Tinh thần và hào khí Đông A
Đã gửi: Bảy T5 10, 2008 9:30 pm
Suốt mấy nghìn năm dân tộc ta luôn phải đối phó với giặc ngoại xâm. Và cuộc chiến đấu chống quân Nguyên-Mông là một trong những thử thách quyết liệt nhất trong lịch sử.Giặc Nguyên với sức mạnh của một đế quốc rộng lớn gấp trăm lần nước ta lúc bấy giờ ,đã ba lần sang xâm lược nước ta vào các năm 1258,1285,1287 và đã ba lần bị đánh bại.Nhưng để có thể chiến thắng một cách oanh liệt đao quân xâm lược khét tiếng hung hãn từ Á sang Âu trong thế giới trung cổ như quân Nguyên Mông không phảI là điều dễ dàng.Phải có khí thế quyết chiến và tinh thần đoàn kết cao mới có thể đương đầu với quân xâm lược.Tiếng hô “đánh” đồng thanh của các bô lão trong hội nghị Diên Hồng và hai chữ “Sát Thát” trên cánh tay quan quân đã phần nào nói lên được hào khí oai hùng của một thời đại:hào khí Đông A-hào khí đời trần.Hào khí đó là của nhân dân,hào khí đó cũng lại là của những anh hùng dân tộc như Trần Quốc Tuấn,Trần Quang Khải,Phạm Ngũ Lão…Hào khí đó không những thể hiện trong chiến đấu mà cả trong xây dựng,trong nền văn hoá dân tộc với bản sắc rất độc đáo.Cuộc chiến đấu gian khổ nhưng vẻ vang đã tôi luyện thêm ý thức dân tộc và truyền thống yêu nước của nhân dân ta.ý thức ấy,truyền thống ấy đã được văn học đời Trần biểu hiện trong nhiều tác phẩm ở nhiều khía cạnh khác nhau.
Người chiến tướng đảm lược,người anh hùng dân tộc Trần Quốc Tuấn trong bài “Hịch tướng sĩ” gửi cho các tì tướng nhân dịp truyền thụ sách”Binh gia diệu lí yếu lược ”đã phát biểu chủ nghĩa yêu nước lúc bấy giờ.Lòng căm thù giặc và ý chí quyết chiến của tác giả đã thể hiện như sau:
“Ta thường tới bữa quên ăn,nữa đêm vỗ gối ;ruột đau như cắt nước mắt đầm đìa;chỉ căm tức chưa xả thịt lột da ,nuốt gan uống máu quân thù;dẫu cho trăm thân này phơi ngoài nội cỏ,nghìn xác này bọc trong da ngựa ta cũng cam lòng.”
Nhìn thấu suốt dã tâm của giặc, nhận thức rõ mối hoạ của tổ quốc ,Trần Quốc Tuấn đã tiêu biểu cho tinh thần cảnh giác của dân tộc.Đặt việc giết giặc lên hàng đầu, thà chết không chịu luì bước ,Trần Quốc Tuấn lại tiêu biểu cho khí phách anh hùng của dân tộc.Để động viên tướng sĩ ông đã chứng mninh rằng sự còn mất của mỗi người gắn liền với sự được thua của mỗi cuộc chiến đấu,rằng lợi ích thiết thân của mỗi người gắn với lợi ích tối cao của tổ quốc.Bài hịch phác ra hai cảnh tượng trái ngược nhau:thua trận và thắng trận.hai đường hoạ và phúc,hai lẽ nguy và an được bày ra trước mắt yêu cầu phải chọn một. Vạch ra được xu thế phát triển của tình hình chắc chắn bài hịch đã có tác dụng thôi thúc mọi người tiến lên mạnh mẽ trên con đường quyết chiến quyết thắng:đuổi được giặc cứu được nước thì có tất cả,chịu thua giặc để mất nước là mất tất cả.Trần Quốc Tuấn hiểu rất rõ chân lý mà dân tộc ta đã từng thể nghiệm qua ngàn năm lịch sử:độc lập dân tộc gắn liền với tài sản ,gia đình ,với cuộc sống và danh dự của mỗi con người.Không có gì thiết thực và thiết thân hơn độc lập dân tộc.Bài Hịch tướng sĩ đã biểu hiện một chủ nghĩa yêu nước chân chất mà sâu sắc,một nhận thức hồn nhiên và cụ thể về vận mệnh riêng của mỗi người Việt trong vận mệnh chung của toàn dân tộc.
Hịch tướng sĩ là tác phẩm lớn nhất biểu hiện tinh thần yêu nước của văn học đời Trần.Bên cạnh đó còn có nhiều tác phẩm văn thơ khác đã sâu vào những khía cạnh khác nhau của tinh thần ấy và khắc hoa nên nhiều nét độc đáo ,xác định nên nhiều hình tượng kì vĩ về đất nước Việt ,con người Việt.
Trần Quang Khải đã biểu hiện thái độ vững vàng, an nhiên của dân tộc ta cả trong những ngày tháng chiến đấu ác liệt nhất:
“Đoạt sáo chương dương độ
Cầm hồ Hàm Tử quan
Thái bình tu nỗ lực
Vạn cổ thử giang san”
(Thơ chữ Hán: Tụng giá hoàn kinh sư)
(Bến Chương Dương cướp giáo giặc
Cửa Hàm Tử bắt quân thù
Vì cảnh thái bình nên gắng sức
Non nước ấy ngàn thu
Trần Nhân Tông thì lại đề ở nhà thái miếu 2 câu thơ nổi tiếng
“Xã tắc lưỡng hồi cao thạch mã
Sơn hà thiên cổ điện kim âu”
(Xã tắc hai phen nhọc ngựa đá
Sơn hà muôn thủa vững âu vàng)
“Non nước này vững bền muôn thuở”, “Sơn hà muôn thủa vững âu vàng”, đó là niềm tin tưởng không gì lay chuyển được về vận mệnh của tổ quốc, đó là niềm kiêu hãnh và thế đứng vững chắc của dải đất thân yêu mà cha ông để lại
Thế đứng ấy lại đi vào thơ Phạm Ngũ Lão với một biểu hiện khác:
“Hoàng giáo giang sơn cáp kỷ thu,
Tam quân tì hổ khí thôn Ngưu”
(Thuật Hoài)
(Cắp ngang ngọn giáo non sông trải mấy thu,
Ba quân tì hổ khí thôn Ngưu)
Cầm ngang ngọn giáo để trấn giữ non sông, hẳn là ngọn giáo ấy phải được đo bằng chiều ngang của đất nước.Thế thì con người cầm ngang ngọn giáo bảo vệ tổ quốc ấy tất phải được đo bằng kích thước của đất trời. Con người có tầm vóc vũ trụ như vậy đã đồng nhất với non sông. Tầm vóc hoành tráng, tư thế vững chắc ấy của dân tộc ta có cơ sở từ tinh thần làm chủ đất nước rất sâu sắc, từ ý chí bảo vệ đất nước rất kiên cường. Với tinh thần ấy, người dân ta đã làm nên những chiến công oanh liệt ở Chương Dương, Hàm Tử, Chi Lăng …và nhất là ở Bạch Đằng. Là người đã từng tham gia cuộc kháng chiến, Trương Hán Siêu đã miêu tả trận đánh lịch sử ở sông Bạch Đằng trong bài “Phú sông Bạch Đằng” như sau:
“Đương khi muôn đời thuyền bày, 2 quân giáo chỉ, gươm tuốt sáng loè, cờ bay đỏ khoé, tướng Bắc quân Nam, đôi bên đối luỹ đã nổi gió mà bay mây, lại kinh thiên mà động địa. Kìa Nam Hán nó mưu sâu, nọ Hồ Nguyên nó sức khoẻ. Nó bảo rằng: Phen này đạp đổ nước Nam, tưởng chừng có dễ.
May sao: Trời giúp quân ta, mây tan trận nó. Khác nào như quân Tào Tháo bị vỡ ở sông Xích Bích khi xưa, giặc Bồ Kiên bị tan ở bến Hợp Phì thuở nọ. ấy cái nhục tày trời của họ, há những một thời, mà cái công tái tạo của ta, lưu danh thiên cổ”
(Bạch Đằng giang phú)
Tác giả đã gắn liền chiến thắng của nhà Trần với chiến thắng của Ngô Quyền khi xưa để nêu lên cao truyền thống ảnh hưởng và tất thắng của dân tộc với hào khí tưng bừng và niếm sảng khoái vô hạn. Thơ văn đời Trần không phải chỉ thể hiện chủ nghĩa yêu nước qua việc miêu tả sự nghiệp đuổi giặc cứu nước.
Nhiều khía cạnh phương pháp của chủ nghĩa yêu nước có thể tìm thấy trong nhiều áng thơ văn lấy đề tài khác. Không ít tác phẩm đã nói lên niềm tự hào và lòng yêu mến đối với đất nước Việt, dân tộc Việt “Địa linh, nhân kiệt”, đó là nhận thức của các tác giả. Ngòi bút của Trương Hán Siêu đã trở nên hoành tráng khi cần vẽ lại cái cảnh “bát ngát sóng kình muôn dặm” và “Nước trời một sắc, phong cảnh ba thu” của sông Bạch Đằng vừa hùng vừa đẹp. Lòng yêu nước trong thơ đi sứ của Nguyễn Trung Ngạn lại thể hiện ở tình yêu cuộc sống bình dị nơi quê hương của mình:
“Lão tung diệp lạc, tâm phương tận,
Tảo đạo hoa hương, giải chính phì
Kiến thuyết tại gia bần diệc hảo,
Giang Nam tuy lạc bất chư quy
(Quy hứng)
(Dâu già, lá rụng tằm vừa chín,
Lúa sớm, bông thơm, cua béo ghê
Nghe nói ở nhà nghèo vẫn tốt,
Giang Nam tuy sướng chẳng bằng về).
Tóm lại, văn học Lý – Trần chuyển tải một nội dung yêu nước hết sức phong phú và sâu sắc. Qua thơ văn Lý – Trần có thể thấy rõ việc xây dựng nhân phẩm luôn gắn liền với cuộc đấu tranh vì tổ quốc, vì độc lập, vì thế thơ văn Lý – Trần ngoài giá trị về mặt nội dung và nghệ thuật còn có ý nghĩa rất lớn trong việc thể hiện một trong những quy luật chính của việc hình thành con người Việt trong lịch sử.(còn nữa)