Người thầy cấp III của chúng tôi luôn nhắc lũ học trò: “Trong các dấu câu, các em hãy chú trọng lấy dấu hỏi”. Hỏi để biết và hỏi nghi vấn, lật ngược vấn đề.
Hồi còn cắp sách đến trường, tôi được may mắn học với thầy giáo dạy văn ba năm cấp III, nay gọi là trung học phổ thông. Thầy truyền vào chúng tôi niềm say mê văn chương, dạy chúng tôi nhiều điều hay lẽ phải, nhưng tôi nhớ nhất hai điều thầy dặn đi dặn lại lũ học trò không biết bao nhiêu lần: phải biết cách học và phải biết nghi ngờ, phản biện, hay nói như thầy là “biết cãi”...
Từ thời cổ đại, một nhà hiền triết Hi Lạp đã từng nói về thầy mình, cũng là một nhà hiền triết khác: “Ông ấy là thầy tôi, nhưng chân lý còn hơn cả ông ấy”. Như thế, cãi đây là vì chân lý, để tìm ra chân lý, xuất phát từ sự nghi ngờ lành mạnh, từ những câu hỏi trăn trở, suy tư.
Người thầy cấp III của chúng tôi luôn nhắc lũ học trò: “Trong các dấu câu, các em hãy chú trọng lấy dấu hỏi”. Hỏi để biết và hỏi nghi vấn, lật ngược vấn đề.
Chính vì phẩm chất biết nghi ngờ, biết cãi này mà Galileo, Copernic và nhiều nhà tư tưởng khác của loài người đã chấp nhận tất cả để bảo vệ chân lý, tìm ra chân lý, đưa loài người phát triển tới những miền sáng mới của tri thức.
Tính biết cãi, luôn tìm tòi, trăn trở này giúp học trò và sau này là những công dân trưởng thành của đất nước biết cách học không chỉ ở người thầy, mà rộng hơn, học suốt đời, tự học. Chính cha ông ta cũng nói: “Học thầy không tầy học bạn”, còn trong tiếng Việt có cụm từ “trường đời”. Cùng một tư tưởng trường đời, cách học từ trường đời, nhà văn Xô viết Gorki từng viết tác phẩm Những trường đại học của tôi.
Học khi mình không còn là cô cậu học trò nhỏ, khi không còn người thầy kèm cặp mình, mà cuộc sống và chính bản thân là người thầy của mình. Xã hội học tập cũng từ đây mà ra đời, tạo ra sự năng động, phát triển không ngừng.
Thiển nghĩ đức tính, phẩm chất biết cãi này cũng sẽ góp một phần hữu hiệu ngăn ngừa và loại bỏ các “khối u trên cơ thể giáo dục” nước nhà: nạn thi cử nặng nề, tốn kém, chạy theo học giả, bằng giả, học dỏm; nạn học thêm, dạy thêm tràn lan...
Bởi lẽ khi đã có tư duy độc lập, học trò không còn học chỉ để thi, đâu cần phải chạy theo thi cử, việc ra đề thi cũng hướng đến mục tiêu kích thích năng lực tư duy độc lập của học trò, nên việc học sẽ dần đi vào thực chất. Khi đã có tư duy độc lập, học trò cũng không cần phải đi học thêm vì ngay trong chính khóa các em đã biết cách động não, tự suy nghĩ, tự học...
Trong bài “Cắt bỏ ba khối u dị dạng trên cơ thể giáo dục”, GS Hoàng Tụy viết: “Cái tội lớn nhất của một nền giáo dục hư đốn chính là tạo ra nhu cầu giả tạo buộc học sinh phải học thêm ngoài giờ, tập cho họ thói quen dựa dẫm vào thầy, ngại tự học, ngại tìm tòi, suy nghĩ độc lập, cho nên cứ rời thầy ra, rời nhà trường ra là y như những con gà công nghiệp mới ra khỏi chuồng đã luống cuống tìm cách chui lại vào chuồng”.
Không lẽ chúng ta cứ năm này qua năm khác cho ra trường đời những “chú gà công nghiệp” mãi sao? Đâu rồi những chú chim ưng dũng cảm, kiêu hãnh tung cánh vào bầu trời khoáng đạt, bao la?