Olympic: Một cách để người Trung Hoa học sống
Đã gửi: Chủ nhật T8 10, 2008 1:42 am
Không phải quốc gia nào cũng biết lợi dụng việc tổ chức một sự kiện quốc tế như một lý do, như một cơ hội để học cách sống cho đúng hơn và cho ý nghĩa hơn. Với người Trung Hoa, họ đã làm được điều đó.
Khi mỗi quốc gia đăng cai tổ chức một sự kiện quốc tế thì lẽ tất nhiên là quốc gia đó muốn quảng bá hình ảnh của đất nước mình cho toàn thế giới.
Nhưng không phải quốc gia nào cũng biết lợi dụng sự kiện đó như một lý do, như một cơ hội để học cách sống cho đúng hơn và cho ý nghĩa hơn. Với người Trung Hoa, họ đã làm được điều đó.
Ngay từ bốn năm trước tại Hy Lạp, chúng ta đã được chứng kiến màn biểu diễn của người Trung Hoa trong lễ nhận cờ Olympic một cách ấn tượng.
Và chỉ còn ít giờ nữa thôi, tôi cam chắc chúng ta sẽ được chứng kiến sự kỳ diệu như một phép nhiệm màu mà người Trung Hoa mang đến cho toàn thế giới trong Lễ khai mạc của mình.
Nhưng điều đó cũng là chuyện bình thường. Không ít các quốc gia từng tổ chức sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh này cũng đã làm việc đó rất xuất sắc. Điều quan trọng đằng sau là họ đã chọn một chỉ huy trưởng cho bản giao hưởng của văn hoá Trung Hoa, người mà tư tưởng tự do và “tính khí ngang bướng” đã từng làm phiền lòng chính quyền ít nhất một lần. Đó là đạo diễn Trương Nghệ Mưu, Tổng đạo diễn của một sự kiện mà tôi xin được gọi trước là một phép nhiệm màu.
Tại sao người Trung Hoa lại chọn Trương Nghệ Mưu để thực hiện một sứ mệnh vô cùng hệ trọng của hơn một tỷ người Trung Hoa như vậy ? Hơn nữa, chắc chắn Olympic Bắc Kinh là một trong vài sự kiện quan trọng nhất của người Trung Hoa trong thế kỷ 21.
Lý do duy nhất: Trương Nghệ Mưu là một tài năng lớn và ông thực sự là một người yêu dân tộc mình bằng một trái tim trong sáng và bằng một kiến văn sâu sắc. Vì lợi ích của cả dân tộc, người ta phải gạt đi mọi “chuyện cá nhân” nào đó.
Giờ đây, tôi lại nhớ đến chuyện của Hưng Đạo Vương, người đã gạt đi mọi “chuyện riêng tư” để cứu dân tộc mình thoát khỏi giặc ngoại xâm. Việc cứ bàn đi tính lại bởi những lý do cá nhân cho một quyết định trọng đại của một dân tộc sẽ trở thành sự cản trở và thậm chí có thể trở thành sự phản bội lợi ích dân tộc đó một cách gián tiếp.
Và trong suốt nhiều năm chuẩn bị cho Olympic Bắc Kinh, người Trung Hoa bắt đầu học cách sống một cách cụ thể chứ không phải là một thứ giáo điều. Họ làm rất nhiều việc cho chính một cuộc sống của cá nhân họ và của dân tộc họ được đổi thay tốt hơn từ việc tổ chức một cách có hệ thống và thực tâm các lớp học về Olympic đến việc tạo nên môi trường trong sạch một cách cụ thể và kiên quyết.
Nhân sự kiện này, họ kêu gọi mọi người ý thức lại chính bản thân mình và ý thức lại thế giới. Không phải vì người Trung Hoa có nhiều khiếm khuyết hơn các công dân của các dân tộc khác nên phải làm thế mà bên trong bản chất Trung Hoa và nền văn hoá Trung Hoa có một điều gì đó kỳ vĩ. Và đó chính là khát vọng được làm người tử tế để xây dựng lên một thế giới tử tế.
Nhưng tất cả những điều tôi vừa nói trên cũng chưa làm tôi giật mình cúi đầu kính phục bằng một việc làm rất nhỏ của người Trung Hoa cho sự kiện Olympic diễn ra trên đất nước họ mà không mấy người để ý.
Đó là việc các phương tiện truyền thông của đất nước này dạy cho người dân của họ khi ăn thì nhai như thế nào. Người Trung Hoa cũng giống như người Việt Nam khi ăn thường há miệng rất rộng và nhai tóp tép một cách tự nhiên. Và bây giờ, toàn dân tộc Trung Hoa phải học lại cách nhai.
Đến bao giờ, chúng ta - những người Việt Nam nghĩ được rằng mình phải học lại cách nhai không ? Và nếu có ai đó nghĩ được thì có dám dạy người Việt Nam học nhai trên báo chí, trên đài phát thanh và trên truyền hình không ? Tất nhiên là không.
Chúng ta, kể các trí thức sẽ nhảy vào góp ý bằng cả những văn bản có khi dài đến hàng chục trang là sao lại làm cái việc vớ vẩn đó trong khi chúng ta có biết bao việc lớn của quốc gia phải làm. Chết là chính ở chỗ này. Không làm được việc nhỏ thì nói gì đến việc lớn.
Vẫn còn khạc nhổ nơi công cộng, vẫn còn tự do vứt rác ra đường, vẫn còn vượt đèn đỏ, vẫn còn uống bia, rượu trong giờ làm việc nơi công sở…thì tôi tin chúng ta còn lâu mới chạm đến được một xã hội văn minh và văn hoá.
Vì “sự kiện” học nhai của người Trung Hoa mà tôi nhớ lại cuốn sách Người Trung quốc xấu xí. Khi một người công khai nói về nhưng thói hư tật xấu của mình thì cái hay cái đẹp đã xuất hiện trong con người ấy rồi. Một cá nhân hay một dân tộc mà không biết nói thật về bản thân mình mà chỉ thích được khen, được xu nịnh và thích đánh bóng mình thì cá nhân ấy và dân tộc ấy không có cơ hội phát triển.
Càng ngẫm càng thấy kính phục khi một dân tộc lớn chuẩn bị cho một sự kiện lớn mang tinh thần văn hoá lớn lại ngày ngày công khai dạy nhau học nhai như thế nào? Học nhai đâu là chuyện liên quan đến việc tạo điều kiện cho việc hấp thụ thức ăn hay chống lại nguy cơ đau dạ dày như chúng ta từng nói mà là học sống một cách có văn hoá. Nghĩa là học cách làm người.
Và trong thời gian qua, trên đất nước Trung Hoa rộng lớn, người ta học nhai rồi học nói năng, đi đứng, học cách làm đẹp cho từng viên đá lát đường và từng cái cây chứ không phải học cách làm thế nào để lấy cho được nhiều huy chương.
Bởi thế, khi vận động viên cầu lông số 1 thế giới người Trung Hoa có những hành vi thiếu văn hoá trong nhiều cuộc thi đấu quốc tế mấy năm gần đây thì người Trung Hoa đã đề nghị Ban tổ chức Olympic của nước chủ nhà không cho vận động viên này tham dự Olympic Bắc Kinh. Họ không cần thêm một tấm huy chương. Họ cần một lối sống văn hoá. Đấy mới là cái vĩnh hằng.
Các cụ ta đã dạy từ xa xưa: học ăn, học nói, học gói, học mở. Trên cuộc đời này, chúng ta học mọi thứ cũng chỉ để học một điều quan trọng nhất và có ý nghĩa nhất là học sống. Và học sống chỉ để làm một việc: LÀM NGƯỜI.
Nguyễn Quang Thiều
Theo Tuần Việt Nam.
http://www.tuanvietnam.net/vn/sukiennonghomnay/4483/index.aspx