Một công trình chế tạo robot bị cáo buộc sao chép
Đã gửi: Ba T12 21, 2004 1:06 am
Đây là đề tài nghiên cứu chế tạo robot leo cầu thang được thực hiện bởi một nhóm nghiên cứu thuộc bộ môn cơ điện tử khoa Cơ khí của Trường ĐH Bách khoa TPHCM. Chủ nhiệm đề tài là tiến sĩ Nguyễn Văn Giáp - Chủ nhiệm bộ môn cơ điện tử, cùng với kỹ sư Đoàn Thế Thảo.
Hội đồng khoa học tại Sở KHCN đã không nghiệm thu đề tài vào ngày 10.12 vừa qua vì cho rằng đề tài "không hoàn thành". Và ngay trong buổi nghiệm thu, một số thành viên hội đồng nghiệm thu gồm các nhà khoa học của Viện Cơ học ứng dụng, ĐH Bách khoa TPHCM đã cho rằng đề tài nghiên cứu trên đã sao chép quá nhiều từ một trang web.
Lập luận của bên cáo buộc
Theo hợp đồng 166/HĐ-SKHCN ký giữa Sở KHCN TPHCM với Trường ĐH Bách khoa, đề tài "Mô hình robot leo cầu thang" phải thực hiện 7 nội dung, như: Tìm hiểu mạch và thiết bị thu nhận tín hiệu không dây; tìm hiểu, lựa chọn các cảm biến vật cản; phân tích mô hình robot leo cầu thang; một số giải thuật xử lý hình ảnh có liên quan..., với nguồn kinh phí do Sở KHCN cấp là 68 triệu đồng. Tuy nhiên, kỹ sư Đỗ Văn Dũng (Viện Cơ học ứng dụng) cho rằng mô hình robot leo cầu thang của nhóm nghiên cứu đã sao chép gần như toàn bộ robot Shrimp của Hãng Bluebotics (Thụy Sĩ).
Ông Dũng còn tải từ trang web những tài liệu, hình ảnh để chứng minh sự sao chép của nhóm nghiên cứu. Tiếp xúc với chúng tôi ngày 14.12, TSKH Bùi Song Cầu (ĐH Bách khoa TPHCM) cho rằng: "Điều đáng nói là hai bài báo viết về công trình do anh Giáp và anh Thảo viết, một bài chép gần như nguyên xi tài liệu trên mạng bằng tiếng Anh, bài còn lại sao chép khoảng 50%". Hai bài báo trên đã được đăng trong "Tuyển tập hội nghị quốc tế lần thứ 8 về công nghệ cơ điện tử" diễn ra tại Hà Nội từ ngày 8-12.11.2004.
Cũng theo ông Cầu, trong hôm nghiệm thu, vì nghi vấn nên hội đồng đã mở con robot leo cầu thang ra (thuộc phạm vi đề tài nghiên cứu) và phát hiện bên trong chỉ có một mạch điện đóng mở để vận hành một bộ cơ chứ không hề có "hệ thống truyền dẫn dữ liệu không dây" (chương 7) và "hệ thống điều khiển..." (chương 8) như báo cáo đề cập. Có nghĩa là, nhóm nghiên cứu đã báo cáo những điều không có, không làm như trong hai chương trên. Ông Cầu cho biết thêm, sự sao chép của báo cáo công trình và hai bài báo giống tài liệu trên trang web nước ngoài từ công thức, hình dáng đến kích cỡ, các hình ảnh, bản vẽ v.v... thế nhưng nhóm nghiên cứu chỉ dùng từ "tham khảo" trong báo cáo.
Nhóm nghiên cứu nói gì?
Để có ý kiến từ hai phía, chúng tôi đã tìm gặp TS Nguyễn Văn Giáp vào chiều 14.12 tại Trường ĐH Bách khoa.
Điểm thứ nhất là về hai bài báo, ông Giáp thừa nhận "chỉ có một bài sao chép từ tài liệu trên trang web áng chừng giống nguyên xi 30%". Ông nói: "Tôi nhận sai sót về việc này. Tôi rất buồn và đau đầu không biết tại sao mình lại làm như thế".
Điểm thứ hai, ông Giáp cho rằng hội đồng nghiệm thu cáo buộc con robot có chức năng đi quẹo bị cáo buộc là mượn của một nhà khoa học khác là không chính xác, mà do chính nhóm nghiên cứu làm ra. Còn vì sao một lúc lại có nhiều con thì ông lý giải do thời gian gấp gáp, nhóm phải chia ra thực hiện những phần việc khác nhau trên những con robot khác nhau cho kịp tiến độ, cho nên nhóm mới mang đến buổi nghiệm thu hai con: Một con là robot đi thẳng và leo cầu thang; một con là robot đi quẹo và xử lý.
Ông Giáp công nhận con robot đi thẳng bên trong chỉ có một mạch công suất, còn con xử lý hình ảnh mới có các hệ thống điều khiển nhưng "bị cho là vay mượn nên không được tính, thành ra chúng tôi bị cho là chẳng làm được gì". Điểm thứ ba bị cáo buộc là robot của nhóm nghiên cứu sao chép gần như hoàn toàn từ robot nước ngoài, ông Giáp cho rằng "chỉ đồng dạng chứ kích thước không hoàn toàn trùng khớp".
Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là nếu công trình nghiên cứu mô hình robot leo cầu thang không sao chép gần hoàn toàn của nước ngoài thì hai bài báo viết về công trình trên lại giống đến 30% như ông Giáp công nhận? Ông Giáp trả lời: "Vì bài báo là tiếng Anh. Để viết được rất khó khăn đối với chúng tôi, nên chúng tôi đã cóp trên website xuống sử dụng và không kiểm tra kỹ..." (?).
Những gì cần phải làm rõ?
Vấn đề trên đang gây xôn xao trong khoa học tại TPHCM. Vì đây là lần đầu tiên tại TPHCM, một đề tài nghiên cứu khoa học bị cáo buộc ngay trong buổi nghiệm thu, với nhiều tài liệu đưa ra chứng minh từ nhiều người, dẫn đến kết quả hội đồng đã cân nhắc và không nghiệm thu đề tài. TSKH Bùi Song Cầu nói: "Sự sao chép trong nhiều trường hợp không nhất thiết là kích thước phải trùng khớp mà có thể xê dịch theo từng tỉ lệ nhất định. Điều quan trọng nhất là người làm khoa học phải trung thực, rõ ràng".
Để làm rõ mọi chuyện, thiết nghĩ cần có những buổi làm việc để nghe nhóm nghiên cứu giải trình và trả lời các chất vấn.
(Nguồn www.laodong.com.vn)