----------------------------
TẠI SAO PHẢI CẢI TỔ TỔ CHỨC ĐÔNG DU
Muốn xây nhà càng nhiều tầng, nền móng càng phải làm thật kiên cố. Muốn có được một tổ chức bền vững, phát triển, vươn cao tới lý tưởng, điều lệ phải chặt chẽ, kỹ luật phải nghiêm minh, thành phần kết nạp ban đầu phải là những con người gương mẫu. Nếu chỉ chú trọng tới số lượng, mà quên chất lượng, chỉ ham có tập thể mà không hướng tập thể đó tới một lý tưởng cao đẹp để mọi người phấn đấu, tổ chức sẽ lộn xộn, chia rẽ, trì trệ, chẳng có giá trị tồn tại.
Chương trình du học Đông Du được thành lập để đào tạo nhân tài xây dựng Đất nước. Nhân tài ở đây được hiểu là người có tri thức cao, có nhân cách đạo đức tốt, thiết tha yêu nước, sẵn sàng chấp nhận hy sinh một phần quyền lợi hạnh phúc cá nhân hay gia đình vì lợi ích của quê hương. Khi còn trẻ, thành viên Đông Du luôn luôn cố gắng học tập, rèn luyện tài đức, nuôi dưỡng lòng yêu nước. Ra ngoài xã hội, thành viên Đông Du luôn luôn nhiệt tình làm việc, trung thực, ngay thẳng, khiêm tốn. Trong nội bộ, người Đông Du phải đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau. Đó là ba lời hứa của sinh viên khi tham gia và để được kết nạp làm thành viên Đông Du.
Đông Du đang hướng tới một lý tưởng cao đẹp như thế, nhưng nhìn lại thực trạng sau 19 năm thành lập, những người trong cuộc không khỏi giật mình. Bên cạnh những thành viên tốt như nói bên trên, cũng có không ít những người đến với Đông Du không vì lý tưởng gì cả mà đơn thuần chỉ là muốn được đi du học không tốn tiền, được chăm sóc chuẩn bị trước khi đi, được Trường lo cho người bảo lãnh, không phải ký quỹ tiền tại ngân hàng, được chậm đóng tiền học phí, hay được giúp đỡ những lúc khó khăn… Đặt chân tới Nhật, họ bắt đầu thay đổi, không còn nhớ những gì họ đã hứa, không nghe theo các chỉ đạo của Trường (thông qua các Sempai gương mẫu do Trường chỉ định), bắt đầu sống lại theo chủ nghĩa cá nhân, xa lánh các hoạt động tập thể. Cũng có người không chuyên cần học tập, kết quả thi Ryu kém, không đậu vào được những đại học tốt, phải học lại một năm, hay vào đại một trường chuyên môn, một trường tư nào đó ở địa phương để được gia hạn lưu trú. Có người không biết lo xa, vung phí tiền arubeito trong thời gian học Nhật ngữ, để rồi không có tiền đóng học phí khi vào đại học. Có người vào được đại học rồi, đã vội kiêu hãnh, về thăm Việt Nam để khoe khoang, không biết rằng năng lực Nhật ngữ của mình vẫn còn yếu (nhất là khả năng nghe, khả năng đọc sách giáo khoa tiếng Nhật sao cho chính xác và nhanh) cũng như không biết chuyển từ cách học thụ động (học đối phó để thi, để lấy bằng, thầy giảng, trò chép, và nội dung thi cử được báo trước của Việt nam) sang cách học tích cực (tự học là chính, và học bằng cách đọc nhiều sách tham khảo…), để rồi vài tháng sau mất căn bản không thể học nổi, không lên lớp, không tốt nghiệp được. Chuyện học hành tại Nhật tuy có khó, nhưng không quá khó không có thể vượt qua được, vì sinh viên Đông Du đã được lựa chọn kỹ, được ôn tập kỹ trước khi đi du học, vì đã có nhiều thành công. Có chăng là vì họ sống không có lý tưởng, không kiên trì học tập, sẵn sàng lùi bước trước khó khăn, họ chỉ muốn có được cái danh là đi du học ngoại quốc và hy vọng kiếm được bất kỳ tấm bằng gì, chuyên môn gì (có giá trị hay không không cần biết) để bằng cách nào đó có được địa vị, quyền lợi khi về nước, hơn là học để hiểu biết, để có khả năng làm việc trong tương lai. Có người tốt nghiệp được đại học, nhưng sau đó đã ở lại Nhật làm việc không hề nghĩ tới về hồi hương như đã hứa, và cũng chẳng ngó ngàng gì đến những hoạt động giúp đỡ đàn em, và các hoạt động của tập thể Đông Du, né tránh không liên lạc, không thông báo tình hình học tập, sinh hoạt, kể cả chuyện tốt nghiệp, đi làm. Tất cả cho thấy họ hoàn toàn ích kỷ, chủ nghĩa cá nhân, lợi dụng Chương trình du học Đông Du để được đi du học, để được nhờ vã này nọ, học cho cá nhân mình. Không những thế, có người còn có những hành động không đứng đắn trong thời gian ở Nhật (như mượn tiền của người Việt, người Nhật không trả, hay lường gạt người khác…).
Nhưng tại Nhật, hay khi về Việt Nam họ vẫn tự nhận hay giới thiệu với mọi người là người đi du học trong Chương trình Đông Du. Điều này gây tổn thương cho tập thể Đông Du nói riêng và tập thể du học sinh Nhật Bản nói chung.
Những người như vậy có nên để lại trong tập thể hay không?
Đã tới lúc chúng ta cần làm rõ lý tưởng Đông Du, phân định rõ những ai vẫn kiên trì sống theo lý tưởng, và những ai lợi dụng Đông Du vì mưu đồ cá nhân, những ai đi lệch đường, những ai đã thất bại…Việc phân định thành viên này giúp mọi người biết ai cùng chí hướng, để tổ chức chặt chẽ hơn, và cũng để những người xấu không lợi dụng được danh nghĩa tập thể Đông Du, và để tránh bị hiểu nhầm.
Đông Du phải là tập hợp của những con người có tri thức cao, có đạo đức tốt, yêu nước, tâm nguyện sẽ đóng góp xây dựng cho quê hương tổ quốc ngày một giàu đẹp, và dân tộc ngày một hạnh phúc, có tương lai hơn.
Nguyễn Đức Hòe