Phát triển nhanh, bền vững là kế giữ nước lâu dài.
Đã gửi: Chủ nhật T2 03, 2008 8:33 pm
Khác với không khí thi cử bận rộn ở Nhật, ở Việt Nam đang tấp nập chuẩn bị cho cái Tết Mậu Tý 2008 đang đến gần. Nhân dịp đầu xuân, xin được giới thiệu nội dung tóm tắt bài phát biểu của Giáo sư trường đại học Waseda Trần Văn Thọ tại buổi tọa đàm "Đêm không ngủ" hướng về Trường Sa- Hoàng Sa cách đây ít lâu. Xin được "bật mí" với mọi người, phần đầu bài viết này đã được đăng lên báo Tết Đà Nẵng năm nay.
Từ Lý Thường Kiệt, Nguyễn Trãi đến thời đại ngày nay: Phát triển nhanh và bền vững là kế giữ nước lâu dài
Dân tộc Việt Nam quả khí phách và đầy trí tuệ. Trong suốt 1000 năm bị phong kiến phương Bắc đô hộ lúc nào cũng có anh hùng đứng lên quyết đuổi ngoại xâm, dành lại bờ cõi. Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Triệu Quang Phục, Mai Hắc Đế, Phùng Hưng, Khúc Hạo, Ngô Quyền, v.v. Sau khi dựng được nước dân ta đã bao lần lập những chiến công vô cùng hiễn hách đuổi quân xâm lăng. Điểm lại vài cái mốc ta thấy trí tuệ của ông cha ta ngày càng được đưa lên tầm cao hơn và nhờ đó dân tộc càng mạnh, đất nước càng bền vững. Thời đại mới bắt đầu từ những năm Đinh Hợi và Mậu Tý trong thập niên đầu của thế kỷ 21 lại tạo cho ta những thế và lực mới.
Thử đọc lại bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên ta sẽ thấy khí phách Đại Việt đã cao vút từ cuối thế kỷ 11:
Nam quốc sơn hà Nam đế cư,
Tiệt nhiên phân định tại thiên thư…
Chữ “đế” ở đây có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Kể từ thời Tần thủy hòang, các hòang đế Trung Quốc cho mình là chủ thiên hạ, là thiên tử được trời giao cho sứ mệnh chăn dân, các nước khác chỉ là chư hầu, hoàng đế của Trung Quốc phong vương cho vua các nước bị gọi là chư hầu nầy. Nhưng Lý Thường Kiệt không thừa nhận trật tự áp đặt đó, không chịu để vua ta nhận chữ vuơng mà khảng khái chủ truơng rằng cũng có một hòang đế ở phía Nam, ngang hàng với hòang đế phương Bắc.
Nếu Lý Thường Kiệt chứng minh chủ quyền của đất nước phương Nam bằng một tin tuởng có tính cách huyền thoại (được ghi trong sách trời) thì 350 năm sau Nguyễn Trãi trong Bình Ngô Đại Cáo (được giới sử học xem là tuyên ngôn độc lập lần thứ hai) đã chứng minh điều đó bằng những luận cứ khoa học và sự thật lịch sử đầy tính thuyết phục:
Như nước Đại Việt ta từ truớc
Vốn xưng nền văn hiến đã lâu
Cõi bờ sông núi đã riêng
Phong tục Bắc Nam cũng khác
Trải Triệu, Đinh, Lê, Lý, Trần mấy đời dựng nước
Cùng Hán, Đường, Tống Nguyên đều chủ một phương…
Nguyễn Trãi đã nhấn mạnh bốn điểm: Việt Nam từ lâu đã là một nước văn minh, có bờ cõi riêng, có phong tục riêng, và có các triều đại đường đường sánh với các triều đại ở phương Bắc.
Gần 600 năm từ Bình Ngô Đại cáo, ngày nay thế và lực của Việt Nam đã khác hẵn, nhất là đã tạo được uy tín và chỗ đứng đáng kể trong cộng đồng khu vực và thế giới. Nếu Nguyễn Trãi sống vào thời đại này có lẽ ông sẽ viết tuyên ngôn Hòang Trường Sa Đại Cáo với những câu như sau:
Đất nước rồng tiên 85 triệu đồng bào có bè bạn khắp năm châu
Cộng đồng ASEAN phương Nam ngày càng bền chặt
Quan hệ chiến lược phía mặt trời lên từng ngày vững chắc
Thương trường thế giới đón chào ở WTO
Chính truờng tòan cầu Hội đồng bảo an dành chỗ đứng
Sức mạnh Việt Nam đang từng ngày bền vững.
Hòang Sa, Trường Sa là của Vịệt Nam
Không cần xem thiên thư chỉ cần soi trong sách sử
Chân lý sáng ngời ở phía nước Nam
Sức mạnh của thời đại đang tạo cho Việt Nam một cái thế vững và thuận lợi hơn bao giờ. Nhưng sức mạnh dân tộc phải được khơi dậy, nuôi dưỡng và động viên vào công cuộc phát triển mới làm cho dân giàu hơn, nước mạnh hơn. Chấn hưng giáo dục, chấn hưng đạo đức, triệt để thực hiện nguyên tắc bình đẳng trong cơ hội để người tài được trọng dụng. Lãnh đạo cần áp dụng sáng tạo ý tưởng “khoan thư sức dân” của Trần Hưng Đạo để doanh nghiệp phát triển thuận lợi, để nhà nhà có điều kiện tiếp cận với giáo dục, với y tế. Cả nước đồng lòng, hắng hái học thật, làm thật, tạo ra một xã hội tin cậy, hướng thượng là điều kiện để có một nước Việt Nam giàu mạnh.
Các em sinh viên Đông Du có thể và phải có vai trò đóng góp vào việc xây dựng một xã hội tin cậy, hướng thượng, vào việc xây dựng một đất nước phát triển, giàu mạnh. Học tập ở Nhật Bản có nhiều thuận lợi và nhiều ý nghĩa đối với nhu cầu phát triển của Việt Nam không phải chỉ về mặt khoa học, kỹ thuật, công nghệ mà còn ở tinh thần cầu học, tác phong học thật, làm thật, ở phương châm chú trọng văn hóa, đạo đức trong quá trình phát triển, ở kinh nghiệm đòan kết dân tộc và ý chí theo kịp các nước tiên tiến. Phong trào Đông Du hơn 100 năm truớc không thành công do bối cảnh chính trị quốc tế nghiệt ngã, nhưng phong trào Đông Du ngày nay ở trong một tình thế vô cùng thuận lợi, quan hệ Việt Nam-Nhật Bản đã được đưa lên tầm đối tác chiến lược từ năm 2006, hai nước ngày càng có tiếng nói chung về Cộng đồng Đông Á, và nhất là chính phủ và doanh nghiệp Nhật đang muốn xây dựng quan hệ lâu dài với nước ta.
Ngày xuân nhớ lại chiến thắng lẩy lừng đầu năm Ất Dậu 1789:
Băng băng đuốc lửa rừng gươm giáo,
Khí thế quân Nam nước lũ tràn
Khuya tối mồng năm liên tiếp sáng
Hạ Hồi thất thủ Ngọc Hồi tan
(thơ Từ Trẫm Lệ)
với câu nói đanh thép truớc khi xuất quân của Nguyễn Huệ: “Đả cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ” (Đánh cho chúng biết nước Nam anh hùng là có chủ). Có thể dùng câu nầy để tổng kết sự nghiệp giữ nước của ông cha ta trong 2000 năm qua. Ngày nay cũng với ý chí sắt đá, ta có thể đổi câu ấy thành: “Phát triển cho thế giới thấy ta là một dân tộc có trí tuệ”.
Tokyo, đầu xuân 2008