Hacker - Kẻ "huỷ diệt hàng loạt"
Một hacker đang moi thông tin trên mạng
Ngày nay, khi vi tính, Internet gần như đã được toàn cầu hóa đã tạo không ít thuận lợi cho hacker - những đạo tặc trên mạng tìm cách kiếm tiền. Nhờ có kiến thức giỏi về vi tính, những người nầy dễ dàng xâm nhập vào các mạng vi tính của các cơ quan, công ty tìm kiếm thông tin mật hoặc len lỏi vào website của các cửa hàng, nhà băng để đánh cắp mã số thẻ tín dụng, thông tin riêng tư của khách hàng đặng tống tiền những nơi này .
Bẻ khóa - tống tiền
Đối tượng mà các tên hacker thường nhắm tới là các sòng bạc ăn nên làm ra, các ngân hàng uy tín, những thương nhân giàu có, các chính khách cỡ bự hay các ca sĩ nổi tiếng, diễn viên gạo cội... Bằng những nghiệp vụ chuyên biệt, họ dễ dàng “bẻ khóa” website, xâm nhập vào mạng để moi thông tin mật của cơ quan, số liệu kinh doanh của công ty hay những bí mật đời tư của các cá nhân tên tuổi. Số tiền hacker yêu cầu thường rất lớn, có thể là từ mấy trăm ngàn USD cho đến vài triệu USD, xê dịch tùy theo đối tượng hoặc tin tức mà họ moi được là có giá trị như thế nào đối với người bị hại. Tuy nhiên cũng tùy thuộc mức độ giàu có của công ty, doanh nghiệp, người bị hại mà hacker có thể “du di” một chút nhưng giá chót cho sự im lặng chí ít cũng là 10.000 USD. Chẳng hạn như vào tháng 11 vừa qua, một sòng bạc có tiếng ở Macao đã phải cống nạp gần 3 triệu USD cho hacker khi chúng gửi thư đến cảnh báo rằng chúng đã “tó” được một số phương cách làm ăn gian dối của sòng bạc như điều khiển máy “ăn” hoặc “thua” theo ý muốn của mình ra sao và đe dọa nếu chủ nhân sòng bạc không chung chi cho chúng thì chúng sẽ tung tin này ra và thiệt hại cho sòng bạc có thể còn cao hơn gấp mấy lần số tiền chuộc. Hoặc như một ca sĩ có tiếng của Singapore cũng phải mất 15.600 USD để bịt miệng hcker về những bản nhạc hay trong album độc đáo sắp được ra mắt công chúng của mình. Hay một số chính khách cấp cao trong Quốc hội Mỹ cũng phải “cúng” cho hacker vài triệu USD khi chúng gửi mail đến thông báo với khổ chủ rằng chúng đã có được trong tay những thông tin mật về vụ ông này lợi dụng chức quyền để kiếm chác như thế nào hay ông nghị nọ giấu vợ đi hú hí với bồ nhí ra sao...
Có lẽ rủi ro nhất là Công ty Thanh toán tự động Ecount ở Anh đã phải phá sản vì hacker. Số là hacker đã xâm nhập vào website của công ty và nắm giữ được gần như hầu hết số thẻ tín dụng của 550.000 khách hàng ruột của công ty và đòi tiền chuộc là 65.000 USD. Công ty này đã không đáp ứng nhu cầu của chúng và đi báo cho Scotland Yard . Tuy nhiên cảnh sát đã không thể “sờ gáy” được bọn hacker ma mãnh này. Và do chờ lâu không nghe động tĩnh gì từ Công ty Ecount, bọn chúng đã tung thông tin và hậu quả là khách hàng không còn tín nhiệm công ty nữa... Thậm chí đến những ông chủ của các hãng computer nổi tiếng với hàng triệu USD đầu tư vào việc bảo mật mạng website của họ cũng không thoát khỏi nanh vuốt của bọn hacker. Đơn cử như Giám đốc Công ty MCI Vint Cerf bị tống tiền 450.000 USD. Ông trùm eBay Howard Schmidt mất 500.000 USD. Hay ông chủ Microsoft Scott Chamey đã cúng cho hacker gần 1 triệu USD, trong khi chủ nhân Bill Boni của hãng Motorola đã phải cống nạp 1,3 triệu USD... Với những phi vụ làm ăn “ngon ơ” như vậy, hacker đã trở thành một trong những “nghề” hái ra tiền nhanh nhất và do đó cũng trở thành mối hiểm họa lớn cho những ai phải sử dụng mạng.
Phòng chống hacker ra sao?
Để đối phó với những bọn hacker kể trên, các công ty, cơ quan, doanh nghiệp, các cửa hàng, ngân hàng... đã tăng cường mọi biện pháp phòng chống hacker như đầu tư hàng triệu USD để tậu những trang thiết bị tối tân hỗ trợ cho việc bảo mật mạng một cách thiết thực nhất. Ngoài ra, một số nơi còn áp dụng phương pháp “lấy độc trị độc” như tuyển chọn những hacker đã quy phục về vì đây là những lực lượng biết rất rõ đường đi nước bước của bọn hacker chuyên nghiệp. Ở một số nước tiên tiến như Anh, Mỹ, Pháp, Đức... người ta đã lập hẳn ra những đội đặc nhiệm chuyên truy tìm bọn hacker. Chẳng hạn ở Anh có đơn vị chống tội ác công nghệ cao cấp quốc gia (NHTCU) gồm những chuyên viên vi tính cực giỏi. Với tay nghề cao, chỉ trong thời gian ngắn, NHTCU đã tóm gọn không biết bao nhiêu hacker khi chỉ lần theo những dấu vết nhỏ mà bọn hacker để lại trên mạng...
Mặt khác, theo một số chuyên gia trị hacker, một trong những phương pháp phòng chống hacker tương đối hiệu quả mà không hao tốn nhiều tiền là phương cách đặt password. Cách đặt password hữu hiệu nhất là từ 6-10 ký tự, kết hợp các chữ in hoa lẫn in thường với những ký tự không có trong hệ thống alphabet lẫn hệ thống chữ số như dấu hoa thị, dấu than, ký hiệu $ hay %. Và các chữ trong password tốt nhất là không thể tìm thấy trong từ điển. Không nên đặt password với những chữ liên quan đến người thân của mình như tên con cái, anh chị em trong gia đình hay những ngày quan trọng như sinh nhật, ngày cưới... R.Lonadier, một chuyên gia trị hacker của Cơ quan Bảo mật RCL (Mỹ) cho biết: “Password tốt là một công cụ phòng chống hacker rất hiệu nghiệm”.
Theo báo Thanh Niên.