất thú vị cho những người làm khoa học như tôi, vừa đầu tư chất xám vừa làm ra tiền mà không phải sản xuất nhiều. Mình làm chỉ vài ba trăm gram mỗi năm, giá thành rất ít nhưng mỗi gram có thể bán một hai nghìn đô la. Thông thường khi có những khám phá mới về hóa học thì tụi này làm liền tại chỗ, vì công ty không lớn, tổ chức lại hiệu quả nên làm nhanh, mà những công ty lớn lại không làm. Ví dụ một sản phẩm bán ra đạt 500.000 USD thì tụi này rất vui, nhưng những hãng lớn không để ý tới vì số tiền đó với họ không đủ làm quảng cáo nữa”.
Và nhà máy trị giá 10 triệu USD tại Trà Vinh
Giáng sinh năm 1999, nhân sinh nhật con gái, Nguyễn Thanh Mỹ muốn dành ba tuần chỉ hai cha con về quê đón Giáng sinh, mừng thiên niên kỷ mới dưới mái nhà nơi ông đã sinh ra, để con có một dấu ấn sâu sắc ở quê hương mình. Từ gợi ý tình cờ của con gái khi hai cha con ra thăm Phú Quốc, nói ông mua miếng đất để làm du lịch, ông mới nghĩ tới việc về nước đầu tư. Mua được một mảnh đất ở Bãi Sao - ngày đó còn hoang vắng và không có đường vào, sau này gia đình người em gái và người làng mở quán cà phê Mỹ Lan ở đó, có nơi đi về thì: “Cái rễ mình mọc trở lại và ngày càng sâu hơn, thì kiếm cách đầu tư tại Việt Nam là chuyện đương nhiên” - ông tâm sự.
Thấy việc đầu tư vào du lịch tại Phú Quốc khó khăn và cũng không phải chuyên ngành của mình, ông tìm hiểu thị trường hóa học ở Việt Nam. Hơn một năm trời thuyết trình tại các trường đại học, tìm các đối tác ở những công ty hóa chất TP Hồ Chí Minh, nhưng thấy chủ yếu là thị trường mua đi bán lại từ nước ngoài vào Việt Nam mà không thấy ai sản xuất được những vật liệu mình cần, ông quyết định tự mình xây dựng một công ty sản xuất riêng. Dự án đầu tư nhà máy trị giá khoảng 10 triệu USD tại quê hương Trà Vinh, khởi công vào ngày 23/6 vừa rồi. Công ty sẽ đào tạo nhân công bằng cách tiếp tục hoàn thiện những sản phẩm từ American Dye Souce, Inc., sau đó, sẽ liên kết với một số công ty Hàn Quốc để sản xuất bản kẽm CTB cho ngành in ấn, và khoảng năm 2008 sẽ bắt đầu làm tới những chất trung gian cho dược phẩm.
Nguyễn Thanh Mỹ nói: “Là người đầu tư thì phải có trách nhiệm với chính mình. Tánh tôi là người mạo hiểm lắm. Người ta nói sao thì nói còn việc mình cứ làm”. Vẫn đi về hai nước Canada, Việt Nam, vừa đầu tư kinh doanh, vừa làm khoa học, vừa tham gia trong Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Nguyễn Thanh Mỹ vẫn là con người của công việc, của sự nỗ lực không mệt mỏi hướng về phía trước. Cuối tháng 10 vừa qua, ông tổ chức một buổi gặp mặt Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Phú Bình và Đại sứ Việt Nam tại Canada với những doanh nghiệp và trí thức ở Montreal tại hội trường của Công ty American Dye Inc. Đầu tháng 1 năm 2005, ông dự định về thuyết trình tại Đại học Bách khoa Hà Nội và Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài về những lĩnh vực khoa học như Quantum dots và Carbon Nanotube, Organic Solar Cells, CTP Technology... Những vật liệu trong lĩnh vực trên đang được Công ty American Dye Inc. nghiên cứu và sản xuất.
Giống như nhiều trí thức Việt kiều khác, Nguyễn Thanh Mỹ thường nhắc đến các con của mình bằng niềm tự hào. Cậu con trai lớn Duy Nguyễn và cô con gái Mỹ Lan Nguyễn vừa về Việt Nam dự trại hè dành cho thanh thiếu niên Việt kiều do Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài và Trung ương Đoàn tổ chức. Ông bảo: “Trại hè Việt Nam vừa rồi làm thay đổi tư duy của hai đứa con tôi. Chúng yêu thích Việt Nam, muốn về Việt Nam làm việc. Cũng vì chuyến trại hè đó mà Mỹ Lan lúc đầu muốn học luật sư, học về phát minh mà xin đổi lại học ngành báo chí. Con gái tôi muốn sau này về Việt Nam để hợp tác làm xuất bản các tạp chí về khoa học. Và hết chuyến trại hè, nó cũng mở một website có tên http://www.traihevietnam.com để giao lưu với bạn bè trong chuyến đi đó”.
Theo thanhnien