Bạn đang xem trang 1 / 1 trang

Tuần báo Đông Du số 24

Đã gửi: Năm T11 27, 2008 8:05 pm
Viết bởi anjp
Ngày đẹp trời nhưng kém duyên của DDFC tại Todai/ Asotaro và những vạ miệng gần đây/ Kỷ niệm 180 năm sinh nhật Nguyễn Trường Tộ -Thực học/ 10 nguyên tắc thọ thêm nhiều tuổi là những bài viết trong tuần. Xin mời cả nhà theo dõi

Ngày đẹp trời nhưng kém duyên của DDFC tại Todai.


Ngày 16.11 (CN) vừa qua Đông du FC (DDFC) đã có buổi thi đấu giao hữu với Fc-Todai và FC-VSSC tại sân bóng trường đại học Tokyo. Mặc dù lần này đá sớm nhưng anh em đã tham dự rất đông đủ, đặc biệt là các cohai 07,08.

Do chỉ mượn sân có 2h đồng hồ nên BTC đã tiến hành cho 3 đội thi đấu ngay vòng tròn một lượt. Và vào một ngày đẹp trời nhưng thiếu chút may mắn, các chân sút của chúng ta đã không thể nổ súng và đành chấp nhận kết quả hòa ở cả 2 trận.



DDFC-VSSC

Là trận giao hữu mang tính luyện tập và thử nghiệm, do vậy tân đội trưởng Fungwan đã trao cơ hội thử chân cho những gương mặt trẻ. Nổi bật trong số đó phải kể đến là những chân sút Hoan "cụ", Tú lùn, Hoàng Thời và trong khung gỗ là thủ thành tay nhện Thắng PC. Được ra sân trước một đối thủ ngang tầm VSSC, những tài năng trẻ của chúng ta đã không ngại ngùng thể hiện mình bằng những miếng đánh chiến thuật, những cú tạt biên, bật tường một trạm khá bài bản làm các đàn anh ngồi ngoài nở mặt. Nhưng có thể vẫn còn thiếu kinh nghiệm trận mạc và VSSC cũng hoàn toàn không phải là cừa non nên tất cả chỉ dừng lại ở mức độ nguy hiểm và cơ hội. Duy chỉ có cú cứa lòng chạm xà ngang của Hoan Cụ là đáng khen ngợi trong trận này.

Phía cầu môn bên kia, các cầu thủ VSSC cũng đôi ba lần thử tài Thắng PC, tình huống đáng nói nhất là cú sút xa ngoài vòng cấm từ khoảng cách gần 30mét của cầu thủ mang áo số 14 của đôi bạn khiến Thắng Pc phải tung người hết cỡ mới đẩy được bóng bay vọt xà. Hai bên đôi co khá hấp dẫn nhưng rất tiếc là không có bàn thắng nào được ghi và trận đấu khép lại với tỉ số hoà 0-0.

DDFC-FC Todai

Ở trận hai, chúng ta gặp chủ nhà Todai, biết rõ mức độ nguy hiểm của đối thủ này nên tướng Fan cho thay đổi chiến thuật cũng như 1 số cầu thủ trẻ được cho ra nghỉ. Ngay sau tiếng còi khai cuộc chúng ta đã tranh thủ đá nhanh và dồn ép đối thủ từ những pha bóng đầu tiên. Dàn "sao" được tung vào đã vận hành khá trơn tru, nếu như ở hàng phòng ngự cặp trung vệ Fungwan- Tuấn xệ tỏ ra khá chắc chắn thì bộ đội Hải lùn- Hùng trận cũng sắc xảo không kém.

Tình huống nguy hiểm đầu tiên lại thuộc về FC-Todai khi pha phản công nhanh xuất phát từ thủ môn đội bạn, bóng được đưa đến đúng vị trí của cầu thủ mang áo số 7 và sau một loạt động tác xử lí khá kĩ thuật anh đã hạ được thủ thành Thắng PC, nhưng rất tiếc là cột doc đã từ chối bàn thắng này.(nghe nói số 7 này mới được FC-Todai mua về từ một CLB ở giải J-league). DDFC như bị gãi ngứa, và câu trả lời pha phối hơp phải nói là "thêu hoa dệt gấm", từ Tuấn xệ bóng được chuyền cho Minh Black, anh này nhả lại cho Hải lùn, Hải lùn bật tường với Fan và với cú vẩy gót khá điệu nghệ, Fan đã đặt Hiệp phò vào tư thế 1 đối 1 với thủ môn Todai, nhưng vào một ngày kém duyên, Hiệp phò đã sút chệch cột khung thành. Chơi lấn lướt và cầm bóng khoảng hơn 70% nhưng chúng ta đành potay trước hàng phòng ngự betông của đội chủ nhà. Một kết quả hoà đáng thất vọng, và điều đáng nói hơn đây là lần đầu tiên trong lịch sử DDFC chơi hai trận liên tiếp không có bàn thắng.

Trả lại sân cỏ, mọi người kéo nhau qua sân đất nện...

Ở sân nện, anh em kéo nhau qua sân lớn 11 người và tiếp tục chiến. Dù đã thấm mệt và 2 đội bạn đã nghỉ vì hết sức nhưng anh em DD vẫn còn "khát" nên chia làm hai tự xử lẫn nhau cho đến xế chiều. Và như thường lệ là sau đó anh em ngồi lại vui vẻ tại 1 quán ăn Việt Nam rất ngon và cực rẻ.

Sân Todai rộng và khá đẹp, lại tương đối trống trải nên rất có thể sẽ là "mối quen" của FCDD những lần tới.

FCDD gửi lời cảm ơn đến chủ nhà FC-Todai và FC-VSSC đã nhiệt tình và thi đấu vui vẻ, thoải mái.

Hiệp phòmã

--------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Asotaro và những vạ miệng gần đây


Đây không phải là lần đầu tiên vị thủ tướng nổi tiếng trực tính của đảng LDP có những phát biểu bị xem là mang tính xúc phạm. Ngày 20, trong cuộc họp bàn luận chính sách với bộ tài chính về vấn đề bảo hiểm y tế, ông phát biểu " Vì sao tôi lại phải trả tiền(phí bảo hiểm y tế) cho những người chỉ biết ăn rồi uống và chẳng làm gì" .  Và trong lúc ông nhấn mạnh phải hiệu quả hơn nữa phí bảo hiểm xã hội bằng cách tăng ý thức dự phòng bệnh, ông nói " Làm sao lại có thể bảo những người như tôi phải làm gì đó giúp họ khi phải tự mình trả tiền thuế, đồng thời lại cố gắng bảo vệ sức khỏe của mình".

Những câu nói của ông  bị giới truyền thông phản ánh rằng thủ tướng đã coi nhẹ 理念 của chế độ bảo hiểm y tế, xúc phạm đến những người đang mang bệnh tật .

Ngay lập tức, các đảng phái khác cũng đã có lời bình luận. Tổng thư ký đảng JDP - ông Hotoyama đã chỉ trích " Thủ tướng hình như không hề có sự hiểu biết về 理念 cộng sinh - là cơ cấu  tương thân tương trợ đảm bảo an toàn cuộc sống người dân. Không ai lại muốn mình bị bệnh cả. Cách suy nghĩ của ông không hề phù hợp với cương vị thủ tướng, tôi cũng xin lắc đầu".  Chủ tịch đảng xã hội cũng đã có lời bình " Chế độ bảo hiểm là phải như thế nào , tôi không hiểu ông ta đang suy nghĩ gì nữa. Không hề thấy sự đồng cảm với người khác. Nói rằng mình bị thiệt thì quả thật tầm nhìn của ông chỉ bao quanh ông ta khoảng chừng 50cm. Quả thực tôi cảm thấy nghi vấn tư cách của thủ tướng"

Ngày 27, Ông TaroAso đã có lời xin lỗi giải thích rằng " Tôi nhấn mạnh việc tự bảo vệ sức khỏe, nếu lời của tôi gây tâm lý không tốt với những người mang bệnh thì tôi xin thành thật xin lỗi"

Hồng Ân

------------------------------------------------------------------

Chỉ tại lỡ lời


Thủ tướng Nhật Bản Taro Aso có “tật” hay lỡ lời trong phát biểu công khai, mặc dầu các cố vấn đã nhiều lần nhắc nhở ông cần hết sức tránh để giữ uy tín với dân chúng. Trong tuần qua, ông Aso đã 3 lần lỡ lời làm phật lòng giới y học, các bậc cha mẹ học sinh và các nhà cải cách thuộc Đảng Dân chủ tự do (LDP) cầm quyền.

Trong một cuộc họp báo, trả lời chất vấn của giới báo chí về những lời nói gây sốc của Thủ tướng Taro Aso, Chánh Văn phòng Nội các Takeo Kawamura thành thật nói: “Tôi cho rằng thủ tướng cần phải hết sức bình tĩnh và có trách nhiệm với mọi phát biểu cũng như mọi quyết định với cương vị thủ tướng”.

Theo giới phân tích chính trị ở Tokyo, những phát biểu gây sốc của Thủ tướng Aso không những phản ánh cá tính hay lỡ lời của ông mà còn thể hiện tâm trạng không còn tự tin trước cuộc bầu cử vào tháng 9-2009 có thể gạt bỏ LDP khỏi quyền lực sau gần 53 năm liên tục cầm quyền ở Nhật Bản.

Ngày 19-11 vừa qua, nhận xét về tình hình y tế đất nước, Thủ tướng Aso nói giới y bác sĩ Nhật Bản “nói chung là thiếu ý thức”. Câu nói không cân nhắc này đã gây bất bình trong giới y học từ lâu nay vẫn trung thành ủng hộ LDP. Sau đó một ngày, trong một cuộc gặp mặt các thầy cô giáo có đông cha mẹ học sinh tham dự, ông Aso phàn nàn chính những ông bố, bà mẹ phải bị khiển trách hơn là các em học sinh. Những người tham dự cuộc gặp mặt cảm thấy bàng hoàng về nhận xét của vị thủ tướng.

“Sự cố” thứ ba liên quan đến chính sách thuế của Chính phủ Nhật. Phát biểu với các nghị sĩ quốc hội, Thủ tướng Aso nói ông kiến nghị quốc hội thông qua luật chi thu nhập thuế liên quan đến giao thông đường bộ cho tất cả chính quyền địa phương. Các nghị sĩ LDP nhất quyết phản đối chủ trương này vì các công ty, xí nghiệp tham gia xây dựng đường sá ủng hộ LDP bị “trắng tay”.

Về uy tín của Thủ tướng Aso bị giảm sút nhanh chóng chỉ sau 2 tháng cầm quyền, giáo sư Koichi Nakano, Trường ĐH Sophia ở Tokyo, nói: “Ông ấy giống như một vị thủ tướng chỉ còn mấy tháng tại nhiệm. Ông là một phi công của chiếc máy bay không còn kiểm soát được. Hết trục trặc nọ đến trục trặc kia làm cho hành khách trên máy bay vô cùng lo lắng. LDP có thể sắp mất quyền lực trừ phi có phép mầu”.

Giáo sư Yasunori Sone, khoa chính trị Trường ĐH Keio, nhận định: “Ông Aso thành thủ tướng vì LDP hy vọng ông có thể lãnh đạo Đảng giành thắng lợi trong bầu cử. Nhưng điều này rất đáng ngờ. Nếu ông không thể kêu gọi tổ chức bầu cử vào tháng 4 hoặc tháng 5-2009 thì LDP rất có thể phải chọn một thủ lĩnh mới”.


T.Tùng

(Nguồn NLD)


--------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Nhân dịp kỷ niệm 180 năm sinh nhật Nguyễn Trường Tộ, TBDD xin gửi đến cả nhà những bài viết về nhà khoa học, nhà chính trị  có kiến thức và tư tưởng đi trước thời đại này.

Từ ước mơ của Nguyễn Trường Tộ, ngẫm sự học ngày nay
Khát vọng Nguyễn Trường Tộ
Nguyễn Trường Tộ-Nhà chính trị kinh bang tế thế
Nguyễn Trường Tộ Con Người Và Di Thảo

Và xin đăng bài Thực học của TS Dương Ngọc Dũng tại đây. ( Thành thật cảm ơn anh Thanh Việt Exryu đã cho phép giới thiệu lại)

Thực học

Cả tiếng Nhật jitsugaku và tiếng Hàn sirhak đều có thể phiên ra âm Hán Việt là “thực học”. Đó là một phong trào tiền duy tân, tiền hiện đại hóa, và có thể nói nó đóng góp lớn vào công cuộc khai hóa và duy tân đất nước tại Nhật Bản và Triều Tiên vào thế kỷ 19.

Tại Nhật Bản, tư tưởng thực học gắn liền với tên tuổi Kaibara Ekken (1630-1714) và Tasan (tức Chong Yagyong, 1762-1836) là nhà tư tưởng thực học lỗi lạc, có thể được xem là một trong những triết gia vĩ đại nhất trong lịch sử văn hóa và tư tưởng Hàn Quốc. Nguyễn Trường Tộ (1830-1871) xứng đáng được so sánh cùng hai vĩ nhân Đông Á như những tư tưởng gia cố gắng thay thế cái học từ chương của Tống Nho Trung Quốc bằng những tri thức thực tế nhằm cải tạo xã hội và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Dĩ nhiên, tại Trung Quốc, Trần Lượng là người đầu tiên dám phản đối triết học Chu Hi, ông tổ của triết học Tống Nho, và đề cao cái học thực tế. Tại VN, trong quá khứ, Lê Quý Đôn và Hồ Quý Ly cũng từng phê phán Chu Hi, phê phán cái học không liên quan gì đến thực tiễn cuộc sống. Nhưng tất cả chỉ là những tiếng kêu trầm thống lẻ loi trong sa mạc.

Chỉ có Ekken, Tasan và Nguyễn Trường Tộ là phê phán toàn diện nhất, triệt để nhất lối học vụ cổ và đề ra những biện pháp thiết thực để chữa trị tận căn những khối ung thư đang tàn phá thân thể quặt quẹo của xã hội.


Kaibara Ekken: “Aristotle của Nhật Bản”


Trong lịch sử tư tưởng Nhật Bản, Kaibara Ekken là một trong ba triết gia sống vào đầu thời kỳ Mạc phủ Tokugawa dám mạnh dạn phê phán hệ tư tưởng của Chu Hi. Hai triết gia kia là Ito Jinsai (1627-1705) và Yamaga Soko (1622-1685). Ngay từ thời đó sống trong một môi trường quan điểm triết học có sự gắn bó mật thiết với chính trị, Ekken đã nhấn mạnh những tư tưởng cơ bản sau đây:

1-Phương pháp học tập có hiệu quả nhất là kết hợp lý thuyết và thực tế.
2-Người quân tử phải có khả năng tiếp thu phê bình và sửa chữa sai lầm.

Khuynh hướng thực học của Ekken thể hiện trong việc nghiên cứu của ông. Ekken nghiên cứu không những cổ văn, kinh điển Nho gia, ông còn đọc cả ngôn ngữ học, thiên văn học, y học, sinh vật học, thực vật học, nông học, vệ sinh thực phẩm, luật học, toán học, âm nhạc và chiến thuật quân sự.

Nhà bác học người Đức Philip Franz von Siebold (1796 -1866) khi viếng thăm Nhật Bản vào thế kỷ 19 đã tìm hiểu và vô cùng thán phục các tác phẩm của Ekken, gọi ông là “Aristotle của Nhật Bản”. Ngay từ thế kỷ 17 Ekken đã nhấn mạnh giá trị của việc học là ích nước lợi dân, không phải là thảo luận những điều vô bổ.

Kiệt tác Yamato honzo (Cây cỏ Nhật Bản) của Ekken (xuất bản năm 1709) là công trình nghiên cứu thực vật học có giá trị khoa học đầu tiên tại Nhật Bản. Nhiều nhà khoa học phương Tây khi đến Nhật trong thời Minh Trị đã vô cùng kinh ngạc trước hiểu biết rất bác học của Ekken về thực vật. Một Nho gia mà lại quan tâm nghiên cứu khoa học như Ekken quả thật là một hiện tượng hết sức hiếm hoi trong toàn bộ nền văn minh Đông Á. Việc Nhật Bản trong thế kỷ 20 có nhiều giải Nobel khoa học chắc chắn không phải là chuyện ngẫu nhiên.


Tasan: thách đố Nho Học truyền thống


Cũng như tất cả những tư tưởng gia Triều Tiên (1692-1910) có quan hệ mật thiết với phong trào thực học (sirhak), Tasan thuộc giai cấp quan lại, ngay từ nhỏ đã phải học hành kinh điển Nho giáo rất kỹ, nhưng các biến cố chính trị xã hội đã thúc đẩy ông và nhiều Nho gia khác phải đánh giá lại một cách toàn diện các nguồn lực tư tưởng và chính trị hiện hành xem chúng có mang lại những kết quả tốt đẹp thực tế cho đất nước hay không. Phong trào này bắt nguồn từ hai nguyên nhân chính:

1-Bất mãn với cái học lý thuyết bắt nguồn từ Trung Quốc, đặc biệt sau cuộc chiến tranh Nhâm Dần (1592, khi Nhật tấn công Triều Tiên) và cuộc xâm lăng của Mãn Châu.

2-Bất mãn với tinh thần bè phái tại cung đình đã ngăn cản không cho những người thật sự có khả năng tham gia việc điều hành quốc gia.

Khác với các nhà Nho ra rả tụng niệm kinh điển Nho giáo, Tasan tập trung nghiên cứu khảo sát những vấn đề kinh tế chính trị, nông nghiệp, hình luật, nhằm giảm nỗi khổ cho dân và đem lại sự thịnh vượng cho quốc gia. Hai kiệt tác tiêu biểu của Tasan là Mongmin simso (Mục dân tâm thư: những điều tâm huyết về vấn đề cai trị nhân dân) và Hum hum sinso (Khâm khâm tân thư: luận văn mới về hệ thống luật pháp). Tasan đã bị lưu đày 18 năm khi chính quyền Triều Tiên ra lệnh bức hại đạo Công giáo vào năm 1801.


Nguyễn Trường Tộ: nhà thực học đầu tiên của VN


Trong số các di cảo của mình, Nguyễn Trường Tộ đã viết một bài có cái tựa rất rõ là “Về cái học thực dụng” (di thảo số 18, theo Trương Bá Cần, Nguyễn Trường Tộ: con người và di thảo, nhà xuất bản TP.HCM, 2002). Dĩ nhiên, tư tưởng thực học chan hòa toàn bộ trong các tác phẩm của ông nhưng chỉ cần đọc bài này chúng ta cũng thấy được phần cốt lõi trong tư tưởng của ông.

Trong Tế cấp bát điều (điều thứ tư) Nguyễn Trường Tộ lên án gay gắt lối học từ chương khoa cử dưới triều Nguyễn: “Ngày nay lúc nhỏ thì học văn, từ, thơ phú, lớn lên ra làm thì lại luật, lịnh, binh, hình. Lúc nhỏ học nào Sơn Đông Sơn Tây mắt chưa từng thấy, lớn lên ra làm thì đến Nam Kỳ, Bắc Kỳ.

Lúc nhỏ học nào thiên văn, địa lý, chính trị, phong tục tận bên Tàu (mà nay họ đã sửa đổi khác hết rồi), lớn lên ra làm thì lại dùng đến địa lý, thiên văn, chính trị, phong tục của nước Nam, hoàn toàn khác hẳn […] Xưa nay các nước trên thế giới chưa từng có nước nào có nền học thuật như vậy […] Như vậy mà cứ học cho đến bạc tóc, thật là quái đản, không thể hiểu nổi”.

Về quan hệ với phương Tây, Nguyễn Trường Tộ, cũng giống như Ekken và Tasan, chủ trương mở cửa làm ăn buôn bán với họ và đặc biệt phải tích cực học hỏi khoa học kỹ thuật của người phương Tây. Đó là lối thoát duy nhất ra khỏi con đường học vấn sáo mòn nô lệ vào Trung Hoa. Không đi sâu vào chi tiết chúng ta có thể thấy ngay ba tư tưởng gia này đều thống nhất ở một điểm: một nền học vấn có giá trị thật sự là một nền học vấn đem lại sự phát triển cho đất nước, làm xã hội phồn vinh, đời sống vật chất được nâng cao.

Sự đả kích nền giáo dục cũ của họ, ngày nay nhìn lại, có chỗ hơi quá đà, thậm chí thiển cận. Nho giáo không phải là một triết học hoàn toàn xa rời thực tế: Khổng Tử là một trong những con người thực tế nhất thế giới. Các vương triều Đông Á đã lợi dụng tư tưởng của ông, chế định hóa thành những bài thi mang tính giáo điều cứng nhắc, biến những tư tưởng có giá trị nhân văn muôn đời thành những công thức trống rỗng.

Nhưng trong một hoàn cảnh lịch sử cụ thể, trong một tâm trạng đau lòng, phẫn nộ trước tình trạng lạc hậu của đất nước, Nguyễn Trường Tộ, Ekken và Tasan đã kiên quyết phê phán lối học dựa trên mô hình Trung Hoa một cách triệt để để nhắc nhở chính quyền và giới trí thức mau sớm tỉnh ngộ, không còn vênh váo tự mãn trong tháp ngà sách vở lạc hậu, và mau chóng hấp thu những kiến thức mới đến từ phương Tây để góp phần phú quốc cường binh.

Tiếc thay cả ba đều là những kẻ sĩ sinh bất phùng thời, tuy triều đình cũng có quan tâm lắng nghe, nhưng não trạng của cả một thời đại vẫn chưa sẵn sàng tiếp nhận những ý tưởng quá mới lạ như thế. Nhật Bản phải đợi đến Minh Trị Duy Tân. Hàn Quốc sau nhiều thăng trầm lịch sử cũng chỉ cất cánh sau năm 1963.


Thực học: một nhu cầu của thời đại


Thực học, trong phạm vi bài này, xin tạm định nghĩa: “học hành theo phương pháp khoa học hiện đại”. Đối với Ekken, Tasan và Nguyễn Trường Tộ, thực học có nghĩa là tiếp thu văn minh văn hóa phương Tây. Ngày nay khái niệm phương Tây, phương Đông đã trở nên khập khiễng, khó áp dụng. Trung Quốc cũng đã có Trương Lợi Vĩ. Nhật Bản đã có mấy nhà vật lý đoạt giải Nobel. Hàn Quốc mới công bố thành công trong việc nhân bản phôi người.

VN muốn thành công trong lĩnh vực giáo dục, xã hội, khoa học kỹ thuật, hoàn toàn có thể học hỏi từ Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, không nhất thiết phải học từ Mỹ hay châu Âu. Vấn đề chính là vấn đề phương pháp khoa học. Phải cần thay đổi những kiểu tư duy lạc hậu, sống bám vào thời bao cấp với những đặc quyền đặc lợi. Tâm huyết và tinh thần Nguyễn Trường Tộ cần phải được phục hưng trong thế hệ trí thức hiện nay.

Không nói suông và hô hào trống rỗng, không làm việc theo chỉ tiêu cho có lệ, không chạy theo các thành tích giả tạo. Phải dành các ngân sách nghiên cứu khoa học cho các chuyên gia có khả năng. Cần lập ra một ủy ban giám định các công trình khoa học hoàn toàn độc lập với Nhà nước. Có lẽ đó là những bước đầu tiên, những điều kiện căn bản để tạo nên một phong trào thực học.


TS DƯƠNG NGỌC DŨNG


--------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

10 NGUYÊN TẮC THỌ THÊM NHIỀU TUỔI

1. Câu châm ngôn thứ nhất:

“Trong thiên hạ, không có chuyện làm biếng mà có thể có một thân thể khỏe mạnh.”

2. Câu châm ngôn thứ hai:

Đối với những việc không vui vẻ của dĩ vãng và nghịch cảnh, không thấy khó chịu.

Đối với những ngày sắp tới không có ước vọng quá cao, nhưng luôn cầu bình an hạnh phúc.

3 DƯỠNG

1. Bảo dưỡng.
2. Dinh dưỡng.
3. Tu dưỡng.

4 QUÊN

1. Quên tuổi tác.
2. Quên tiền tài.
3. Quên con cái.
4. Quên buồn phiền.

5 PHÚC

1. Có thân thể mạnh khỏe, gọi là phúc.
2. Có vui thú đọc sách, gọi là phúc.
3. Có bạn bè tri kỷ, gọi là phúc.
4. Có người nhớ đến anh, gọi là phúc.
5. Làm những việc mà mình thích làm, gọi là phúc.

6 VUI

Một vui là hưu nhưng không nghĩ.
Hai vui là con cái độc lập.
Ba vui là vô dục tắc cương.
Bốn vui là vui vẻ vấn tâm mà không xấu hổ.
Năm vui là có nhiều bạn hữu.
Sáu vui là tâm tình không già.

7 SUNG SƯỚNG

1. Biết đủ thường sung sướng.
2. Biết giải trí khi nhàn rỗi.
3. Biết đắc chí tìm niềm vui.
4. Khi cấp thời biết tìm niềm vui.
5. Biết dùng người làm vui.
6. Biết vui khi hành thiện.
7. Bình an là vui nhất.

8 CHÚT XÍU

1. Miệng ngọt ngào thêm một chút nữa.
2. Đầu óc hoạt động thêm một chút nữa.
3. Nóng giận ít thêm một chút nữa.
4. Độ lượng nhiều hơn một chút nữa.
5. Lòng rộng rãi thêm một chút nữa.
6. Làm việc nhiều thêm một chút nữa.
7. Nói năng nhẹ nhàng thêm chút xíu nữa.
8. Mĩm cười nhiều thêm chút nữa.

9 THƯỜNG

1. Răng thường ngậm.
2. Nước miếng thường nuốt.
3. Mũi thường vê.
4. Mắt thường động.
5. Mặt thường lau.
6. Chân thường xoa (bóp).
7. Bụng thường xoay.
8. Chi thường vươn.
9. Hậu môn thường co bóp.

10 NGUYÊN TẮC KHỎE MẠNH

1. Ít thịt, nhiều rau.
2. Ít mặn, nhiều chua.
3. Ít đường, nhiều trái cây.
4. Ít ăn, nhai nhiều.
5. Ít áo, tắm nhiều.
6. Ít nói, làm nhiều.
7. Ít muốn, bố thí nhiều.
8. Ít ưu tư, ngủ nhiều hơn.
9. Ít đi xe, đi bộ nhiều.
10. Ít nóng giận, cười nhiều hơn.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

Dịch từ tiếng Hoa
Nguồn Exryu Cuối Tuần

© 2008 Dongdu.org

Re:Tuần báo Đông Du số 24

Đã gửi: Hai T12 01, 2008 7:27 am
Viết bởi 700
fcdd hoanh trang that, choi nguyen bo dong fuc cua Mu luon moi ghe chu..hiihi