Một trong những thay đổi lớn trong chính sách đối ngoại Nhật Bản mấy năm gần đây là thái độ tích cực với "chủ nghĩa khu vực - regionalism" ở khu vực Đông và Đông Nam á. Hiện nay "hướng về châu á" là khẩu hiệu không những chỉ riêng giới kinh doanh mà kể cả các giới khác ở Nhật Bản. Các trường đại học "hướng về châu á" do đó cũng không phải là ngoại lệ.
"Học hỏi phương Tây, đuổi kịp phương Tây, vượt qua phương Tây "là mục tiêu cơ bản của Nhật Bản cận đại từ thời Minh Trị. Các trường đại học là công cụ phục vụ mục tiêu cơ bản này. Các trường đại học Nhật Bản trong thời kỳ trước Chiến tranh Thế giới thứ II được xây dựng theo mô hình phương Tây và sứ mệnh cơ bản của các trường đã là nơi đón nhận, giới thiệu và đào tạo khoa học kỹ thuật hiện đại của phương Tây cho các thế hệ trẻ Nhật Bản. Nên các trường đại học Nhật Bản khi đó đã mang tính chất "hướng về Phương Tây" rất mạnh.
Nhưng sau khi Nhật Bản đạt mục tiêu cơ bản "Học hỏi phương Tây, đuổi kịp phương Tây, vượt qua phương Tây" này và lâm vào khủng hoảng về mặt mục tiêu cơ bản của mình, một số trường đại học Nhật Bản xem xét lại định hướng cơ bản của mình và bắt đầu hành động "hướng về châu á". Dưới đây, tôi sẽ giới thiệu trường hợp của trường mình, tức là Trường Đại học Tokyo.
Có ba sự kiện chứng minh "Trường Đại học Tokyo đang hướng về châu á".
Một là, năm 2001 Trường Đại học Tokyo xây dựng danh sách cán bộ nghiên cứu của trường đang quan tâm đến khu vực châu á. Đây là danh sách các nhà khoa học xã hội và nhân văn đang nghiên cứu các nước thuộc khu vực này và các nhà khoa học tự nhiên đang triển khai thí nghiệm hoặc điều tra điền đề ở khu vực châu á. Khoảng 480 cán bộ nghiên cứu của trường đăng ký danh sách này. Con số 480 là con số chiếm 12% của tổng số cán bộ nghiên cứu của trường. Đánh giá về con số 480 này là nhiều hoặc vẫn ít là một vấn đề, nhưng nếu so với trước thì xu thế tăng lên rất rõ ràng. Thí dụ, cách đây 30 năm số cán bộ nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn chuyên đề về khu vực Đông Nam á mới chỉ là 2 người, nhưng hiện nay con số này lên đến 12 người và nếu gồm cả lĩnh vực khoa học tự nhiên thì số cán bộ quan tâm đến Đông Nam á hiện này lên tới 120 người.
Hai là, tình hình ngoại ngữ thứ hai của sinh viên. Trường Đại học Tokyo yêu cầu sinh viên mới vào trường học một ngoại ngữ mà chưa học ở giai đoạn giáo dục trung đẳng. Đại bộ phận sinh viên đã học tiếng Anh ở giai đoạn giáo dục trung đẳng nên sau khi vào Trường Đaị học Tokyo thì phải lựa chọn một trong 6 thứ tiếng là tiếng Pháp, tiếng Đức, tiếng Nga, tiếng Tây - ban - nha, tiếng Trung Quốc và tiếng Hàn Quốc. Năm 1988 trong số 3418 người sinh viên mới vào trường số sinh viên lựa chọn tiếng Trung Quốc là 284 người, chiếm 8,3% tổng số sinh viên (năm ấy tiếng Hàn Quốc chưa giành địa vị ngoại ngữ thứ hai). Nhưng năm 2002 trong số 3312 sinh viên, số lựa chọn một trong hai thứ tiếng Trung Quốc và tiếng Hàn Quốc lên đến 948 người, chiếm 28,6% tổng số sinh viên. ở đây vẫn còn có vấn đề thứ tiếng giành địa vị ngoại ngữ thứ hai mới chỉ là hai thứ tiếng Trung Quốc và Hàn Quốc, và số sinh viên lựa chọn tiếng Hàn Quốc chưa lên đến 100 người, vẫn quá ít so với tầm quan trọng mối quan hệ của Hàn Quốc đối với Nhật Bản. Nhưng nếu nghĩ tới cách đây 10 năm việc sinh viên học tiếng khu vực châu á là hiện tượng "kỳ lạ" thì xu thế thay đổi như vậy đã rất rõ nét.
Ba là cơ cấu lưu học sinh nước ngoài học ở Trường Đại học Tokyo. Năm 2001 số lưu học sinh nước ngoài của Trường Đại học Tokyo là 2037 người, trong đó lưu học sinh xuất thân các nước Đông á, Đông Nam á và Nam á chiếm 82%, tức là 1680 người. Nói cụ thể hơn, đông nhất là lưu học sinh Trung Quốc 629 người, thứ hai là lưu học sinh Hàn Quốc 490 người, thứ ba là Đài Loan 117 người, thứ tư là Thái Lan 106 người, thứ năm là Indonesia 81 người, thứ sáu là Việt Nam 53 người. Như thế thì có thể khẳng định được rằng căn cứ vào cơ cấu lưu học sinh nước ngoài mà nói thì Trường Đại học Tokyo trên thực tế là "trường đại học của khu vực châu á".
Trên cơ sở những hiện tượng kể trên, Trường Đại học Tokyo đang triển khai một số biện pháp tăng cường mối quan hệ với khu vực châu á. Trường Đại học Tokyo đang xây dựng văn bản Hiến chương, tức là cương lĩnh của mình. Phần lời mở đầu của dự thảo Hiến chương khẳng định vị trí quốc tế của Trường Đại học Tokyo như sau; Trường Đại học Tokyo luôn luôn coi mình là một trường đại học Nhật Bản ở khu vực châu á, phát huy tích luỹ nghiên cứu khoa học đặc sắc của Nhật Bản, tăng cường hơn nữa mối quan hệ hợp tác với khu vực châu á, và xúc tiến giao lưu với tất cả các khu vực trên thế giới. Đây là một chứng cứ rõ "Trường Đại học Tokyo đang hướng về châu á".
Bước vào thế kỷ 21, Trường Đại học Tokyo nên hướng về châu á như thế nào? Tôi nghĩ rằng có ba điều quan trọng. Một là tính chất mở của mối quan hệ hợp tác khu vực châu á. Tăng cường mối quan hệ với châu á không có nghĩa là Trường Đại học Tokyo bỏ mối quan hệ với Âu Mỹ mà quay về châu á. Việc hợp tác châu á không nên trở thành trở ngại với việc phát triển mối quan hệ với các khu vực khác. Tôi lấy thí dụ cụ thể hơn. Mấy năm nay bốn trường đại học ở thủ đô bốn nước Đông á, tức là Trường Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Bắc Kinh, Trường Đại học Quốc gia Seoul và Trường Đại học Tokyo tổ chức Hội thảo định kỳ mỗi năm một lần bàn về hợp tác trên lĩnh vực giáo dục đại học. Trong hội thảo giữa bốn trường này người ta coi trọng giao lưu nghiên cứu và giảng dạy về Âu Mỹ, là vì việc nghiên cứu và giảng dạy về Âu Mỹ vẫn chiếm vị trí quan trọng ở các trường đại học Đông á. Hợp tác giữa bốn trường đại học Đông á không nên loại trừ khả năng phát triển hợp tác trên lĩnh vực nghiên cứu và giảng dạy về Âu Mỹ.
Điều thứ hai tôi thấy quan trọng là mối quan hệ bình đẳng giữa các chủ thể giao lưu học thuật ở khu vực châu á. Trường Đại học Tokyo không coi mình là địa vị "trung tâm" hoặc "đàn anh" giữa các trường đại học ở khu vực này. Điều này quan trọng là vì nếu không làm như thế thì các bạn châu á dễ hiểu nhầm rằng Trường Đại học Tokyo theo đuổi ý tưởng khôi phục lại cái gọi là "vùng thịnh vượng chung Đại Đông á" như thời kỳ Chiến tranh Thế giới thứ II.
Điều quan trọng thứ ba là tính chất phổ biến của phát ngôn từ châu á. Khi nghĩ đến hợp tác khoa học và giao lưu văn hoá giữa các nước Đông á thì nhiều người cho rằng văn hóa truyền thống Đông á và giá trị truyền thống Đông á là nền tảng hợp tác và giao lưu. Tôi không có ý định phủ định mất ý nghĩa của truyền thống hoặc giá trị Đông á, nhưng cho rằng cái quan trọng hơn cả là Đông á phải phát ngôn những thông tin mang tính chất phổ biến cho nhân loại. Nếu "văn minh Đông á" không phát đi được những giá trị phổ biến thì tính phổ biến vẫn là sản phẩm độc chiếm của phương Tây. Như thế thì người ta không vượt qua được tình hình "hiện đại hoá" hoặc "toàn cầu hoá" đồng nghĩa với "phương Tây hoá". Tôi tin rằng thế kỷ 21 là thế kỷ châu á góp phần xứng đáng vào việc tạo ra văn minh nhân loại mới và trong đó vai trò của các trường đại học gồm Trường Đại học Tokyo không nhỏ.
GS. TS. Furuta Motoo
Trường Đại học Tokyo, Nhật Bản