Nhân chuyến thăm và làm việc từ ngày 7 đến 15/11 của đoàn xúc tiến đầu tư Việt Nam tại Nhật Bản, do Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc dẫn đầu, phóng viên TTXVN tại Tôkyô đã phỏng vấn Bộ trưởng Võ Hồng Phúc về quan hệ hợp tác đầu tư giữa Việt Nam và Nhật Bản.
Thưa Bộ trưởng, được biết trong chuyến thăm và làm việc lần này, Bộ trưởng đã có nhiều cuộc tiếp xúc với các Bộ trưởng phụ trách lĩnh vực kinh tế và đầu tư của Nhật Bản, xin Bộ trưởng cho biết phía bạn đánh giá thế nào về triển vọng hợp tác đầu tư giữa hai nước trong thời gian tới?
Thực hiện chủ trương của Thủ tướng Chính phủ, tôi sang Nhật Bản lần này để vận động và xúc tiến đầu tư, tăng cường quan hệ hợp tác kinh tế, đồng thời vận động phía Nhật Bản tăng viện trợ phát triển chính thức (ODA) cho Việt Nam. Trong thời gian ở Nhật Bản, tôi cảm nhận được rằng phía Nhật Bản đang thực hiện một chính sách mới đối với Việt Nam. Trong các cuộc gặp Bộ trưởng Ngoại giao, Bộ trưởng Tài chính, Bộ trưởng phụ trách Khoa học Kỹ thuật, Bộ trưởng Giao thông và Lãnh thổ, họ đều khẳng định rằng Chính phủ Nhật Bản rất quan tâm tới khả năng phát triển kinh tế của Việt Nam trong thời gian tới. Việt Nam có nền kinh tế tăng trưởng ổn định, lâu dài. Phía bạn đánh giá cao những thành tựu kinh tế của Việt Nam trong 5 năm qua, đặc biệt là năm 2005 với tốc độ tăng trưởng kinh tế dự kiến đạt 8,5%, đồng thời đánh giá cao kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm tới với mục tiêu tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao và bền vững, trong đó đặc biệt nhấn mạnh yếu tố ổn định kinh tế vĩ mô, huy động nguồn lực bên ngoài và tiếp tục chính sách đối ngoại cởi mở. Phía Nhật Bản khẳng định Việt Nam có đầy đủ khả năng để thu hút đầu tư của Nhật Bản, đó là nhờ yếu tố con người, chất lượng nguồn nhân lực, sự ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội. Trong số 10 nước Đông Nam Á, Việt Nam được coi là nước có môi trường đầu tư thuận lợi nhất ở khía cạnh ổn định chính trị và xã hội. Con người Việt Nam luôn có thái độ hợp tác chân thành và muốn làm bạn với tất cả các nước. Đó là điều cơ bản và then chốt để họ khẳng định niềm tin hợp tác với Việt Nam.
Việt Nam và Nhật Bản đã ký Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư năm 2003. Xin Bộ trưởng cho biết hiệu quả của việc thực hiện Hiệp định từ đó đến nay?
Hiệp định bảo hộ và khuyến khích đầu tư giữa Việt Nam và Nhật Bản được ký kết trên tinh thần cởi mở và hiểu biết lẫn nhau. Đây được coi là hình mẫu để tăng cường quan hệ hợp tác đầu tư giữa hai nước trong tương lai. Hiệp định đã tạo cơ sở để Nhật Bản vững tin đầu tư vào Việt Nam. Bên cạnh đó, hai bên cũng đã thực hiện nhiều chương trình khác, như Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản của Thủ tướng Phan Văn Khải và Thủ tướng Giunichirô Côidưmi. Trong hai năm qua, hai bên đã hợp tác chặt chẽ với nhau nhằm tháo gỡ những vướng mắc trong quan hệ đầu tư giữa hai nước, làm cho các nhà đầu tư Nhật Bản tin tưởng vào thị trường đầu tư ở Việt Nam.
Với triển vọng sáng sủa của quan hệ hợp tác đầu tư giữa hai nước trong tương lai, phía Việt Nam đã, đang và sẽ chuẩn bị như thế nào để sẵn sàng đón nhận "làn sóng đầu tư" thứ hai từ Nhật Bản?
Trong các cuộc tiếp xúc với các quan chức cấp cao Nhật Bản cũng như các cuộc gặp với đại diện một số tập đoàn lớn như Mitsubishi, Mitsubisan, Sumitomo, Toshiba, Cannon, và một số ngân hàng như Ngân hàng Tôkyô, phía Nhật Bản đều thể hiện quyết tâm tạo ra một làn sóng đầu tư mới vào Việt Nam. Họ đều khẳng định rằng từ các tổ chức tài chính, bảo hiểm, ngân hàng đến các công ty thương mại, các nhà sản xuất đều có kế hoạch chuyển hướng đầu tư sang Việt Nam. Họ cho rằng trong thời gian tới, "làn sóng đầu tư" vào Việt Nam sẽ ngày càng thể hiện rõ và đến nay nguồn vốn cũng đã sẵn do nền kinh tế Nhật Bản đang phục hồi và Nhật Bản đã huy động những khoản tiền tiết kiệm tích lũy được trong thời gian dài của lớp người sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Họ cho rằng đây là thời cơ để Việt Nam tiếp nhận nguồn đầu tư đó.
Phía Việt Nam khẳng định sẽ cố gắng hết sức để cải thiện môi trường đầu tư, trước hết là cải thiện môi trường pháp lý, xây dựng luật doanh nghiệp chung, luật đầu tư chung, luật thương mại, luật cạnh tranh, luật sở hữu trí tuệ và các luật về kinh tế liên quan đến việc tạo môi trường pháp lý bình đẳng khi ta mở cửa và hội nhập. Ngoài ra, một loạt chính sách kinh tế như chính sách đất đai, thuế... cũng sẽ được kiện toàn và đồng nhất để tạo ra môi trường kinh doanh bình đẳng giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, chúng ta cần phải tạo một lực lượng lao động mới để có thể tiếp thu được công nghệ cao của Nhật Bản vì trong thời gian tới, đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam không chỉ tập trung vào ngành giày da, may mặc mà sẽ tập trung vào lĩnh vực công nghệ cao và những lĩnh vực đòi hỏi nguồn nhân lực đã qua đào tạo. Do đó, vấn đề cần phải làm hiện nay là đào tạo con người. Chính phủ Việt Nam đang có sự chuyển hướng trong kế hoạch đào tạo, trong đó chú trọng đào tạo kỹ sư và tầng lớp công nhân có tay nghề cao. Trong những trường hợp cần thiết, hai nước sẽ phối hợp trong lĩnh vực này, theo đó phía Việt Nam sẽ cử người sang Nhật Bản để đào tạo.
Về cơ sở hạ tầng, phía Nhật Bản cho rằng đây là một trong những mặt hạn chế của Việt Nam. So với một số nước trong khu vực, hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt, cảng biển, sân bay của Việt Nam còn yếu. Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng, đồng thời đề nghị các bộ của Nhật Bản tăng ODA cho Việt Nam để triển khai các chương trình đó. Ngoài ra, Việt Nam sẽ đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, chống tham nhũng để tạo ra một môi trường công khai, minh bạch cho các nhà đầu tư dễ dàng hoạt động.
Dẫn nguồn tin TTXVN tại Tokyo(nhatban.net)