Bạn đang xem trang 1 / 1 trang

Thư gửi tập thể sinh viên Đông Du từ Thầy

Đã gửi: Năm T10 28, 2010 2:10 am
Viết bởi Admin
Thầy hiệu trưởng Nguyễn Đức Hoè đã trở về Việt Nam sau 3 tuần làm việc căng thẳng, hết mình cho học trò. Quay trở lại với những công việc bận rộn, khẩn trương, nhưng Thầy vẫn luôn nghĩ đến tập thể anh em sinh viên tại Nhật Bản. Xin được gửi đến mọi người lá thư từ Thầy mà mình vừa nhận được.  

--------------------------------------------------------------------------------

Các Em Sinh viên Đông Du thân mến!

Thầy đã về lại Việt Nam bình an tối ngày 15/10 rồi. Chuyến đi tuy vất vả, nhưng kết quả tốt. Thầy rất mừng được gặp đông đủ các Em tại các nơi tới thăm, thấy tất cả đều nỗ lực học tập, đoàn kết chăm lo cho nhau. Thầy cũng nhận thức được nhiều vấn đề liên quan tới việc phái cử SV đi du học, biết được các khó khăn trong việc kiếm tiền ăn học, lý giải được phần nào các nguyên nhân dẫn tới sự thất bại trong học hành của một số em, và cảm nhận thấy trách nhiệm phải định hướng tốt hơn cho các em, nhất là về việc gắn liền việc học tập chuyên môn và việc chuẩn bị về nước làm việc.

Trong thư này Thầy muốn nhắc lại một số điều Thầy đã căn dặn, mong các Em nhớ kỹ hơn, và để giúp các bạn vì lý do gì đó đã không tới gặp Thầy được. Trước hết, là đối với sinh viên đang học Nhật ngữ chuẩn bị thi vào đại học. Mục đích tới Nhật của mình là để du học, học những kiến thức khoa học kỹ thuật tiên tiến của thế giới, học kinh nghiệm quản lý kinh tế, kinh nghiệm tổ chức xã hội của Nhật để mang về xây dựng quê hương tổ quốc mình. Đừng bao giờ quên mục đích này nhé. Dẫu cho gặp khó khăn tới mấy cũng không được quên nhiệm vụ học tập này. Bố mẹ, anh chị em, bạn bè, thầy cô, Đất nước đang đặt hy vọng vào các Em. Thầy biết các Em đang gặp nhiều khó khăn, công việc arbeito cực nhọc, thiếu thì giờ học tập, không có thầy chỉ dẫn, không có bạn để ganh đua,. . . và cũng gặp nhiều tủi nhục trong các lần va chạm với người Nhật .... Nhưng hãy nhẫn nhục để học nhé. Hãy tận dụng mọi thời gian để học. Thầy có cảm tưởng các em hơi lãng phí thời gian trong việc điện thoại cho nhau (dẫu cho không tốn tiền), hay sử dụng máy tính (chat với bạn bè, đọc tin tức, . . . và cả chơi game). Nên dùng những thì giờ này để học, kết quả có thể tốt hơn, có thể vào được những trường đại học danh tiếng, được học bổng, . . . . Các trường Nhật ngữ và cả Hội Khuyến học báo Asahi cũng đã đề nghị với Thầy nên khuyên các em, và khuyên cả gia đình các em tại Việt Nam, không nên mua sắm, hay cho mua sắm máy tính, lợi ít mà hại thì nhiều. Kết quả thi năm ngoái và năm nay xấu, nhất là tại Tokyo, phải chăng là do máy tính? Chỉ nên mua máy tính sau khi vào đại học, trong giai đoạn học Nhật ngữ nên chuyên tâm học Nhật ngữ và luyện thi để đạt được cái đích gần nhất của mình, là vào được một đaị học tốt và có học bổng.

Chuyện tiếp là việc học Nhật ngữ một cách thông minh, sao cho ít tốn thì giờ, hiệu quả, để dành thì giờ cho chuyện luyện thi. Trước hết phải đi học đều. Một số em năm thứ hai có phần bê trễ việc đi học, coi chừng có thể bị trục xuất về nước đấy. Chắc các em chưa quên chuyện các bạn đồng hương của mình nhiều người đã bị trục xuất vì chuyện này ! Tủi lắm, nhục lắm, nhục cho mình và cho gia đình mình ! ! Rồi tới lớp nên chăm chú nghe thầy cô giáo giảng, sẽ hiểu bài hơn, nhớ bài hơn, học ngay tại lớp khỏi tốn thì giờ học tại nhà. Thầy biết có em rất buồn ngủ (vì thiếu ngủ), nhưng ráng lên, rửa mặt nước lạnh, vươn vai thở sâu . . . . cương quyết không để ngủ, cố gắng đều một tuần lễ sau quen thôi không còn buồn ngủ nữa đâu. Về nhà ráng tập trung học tập, không nghĩ ngợi lung tung. Hãy học đều đều mỗi ngày một chút. Nên có chương trình học tập dài hạn cho tới ngày thi đại học, cho từng quý, từng tháng, từng tuần và từng ngày, sao cho học được hết, nhớ hết những gì cần học. Các sempai học giỏi, vào được những đại học danh tiếng đều đã học tập như vậy đó.

Thầy cũng muốn nhắc các em phải dự thi các kỳ thi kiểm tra học lực hàng tháng do các sempai tổ chức. Nó giúp các em biết được sức học của mình đang ở mức độ nào, biết được những điều mình còn yếu cần bổ sung, và nhất là nắm bắt được không khí học tập của những người xung quanh, tránh chuyện nằm mơ trong mộng tưởng, để rồi hiểu ra thì đã muộn. Bài kiểm tra sẽ gồm hai phần: phân nửa có trình độ thi Ryu, cho các em thấy mức khó của bài thi thực tế sẽ gặp để cố gắng, phân nửa đi sát với chương trình kế hoạch học tập của mình (do các sempai đề ra, và các em nên tuân thủ) nó sẽ giúp các em đánh giá công việc ôn luyện thi của mình. Thầy khuyên các em nên thi. Các học trò của thầy phải nghe lời thầy. Thầy cũng sẽ yêu cầu bố mẹ các em khuyên các em thi, coi đó là bằng chứng các em đang hết sức học tập. Đối với các em không thi kiểm tra, không có thư trình bầy rõ lý do một cách thuyết phục, thầy rất tiếc phải có biện pháp mạnh. Thầy không nhận các em đó còn là học trò Đông Du nữa, và sẽ đăng tin này trên website Đông Du, cho tập thể sinh viên Đông Du, cho gia đình đương sự biết, cho cả xã, cả huyện và cả tỉnh của đương sự biết. Đây là biện pháp ngăn ngừa những sinh viên hư hỏng không học hành, tương lai có thể làm nhơ danh sinh viên Đông Du nói riêng, và sinh viên du học Nhật bản nói chung.

Thầy cũng yêu cầu các em phải cố gắng học tập thực tốt, để đạt kết quả tốt trong thi Ryu và thi đại học. Em nào chỉ đạt điểm thi Ryu dưới 500 điểm, hay phải học đại học tư (trừ trường hợp đặc biệt) đều bị Tổ chức Đông Du chối từ không nhìn nhận là thành viên nữa. Mức chuẩn nói trên không cao lắm, tất cả sinh viên được Đông Du chọn cho đi du học, nếu nghiêm chỉnh học tập ngay từ đầu, đều có thể đạt được (đã thi Ryu tại VN, và đã đạt kết quả ít nhất cũng trên trung bình). Chuyện không đạt được chỉ có thể hiểu là do sao lãng, lười biếng, thoái chí học tập, ham chơi, ham kiếm tiền . . . . Chuyện vào đại học tư không có chuyện gì là xấu. Có nhiều đại học tư danh tiếng. Việc cấm đoán vào đại học tư ở đây nhằm răn đe những bạn nhà nghèo, học tập không tốt muốn nói dối gia đình, muốn có lý do ở lại Nhật, nhưng sự thật không học hành gì cả, vì không thể nào vừa đi làm vừa học trong khi phải đóng học phí cao (gấp 2, 3 lần học phí đại học công). Đã có một số người nói trên về nước (may mắn là không phải người Đông Du) đã bị lộ chân tướng thảm hại. Chúng ta cần loại trừ những con sâu có thể làm phương hại tới danh dự tập thể trong tương lai.

Việc thi vào các đại học quốc lập ngày một khó, muốn chưa chắc có làm nổi. Thầy khuyên các Em nên liệu sức, chọn trường cho đúng với khả năng có, tránh chuyện đụng đầu với nhau (nhiều bạn cùng thi một trường, người đậu không học, người trượt không có chỗ học). Cũng nên nghĩ tới chuyện học các trường chuyên môn. Về chuyện này Thầy muốn các Em nên từ bỏ thành kiến coi các trường senmon ở Nhật ngang tầm với các Trường cao đẳng hay dậy nghề ở VN. Trường senmon của Nhật, nhất là những trường kosen, không đào tạo thợ, mà đào tạo chuyên viên các chuyên ngành, và đặc điểm là, họ có thể hành nghề một cách thuần thục ngay sau khi ra trường, khả năng này được Nhà Nước, luật pháp bảo đảm vì tất cả phải thi bằng hành nghề quốc gia. Thí dụ, người học kế toán được làm công tác kế toán, có thể được bổ nhiệm làm kế toán trưởng , trong khi cử nhân kinh tế, thậm chí các vị tiến sĩ đang giảng dậy ở các trường senmon cũng không được phép. Người tốt nghiệp chuyên ngành điện thường có chứng chỉ hành nghề cấp 2 được phép lắp đặt trang thiết bị về điện trong nhà, trong khu vực tư nhân như trong các nhà máy, và người có chứng chỉ hành nghề cấp 1 được phép đấu nối vào mạng điện quốc gia (tại VN chưa có quy định tương tự), người tốt nghiệp cơ khí có thể làm được mọi chuyện liên quan tới cơ khí, như lắp đặt, sửa chữa, thuần thục các ngành nghề liên quan như hàn, cắt gọt, thiết kế, chế tạo máy . . . .Thầy thiết nghĩ, việc học các trường senmon thích hợp với VN hơn, vì ra trường dễ kiếm việc, về nước có thể hành nghề, lập nghiệp ngay, có thể có thu nhập cao hơn người kỹ sư chưa có kinh nghiệm. Có lẽ chuyện này các em cũng đã hiểu, nhưng còn phân vân vì số tiền học phí học tại các trường chuyên môn quá cao, cao gấp 2 hoặc 3 lần học phí học đại học (vì chủ yếu là thực tập nhiều hơn là học lý thuyết) . Thầy đang điều đình với một số trường để xin giảm bớt học phí xuống mức sinh viên nghèo vừa đi làm vừa có thể học được. Có thể ngay lập tức thầy không đáp ứng nổi tất cả mọi nguyện vọng của các em, nhưng đã có một vài trường chấp nhận, và tương lai số cơ hội sẽ tăng lên.


   Tiếp đến thầy muốn nhắc nhở các em đã vào đại học rồi, đang học năm thứ nhất hay thứ hai rằng, việc học các năm đầu tiên này rất quan trọng quyết định tương lai cả cuộc đời học tập của mình. Các kiến thức dậy ở các năm này là cơ bản giúp các em học lên cao. Đừng nhầm tưởng, những gì đang học về Toán, Lý, Hóa tại năm thứ nhất và thứ hai ở đại học là lặp lại những gì đã học ở Cấp 3 tại VN. Cấp 3 các em chỉ được giới thiệu về khái niệm về các hiện tượng khoa học thường thấy trong cuộc sống và một số các công thức liên quan, nhưng tại đại học, tuy có nhắc lại cùng những công thức đó, nhưng có kèm thêm phần lý thuyết, lý luận, hay chứng minh liên quan, vượt khỏi các nhận thức của cấp 3, và có những lý thuyết, lý luận này mới có thể hiểu được các kiến thức mới sẽ học những năm sau. Nếu không học, hiểu kỹ các kiến thức này, thì cuối năm thứ hai khi bước vào chuyên môn các em sẽ đuối dần và kết quả là không lên được lớp hay bị đuổi học. Vừa vào đại học, cần phải chuyên tâm học, tạm gác lại chuyện đi làm kiếm tiền hay lãng phí thời gian và tiền bạc về thăm gia đình. Kết quả học tập năm thứ nhất sẽ quyết định mình có được miễn giảm học phí, nhận học bổng ngay trong năm thứ nhất hay trong các năm sau hay có thể học lên cao được không . Các em nên tìm sự trợ giúp tài chánh của gia đình trong 6 tháng đầu ở đại học. Như vậy là thông minh, khôn ngoan đấy. Học tại đại học không khó lắm đâu, nhưng đòi hỏi phải chăm chỉ học hành.

   Với các em đang học năm thứ hai hay năm thứ ba, thứ tư, nên đầu tư vào Anh ngữ, nhất là chuyện đọc sách giáo khoa, hay diễn đạt kiến thức của mình bằng Anh ngữ. Càng học lên cao, càng cần Anh ngữ. Sách học, sách tham khảo ở Cao học, 80, 90 thậm chí 100% viết bằng Anh ngữ cả. Ngoài ra còn phải đi dự và phát biểu tại các hội nghị khoa học quốc tế nữa.

   Về chuyện chọn lựa ngành chuyên môn Thầy có ý kiến sau. Tương lai các em sẽ trở về VN làm việc, và phải làm việc trong một xã hội kỹ thuật kinh tế chưa phát triển. Không nên kỳ vọng làm những việc hightech trong một môi trường lạc hậu, thậm chí còn ở mức lowtech. Bổn phận của chúng ta là phải nâng cao mặt bằng kỹ thuật , kinh tế của xã hội lên trước khi nghĩ tới hightech. Hãy cố gắng học những kỹ thuật, kinh nghiệm gì cần cho sự phát triển của đất nước, học không những lý thuyết mà cả cách ứng dụng trong thực tế, nhất là tự mình phải thực hiện được hơn là những lý thuyết chung chung của sách vở. Xã hội Nhật ứng dụng rất nhiều kiến thức học ở đại học mà xã hội VN chưa có. Hãy ráng sức học những ứng dụng phổ cập của người để mang về áp dụng tại VN, thay vì nghiên cứu những lý thuyết khoa học mới lạ cho cả nhân loại (thầy xin lỗi những em đặc biệt thông minh có thể là ứng viên giải Nobel tương lai!).

   Ngoài chuyện học hành, Thầy khuyên các em nên giao lưu nhiều hơn nữa với anh em khác, cả trong và ngoài Đông Du, cả với người Nhật. Giao lưu càng nhiều càng tốt. Các em sẽ học được cách đối nhân xử thế, học được cách sống thành công trong xã hội. Học cả lời ăn tiếng nói, học cả cử chỉ, thái độ, và học cả những cái gì mà em thấy là cao quý. Thầy rất buồn khi thấy sự yếu kém về kiến thức xã hội của tập thể SV Đông Du nói chung và của người Việt nói chung. Cần phải học nhiều thứ khác nữa ngoài các kiến thức chuyên môn.

   Về tổ chức, Thầy xin lỗi đã có một số thay đổi cho phù hợp với thực tế. Ban Đại diện Sinh viên Đông Du tại Nhật và tại các địa phương không còn tồn tại nữa. Thay vào đó các các Ban SEWA KAI hay tiếng Việt là Ban CÁN SỰ các địa phương. SEWA KAI không đại diện tập thể Đông Du trong các quan hệ đối ngoại, chỉ tập trung lo việc học tập sinh hoạt của anh em hay cả tập thể Đông Du. Đối với sewa kai Tokyo thì công việc chính là lo chuyện học tập Nhật ngữ, luyện thi, đi đại học cho kohai, và đối với toàn tập thể Đông Du lo đoàn kết nội bộ, nuôi dưỡng tinh thần yêu nước và lý tưởng phục vụ quê hương Tổ quốc. Số thành viên trong sewa kai không quy định, mọi người có thiện chí đều được hoan nghênh tham gia. Trong sewa kai không quy định cấp bậc trên dưới, mà hoạt động theo tinh thần tập thể, tập thể quyết định cá nhân phụ trách, ai nhiệt tình đóng góp xây dựng người đó sẽ được các thành viên khác nghe theo. Các sewa kai các vùng cũng bình đẳng với nhau, không sewa kai nào đóng vai trò chỉ huy lãnh đạo hay đại diện cho cả tập thể sinh viên ĐD tại Nhật. Các sewa kai thường xuyên liên lạc trao đổi thông tin để học tập lẫn nhau, và họp hàng tháng với Thầy trên internet (tạm quy định vào tối Thứ Năm tuần thứ ba trong tháng từ 21.00 giờ Nhật).

Việc kết nạp thêm thành viên chính thức của Đông Du được tạm thời hoãn lại. Các thành viên đã kết nạp hãy tham gia tích cực các sewa kai của các vùng. Lưu ý là sewa kai sẽ gồm chủ yếu là các thành viên Đông Du đã kết nạp, và một số người thiện chí khác sẽ được kết nạp trong các thời điểm sắp tới. Sewa kai là môi trường thử thách thiện chí của từng thành viên. Đây là biện pháp tổ chức tạm thời để tìm ra những người lãnh đạo xứng đáng cho tổ chức chính thức tương lai của Đông Du. Mong tất cả các Em thông cảm.

   Thư dài quá rồi, cho Thầy dừng viết. Hẹn sẽ viết đều cho các Em.

   Chúc tất cả khỏe mạnh, học hành thật tốt.

Ngày 22 tháng 10 năm 2010

Thầy

Nguyễn đức Hòe