GỬI SINH VIÊN ĐÔNG DU ĐANG DU HỌC TẠI NHẬT
Thứ Hai 16 tháng 7 tới, Trường sẽ khai giảng Khoá 63. Công việc kiểm điểm kết quả giảng dạy Khoá cũ và chuẩn bị cho Khoá mới, Trung tâm Nguyễn Huệ phải dời về Trường Phổ thông Trung học Gia định (kể từ nay được gọi là Trung tâm Gia định ) cũng như việc phát hiện một số sinh viên có học lực không đạt (về Nhật ngữ cũng như về các môn cơ bản) đòi hỏi phải xử lý ngay, khiến Thầy bận tối ngày, hết Hồ văn Huê lại phải chạy qua Bầu Cát. Chiều qua các buổi học tập dành cho các Giảng viên người Nhật và người Việt đã chấm dứt. Hôm nay thong thả ngồi viết thư cho các Em.
Trước hết về chuyện của Trường, sắp tới sẽ là Khoá 63, nghĩa là Trường đã được 16 tuổi 3 tháng (thành lập tháng 4 năm 1991), đã hoàn tất được 62 khoá đào tạo. 16 năm một thời gian không dài lắm, nhưng cũng đầy cam go. Từ một phòng học duy nhất đi thuê đủ cho 19 học viên ngồi , giảng viên không có bàn, cũng chẳng có ghế ngồi, tại số 375 bis Điện biên Phủ quận 10, nay Đông du có số học viên lên tới trên 5.000 người, có một đội ngũ giảng viên hùng hậu hơn 10 người Nhật và khoảng 60 người Việt (chỉ chuyên dạy cho Đông du, không dạy cho bất cứ một Trường nào khác), có một trụ sở chính bề thế tại Hồ văn Huê quận Phú Nhuận; một Trung tâm đào tạo Du học sinh và Tu nghiệp sinh (Trung tâm Bầu Cát, quận Tân bình) cũng khá đồ sộ; cộng thêm là 2 chi nhánh, Trung tâm Hồ thị Kỷ, Quận 10; Trung tâm Gia định, Quận Thị Nghè. Trường có uy tín nhất định trong lãnh vực giảng dạy Nhật ngữ, đào tạo từ Vỡ lòng cho tới cấp bậc cao nhất là các lớp Luyện thi Ikkyu. Trường đã gửi được 522 sinh viên đi du học (khoảng 50 người đã về nước. Hội Khuyến học Đông du, nay đã có 3 quỹ học bổng, Lá Xanh, Mai Vàng và Huynh đệ Đông du, với số học bổng cấp trên 3000 suất, đã xây dựng được 15 trường học cho các vùng sâu vùng xa, và hàng năm đều có tổ chức Cây Mùa xuân cho Trẻ Em nghèo (cấp khoảng 3000 bộ quần áo đồng phục để mặc ngày Tết và đi học). Trường rất hãnh diện về những công việc đã làm.
Để đạt được những thành quả nói trên Trường cũng phải trả một giá khá đắt. Điều Thầy buồn nhất là sự bỏ Trường ra đi của rất nhiều Thầy cô giáo, không nghĩ tới việc Trường đã bỏ nhiều công sức, tiền bạc để đào tạo họ (tất nhiên khi vào Trường họ đều hứa sẽ làm việc lâu dài). Thầy cũng buồn khi nghĩ tới những sinh viên Thầy đã gửi đi du học, tất cả đều hứa hẹn sẽ học tập và trở về phục vụ quê hương tổ quốc, nhưng một số tốt nghiệp xong đã quên lời hứa ở lại ngoại quốc vì quyền lợi hạnh phúc cá nhân, một số có về nước làm việc, nhưng coi như không có liên hệ gì với Đông du, cả chuyện tới chào Thầy một lần, và cũng có những người quay ra nói xấu Thầy, nói xấu Trường. Thầy đã không nghĩ là mình sẽ phải nhận những trái chua đến như vậy. Trường gặp khó khăn nhiều lần vì sự ra đi của một số giảng viên chủ chốt (kéo theo cả những thân của họ). Nhưng Thầy được an ủi phần nào khi thấy vẫn có những người sống có tình, có nghĩa, hiểu lý tưởng của Đông Du, vẫn cố gắng làm việc cho Trường, vẫn hăng say học tập, tích cực giúp đỡ sinh viên du học sau mình. Thầy tuy tuổi đã cao, nhưng vẫn không nản chí, vẫn vững tin ở tương lai.
Việc đào tạo du học sinh đang được thực khá nghiêm khắc. Các năm trước, quả có chuyện một số sinh viên có học lực không tốt được đi du học. Lý do là còn nặng chuyện tình cảm. Những kết quả thực tế đã khiến Trường phải xét lại, từ nay trở đi chỉ những người có đủ khả năng theo học tại Nhật mới được cho đi du học. Khả năng ở đây được hiểu là, SV phải học ở Trường tối thiểu là 12 tháng (có người sẽ phải học dài hơn, 18 tháng hay 24 tháng), phải thi ở Trường, phải thi Ryu và phải đạt mức chuẩn đề ra (70% điểm tối đa cho các kỳ thi của Trường, trên điểm trung bình của thi Ryu, điểm này thay đổi ít nhiều vì đối tượng thi và độ dễ khó của đề thi) về cả Nhật ngữ lẫn các môn cơ bản. Chuyện này, có lẽ có người nghĩ làkhó khi so sánh với kết quả thi của những SV đã đi du học. Nhưng Thầy tin rằng có thể đạt được, vì thời gian học đã được kéo dài gấp đôi, vì đã có một đội ngũ thầy cô kinh nghiệm, nhất là có tối 7 thầy chuyên dạy Toán, Lý, Hoá, và cả Sinh nữa (tất cả đều đã đọc được sách giáo khoa bằng Nhật ngữ). Người không đạt sẽ phải nghỉ học, và nếu chưa đạt phải kéo dài thường gian học ở Việt nam. Chuyện chọn người cho đi còn đòi hỏi một yếu tố nữa là thái độ học tập, thái độ sống, và ý thức trách nhiệm với xã hội. Chỉ có vậy Chương trình Du học Đông Du mới có ý nghĩa.
Số hồ sơ đang ký xin đi du học năm 2008 hiện là 455. Phải đợi kết quả thi đại học mới có con số chính thức, vì chuẩn xét kỳ này là phải đạt điểm thi đại học trên 20 điểm, không biết cuối cùng còn lại bao nhiêu người. Nhưng bất kỳ tình huống nào Trường cũng không hạ chuẩn. Nếu cần, chấp nhận giảm bớt số người gửi đi du học để bảo đảm chất lượng. Trường thi sẽ được tổ chức, tại Nam định (do Hội Khuyến học Nam định tổ chức vào ngày 15-16/8 cho các thí sinh đến từ các tỉnh Nam sông Hồng miền Bắc, tại Hải dương (do Hội Khuyến học Hải dương tổ chức vào ngày 17-18/8 cho thí sinh các tỉnh Bắc sông Hồng ), tại Đà nẵng (do Hội Khuyến học Đà nẵng tổ chức ngày 21-22/8 cho các thí sinh Miền Trung) và tại Tp Hồ chí Minh (do chính Trường tổ chức vào ngày 24-25/8 cho các thí sinh miền Nam). Kỳ này chỉ có một bài luận văn nhỏ (30 phút) và phỏng vấn. Học lực cơ bản sẽ căn cứ theo kết quả thi đại học, bài luận văn và phỏng vấn nhằm tìm được những người có ý chí, nghị lực, và lý tưởng yêu nước (Đông du đòi hỏi SV đi du học phải về nước xây dựng đất nước).
Đó là những chuyện về Trường, còn chuyện học và sinh hoạt của các em ra sao? Thầy lo cho các bạn đi Trường năm tới. Không biết họ đã chuẩn bị tốt cho kỳ thi Ryu 11/11 tới chưa. Vài ngày nữa sẽ có kết quả thi ngày 19/6 rồi, sinh viên các Trường Nhật ngữ nhớ báo kết quả về Thầy nghe.
Về chuyện chọn ngành học Thầy lưu ý các em về các nhu cầu phát triển đất nước, như xây dựng (nhất là xây dựng bến cảng, thuỷ điện, đường hầm ), hoá dầu , công nghiệp chế biến thực phẩm , điện, điện tử, cơ khí tổng quát, cơ khí chế tạo máy, cơ khi chính xác, hoả xa, khai khoáng . . . .Và tạm hoãn nghĩ tới những ngành công nghiệp kỹ thuật cao, vì chúng ta chưa có các công nghiệp cơ bản, công nghiệp kỹ thuật thấp, làm sao tạo dựng được các công nghiệp kỹ thuật trung hay cao trừ trường hợp nằm mơ. Các đại học công (quốc lập, tỉnh lập hay thành phố lập) tất cả đều tương đối tốt, hãy chọn những trường ít người thi dễ vào, và có nhiều hy vọng có học bổng.
Với các bạn đã vào đại học, Thầy cảnh cáo là chuyện học ở Đại học không dễ như các em tưởng. Các môn học của năm thứ nhất và thứ hai rất quan trọng cho việc học tiếp năm thứ ba. Phải đăng ký học và thi đủ các môn học bắt buộc, vì thiếu một môn cũng không tốt nghiệp được, và tất cả các kiến thức này đều cần khi ra đời làm việc.
Thầy được biết nhiều bạn đã coi thường, đã về thăm gia đình mỗi kỳ hè thay vì dùng thời gian này để ôn tập, để học vững hơn, đã không đậu nhiều môn học, hầu như không có triển vọng được học lên năm thứ ba, và có thể không thể tốt nghiệp được, mặc dầu họ vốn rất giỏi đậu vào những đại học danh tiếng. Hè sắp tới Thầy mong tất cả nhớ ôn tập lại phần đã học, nhất là những phần còn yếu, và chuẩn bị cho phần sẽ học khi vào hè, chuyện về thăm VN hay gia đình nên giới hạn ở mức tối đa (dẫu cho có người đài thọ chi phí).
Thầy đang lập kế hoạch đi Nhật thăm các em và đi cùng SV mới đi du học vào cuối tháng 9 tới. Thầy sẽ tới các thành phố các em đang học. Hy vọng sẽ được gặp các em, và nghe các ý kiến về Trường, về chuyện chuẩn bị du học, chuyện sống và học tại Nhật, và về cả chuyện tổ chức của tập thể SV Đông Du tại Nhật.
Thư đã dài rồi, để dành một phần để nói chuyện với các em khi gặp lại. Chúc các Em sức khoẻ, nhiều thành quả tốt trong học tập.
Ngày 18/7/2007
Thầy Nguyễn đức Hòe