Bạn đang xem trang 1 / 1 trang

Khám phá Thung lũng Silicon - Phần 3

Đã gửi: Ba T2 17, 2004 8:55 am
Viết bởi Admin
Khám phá Thung lũng Silicon - Phần 3: Và những góc tối...



Thiên nhiên tươi đẹp - Không khí nặng nề. Đồng nghiệp thân thiện - Triệt hạ lẫn nhau. Mức thu nhập cao - Chi phí đắt đỏ. Hưởng thụ tự do - Cạnh tranh khốc liệt... Những điều hấp dẫn nhất đến từ Thung lũng Silicon cũng chính là những điều tồi tệ nhất nếu như bạn phải làm việc và sống thật sự trong những góc khuất của Thung lũng tưởng như rất tuyệt vời này.

Để cân bằng môi trường, bạn phải đánh mất cân bằng trong cuộc sống

Larry Ellison – giám đốc điều hành của Oracle - vừa là thầy vừa là bạn của Marc Benioff trong suốt 13 năm ông làm việc cho Oracle. Vì vậy vào năm ngoái, khi Benioff rời khỏi Oracle để thành lập một công ty dịch vụ web cho giới bán hàng cộng tác mang tên Salesforce.com, một điều rất tự nhiên là Ellison đã hỗ trợ đầu tư 2 triệu USD và đổi lại Benioff dành cho Ellison một vị trí trong hội đồng quản trị của công ty mới. Nhưng có điều không được tự nhiên là chính Oracle lại sắp bắt đầu tiến hành dịch vụ cạnh tranh với công ty này. Những ai chưa từng biết đến sự cạnh tranh khốc liệt tại Silicon Valley hẳn sẽ ngạc nhiên trước hành động của Ellison.

Ở thung lũng màu mỡ này, những hoạt động có tính chất triệt hạ nhau xảy ra như cơm bữa. Ellison từ chối bình luận về quyết định của mình, còn Benioff cho biết ông cũng chẳng thù ghét gì Ellison về vụ việc này, nhưng ông buộc phải đề nghị Ellison ra khỏi ban quản trị công ty. "Larry chỉ nghĩ rằng đây là một thương vụ mà ông ta muốn thực hiện và tôi hiểu điều đó. Dù sao chúng tôi vẫn là bạn", Benioff phát biểu.

Với kiểu tình bạn như vậy thì rõ ràng là Benioff và nhiều nhân vật danh tiếng khác ở Valley sẽ chẳng lấy gì làm ngạc nhiên khi biết rằng Ellison đã thuê thám tử rình mò, thậm chí lục lọi cả thùng rác của những công ty ủng hộ cho Microsoft. "Họ là kẻ thù của nhau", Benioff kết luận.

Rõ ràng Silicon Valley có nhiều thứ hấp dẫn - ánh nắng mặt trời, công việc và rất nhiều tiền. Tại đây bạn có thể trượt patin trong giờ giải lao, có thể mang chó, mèo đến nơi làm việc. Nhưng môi trường cạnh tranh cao độ nhằm sản sinh ra những đột phá về công nghệ đằng sau Nền Kinh Tế Mới đã gây ra cho cư dân của thung lũng này tâm lý phải "chiến thắng bằng mọi giá" với những biện pháp ngày càng đen tối. Chính vì vậy mà giờ đây đang xuất hiện phản ứng chống lại tâm lý này từ phía các công ty cũng như các nhà điều hành, họ thà rời khỏi Silicon Valley đến một địa điểm khác còn hơn là phải chịu đựng cuộc cân não không bao giờ ngừng.

Văn hóa Silicon Valley chứa đựng cả mặt tốt lẫn mặt xấu, nó là một ly cocktail chứa đựng những hoài bão, sư cạnh tranh, tiền bạc và lòng tham. Men say của ly cocktail này đã khiến cư dân ở đây chỉ chú tâm so sánh xem ai có nhà to hơn, xe hơi đời mới hơn và sở hữu nhiều cổ phiếu hơn. Và trong cái "nồi áp suất" đó có rất nhiều cơ hội việc làm.

Cựu giám đốc của công ty StarMedia Network Inc, đã chua chát nói: "Ở đây bạn luôn được thử sức mà phát huy nghề nghiệp của mình, nhưng bản thân tôi đã không tạo được sự cân bằng trong cuộc sống".

Đối với những người làm việc tại Silicon Valley thì nơi làm việc dần trở thành gia đình của họ và họ hầu như đánh mất hoàn toàn những giá trị khác của cuộc sống.

Cạnh tranh kiểu... Silicon

Ở Thung lũng Silicon, đôi khi các công ty phải tìm mọi cách triệt hạ lẫn nhau mà không mảy may thương xót. Hồi tháng 5/2000, một vị quan tòa ở Santa Clara phát hiện ra là Broadcom Corp. đã thông qua phỏng vấn việc làm để moi thông tin bí mật từ nhân viên của Intel Corp.

Theo yêu cầu của tòa án, Broadcom phải thực hiện một chương trình huấn luyên để đảm bảo rằng những nhân viên họ tuyển mộ được từ các công ty đối thủ không tiết lộ thông tin mật về các đối thủ cạnh  tranh. Vụ việc này đã khiến nhiều công ty phải giật mình vì có khi chính họ đã hơn một lần có hành động tương tự.

Bạn đừng tưởng có thể dùng các điều khoản trong hợp đồng, hay thô thiển hơn là giữ một khoảng cách an toàn với nhân viên của đối thủ cạnh tranh là yên ổn. Ở Thung lũng Silicon, hay nói rộng ra là cả khu vực công nghệ cao, nhân viên được mua đi bán lại như hàng hóa. Nếu cảm thấy sức cạnh tranh của công ty có vấn đề, cách đơn giản nhất để khắc phục là chiêu mộ nhân tài của đối thủ.

Hồi cuối năm 1999, công ty phần mềm của Đức là SAP đã kiện Siebel Systems lnc. sau khi hơn chục nhân viên cao cấp của họ nhảy sang làm cho đối thủ có đại bản doanh ở tại Thung lũng Silicon này. Rồi sau đó, SAP phải rút lại vụ kiện vì không tìm ra được bằng chứng là thông tin bí mật của công ty đã bị tiết lộ.

Còn trước đó nữa, nhằm cạnh tranh với InformixCorp. về một loại cơ sở dữ liệu mới, chỉ trong vài tuần Oracle đã lôi kéo được hầu như toàn bộ đội ngũ làm về cơ sở dữ liệu này của Informix. Oracle phủ nhận mọi lời buộc tội cho hành động này của mình và nói rằng những nhân viên này bỏ sang Oracle là do họ không hài lòng với lnformix.

Danh tiếng không phải là thứ duy nhất được đánh giá cao tại Silicon, chất lượng cuộc sống mới thật quan trọng. Giá thuê nhà ở khu vực này vẫn đang tăng lên. Tình hình nghiêm trọng đến độ các nhà chức trách đã phải nghĩ đến chuyện xây các căn hộ được trợ giá cho giáo viên vì lương của tầng lớp này không thể đủ thuê nhà ở đây.

Các nhà lãnh đạo của những công ty lớn, ổn định kiểu như P&G đã ngay lập tức phải "đánh tiếng" cho các nhân viên trẻ của mình biết về mức giá sinh hoạt đắt đỏ ở Silicon vì sợ rằng họ có thể choáng ngợp trước sức hấp dẫn của nó mà "dứt áo ra đi".

Lời cảnh báo này đã khiến những người thông minh phải suy nghĩ chín chắn trước khi quyết định chuyển sang sinh sống ở khu vực bờ Tây. Một sinh viên mới tốt nghiệp trường kinh doanh Harvard lúc đầu cũng có ý định chuyển công ty về Internet do anh thành lập đến Silicon, nhưng sau đó anh đã phải nghĩ lại vì lo rằng việc giữ chân nhân viên sẽ có thể trở thành vấn đề lớn. Địa điểm hiện tại (Arlington, Massachusetts) tuy không phải là trung tâm của văn hóa Internet nhưng anh không phải lo gì về tình trạng chảy máu chất xám. "Nếu muốn xây dựng một doanh nghiệp ổn định, bạn cần phải giữ được những người có trình độ ở lại công ty", vị giám đốc mới 27 tuổi này phát biểu.

Và chính vì những bất lợi này mà các công ty cũng phải đắn đo hơn trước khi đầu tư cả sản nghiệp vào Thung lũng Silicon, mặc dù doanh số của các công ty ở Valley có tốc độ tăng trưởng hàng năm là khoảng 25%, trong khi ở những vùng khác chỉ đạt từ (0 đến 2%/năm. ..)

Nguyên nhân bị quy cho lối sống chỉ biết đến tiền bạc mà trong đó cuộc đổ xô đi tìm vàng tại vùng mỏ Iternet đă làm cho tình hình càng thêm tồi tệ. Thắng ở Thung lũng Silicon là thắng lớn. Người ta ước tính trong 1999, cứ mỗi tháng ở Silicon lại có thêm 5.000 triệu phú.

Một CEO (giám đốc điều hành) kỳ cựu nói: "Tôi nghĩ rằng những ai có cơ hội làm giàu nhanh chóng ở đây cũng phải trả giá. Họ luôn luôn phải chịu một áp lực cạnh tranh rất lớn, nhất là trong thời gian gần đây.

Công nghệ cao phát triển mạnh mẽ và lợi nhuận thu về khổng lồ ở Thung lũng Silicon đã tạo ra một thế hệ các nhà lãnh đạo "tuổi trẻ tài cao". Những vị giám đốc ở tuổi 28 phất lên nhanh chóng và dễ dàng thôn tính các bậc cha chú. Một số nhà lãnh đạo có tuổi ở Silicon  chê các doanh nghiệp trẻ, những người đã trở nên giàu có một cách nhanh chóng và dễ dàng, rằng: "Họ dường như không nhận thấy là giữ chức vụ CEO ở tuổi 30 là không nên vì như vậy sẽ tạo cho họ thói kiêu căng".

Hiện tượng Thung lũng Silicon chắc sẽ chỉ có một, kể cả những mặt tốt lẫn những góc tối của nó. Tổng doanh thu của các tập đoàn nơi đây lên tới con số 200 tỉ USD mỗi năm. Nhiều nước châu Âu đã cố tạo ra những cái nôi thông tin và high-tech tương tự, nhưng có lẽ điểm nóng duy nhất của vũ trụ thông tin huyền bí kia đã thuộc về nước Mỹ.



Theo PC World


Re:Khám phá Thung lũng Silicon - Phần 3

Đã gửi: Sáu T3 31, 2006 11:02 am
Viết bởi phuongthe_ngoc
That su nuoc My qua hung manh,cai the gioi 2cuc kia da bi pha vo gio the gioi dang mong cho mot the gioi d cuc moi!