Trong kỳ nghỉ xuân vừa qua, sau đợt tham quan các nhà máy quận Otaku (28/2), Ban Đại Diện Đông Du đã tiếp tục tổ chức cho 20 bạn sinh viên đi tham quan các trung tiểu xí nghiệp sản xuất tại khu công nghiệp Kawasaki thuộc vùng Tokyo vào ngày 14/3. Các buổi tham quan đã giúp cho các bạn sinh viên hiểu biết thêm về những kiến thức kỹ thuật sản xuất thực tiễn, tạo bước khởi đầu thuận lợi cho hoạt động tham quan xí nghiệp Nhật Bản của Đông Du trong thời gian tới. Hôm ấy thời tiết không được thuận lợi, trời mưa, nhưng vừa đến ga Kawasaki tôi đã nhìn thấy anh em tụ tập đông đúc. Tất Hoàn vẫn luôn chỉnh tề với bộ vest xám rất ra dáng cán bộ của mình, anh Quảng K04 thì miệng luôn tươi cười sau song hỉ Todai & học bổng Honjo, lâu rồi mới gặp lại anh Vũ Chiba với phong cách xì-tin trẻ trung, Tuấn Saitama cũng cố gắng tham gia với anh em trước khi đi nghiên cứu sinh ở Tohoku, các anh em ở xa như Lộc Ibaraki, anh Ân Yamanashi cũng có mặt từ rất sớm. Vài phút sau đó, nhóm Tokodai cũng tề tựu với chị Hương, Thanh Hùng, Huy Calo, Chu Hùng, Lân, Hoài, Giang và Tiên, đến từ Kyushu... Trước giờ xuất phát 20 thành viên đều có mặt đông đủ, công nhận anh em Đông Du tác phong rất chuyên nghiệp.
Mọi người lên xe buýt đến địa điểm tham quan, khu công nghiệp sản xuất Asanocho cách ga Kawasaki khoảng 15 phút. Trong những đợt tham quan đầu tiên này, nhằm giúp cho sinh viên có được cái nhìn tổng quát về công nghiệp và học hỏi được nhiều lĩnh vực khác nhau, chương trình đã bố trí tham quan các xí nghiệp với quy mô, mô hình sản xuất đa dạng.
Đầu tiên là doanh nghiệp in ấn Tonichi Printing. Doanh nghiệp này chuyên in các ấn phẩm cho tờ Manichi nổi tiếng và hàng chục tờ tạp chí khác. Tôi thực sự bị cuốn hút bởi hệ thống kỹ thuật tối tân trong nhà máy, toàn bộ hệ thống nhà máy đều được tự động hóa một cách triệt để từ khâu xử lý thông tin, nội dung in ấn , cho đến quy trình in, các dây chuyền vận chuyển, lắp ráp những cuộn giấy báo khổng lồ nặng hàng tấn. Với quy trình tự động hóa này, chỉ cần 8 kỹ thuật viên để có thể điều hành sản xuất toàn bộ nhà máy rộng lớn, giúp doanh nghiệp giảm thiểu tối đa chi phí nhân công, đồng thời bảo đảm tiến độ sản xuất luôn đúng thời gian quy định, một yếu tố hết sức quan trọng trong ngành báo. Và thêm một điều thú vị nữa là những cựu phát báo nhà ta lần này tiên tận mắt chứng kiến những tờ báo mình hay phát hàng sáng được in ấn như thế nào.
Tiếp sau nhà máy in ấn, chúng tôi đã đi tham quan doanh nghiệp Bother, doanh nghiệp chuyên gia công xử lý bề mặt của xi-lanh, dụng cụ thể bán dẫn của động cơ, thiết bị máy móc. Ban đầu tôi không có ấn tượng gì lắm bởi quy mô nhà máy khá nhỏ, chỉ độ khoảng 300 mét vuông với hơn chục công nhân đang làm những công việc khá đơn giản như hết nhúng rồi lại lau lau chùi chùi các tấm kim loại. Thấy cũng hơi chán thế là tôi chạy lại bắt chuyện với ông giám đốc hỏi linh tinh về mấy kinh nghiệm kinh doanh, quản lý...Trò chuyện một lúc thấy tôi không quan tâm lắm tới kỹ thuật trong nhà máy, ông giám đốc hỏi: ”Thế nào? Không thấy thích thú lắm hả?”. “Ừmhh, nhà máy thú vị đấy chứ”, tôi trả lời xã giao."理解してもらわないと困るね!", ông ấy cười đáp lại... Tôi giật mình khi nghe giám đốc giới thiệu rằng đây là một trong những nhà máy nổi tiếng trong lĩnh vực xử lý bề mặt kim loại tại Nhật Bản. Thì ra đây là một lĩnh vực sản xuất có đặc thù khá cao, điểm mấu chốt trong lĩnh vực gia công bề mặt chính là “công nghệ” nhúng kim loại trong các hồ dung dịch, và “kỹ thuật” xử lý bề mặt tinh xảo. Và chính những bí quyết kỹ thuật công nghệ đó đã giúp doanh nghiệp nhỏ này tồn tại và phát triển suốt hơn 50 năm qua.
Và khu sản xuất tham quan cuối cùng là các phân xưởng gia công khuôn mẫu. Đây là đầu tiên ở Nhật tôi được xem một phân xưởng mô hình gia đình. Trong căn phòng chưa đầy 100 mét vuông đồ đạc để khá lộn xộn, khắp phòng phủ đầy mùn cưa, chỉ vỏn vẹn 2 người thợ già đang cặm cụi làm việc trong tiếng radio văng vẳng từ cuối phòng. Không hiểu sao cái không khí tĩnh mịch đó làm tôi nhớ lại cái cảnh baito ngán ngẩm tại cửa hàng thịt trong siêu thị Mom dưới Shizu ngày nào hồi mới sang Nhật.
Thấy chúng tôi vào, một bác thợ tuổi ngoài 60, áo quần tóc tai điểm đầy hoa mùn cưa, tươi cười đến trò chuyện. Bác ấy lần lượt giới thiệu những tác phẩm khuôn mẫu bằng gỗ và say mê giảng giải những kỹ thuật gia công điêu luyện của mình. Nhưng khi nghe hỏi vì sao chỉ thấy 2 người làm việc tại đây thì bác ấy cười khổ... Cho đến vài năm trước đây trong xưởng có khoảng 7,8 người làm, thời trước để sản xuất được những sản phẩm khuôn mẫu đẹp thì đòi hỏi phải có những người thợ mộc tay nghề thuần thục, nhưng từ khi công nghệ kết hợp giữa computer và kỹ thuật gia công NC được ứng dụng thành công, thì dù là những sinh viên mới ra trường cũng chỉ cần 1,2 năm học kỹ thuật NC là có thể làm được những sản phẩm mà trước đây được xem là độc quyền của những nghệ nhân ngành mộc. Thêm vào khả năng sản xuất hàng loạt, chiến lược kinh doanh của các công ty lớn khiến cho những người thợ thủ công không thể nào cạnh tranh trên thị trường. Và trên hết là những người nghệ nhân này không còn giữ được niềm tự hào về kỹ nghệ của bản thân, yếu tố quan trọng nhất để duy trì niềm đam mê công việc của họ. Chính vì vậy, số người chán nản bỏ nghề ngày càng nhiều, những người còn bám trụ thì đang đứng trước viễn cảnh u ám.
Buổi tham quan vừa qua, dù chỉ giúp chúng tôi học hỏi được một vài khía cạnh nhỏ của ngành công nghiệp sản xuất của Nhật, nhưng hy vọng đây là bước khởi đầu cho các hoạt động tham quan đều đặn trong thời gian tới. Xin kết lại bằng lời nhắn nhủ của Thầy Hiệu Trưởng Nguyễn Đức Hòe trong chuyến sang Nhật vừa qua: “ Muốn hiểu được thế nào là “công nghiệp”, các em phải tích cực đi tham quan các xí nghiệp Nhật Bản. Và đây là một quá trình học hỏi lâu dài, không phải chỉ vài ba xí nghiệp là có thể hiểu được bản chất của “công nghiệp”. Chính vì vậy Đông Du cần phải đẩy mạnh, tổ chức thường xuyên các hoạt động tham quan xí nghiệp trong thời gian tới.”
Một vài hình ảnh trong buổi tham quan vừa qua.
Chào hỏi, giới thiệu về khu công nghiệp
Tham quan nhà máy in
Tham quan xí nghiệp Brother
Giải đáp câu hỏi của sinh viên