----------------------------------------
Nhiều công ty điện tử quy mô trung bình của Nhật đã chiếm được vị thế độc tôn trong rất nhiều mảng công nghệ. Liệu họ có thể duy trì được vị thế này hay không?
Thế giới đang có khoảng 40 lò phản ứng hạt nhân. Phân nửa trong số này đều là sản phẩm trí tuệ của các tập đoàn đến từ Mỹ, Trung Quốc, Pháp, Nhật Bản và Nga. Ấy vậy mà, toàn bộ những lò phản ứng này muốn vận hành suôn sẻ đều phải trông chờ vào sự trợ giúp của một nhà cung cấp duy nhất đóng tại phía bắc hòn đảo Hokkaido, Nhật Bản - công ty Japan Steel Works.
Mặc dù người ta không thiếu các lò phản ứng ghép từ các mối hàn với kích cỡ nhỏ hơn, nhưng chỉ duy nhất công ty này của Nhật có trong tay công nghệ ráp nối các tấm ghép trị giá tới 150 triệu đôla từ một thỏi kim loại duy nhất nặng 600 tấn.
Trên thế giới, rất ít công ty tạo dựng được cho mình vị trí độc tôn đến vậy. Japan Steel Works không phải là công ty duy nhất của Nhật làm được điều này. Nhật Bản hiện có nhiều doanh nghiệp đã tự tạo cho mình lợi thế cạnh tranh nổi trội trên quy mô toàn cầu trong một số lĩnh vực chuyên biệt. Đó có thể là những doanh nghiệp trong ngành cơ khí chế tạo giản đơn như Shimano (chiếm tới 60 – 70% thị phần bánh răng và ghi đông xe đạp thế giới, doanh thu hàng năm của Shimano ước chừng lên tới 1,5 tỷ đôla) hay YKK (phéc-mơ-tuya của hãng chiếm tới ½ giá trị giao dịch mặt hàng này của thế giới). Còn trong lĩnh vực điện tử, cơ khí và khoa học vật liệu, các công ty của Nhật chiếm lĩnh toàn thị trường. Người tiêu dùng có thể chưa từng nghe đến tên tuổi của những công ty như thế nhưng chúng vẫn từng ngày khẳng định vị thế độc tôn của mình trong từng lĩnh vực cụ thể, bởi những mặt hàng mà chúng tạo ra đã trở thành một phần thiết yếu với quy trình sản xuất của rất nhiều sản phẩm.
Tại nhà máy sản xuất ô tô của Toyota. Nguồn ảnh: Corbis
Chẳng hạn, gần 75% mô tơ ổ đĩa cứng máy tính đều là sản phẩm của công ty Nidec; 90% mô tơ siêu vi dùng trong kính chiếu hậu của các xe ô tô nhất thiết phải là sản phẩm của Mabuchi. Đa phần các công ty này cung cấp các thành phần, vật liệu hoặc công cụ sản xuất (lấy ví dụ: TEL cung cấp 80% vật liệu khắc axit dùng trong quy trình sản xuất màn hình LCD).
Cạnh tranh nội bộ
Đôi khi, các công ty này đụng phải đối thủ “đồng hương”. Chính điều này giúp Nhật Bản dành được toàn bộ các đơn hàng của thế giới cho dù trong cuộc đua giành được đơn hàng có tới hơn một nhà cung ứng sản phẩm. Shin-Etsu chiếm 50% thị phần chất tạo nền ảnh (một tạo chất dùng để cố định các đầu bán dẫn). Ngoài Shin-Etsu, thế giới còn một số nhà sản xuất khác như Covalent, NSG, AGC hay Tosoh và tất cả chúng đều là các công ty của Nhật. Tuy nhiên, bất chấp vị thế độc tôn hiện có, các công ty này chưa bao giờ bị dính vào bất cứ vụ kiện chống độc quyền nào.
Trong lúc các tập đoàn khổng lồ như Panasonic, Sharp, hay Sony đang dần để mất thị phần vào tay các nhà sản xuất Trung Quốc, Hàn Quốc và Đài Loan thì những công ty có quy mô nhỏ hơn và ít có tiếng tăm hơn vẫn vững vàng ở ngôi cao của thị trường nhánh – sản xuất ra các mặt hàng thiết yếu cho ngành công nghệ toàn cầu. Thậm chí, tiếng Nhật đã có riêng một cụm từ dành cho những doanh nghiệp như thế; người ta gọi họ là chuken kigyo (nghĩa là: "những công ty bé hạt tiêu"). Cho dù sản phẩm đến tay người tiêu dùng là của Apple, Nokia, hay Samsung thì chúng cũng đều được ráp nối từ vô số linh kiện xuất xứ từ Nhật. Đại diện của Apple thẳng thắn phát biểu rằng họ chỉ tin tưởng vào các đối tác Nhật Bản vì ít có nhà sản xuất nào khác đáp ứng được các tiêu chuẩn chất lượng khắt khe của tập đoàn.
Ông Alberto Moel – một chuyên gia trong lĩnh vực sản xuất cồng nghệ cao của công ty tư vấn Monitor Group, Tokyo phát biểu rằng: “Đó không phải là những sản phẩm thời thượng nhưng bạn chẳng thể chế tạo chip bán dẫn hay màn hình LCD mà không có chúng”. Theo số liệu công bố từ Bộ Kinh Tế, Thương Mại và Công Nghiệp Nhật Bản, các công ty của Nhật đáp ứng tới hơn 70% thị trường toàn cầu trong ít nhất 30 lĩnh vực công nghệ: từ giấy tráng ảnh cho tới bóng phát sáng dùng cho màn hình LCD (toàn bộ thị phần chiếm lĩnh ước chừng $3 tỷ đôla) cho tới tụ điện sứ nhiều tầng dùng để điều chỉnh dòng điện cho các thiết bị điện (77% thị phần tương ứng 540 tỷ Yên về giá trị).
Chính sự vượt trội về công nghệ của Nhật đã giải toả những nghi ngờ bấy lâu rằng Nhật đang phải vật lộn với nền kinh tế đình đốn suốt gần hai thập niên qua và đồ rằng Nhật đang dần để mất ngôi nhì vào tay Trung Quốc. Đây cũng là câu trả lời cho những ầm xì bấy lâu của các chuyên gia quản lý phương Tây rằng chính lối văn hoá kinh doanh đặc trưng bởi thị trường lao động cứng nhắc và giới cổ đông thấp cổ bé họng đã kìm hãm sự phát triển của các công ty trong nước. Như vậy, chắc hẳn người Nhật đã phải làm được kỳ tích sau những sóng gió đã qua.
Đương nhiên, đâu chỉ có người Nhật mới có quyền vỗ ngực tự hào; thế giới vẫn còn vô số các công ty có sức ảnh hưởng sâu rộng trong những lĩnh vực cụ thể. Ví dụ như Microsoft, với hệ điều hành Windows, từ lâu đã trở thành thương hiệu thân thuộc với hơn 90% người dùng máy tính trên toàn thế giới. Trong khi đó, con chip của Intel lại được tin dùng cài trong hơn 80% máy tính cá nhân toàn cầu. Nếu tiếng Nhật có cụm từ chuken kigyo để chỉ những công ty có sức mạnh toàn cầu thì tiếng Đức cũng có cụm từ Mittelstand với ý nghĩa tương đương. Thẳng thắn mà nói, đã có lúc người ta hoài nghi về khả năng Nhật có thể tiếp tục duy trì thế thượng phong trong lĩnh vực công nghệ. Thế nhưng, giờ đây, người Nhật đã chứng minh mình đứng ở vị trí nào.
Sức mạnh đến từ những thứ nhỏ bé
Câu chuyện sinh động nhất về sức mạnh công nghệ của Nhật là: sản phẩm tụ điện. Tuy chỉ nhỏ bằng hạt muối nhưng vật dụng này có sức mạnh thật đáng nể. Nó lưu trữ điện năng trong một bó dây và là một khối kết hợp từ rất nhiều các thiết bị điện. Giá thành của chúng cũng không lớn; chỉ dao động đâu đó chừng hơn 20 xu nhưng mỗi chiếc điện thoại di động cần ít nhất 100 hạt như vậy và một máy tính cá nhân thì cần đến 1000 hạt. Murata - nhà sản xuất tạo ra sản phẩm tuyệt hảo này là một công ty của Nhật, hiện đang chiếm lĩnh 40% thị trường toàn cầu.
Người ta khó lòng ước tính được mức lợi nhuận của Murata từ những chiếc tụ điện nhưng tổng lợi nhuận của công ty này có thể ngang bằng với 50% tổng trị giá của một ngân hàng đầu tư. Tổng thị phần của Nhật với mặt hàng này lên tới 80% thị trường toàn cầu (hai nhà sản xuất mặt hàng này của Nhật là TDK và Taiyo Yuden). Nếu trở lại đầu thập niên này thì thị phần của Nhật còn lên tới 90%. Nhật đã dần phải san sẻ cho các nhà sản xuất ngoại quốc như Samsung Electro - Mechanics – Hàn Quốc và Yageo – Đài Loan.
Ngoài ra, Nhật còn có nhiều sản phẩm nổi tiếng khác. Chẳng hạn, Nitto Denko hiện đang sở hữu tới hơn 20 sản phẩm hàng đầu và nổi bật hơn cả trong việc sản xuất màn hình LCD. Trong khi đó, Mitsubishi Chemical gần như chiếm lĩnh toàn bộ thị trường vật liệu phốt pho dùng để tạo màu trắng tự nhiên trong các bóng đèn LED. Và còn nhiều ví dụ khác nữa.
Các công ty của Nhật đặc biệt nổi bật hơn cả trong quá trình sản xuất con chip máy tính. Trong nhiều khâu của quá trình sản xuất, các sản phẩm của Nhật đóng vai trò then chốt tại bốn bước: xử lý lớp tráng, dựng phim mỏng, điện than và khắc hình, tiếp xúc và đóng gói. Các công ty của Nhật cung cấp những thành phần thiết yếu tại bốn công đoạn và thiết bị chế tạo ở tại ba công đoạn sản xuất sản phẩm.
Nói như cách nói của chuyên gia bán dẫn thuộc ban quan trị tập đoàn NEC Electronics thì các nhà sản xuất điện tử trên toàn thế giới đều tín nhiệm các nhà cung cấp linh kiện của Nhật bởi những công ty này luôn tạo ra các sản phẩm có chất lượng và độ tin cậy cao. Chẳng ai muốn mua một chiếc xe thời thượng nhưng lại không thể vận hành trơn tru chỉ vì thiếu đi một chi tiết nội thất đáng giá có vài xu. Nói như vậy để thấy rằng, các sản phẩm do người Nhật sản xuất dù nhỏ bé nhưng lại trở thành một phần thiết yếu với rất nhiều sản phẩm khác.
Trong khi, một số sản phẩm công nghệ đã phố biến như các vật phẩm thông thường thì một số sản phẩm khác thì chưa bởi nó vẫn cần có sự cải tiến và sáng tạo không ngừng. Chính rào cản này đã khiến giá thành của chúng còn ở mức cắt cổ mặc dù giá của sản phẩm cuối cùng đến tay người dùng đã giảm.
Ta nhận thấy ở các tập đoàn hàng đầu này một số điểm tương đồng nhất định. Thứ nhất, họ đầu tư nhiều vào lĩnh vực nghiên cứu và phát triển sản phẩm. Thứ hai, dù đã mở rộng các nhà máy sản xuất ở nước ngoài nhưng các công ty này luôn tự mình thực hiện những công đoạn then chốt tạo nên phần cốt lõi của sản phẩm ở trong nước. Thứ ba, họ tự xây dựng các chuỗi cung ứng của riêng mình: các công ty sản xuất chip điện tử sẽ sử dụng linh kiện pha lê do chính mình sản xuất. Một số công ty còn tự tạo ra các máy công cụ phục vụ cho quá trình sản xuất. Tất cả đều nhằm mục đích giảm chi phí, và tránh bị phụ thuộc vào các nhà cung cấp bên ngoài và có thể nắm sâu xa về toàn bộ công nghệ mình sản xuất ra.
Khi được hỏi về lý do chính nào tạo nên thành công của các công ty công nghệ Nhật Bản, đa phần các nhà quản lý đều nhất trí đó là nhờ vào đẳng cấp của khách hàng mà họ phục vụ. Thoạt đầu mới nghe tưởng chừng không đúng. Thế nhưng, điều này cũng có lý của nó. Chỉ những khách hàng có đẳng cấp mới đưa ra các đòi hỏi khắt khe và nhà cung cấp vì thế cũng phải tự nâng tầm cho tương xứng. Tuy nhiên, đó chưa phải là lý do duy nhất. Chủ tịch của Covalent – ông Susumu Kohyama cho rằng các công ty Nhật thành công bởi họ đã cá biệt hoá cao các sản phẩm mình tạo ra. Và những thành phần, công cụ và chất liệu như vậy chỉ có thể được tạo ra khi nhà sản xuất biết cộng tác chặt chẽ với khách hàng trong nhiều năm tới mức nhà sản xuất thông suốt về các kế hoạch công nghệ trong tương lai của khách hàng và dành được sự tín nhiệm để cùng tham gia đưa ra lời giải cho những vấn đề hóc búa mà chỉ một nhà sản xuất thực sự có tầm mới giải quyết được. Một khi họ đã dành được sự tin cậy trọn vẹn của đối tác thì các đối thủ mới khó lòng chen chân vào nổi.
Hơn thế, kiến thức về công nghệ nhiều khi thật khó diễn giải và truyền đạt thành sách hướng dẫn hay ghi chép vào tài liệu ứng dụng. Những kinh nghiệm này được tích luỹ từ quá trình cộng tác với nhiều cộng sự trong nhiều năm liền. Điều đó tạo rào cản quá lớn cho bất kỳ đối thủ nào muốn nhảy vào cuộc chơi. Điều đó cũng giải thích vì sao ở một số lĩnh vực công nghệ chuyên biệt cao, các công ty luôn muốn nhân viên của mình gắn bó trọn đời với công ty bởi họ sợ những bí quyết công nghệ sẽ bị rò rỉ ra bên ngoài
Họ tin rằng tiềm lực của một tổ chức nằm trong tay đội ngũ trí thức mà mình đang có chứ không phải giá cổ phiếu tại một thời điểm nào đó. Cũng chính vì thế, người Nhật gần như dị ứng với mọi thương vụ mua lại và sáp nhập. Các công ty thường cố hết sức để không bị các công ty khác thâu tóm bởi họ hoàn toàn không nghĩ việc sáp nhập có thể đem lại những lợi thế nhất định trong kinh doanh như suy nghĩ của phương Tây.
Chỉ có điều, trong khi những thay đổi trong ngành tạo thành công vang dội cho những “nhà vô địch thầm lặng” thì lại cản trở sự bành chướng của những tập đoàn điện tử lớn. Bởi các công ty nước ngoài tìm kiếm được các linh kiện chất lượng cao của các nhà sản xuất uy tín của Nhật nên vô hình chung các công ty này lại đứng ve phía các nhà sản xuất nước ngoài trong cuộc chiến giành giật thị trường với chính các nhà sản xuất trong nước. Mỗi khi các nhà khổng lồ điêu đứng thì lớp các công ty bé hạt tiêu này lại tiếp tục lao nhanh về phía trước.