Thống kê tạm thời kết quả kỳ thi đại học 2009
Mùa thi Đại Học gần như đã kết thúc, ngoại trừ một vài trường tổ chức thi và có kết quả muộn như 東京大学、横浜国立大学(経営ー経済学部)...., phần lớn các trường đều đã tổ chức thi tuyển và đã có kết quả. Các bạn khóa 2007, sau 2 năm rèn luyện, học tập, hiện tại hầu hết đã quyết định điểm đến của mình trong những năm sắp đến. Dongdu.org xin gửi đến các bạn thống kê sơ bộ những bạn đã có kết quả và đã quyết định "bến đỗ" đến thời điểm hiện tại. Dongdu.org xin chúc mừng tất cả các bạn, và hy vọng các bạn sẽ gặt hái được thật nhiều thành công trên con đường mình đã chọn.
Nhóm phát báo:
Nhóm Morioka:
Nhóm Sizuoka:
Xin chân thành cảm ơn sự cộng tác, giúp đỡ của anh Quyền (Morioka), anh Huynh (Tokodai), anh Hiếu (Sizuoka) để dongdu.org có được những số liệu thống kê quý báu này.
Thành Thông
------------------------------------------------------------------------------------------
Hội thảo khởi nghiệp-1 cơ hội học tập quý báu
Ngày thứ 3, 10-3-2009 vừa qua, tại cơ sở trung tâm làng doanh nghiệp châu Á THINK, Kawasaki, đã diễn ra buổi hội thảo học hỏi kinh nghiệm từ các sempai lập nghiệp thành công. Buổi hội thảo do Ban Đại Diện Đông Du. cùng phòng Hỗ trợ Doanh nghiệp Châu Á, cục kinh tế Lao Động Kawasaki phối hợp tổ chức.
Đến với buổi hội thảo, các sinh viên Đông Du không chỉ được tìm hiểu thêm về các công ty do chính những anh chị du học sinh tại Nhật Bản thành lập mà còn hiểu hơn nữa tinh thần, trách nhiệm của 1 người du học sinh đối với Tổ Quốc. Bằng chính những kinh nghiệm, những bài học quý báu từ những năm tháng sinh sống, học tập và làm việc tại 1 đất nước công nghiệp phát triển như Nhật Bản, điểm chung trong cả 3 công ty Luvina (thành lập từ nhóm 5 cựu du học sinh Tokodai), VTM (do anh Hồ Huy Cường - sempai Đông Du thành lập) và レナセンティア (do anh Nguyễn Minh Đức-du học sinh theo đường Kosen) đều là đặt chất lượng lên hàng đầu, với mục tiêu, mong mỏi củng cố,khẳng định chất lượng hàng Việt không chỉ với người dân trong nước mà với cả bạn bè ngoài nước. Lại một lần nữa, lý tưởng cố gắng học tập, để mai sau phục vụ Tổ Quốc mà mỗi du học sinh Đông Du luôn tâm niệm trong mình được khẳng định một cách mạnh mẽ, rõ ràng.
Được biết, sau rất nhiều cố gắng, ban đại diện Đông Du đã nhận được lời hứa giúp đỡ từ cục kinh tế lao động Kawasaki trong việc tạo ra nhiều cơ hội tham quan, học tập thực tế từ các cơ sở công nghiệp, các kinh nghiệm thực tế như vừa qua. Đây quả là 1 tin vui đối với sinh viên Đông Du để thực hiện ước mơ lập nghiệp, xây dựng đất nước của mình
Trò chuyện, học hỏi kinh nghiệm từ anh Hồ Huy Cường
Chụp ảnh cùng các đại diện của cục kinh tế lao động Kawasaki
Những sinh viên Đông Du tham gia buổi hội thảo
Thành Thông
----------------------------------------------------------------------------------------
Cha đẻ ATM là ai?
Bạn đang có trong tay chiếc thẻ ATM, bạn có bao giờ tự hỏi – Ai là tác giả của chiếc thẻ tiện dụng này? Hiện cha đẻ ATM đang có mặt tại Việt Nam. Nếu bạn muốn biết người đó là ai? là NGƯỜI NƯỚC NÀO? xin mời đón xem chương trình Người đương thời được phát sóng trên kênh VTV1 lúc 19h45 ngày 6/8/2006 (chủ nhật) và phát lại vào 7h45 ngày 9/8/2006 (thứ tư).
Giải mã ẩn số
“Tôi không tin”– đó là câu trả lời của đa số khán giả tại trường quay khi được hỏi “Bạn có tin cha đẻ ATM là người Việt Nam không?”.Ai cũng nghĩ đó có thể là người Anh, người Pháp, người Mỹ hay một người nước nào đó nhưng không ai nghĩ đó là người Việt Nam. Sự thật là phát minh đó mang tên một người Việt Nam – Ông Đỗ Đức Cường.
Cảm nhận đầu tiên khi được nói chuyện với ông là gần gũi, nhiệt tình và thông thái. Ông luôn trân trọng khi nói chuyện với bất kỳ ai, từ một người nông dân, anh xe ôm đến người tri thức. Bạn có thể nhìn thấy ông say sưa giải thích về các phát minh với một người tri thức mặc com lê, và bạn cũng có thể nhìn thấy một sự say sưa tương tự khi ông nói chuyện với một người nông dân chân đất.
Thích làm việc ở chân cầu thang để được gặp gỡ mọi người. Trong ví lúc nào cũng có hàng chục thẻ ATM. Là tác giả của trên 50 phát minh và sáng chế, 20 năm làm việc tại ngân hàng Citibank - Mỹ, chuyên viên cao cấp cho ngành ngân hàng Hoa Kỳ, là Đại sứ thiện chí của Liên Hiệp Quốc. Trở về Việt Nam năm 2003, hiện ông là cố vấn cao cấp cho ngân hàng Đông Á.
Ông Đỗ Đức Cường trao đổi với nhà báo Tạ Bích Loan trong trường quay
Chết đói và may mắn của số phận
Sinh ra và lớn lên ở vùng quê Đức Phổ, Quảng Ngãi. Những năm tuổi thơ nghèo khó. Các anh chị em lần lượt chết vì đói. 6 tuổi ông cũng đã chết hụt một lần và sống lại ngay kề miệng huyệt. Sau này ông luôn tự nhủ:“Phải làm giàu, không chỉ bản thân mình giàu có mà mọi người cũng phải giàu có, vì khi mình nghèo thấy số phận hẩm hiu quá!”Có lẽ đó chính là một dấu ấn góp phần tạo nên ý trí vươn lên mạnh mẽ của ông.
Từ sinh viên Y khoa thành cha đẻ ATM
Khởi đầu sự nghiệp học hành tại trường Đại học Y khoa Sài Gòn. Sau đó chuyển sang học ngành Kỹ cơ khí tại Đại học Phú Thọ (Đại học tổng hợp). 1963, trong kỳ kiểm tra của một phái đoàn của Nhật nghiên cứu về trí thông minh người Việt Nam ông là người có chỉ số thông minh cao nhất. Ông được cấp học bổng sang Nhật học tại Đại học Osaka. Ông vừa đi học vừa làm thêm tại công ty Toshiba. Một phát minh bất ngờ đã đưa ông đến Mỹ.
Gặp Giám đốc ngân hàng Citibank (Mỹ) trong một buổi ca nhạc do ông tổ chức. Ngay lúc đó ông nhận được một lời mời đến Citibank cùng đề nghị: “Dùng kĩ thuật để kiếm cho ngân hàng 1 tỉ khách hàng”.
Ông đưa ra 20 câu hỏi buộc ông chủ của Citibank phải thừa nhận 20 cái sai của ngân hàng và từ chối lời mời làm việc. Sự nhiệt tình, thẳng thắn cùng lời cam kết sẽ ủng hộ ông“lội ngược dòng”của Tổng giám đốc đã thuyết phục ông gia nhập Citibank. Mục tiêu của ông là “bình dân hoá dịch vụ ngân hàng”.
Trong thời gian này, ông đồng phát minh ra máy ATM. Đó chính là một bước tiến lớn của nhân loại trong lĩnh vực ngân hàng.
Trở về Việt Nam
Tháng 6/2003 trở về Việt Nam sau 40 năm để tham gia phiên họp đầu tiên về WTO ở Việt Nam, trợ giúp Seagames 22 và giúp WB làm bản báo cáo về viễn cảnh tốt đẹp của Việt Nam. Người đầu tiên tìm gặp lại là mẹ. Nỗi buồn sau 40 năm gặp lại mẹ lâm bệnh nặng. Chợt thấy mọi thứ trở nên vô nghĩa, ông biết rằng “Mẹ chỉ có một trên đời”. Từ bỏ mức lương cả triệu USD/năm, chấp nhận mất hết cổ phiếu chưa đáo hạn, ông rời Mỹ về Việt Nam để chăm sóc mẹ.
Tiến sĩ Đỗ Đức Cường diễn tả ý tưởng của mình
Lời khuyên cho ngành ngân hàng Việt Nam
Trở về Việt Nam cùng mong muốn góp công sức cho việc phát triển ngành ngân hàng, đưa ngân hàng đến từng người dân. Ông đã nhận lời làm tư vấn cho nhiều ngân hàng Việt Nam. Theo ông “ngân hàng Việt Nam nói chung có rất nhiều khiếm khuyết: không minh bạch và khó khăn về vốn và nguồn nhân lực”Tuy vậy theo đánh giá của ông thì chúng ta cũng có nhiều lợi thế “người Việt, đất Việt, ngân hàng Việt. 83 triệu dân, 47 ngân hàng, 5 triệu tài khoản, 2,5 triệu thẻ”.
Ông Đỗ Đức Cường đã tư vấn và đưa ra 4 lời khuyên cho dịch vụ ngân hàng:
1. Quần chúng hoá dịch vụ ngân hàng, biến ngân hàng thành dịch vụ của cả xã hội chứ không chỉ là câu lạc bộ của người giàu.
2. Bình dân hoá dịch vụ để cô bán cà phê, anh lái xe ôm cũng có thể giao dịch với ngân hàng.
3. Chuyên nghiệp hoá đội ngũ cán bộ. Để phục vụ tốt thì lúc nào cũng phải mỉm cười và coi người sử dụng dịch vụ là người tiêu dùng.
4. Hiện đại hoá đi từ dân dụng đến chuyên dụng. Đừng cạnh tranh kỹ thuật mà phải tìm hiểu nhu cầu khách hàng.
Khi được hỏi cái gì là khởi đầu cho những phát minh của ông, ông Cường trả lời: “Lúc nào tôi cũng nghĩ rằng khởi đầu của mọi tìm tòi khám phá của mình đều xuất phát từ cuộc sống. Cuộc sống khó khăn quá, cần cải thiện nó tốt hơn. Tôi tìm ra nguyên lý sống của mình là đừng xa xôi mà hãy nhìn, hãy yêu, hãy chăm sóc cuộc sống trước mắt cho thật tốt cái đã. Như thế tự nhiên thành công sẽ đến với mình”.Câu chuyện về ông Đỗ Đức Cường là câu chuyện về một con người chân chất, mộc mạc, gần gũi như chính mong muốn của ông: “Để cô bán cà phê, anh lái xe ôm cũng có thể giao dịch với ngân hàng”.
-----------
"Bí quyết để thành công là đừng đi tìm sự thành công! Hãy tiếp nhận cuộc sống một cách tự nhiên, hãy khen ngợi những cái tốt và hãy sửa sai những cái mình không vừa ý."
"Đức tính quan trọng là khiêm tốn, và hãy đặt mình vào người khác để sống."
TS Đỗ Đức Cường
http://www.nguoiduongthoi.com.vn/Desktop.aspx/NhanVatNDT/Nhan_vat/Cha_de_ATM_la_ai
Nguồn nguoiduongthoi.com
-------------------------------------------------------------------------------------------
Giải thể thao mùa Xuân Toyohashi 2009!
Trong tuần này, trên các "hot bog" đã liên tục đăng tải về sự kiện "Giải thể thao mùa Xuân 2009" vừa được diễn ra tại Toyohashi vào 2 ngày 7,8/3. Điển hình là "blog Cam thach" cho hay " Kết thúc một năm học căng thẳng, để tổng kết lại một năm cả nhà TUT tập luyện thể thao hàng tuần, Giải đã được diễn ra với sự tham gia của đại gia đình TUT (30 người Đông du, quốc phí, kosen) cùng nhiều anh chị đến từ các vùng! Tất cả những giây phút thi đấu, giao lưu trong 2 ngày đã trở thành những kỉ niệm không bao giờ quên".
Và Bamaguro ham vui cũng đã từ Yamanashi đi xuống Toyohashi tham gia . Tôi đã có buổi nói chuyện nho nhỏ với anh:
どうも お疲れ様
Tôi nghe nói anh vừa từ Toyohashi trở về, giải đấu như thế nào ?
"Vâng, giải đấu diễn ra với không khí vui vẻ, đầy tiếng cười và cũng không kém phần quyết liệt, tôi dường như bị đau êm ẩm tất cả các cơ sau hai ngày thi đấu "
Thế à, anh cảm nhận như thế nào về SV VN tại trường ?
"Mọi người chơi với nhau rất là thân tình và tự nhiên, mặc dù lần đầu tiên tôi tham gia giải nhưng có cảm giác thân quen, không có khoảng cách nào giữa chúng tôi. Khi các thành viên thi đấu với nhau thì những người còn lại đã cổ vũ nồng nhiệt. Tôi khá bất ngờ và mang một cảm giác "Việt Nam" khi ngoài những SV trong trường, còn có những anh chị đã tốt nghiệp và người thân của họ cùng tham gia giải"
Thế à, vậy thì anh đã tham gia những bộ môn gì ?
"Giải có bộ môn bóng đá, chạy tiếp sức và cầu lông, và tôi tham gia tất cả. "
Oh, giải chỉ có ba bộ môn thôi à?
"Vâng, ba môn thôi nhưng cũng đã đủ để làm tôi thở không ra hơi. Đầu tiên tôi tham gia môn bóng đá, có tất cả ba đội - Đông du, Kosen và đội "Jica + quốc phí". Đấu vòng tròn hai lượt tính điểm và Đông du đã vô địch"
Ok, vậy môn thứ hai?
"Là môn chạy tiếp sức, một đội gồm có ba người -hai nam một nữ- chạy 6 vòng quanh sân vận động. Một nam chạy ba vòng, tiếp đến là nam chạy hai vòng và vòng cuối cùng được hoàn thành bởi bạn nữ. Kết quả đội của tôi, Vân và Thạch đã giành chức vô địch"
Ok, vậy môn cầu lông thì như thế nào?
" Môn cầu lông gồm hai bộ môn - đôi nam và đôi nam nữ. Tôi tham gia ở bộ môn đôi nam cùng với Vân và giành được vị trí thứ ba. Hai bạn quốc phí "Ngọc-Bộ" giành chức vô địch, và ở đôi nam nữ "Trung-Mary-Mạnh" vô địch" (Trung do giữa trận bị chuột rút nên phải nhường quyền thi đấu cho anh Mạnh)
Thế à, để kết thúc buổi nói chuyện, xin anh có vài lời đến với các bạn ở Toyohashi !
" Xin cảm ơn tất cả các anh em Toyohashi, các bạn đã cho mình những giây phút thể thao và giao lưu thật tuyệt vời, hẹn các bạn vào dịp khác"
Rất cảm ơn anh đã dành thời gian cho buổi nói chuyện này.
Sau đây xin gửi đến các bạn vài hình ảnh từ "blog Cam thach"
Đội Jica và quốc phí
Đội Kosen
Đội Đông du
Đội cổ động
Căng thẳng trên từng đường bóng
Chạy tiếp sức
Cầu lông
Trao giải
Cầu lông
Nhất chạy tiếp sức
Vô địch bóng đá
Và các thành viên từ các vùng tham gia mùa giải
Các bạn có thể xem thêm hình ảnh và sự kiện tại "blog Cam thach"
http://blog.360.yahoo.com/blog-0nq6yo08erT2XmgfkpLrDoN1QA--?cq=1
Hồng Ân
© 2009 Dongdu.org