Thương hiệu Việt trên đường chinh phục thị trường
Khi chuyện hội nhập được cụ thể hóa bằng những quyết định cắt giảm thuế quan của Nhà nước mở đường cho hàng hóa nhập khẩu vào cạnh tranh bình đẳng với "hàng nội", cũng là lúc "thương hiệu Việt" được đề cao hơn lúc nào hết. Trong bối cảnh đó, nhiều thương hiệu của doanh nghiệp Việt Nam đã đứng được trong lòng người tiêu dùng.
Những ngày cận Tết Giáp Thân, tại nhiều siêu thị, người ta đổ xô đi chọn hàng làm quà biếu. Theo quan sát của chúng tôi, nhiều mặt hàng do doanh nghiệp trong nước sản xuất đã được chọn thay vì hàng ngoại như những năm trước. Những hộp cà phê hòa tan của Trung Nguyên; những hộp bánh của Kinh Đô, Bibica, Vinabico... hiện diện khá nhiều trong các giỏ quà thay cho những sản phẩm cùng loại của nước ngoài vốn đã có mặt tại thị trường Việt Nam khá lâu.
Có được kết quả đó là nhờ gần đây trong nước đã xuất hiện một lớp doanh nhân đầy tự tin, "không ngại va chạm" với những tên tuổi lớn của thế giới. Chẳng hạn, Công ty Tân Hiệp Phát, một doanh nghiệp trong nước đã "dám" bỏ ra cả 500 tỉ đồng đầu tư công nghệ nấu bia hiện đại của Đức để sản xuất bia tươi đóng chai mang tên Laser, cạnh tranh trực diện với hai nhãn hiệu "ngoại" vốn độc tôn trên thị trường Việt Nam lâu nay là Tiger và Heineken. "Lý do mà Tân Hiệp Phát bỏ ra nhiều tiền để làm những thước phim quảng cáo là vì nhận thức được tầm quan trọng của việc quảng bá thương hiệu tuy quảng cáo chỉ mới là một phần của chiến lược rộng lớn cho thương hiệu", bà Phạm Thị Nụ - Giám đốc Công ty Tân Hiệp Phát tâm sự.
Còn ông Đặng Lê Nguyên Vũ - Giám đốc Công ty Cà phê Trung Nguyên thì không hề giấu giếm tham vọng: Đối đầu trực diện với các đại gia hàng ngoại; cà phê hòa tan G7 là một ví dụ, ra đời là để cạnh tranh với Nestcafé vốn nổi tiếng toàn cầu. Điều gì khiến một doanh nghiệp "non trẻ” xuất thân từ phố núi như Trung Nguyên lại tự tin đến vậy? "Có gì phải ngại, chúng ta là nước xuất khẩu cà phê nhất nhì thế giới, sở hữu một vùng nguyên liệu dồi dào cộng với công nghệ chế biến hiện đại, trí tuệ, ý chí người Việt thì tôi tin điều gì cũng có thể làm được" - ông Vũ nói.
Trong buổi giỗ tổ ngành dệt may cuối năm 2003, khi nói về kinh nghiệm xuất khẩu, ông Nguyễn Thiện Nhân - Phó chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh đã đánh động ý thức bảo vệ thương hiệu cũng như lòng tự hào dân tộc nơi doanh nghiệp qua câu chuyện của Công ty Dệt Phong Phú. Chuyện xảy ra khi Phong Phú mới bắt đầu xuất khẩu những lô hàng khăn bông đầu tiên vào thị trường Nhật. Một lần được đối tác dẫn đi xem hàng ở siêu thị, Phong Phú mới phát hiện ra rằng mặt hàng khăn bông của công ty tiếng là xuất vào thị trường Nhật nhưng chỉ được bày bán trong những cái sọt ở chân cầu thang siêu thị, còn trên các kệ để hàng từ cao cấp đến thứ cấp đều không thấy sản phẩm từ Việt Nam.
Thực trạng này đã chạm đến lòng tự trọng và từ khi về nước, Ban giám đốc Phong Phú đã lao ngay vào nghiên cứu cải tiến mẫu mã, chất lượng, đầu tư công nghệ hiện đại... để làm cho sản phẩm của Phong Phú phải "nhảy từ chân cầu thang lên đến vị trí cao nhất của những chồng khăn cao cấp trong siêu thị Nhật Bản. Và giờ đây họ đã thành công" - ông Nhân kể. Và câu chuyện gốm sứ Minh Long thẳng thừng từ chối ký một hợp đồng khổng lồ với đối tác nước ngoài vì trên sản phẩm không có hai chữ "Minh Long" cũng đáng để những nhà xuất khẩu Việt Nam chiêm nghiệm...
theo báo thanh niên