Ngài Yoshida Kiyoshi giản dị
Đã gửi: Sáu T3 09, 2007 6:00 am
TT - Ở xã Hải Thượng, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị có một ngôi trường được người dân gọi với cái tên kính trọng: Trường Yoshida.
Đó là tên của một ông giáo già người Nhật, ông Yoshida Kiyoshi. Hàng chục năm qua, ông chắt chiu từng đồng lương nhà giáo để qua miền đất này xây cho học trò nghèo một ngôi trường...
Các em đang rất khó khăn
Nhiều thế hệ học sinh xã Hải Thượng được học ở ngôi trường Yoshida đã lớn lên, ra đi khắp mọi miền đất nước. Hằng ngày, trước khi bước lên cầu thang vào lớp, dòng chữ “Ngôi trường của ông bà Yoshida Kiyoshi thân tặng” cứ lấp lánh trong đôi mắt các em. Nhưng ông Yoshida Kiyoshi hào hiệp và tốt bụng ở nước Nhật xa xôi chỉ có trong trí tưởng tượng của các bạn nhỏ.
Và rồi một ngày cuối tháng 12-2006, bất ngờ ông Yoshida xuất hiện. Cả trường ríu rít tiếng chào của học trò dành cho ông: “Xin chào ngài Yoshida Kiyoshi! Xin chào ngài Yoshida Kiyoshi!”. Rồi các cô cậu học trò nhìn nhau: Ơ, sao ngài Kiyoshi giản dị quá, chẳng có chút gì là người giàu có cả...
Ông giáo già người Nhật lấy chiếc khăn tay lau những giọt nước mắt xúc động và chân tình: “Tôi vui mừng vì ngôi trường được các em cẩn thận giữ gìn. Ngôi trường là món quà không lớn nhưng tôi phải chắt chiu từ những đồng lương giáo viên của mình hàng chục năm mới có được.
Tôi mong các em hiểu tuy cuộc sống đã nhiều thay đổi nhưng các em đang có một hoàn cảnh khá khó khăn so với nơi khác. Các em phải cố gắng phấn đấu để sau này khi trưởng thành làm được những việc thiết thực, giúp ích cho gia đình, xã hội”.
Tôi nhớ đến tôi
Ngày đó thành phố Osaka, quê hương của ông Yoshida Kiyoshi, cũng giống như Quảng Trị những ngày sau chiến tranh. Tất cả nhà cửa, ruộng vườn đều tan hoang, đổ nát. Con người chết chóc, ly tán trước sự hủy diệt của bom đạn Mỹ.
Yoshida Kiyoshi lúc đó đang học lớp 2, phải vừa đi học vừa làm thuê kiếm tiền nuôi thân. Ông luôn tâm niệm phải cố gắng học tập để góp một phần nhỏ sức mình vào quá trình phục hồi và phát triển kinh tế của Osaka. Chỉ có học tập tốt là con đường duy nhất để phụng sự bản thân và quê hương, ông được dạy như thế.
Khi ông Yoshida Kiyoshi đến tuổi trưởng thành cũng là lúc đất nước VN đang đương đầu với cuộc chiến tranh chống Mỹ. Qua sách báo nước ngoài lúc ấy viết về VN, đặc biệt qua người bạn của ông - một phóng viên ảnh người Nhật ở chiến trường VN, ông Yoshida Kiyoshi có thêm điều kiện hiểu về một VN đau thương.
“Mỗi lần đọc sách báo thấy hình ảnh các trẻ em nghèo Quảng Trị thất học, phải đi tìm phế liệu chiến tranh, những thứ đã từng giết chết con người VN trước đây, bán kiếm tiền nuôi thân tôi quá cảm động. Nhìn học sinh Quảng Trị tôi nhớ đến tôi hồi nhỏ. Hồi còn là học sinh tôi rất nghèo. Tôi ước gì được một lần đến thăm các bạn để giúp một việc làm nho nhỏ nhưng vẫn chưa có điều kiện để thực hiện ý tưởng của mình” - ông Yoshida Kiyoshi lại chặm nước mắt.
Thế rồi một ngày Trường trung học TenoJi, nơi ông đang dạy, kỷ niệm 100 năm ngày thành lập. VN là một trong sáu nước của châu Á - Thái Bình Dương vinh dự được mời đại diện học sinh đến dự lễ. Tại buổi lễ, ông gặp bạn Lê Châu Anh, học sinh Trường chuyên THPT Lê Hồng Phong TP.HCM, khách mời danh dự duy nhất của VN.
Sự thông minh, nhanh nhẹn của Lê Châu Anh để lại ấn tượng đẹp về người VN trong lòng ông giáo người Nhật. “Sau khi gặp được Lê Châu Anh và may mắn quen một cô gái người Quảng Trị, tôi quyết định nhờ cô giới thiệu để mình thực hiện ước mơ xây tặng các bạn một ngôi trường. Tôi đã ấp ủ ý tưởng này rất lâu nhưng đến bây giờ mới gặp duyên” - ông từ tốn kể.
Để có ngôi trường mang tên Yoshida
Ông Yoshida Kiyoshi không phải là một người giàu có. Bốn người con gái của ông lúc còn là sinh viên hằng ngày sau buổi đến trường phải đi rửa chén bát, làm thêm ở các nhà hàng kiếm tiền ăn học. Với ông Yoshida Kiyoshi, động viên các con đi làm thêm kiếm tiền là một cách giáo dục rất thực tế để tuổi trẻ hiểu thêm về giá trị của cuộc sống.
Còn ông, suốt cuộc đời chắt chiu, dành dụm từ lương được 100.000 USD, ông gửi sang VN xây trường tặng học sinh nghèo: 80.000 USD tặng Quảng Trị xây Trường THCS xã Hải Thượng, 20.000 USD còn lại giúp TP.HCM xây dựng trung tâm trẻ tàn tật. Đó là năm 1999. Trường có qui mô một trệt, một lầu với 14 phòng học, thư viện, nhà làm việc giáo viên.
Rất muốn năm nào cũng trở lại VN thăm học sinh nhưng ông Yoshida Kiyoshi phải nén lại lòng mình. Hằng năm, ông lại dành dụm khoản tiền vài ngàn USD gửi sang để trường sơn quét, tu bổ cho tươm tất. Một điều ít ai biết: ông Yoshida Kiyoshi đã xin nghỉ hưu trước thời hạn gần năm năm để sớm thực hiện được ước mơ xây ngôi trường nhỏ cho trẻ em Quảng Trị.
“Tôi rất vui mừng và tự hào vì được nhìn thấy các em học sinh vui chơi, học hành chăm ngoan dưới ngôi trường” - ông giáo nói. Câu chuyện ông kể làm nhiều trò nhỏ cảm kích: hằng ngày gia đình ông sống rất đạm bạc, vợ chồng ông không đi du lịch, dành lại khoản tiền dư chút ít hằng tháng tặng học sinh nghèo VN...
Trong buổi gặp, ông thân tình thổi kèn harmonica bản nhạc Quê hương tặng các bạn nhỏ. Chiếc kèn là một kỷ vật được mẹ ông tặng hơn 50 năm trước khi ông còn là học sinh. Ông bảo đó là một bản nhạc trong sáng và rất đẹp trong cuộc sống đời thường.
LÂM KHÁNH
( trích từ báo tuổi trẻ Thứ Năm, 01/03/2007)
http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=18907 7&ChannelID=89
------------
Đọc xong bài này thật sự thấy xúc động về tấm lòng của một người thầy giáo già.Đến Nhật,sống ở Nhật hơn 2 năm,đi lại cũng nhiều,tôi thật sự cảm thấy tấm lòng con người nơi đây thật đáng quý.Một lời chào,một câu hỏi thăm,một nụ cười tuy thật đơn giản nhưng cũng quá đủ ấm lòng những đứa con xa xứ như chúng tôi.ありがとう.