Bạn đang xem trang 1 / 1 trang

Tuần báo Đông Du số 32

Đã gửi: Sáu T2 20, 2009 5:02 am
Viết bởi anjp
Valentine's Day ở Nhật và bạn tôi/ Cứu ngân hàng, Mỹ rơi đúng vào “vết xe đổ” của Nhật?/ Nhìn lại kết quả kì thi đại học và thực lực của Du Học Sinh Đông Du/ Bộ trưởng Việt Nam sắp đi Nhật/ Câu chuyện của người tự học là những tin trong tuần. Xin mời các bạn theo dõi.


Valentine's Day ở Nhật và bạn tôi

Vào dịp lễ Vanlentine - ngày lễ tình nhân ở Nhật  thường thì bạn nữ sẽ gửi tặng choco đến những bạn trai mình yêu mến. Nên trong những ngày này, trên những dãy phố bạn có thể bắt gặp rất nhiều nơi bán  chololate trong rất xinh xắn, được gói ghém cẩn thận với nhiều kiểu dáng khác nhau.

Tại công sở hay nơi làm việc, người Nhật vốn xem trọng các mối quan hệ nên đồng nghiệp nam sẽ nhận được Choco từ đồng nghiệp nữ . Người ta gọi loại choco này là Giri - Choco.

Còn riêng đối với những đôi tình nhân, việc người bạn gái tự làm lấy Choco để tặng người mình yêu mến là một hình thức được ưa chuộng.

Mọi năm, anh em Yamanashi thường coi “ngày này như mọi ngày”. Nhưng năm nay thì lại khác,  một cô bé Yokohama nói với tôi “ Vì sao ngươi ta lại có thể ích kỷ khi coi ngày này chỉ là ngày của những đôi tình nhân anh nhỉ!, tại sao chúng ta lại không tổ chức một buổi lễ cho mọi người được cùng vui vẻ ” và tất nhiên tôi đồng ý với “nhận định” trên. Nên gần trước một tháng, anh em tôi đã bàn bạc lên kế hoạch và như mọi khi chọn phòng của Tuấn làm tiệc cho ngày này.

Chiều tối,  sớm hơn mọi khi tôi từ nơi làm việc trở về nhà. Vừa bước chân vào phòng tôi đã nhận được điện thoại của em. “Alo, anh Ân, chạy ra siêu thị mua giùm cho em hai củ gường, hai trái chanh, đậu phụng, dầu ăn, và …”. Thế là từ nhà tôi chạy ra siêu thị , ngoài những món em cần tôi chọn thêm một ít bia và trái cây để dùng sau bữa tiệc.

Bước chân vào phòng( Tuấn), tôi đã phải thốt lên vì kinh ngạc - “apato ngày nào đã biến thành lâu đài qua sự trang trí tài tình của người nữ kiến trúc sư tương lai”. Tường nhà được kết gắn bằng những trái tim bong bóng xinh xắn, những nụ hồng tươi, cùng những dòng “love love love”. Trên bàn là một lọ "hồng", được chấm phá bởi những cánh hoa baby trắng li ti xunh quanh. Cùng khúc nhạc du dương, tất cả dường như tạo nên bầu không khí của một “lâu đài tình ái ". (Mọi thứ, từ đồ trang trí đến nguyên liệu làm thức ăn, em đã cất công đi tìm mùa và mang từ Yokohama đến.)

Nhanh chóng, anh em tôi giúp em cắt thịt vịt để làm món vịt chấm mắn gừng, cắt tai heo để làm món gỏi trọn với đu đủ xanh. Chúng tôi cùng trò chuyện về gia đình và bạn bè trong lúc đợi Phong đi làm về.

Đến 11 h anh em về nhà đầy đủ, các món đã lên mâm. Và khi tắt điện đi, chỉ còn lại ánh nến lung linh huyền ảo và nhịp đập con tim. ( 14 ánh nến biểu tượng cho ngày 14/2)

Đầu tiên là tiết mục anh em lần lượt nhận choco từ em gái. Thật ngại ngùng khi nói điều này vì có lẽ trong đời bọn chúng tôi thì việc nhận  "Giri -Choco" nhiều rồi,  nhưng để nhận được "choco tự làm" của một cô gái thì có lẽ đây là lần đầu tiên. Anh em tận hưởng vị choco tuyệt diệu và đầy tình cảm, cũng như tranh thủ chụp ảnh kỉ niệm cùng với nhau.

Tiếp tục sau đó là màn ẩm thực, phải nói ngon từ "ánh mắt đến trái tim", nào là thịt vịt chấm mắn gừng, gỏi tai heo trọn với đu đủ xanh, chân gà hấp hành, cháo vịt. Tất cả đều là những món khoái khẩu của bọn tôi và chỉ có lúc về Việt nam mới được dịp thưởng thức.

Vừa ẩm thực, bọn chúng tôi cùng nhau kể lại những kỉ niệm đẹp về mối tình đầu. Tôi nhận thấy  niềm vui trong ánh mắt, sự hồi hộp của những rung động đầu đời và cả sự luyến tiếc trong mỗi câu chuyện.(Không ngờ lại có người biết “để ý” từ năm lớp "bốn")

Cảm ơn em gái Yokohama nhé. Không biết khi nào có dịp nào anh em lại có được những “giây phút khó quên” này nữa. Công việc, học tập vẫn còn đó, mong rằng sau này chúng ta lại có dịp

Ai rồi cũng sẽ có những bữa tiệc Valentine của riêng mình trong đời, những bữa tiệc chỉ dành cho hai người. Nhưng những bữa tiệc đầy đủ anh em, cũng ánh nến, cũng hoa hồng, cũng choco ... như thế này chắc có lẽ sẽ không nhiều, nếu không nói là khó có lần thứ hai. Thời gian rồi sẽ qua, rồi có lẽ những anh em trong bữa tiệc ngày hôm ấy sẽ có đôi có cặp của mình, nhưng hương vị ấm cúng êm đềm này sẽ còn đọng mãi trong lòng anh em chúng tôi như thế này...

Sau đây là những hình ảnh vui Valentine của anh em Yamanashi cùng người em gái Yokohama.


Bàn tiệc


Nhận choco




Toàn cảnh


初プリ

Sau đó là đi bar




Và quạy vui ghê











Hồng Ân

--------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Cứu ngân hàng, Mỹ rơi đúng vào “vết xe đổ” của Nhật?

Trong khi Mỹ và châu Âu thi nhau chi hàng trăm, hàng nghìn tỷ USD để cứu hệ thống ngân hàng, những người dày dạn kinh nghiệm trong ngành tài chính ở Nhật cho rằng, biện pháp này đúng là những sai lầm mà Nhật đã mắc phải trong lần suy thoái trước đây.

Bài học chưa thuộc?

Trong thập niên 1990, Nhật Bản đã trải qua những thách thức tương tự như những gì đang diễn ra ở Mỹ và châu Âu hiện nay.

Khi đó, kinh tế Nhật đã có cả một thập kỷ đình trệ, các ngân hàng chồng chất nợ nần, các chính phủ nối tiếp nhau liên tục tiêu phí hàng ngàn tỷ Yên để vực dậy hệ thống nhà băng mà chẳng đem lại hiệu quả gì.

Chỉ tới năm 2003, Chính phủ Nhật khi đó mới đưa ra được những biện pháp dẫn tới sự phục hồi cho nền kinh tế nước này.

Đó là, buộc các ngân hàng lớn phải tuân thủ những vụ kiểm toán không nương tay và phải công bố nợ xấu; tăng đầu tư công thêm 2.000 tỷ Yên, tương đương hơn 22 tỷ USD ngày nay; quốc hữu hóa một ngân hàng lớn cho dù vụ quốc hữu hóa này gây thiệt hại nặng cho cổ đông; chấp nhận để mặc những ngân hàng yếu hơn không trụ nổi phải đổ vỡ…

Tới khi những biện pháp “lạnh lùng” trên được đưa ra, chỉ số Nikkei 225 của thị trường chứng khoán Nhật đã sụt giảm mất 3/4 giá trị từ mức đỉnh trước đó, giá địa ốc tại nước này đã giảm 15 năm không nghỉ, nợ chính phủ đã vượt quá GDP, gọng kìm thiểu phát siết chặt quần đảo Nhật Bản.

Một số nhà nghiên cứu về giai đoạn lịch sử trên của Nhật cho rằng họ nhận thấy nước Mỹ đang sa vào vết xe đổ trong cách giải quyết khủng hoảng trước đây của đất nước Mặt trời mọc.

“Tôi cứ nghĩ nước Mỹ đã học được gì đó từ thất bại của Nhật Bản chứ. Tại sao họ lại có thể lặp lại cùng những sai lầm đó nhỉ?”, ông Hirofumi Gomi, một qua chức hàng đầu thuộc Cơ quan Dịch vụ tài chính Nhật Bản, nhận xét.

Một số nhà phê bình ở Mỹ chỉ trích kế hoạch giải cứu khối tài chính mà Bộ trưởng Bộ tài chính nước này Timothy Geithner công bố hôm 10/20 vừa qua là thiếu chi tiết. Nhưng các chuyên gia ở Nhật thì cho rằng, đây là một kế hoạch còn “rụt rè”, xét tới quy mô của cuộc khủng hoảng trong ngành ngân hàng mà chính phủ của Tổng thống Barack Obama đang phải đương đầu.

“Tôi nghĩ là Chính phủ Mỹ biết cuộc khủng hoảng này lớn tới mức nào, nhưng họ không muốn nói nó lớn tới mức nào. Cuộc khủng hoảng này lớn tới mức họ không thể thừa nhận thực tế đó”, kinh tế gia John Makin thuộc Viện Doanh nghiệp Hoa Kỳ nhận xét.

Ông nói thêm: “Những bài học của Nhật Bản ở những năm 1990 cho thấy nước Mỹ cần hành động mạnh hơn và phải quốc hữu hóa một số ngân hàng”.

Trên thực tế, ban đầu người Nhật cũng đã từng dò dẫm thử nhiều “liều thuốc” mà chính quyền của Tổng thống George W. Bush đã dùng và chính quyền của ông Obama hiện nay đang dùng. Đó là hạ lãi suất, kích thích tài khóa, bơm tiền…

Thậm chí, Nhật còn nỗ lực huy động nguồn vốn của khu vực tư nhân để mua một số tài sản độc hại trong bảng cân đối kế toán của các ngân hàng, đúng như những gì mà Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Geithner đang đề xuất thực hiện trong kế hoạch vẫn được gọi là “bad bank”.

Một lý do khiến Nhật Bản khi đó có những giải pháp “nhút nhát” như vậy là do Chính phủ e ngại dân chúng có thể nổi giận. Mỗi khi tiền thuế bị đem đi giải cứu các ngân hàng, sự phản đối của dân chúng lại gia tăng mạnh mẽ.

Tuy nhiên, kinh nghiệm của Nhật cho thấy, để giải quyết đống đổ nát của ngành ngân hàng đòi hỏi chính phủ phải mạnh tay và phải chi số tiền cực lớn. Mặt khác, càng trì hoãn việc khắc phục sẽ càng tốn kém.

Một bài học nữa là việc cứu hệ thống ngân hàng sẽ quyết định số phận của nền kinh tế. Mặc dù ông Obama đang ưu tiên kế hoạch kích thích kinh tế của ông, hoạt động kích thích tăng trưởng sẽ chỉ có thể thành công một khi những vết rạn trong hệ thống hệ thống ngân hàng được hàn gắn.

“Tôi cho rằng ông Obama đang mắc phải một sai lầm chiến thuật”, ông Makin nói.


(Khách bộ hành theo dõi bảng giá chứng khoán trên đường phố Tokyo (Nhật). Trong thập niên 1990, Nhật Bản đã trải qua những thách thức tương tự như những gì đang diễn ra ở Mỹ và châu Âu hiện nay - Ảnh: Reuters.)

Cách làm của Nhật: Phải thật “rắn”!

Cuộc khủng hoảng diễn ra ở Nhật trong thập niên 1900 và đầu những năm 2000 cũng xuất phát gốc rễ tương tự như cuộc khủng hoảng hiện nay ở Mỹ: Bong bóng địa ốc “nổ”, khiến các ngân hàng khốn đốn vì hàng nghìn tỷ Yên nợ xấu.

Ban đầu, các nhà lãnh đạo Nhật Bản không lường hết được mức độ tàn phá của sự lao dốc trên thị trường địa ốc đối với hệ thống ngân hàng. Ở Mỹ, chính sách tiền tệ nới lỏng đã dẫn tới tình trạng đầu cơ cổ phiếu và nhà đất cũng như tình trạng cho vay bừa bãi của các ngân hàng.

Khi khủng hoảng mới manh nha, nhiều nhà hoạch định chính sách Nhật ban đầu cho rằng việc áp dụng lãi suất thấp và các biện pháp kích thích kinh tế sẽ giúp các ngân hàng tự phục hồi. Nhưng tới cuối năm 1997, một loạt ngân hàng tại nước này đã đổ vỡ, châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng tín dụng.

Buộc phải hành động gấp, Chính phủ Nhật khi đó bơm 1.800 tỷ Yên, tương đương gần 20 tỷ USD ngày nay, vào các ngân hàng lớn của nước này. Nhưng đợt bơm vốn này do quá nhỏ, không được lên kế hoạch tốt, và do các nhà chức trách còn chưa hiểu hết về mức độ nguy hiểm trong hệ thống, nên đã không thể ngăn chặn được sự leo thang của khủng hoảng.

Cử tri Nhật nổi giận khi thấy tiền thuế bị Chính phủ lãng phí và đã trừng phạt liên minh cầm quyền bằng cách buộc Thủ tướng Ryutaro Hashimoto phải từ chức. Sau đó, nỗi lo về sự giận dữ của dân chúng đã “trói tay” Chính phủ Nhật.

Cũng vì lo ngại có thêm tin xấu xuất hiện, Chính phủ Nhật khi đó đã không buộc các doanh nghiệp công bố và cắt bỏ nợ xấu. Các khoản vay đã cấp cho các doanh nghiệp được liệt vào hàng dở sống dở chết vẫn tiếp tục được giữ trong bảng cân đối kế toán của các ngân hàng, thay vì được công bố cụ thể và đánh tụt giá trị.

Trong khi đó, Chính phủ Nhật tiếp tục thử nghiệm những biện pháp mới, trong đó đáng chú ý nhất là thành lập hàng loạt quỹ đầu tư có sự góp vốn một phần của tư nhân để mua tài sản xấu của các ngân hàng. Tuy nhiên, lượng nợ xấu mà các quỹ này mua vào rất nhỏ giọt do quy mô của các quỹ chỉ là nhỏ bé. Đồng thời, việc bán nợ xấu cũng chẳng giúp các ngân hàng giải quyết được tình trạng thiếu vốn là bao, vì giá bán những tài sản này rất rẻ mạt.

Ước tính, số tiền thuế của dân mà Chính phủ Nhật chi ra khi đó để cứu các ngân hàng chỉ thu hồi chưa được một nửa. Trong thời kỳ 1992 - 2005, các ngân hàng Nhật đã thâm hụt tài sản khoảng 96.000 tỷ Yên, tương đương 19% GDP hàng năm của nước này.

Cho tới lúc này, kế hoạch khôi phục khối tài chính của chính quyền Obama vẫn né tránh những quyết định khó khăn nhất như quốc hữu hóa các ngân hàng, loại bỏ các cổ đông, hay để các ngân hàng ôm quá nhiều nợ xấu tự sụp đổ. Trên thực tế, Nhật Bản cuối cùng đã buộc phải để những điều này xảy ra.

“Thật đáng ngạc nhiên là Mỹ đang lặp lại sai lầm của Nhật. Các nhà hoạch định chính sách Mỹ thì lúc nào mà chẳng sẵn sàng khuyên nước Nhật phải làm thế này,  thế kia cơ mà”, kinh tế gia Makin nói.

Các chuyên gia cho biết, những sai lầm của Nhật trên đã khiến hệ thống tài chính của nước này mất 6 năm sau khi khủng hoảng nổ ra mới có thể phục hồi. Năm đó, Chính phủ của nhà lãnh đạo cải cách Junichiro Koizumi đã ra lệnh kiểm toán nghiêm ngặt những ngân hàng hàng đầu của Nhật. Người lãnh đạo chương trình cải cách tài chính của Nhật khi đó là ông Heizo Takenaka, và kế hoạch cải cách này cũng mang tên ông, Kế hoạch Takenaka.

Ban đầu, các ngân hàng công khai phản đối Takenaka. “Chính phủ không thể yêu cầu lãnh đạo ngân hàng làm việc này, việc kia. Như thế là quá lố bịch”, ông Yoshifumi Nishikawa, Chủ tịch tập đoàn Sumitomo Mitsui Financial Group, phát biểu vào năm 2002.

Nhưng ông Heizo Takenaka vẫn giữ vững quan điểm của mình. Trong một cuộc phỏng vấn mới đây, ông kể lại: “Khẩu hiệu của tôi khi đó đối với các ngân hàng là: “Đừng che giấu điều gì. Đừng trốn tránh mà phải tuân thủ quy tắc”. Tôi nói rõ với họ là tôi ở vị trí giám sát họ và tôi sẽ không đàm phán gì với họ hết”.

Phải mất 3 năm, kế hoạch của ông Takenaka mới giải quyết được phần lớn số nợ xấu trong các ngân hàng. Ngân hàng Resona do bị phát hiện thiếu vốn đã bị quốc hữu hóa. Sự cứng rắn của ông Takenaka đã giúp phục hồi lại niềm tin của dân chúng và thị trường vào hệ thống ngân hàng.

Đúng lúc đó, kinh tế Nhật đón một cơn gió lành mới, đó là sự bùng nổ của hoạt động xuất khẩu sang Mỹ , góp phần đáng kể cho sự phục hồi của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Tuy nhiên, lúc này, nước Mỹ có lẽ không thể trông đợi ở sự gia tăng nhu cầu của thế giới đối với hàng hóa của mình, vì suy thoái kinh tế đã lan rộng trên toàn cầu. Bởi thế, nhiều chuyên gia cho rằng, với cách giải quyết tình hình của Chính phủ Mỹ hiện nay, gánh nặng đối với người dân Mỹ khi tiền thuế của họ tiếp tục được đem đi để cứu các ngân hàng có lẽ sẽ còn tăng thêm nữa.

(Theo IHT) KIỀU OANH

Nguồn VnEconomy.vn

--------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Nhìn lại kết quả kì thi đại học cho đến bây giờ và thực lực của Du Học Sinh Đông Du

Những năm gần đây điểm thi Ryu của học sinh Đông Du chúng ta luôn đạt được những đột phá tuyệt vời. Trong khi phân phối điểm thi Ryu tổng thể không có nhiều sự thay đổi. Chứng tỏ học sinh Đông Du chúng ta đã có những bước trưởng thành vượt bậc. Thành tích thi Ryu của nhiều bạn đã kiến rất nhiều Sempai ( trong đó có tôi) phải nghiêng người kính phục. Sự tiến bộ của học sinh Đông Du chúng ta là không thể phủ nhận được.

Tuy nhiên kì thi vào Tokodai và các đại học lớn vừa rồi đã cho chúng ta thấy rằng mình vẫn còn quá nhiều điểm còn thua kém thiên hạ. Tiếng Anh vẫn là một điểm yếu muôn thủa và chưa có dấu hiệu khắc phục. Điển hình là có nhiều bạn thất bại ngay từ vòng hồ sơ ở các trường như Todai, Osaka, Tohoku…

Ở Tokodai vì Ngày thi của Tokodai năm nay rất đặc biệt, không hề trùng với các trường đại học lớn khác như Todai, Kyotodai, Osakadai, Tohokkudai, Nagoizadai,v.v.v nên năm nay kì thi vào Tokodai có sự tham gia của một số lượng lớn những du học sinh suất sắc người Trung Quốc( mà mục tiêu là Todai, hay Kyotodai). Chính vì thế tổng số du học sinh tư phí tham gia vào kì thi năm nay đông gấp đôi mọi năm, và trình độ của các thí sinh cũng vượt trội so với mọi năm. Nói đơn giản kì thi năm nay vào Tokodai là 1 trận đọ sức lớn nhất từ trước tới nay giữa du học sinh Đông Du ta và du học sinh Trung Quốc trên cả 5 mặt trận Toán, Lí, Hoá, tiếng Anh, tiếng Nhật. Và kết quả 6 người đậu theo đánh giá của cá nhân tôi là một kết quả thành công. Xin chúc mừng các bạn. Nhưng nó cũng cho thấy rằng thực lực Toán, Lí Hoá của chúng ta vẫn chưa đủ mạnh để có thể làm nên một chiến thắng thực sự trước người Trung Quốc( vì đơn giản kì thi vào Tokodai rất coi trọng Toán, Lí, Hoá).

Mặt khác những kết quả đậu đại học cho đến bây giờ cũng cho thấy những kết quả ấn tượng ở các trường như Meikodai, Yamanashidai, Akitadai, Shigadai Tokodai( khoa 国際開発 6 bạn ) các kết quả này đã cho thấy các Sempai ở  các trường và khoa nêu ở trên đã học hành rất nghiêm túc gây được tình cảm của các thầy cô Nhật với sinh viên Việt Nam nói chung và sinh viên Đông Du nói riêng. Xin thay mặt ban đại diện Đông Du và các em Kohai gửi lời cảm ơn đến các Sempai. Và cũng xin gửi lời nhắn nhử tới các Kohai vừa đậu được vào các trường nói trên tiếp tục phát huy truyền thống mà các Sempai đã gây dựng. Vẫn còn nhiều trường còn chưa công bố kết quả hy vọng sẽ tiếp tục có thêm những thành tích ấn tượng ở những trường còn lại.

Kì thi đại học năm nay cũng đã sắp kết thúc, chúc tất cả các anh em Đông Du tự tin, may mắn, đến phút cuối cùng trong kì thi vào đại học năm nay. Và cũng rất mong các bạn khóa 08 nhìn vao kết quả thi năm nay và có những bước chuẩn bị hợp lí cho kì thi đại học năm sau

Quang Hưng

--------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Bộ trưởng Việt Nam sắp đi Nhật

Truyền thông Nhật Bản cho hay bộ trưởng Kế hoạch - Đầu tư Võ Hồng Phúc sẽ đi Nhật vào cuối tháng để đề nghị nối lại viện trợ ODA cho Việt Nam.

Hãng thông tấn Kyodo nói ông Phúc sẽ đi Tokyo vào thứ Bảy 21/2 và theo kế hoạch sẽ ở lại Nhật trong một vài ngày.
Tháng 12 năm ngoái, tại hội nghị của các nước tài trợ cho Việt Nam, Nhật Bản đã đột ngột tuyên bố ngừng cấp viện vì các cáo buộc tham nhũng trong sử dụng tiền viện trợ.
Sau đó tòa án Nhật đã mang bốn cựu quan chức của Công ty Tư vấn Thái Bình Dương (PCI) ra xử vì tội hối lộ quan chức Việt Nam để giành thầu trong một số dự án cơ sở hạ tầng có sử dụng vốn vay của chính phủ Nhật Bản.
Về phía Việt Nam, sau một thời gian dài chờ đợi, hôm 11/2 cơ quan công quyền đã khởi tố và bắt tạm giam ông Huỳnh Ngọc Sỹ, cựu phó Giám đốc sở Giao thông Công chính TP HCM, giám đốc ban Quản lý Dự án Đại lộ Đông Tây, người bị cáo buộc là đã ăn hối lộ của công ty Nhật.
Cùng với ông là một cán bộ khác của ban Quản lý, ông Lê Quả.
Tội danh của hai người này là 'Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ'.
Tội danh 'Nhận hối lộ' vẫn còn đang được tiếp tục điều tra. Ông Sỹ bị phía Nhật cáo buộc đã nhận 820.000 đôla trong thời gian 2001-2003.

Vay lãi suất thấp

Nhật Bản là nước cấp viện nhiều nhất cho Việt Nam, trước khi có việc ngừng ODA lên tới hơn một tỷ đôla năm 2008.
Đa phần viện trợ ODA của Nhật là cho vay lãi suất thấp, và được dùng để phát triển các công trình cơ sở hạ tầng.
Báo chí Việt Nam từng đồng loạt loan tin Nhật Bản sẽ nối lại viện trợ vào tháng Tư này, nhưng chính ông bộ trưởng Võ Hồng Phúc sau đã từ chối xác nhận thông tin.
Ông Phúc được báo Tiền Phong trích lời nói: "Việt Nam không bắt giam ông Huỳnh Ngọc Sỹ chỉ vì muốn Nhật nối lại ODA mà đây là 'thể hiện quyết tâm chống tham nhũng, trừng trị người sai phạm".
"Còn cụ thể việc Nhật kết nối lại ODA với Việt Nam như thế nào sẽ trình chính phủ Nhật Bản."
Tuy nhiên việc ông Huỳnh Ngọc Sỹ bị bắt ngay trong khi Hoàng Thái tử Nhật Naruhito thăm chính thức Việt Nam được xem như dấu hiệu nhấn mạnh cam kết của Hà Nội.

Nguồn BBCVietnamese.com


--------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------


Câu chuyện của người tự học

1. Lời khuyên đầu tiên

Ở trường đại học ra, sau khi thu xếp được một chỗ làm việc tàm tạm, cái việc mà một thanh niên tự trọng hiện nay phải lo đầu tiên, theo tôi chưa phải là lo học thạc sĩ rồi lần lên tiến sĩ... mà là học để có được một ngoại ngữ có thể sử dụng tự do và trước tiên, dư sức đọc các tài liệu chuyên môn.

Mỗi khi có dịp trò chuyện với các bạn trẻ, lời khuyên đầu tiên tôi muốn nói - nếu như được yêu cầu có một lời khuyên - đơn giản như vậy. Đây là kinh nghiệm tự học của tôi, mà cũng là điều tôi rút đúc được, qua nhiều thành bại của các đồng nghiệp.

2.    Nhận rõ vị thế của mình!

Các trường đại học mà bọn tôi theo học nhà cửa đơn sơ, phòng học nhiều khi chỉ là mấy gian nhà lá trống trải, sách vở và phương tiện thiếu thốn, cổ lỗ. Nay các trường đại học ở ta đã khang trang to đẹp hơn nhiều. Nhưng, theo chỗ tôi hiểu, trước sau trình độ đào tạo ở ta vẫn vậy, người sinh viên ra trường thường không nhập được vào guồng máy sản xuất của xã hội, còn so với trình độ đại học ở các nước tiên tiến thì lại càng không theo kịp (giá có muốn xin việc ở nước ngoài cũng không ai người ta nhận!)

Chúng ta chỉ được đào tạo rất sơ sài...,  chắc chắn đây là điều mà các bạn trẻ đã nghe nhiều lần. Song biết lơ mơ là một chuyện, mà ghi tạc nó vào tâm trí, để biến thành ý chí, nghị lực trong hành động lại là một chuyện khác. Mà chỉ khi nào người sinh viên ở trường ra thấy đau đớn khổ sở vì mình chưa được học đến nơi đến chốn, tiếc cho tuổi trẻ của mình không vươn tới được cái tầm lẽ ra nó có thể vươn tới... thì người ta mới bắt tay vào tự học thực sự, tự học có kết quả.

Nhưng làm thế nào để biết rằng mình còn đang kém cỏi, nếu không đọc rộng ra sách báo nước ngoài? Xin phép được lấy ví dụ từ  kinh nghiệm bản thân: Nhờ tự học tiếng Nga, hiểu văn học Nga (và chút ít văn học phương Tây qua tiếng Nga) mà tôi có điều kiện để nhìn nhận văn học Việt Nam phần nào thấu đáo hơn, cũng như quan niệm của tôi, cách hiểu của tôi về văn học nói chung, trong chừng mực nào đó, cũng trở nên hợp lý hơn. Một số bạn trẻ gần đây chỉ lo học ngoại ngữ để giao thiệp, trong khi đó  học để đọc sách, kể cả “đọc” qua máy tính... mới là việc chủ yếu của người muốn tự học.  

3. Tinh thần lập nghiệp.

         Ta chỉ hay nói lớp trẻ nên khiêm tốn biết ơn những người đi trước... Song có một tinh thần nữa mà người thanh niên ngày nay phải thấm nhuần, ấy là không thoả mãn với kiến thức được truyền thụ, coi rằng moi việc người trước đã làm đều chưa hoàn thiện, thế hệ mình còn phải tiếp tục; hoặc trong khi chấp nhận sự hoàn thiện của người đi trước, thì vẫn tin rằng thế hệ mình sẽ có cách làm khác, để đi tới một sự hoàn thiện mới. Về mặt đạo đức mà xét, cách tốt nhất để thế hệ đi sau tỏ lòng biết ơn với những người đi trước, là tìm cách vượt lên trên họ. Sự  hiểu biết kỹ lưỡng về thành tựu của những người đi trước là nhân tố có vai trò kích thích người trẻ tiếp tục khai phá mở đường.  

     4. Mấy “chiêu thức” cần thiết

Có nhiều “động tác” mới nhìn tưởng là chuyện nhỏ, song lại có ý nghĩa quyết định và các bạn trẻ mới bắt tay tự học nên biết :

1/. Các loại sách từ điển bách khoa cho phép người ta có được bức tranh toàn cảnh về một lĩnh vực kiến thức nào đó, bởi vậy, với những người tự học, là một công cụ thật thuận tiện. Vả chăng không phải chỉ tra một từ điển, mà có khi mò mẫm tra nhiều từ điển khác nhau, để tìm ra cái tối ưu. Khi sử dụng Bách khoa toàn thư, không nên quên theo dõi phần thư mục của nó, để tìm xem chung quanh vấn đề mình đang theo đuổi có những quyển sách nào đáng đọc nhất, rồi dành thời gian đọc bằng được. Theo cách này, tôi đã có thể hiểu kỹ thêm vài môn học mà quả thực, lúc học ở trường, chưa được các thày dạy, hoặc dạy quá sơ sài, thậm chí là dạy sai nữa.

2/ Trong khi tự đặt cho mình một kỷ luật làm việc, đồng thời ta nên dành ra những khoảng trống tự do, để từ lĩnh vực mình phải học, đọc lấn sang các lĩnh vực khác. Ví dụ, trong khi học về văn học, tôi đồng thời có ý tìm đọc thêm sách sân khấu, hội hoạ, có lúc lan man sang cả sinh học, cơ học lượng tử... Không bao giờ tôi coi những bước lang thang này là mất thì giờ, ngược lại, thấy biết ơn những kiến thức xa lạ ấy, vì nhờ có chúng, những suy nghĩ của tôi về văn chương và đời sống trở nên mềm mại hơn.

3/ Nên biến việc tự học thành một việc hữu ích. Tức là người tự học cũng nên tính tới những sản phẩm cụ thể, và nếu những sản phẩm này biến thành hàng hoá, mang lại cho đương sự một số tiền nho nhỏ thì...càng tốt. Tôi nhớ hồi đang mê đọc các thứ lý luận về tiểu thuyết, tôi đồng thời nhận làm các bản lược thuật cho Viện thông tin khoa học xã hội. Đáng lẽ chỉ tuỳ tiện ghi lại kiến thức vào sổ tay thì tôi phải trình bày lại chúng một cách sáng sủa, để người khác có thể sử dụng được. Tiền thu được chẳng là bao, nhưng nó buộc tôi phải làm công việc của mình một cách nghiêm túc.

5. Bản lĩnh và may mắn

Bên cạnh yếu tố chủ quan của người đi học, thì việc học hỏi thành bại hay không còn phụ thuộc vào ông thày. Người tự học phải biết tìm thầy cho chính mình. Và nếu như sau một thời gian đọc hàng núi sách, anh chợt nhận ra mình toàn loay loay với những cuốn sách hạng ba hạng tư, thời giờ đã mất, mà kiến thức thu được chẳng bao nhiêu, thì người đáng để anh ta buông lời trách móc lại là chính bản thân anh - oái oăm là ở chỗ đó!

Thường nhìn vào khoa học, người ta dễ bắt gặp một khung cảnh ồn ào lộn xộn. Vậy nên khi bước vào đó, người tự học luôn luôn cần có một chút tỉnh táo để biết trong trường hợp của mình, thầy nào đáng theo, sách nào đáng đọc kỹ trước tiên. Tức là phải có được một bản lĩnh nhất định, và cả một chút may mắn nữa.

Nói là phải đọc hàng ngàn cuốn sách, hàng vạn bài báo khác nhau, song người có kinh nghiệm đều biết trên con đường tự học thực ra chỉ có một hai cuốn sách nào đó với bản thân là có ý nghĩa nhất: những quyển sách ấy làm thay đổi cả hướng đi của mình, do đó cả cuộc đời mình. Nếu như bằng trực giác, bằng mẫn cảm, ta đã tìm được một hai cuốn sách lớn, và biết coi nó là bạn đồng hành suốt đời, đọc mãi không chán, thì hoàn toàn có thể tự coi là mình biết học, và may mắn ấy, không phải ai cũng có.

Nhấn mạnh một chút hên xui không phải để làm chùn bước các bạn trẻ : chính những đỏng đảnh bất định này lại là chút muối mặn mà làm cho công việc tự học của chúng ta không bao giờ nhàm chán.

Trong số rất nhiều định nghĩa về con người hiện đại, có một định nghĩa đơn giản như sau: Đó là con người biết làm ra chính mình.

Theo tiêu chuẩn này mà xét, thì người biết tự học luôn luôn là con người hiện đại./.

Vương Trí Nhàn

Nguồn www.viet-studies.info


© 2009 Dongdu.org

Re:Tuần báo Đông Du số 32

Đã gửi: Sáu T2 20, 2009 8:51 am
Viết bởi hongchuong
Cám ơn anh Ân nhiều lắm. Lần nào có số báo mới anh cũng gửi đường link cho em! Thấy anh em Yamanashi có một ngày valentine ý nghĩa quá há.
週刊誌の発行大変お疲れ様でした!

Re:Tuần báo Đông Du số 32

Đã gửi: Sáu T2 20, 2009 11:51 am
Viết bởi lionking
Con nhieu anh dep ma sao anh An lua hinh "den toi" qua vay? link anh day ne http://picasaweb.google.com/minhnhat1203/2?authkey=Qs2kKtRiYhU#

Re:Tuần báo Đông Du số 32

Đã gửi: Ba T2 24, 2009 8:07 pm
Viết bởi anjp
hihi, Hongchuong là Lựcさん đúng không? Thanks em nhiều nhé, khi nào em có tin tức gì nhớ viết bài giúp sức cho Tuần báo nhé.

Re:Tuần báo Đông Du số 32

Đã gửi: Sáu T2 27, 2009 9:34 pm
Viết bởi Nguyễn Du
hì.