Bạn đang xem trang 1 / 2 trang
Tang nhung nguoi ban ,nhung nguoi em than thuong
Đã gửi: Hai T11 06, 2006 1:26 am
Viết bởi nguyenhoangtue
Đươc một người bạn gởi ,mình đọc và muốn chia sẻ với mọi người, đặc biệt là muốn chia sẻ với những người bạn ,người em thân thương ,Cu Quang, Cu Thắng , Cu Tuấn , Cu Thành ,Cu Duy, Cu Huy, Cu Tùng ,Cu Bống, Huynh, Lương và cac anh em phát báo ,một món quà gởi đến mọi người ,chúc mọi người sức khoẻ, hạnh phúc
ĐỂ MỖI NGƯỜI VÌ MỌI NGƯỜI
Châu Trọng Ngô
Trong cảnh xô bồ hiện nay của đời sống theo kinh tế thị trường với nhiều tệ nạn xã hội đang diễn ra hằng ngày, nhiều người không khỏi lo âu khi thấy đạo lý đang suy đồi tầm trọng. Một người có bằng Tiến sĩ vẫn thuê người tạt a xít vào người quen; làm con cũng hành hung cha mẹ vì vòi tiền không được; mẹ lại đổ nước sôi pha dầu vào mặt con gái để huỷ hoại sắc đẹp của con. Mới đây thôi, chỉ trong một tuần mà nơi chúng tôi đang sinh sống đã xảy ra hai vụ giết người, nguyên do nền tảng vẫn là thiếu tinh thần gia tộc và không biết tôn trọng sự sống.
Lắm vị thức giả ngồi tiếc gia phong truyền thống tốt đẹp trong nếp gia đình Việt Nam ngày xưa. Ngôi nhà rường đã được thay thế bằng nhà có vách ngăn chia phòng riêng rẽ làm mất đi cảnh sống chung trong gia đình nhiều thế hệ; trong đa số gia đình hiện nay thì cha con không cùng làm một việc nên ít có dịp tâm tình với nhau; giờ đi giờ về thường khi sai lệch làm cho những bữa cơm gia đình đầy đủ thành viên không còn là lệ thường như trước.
Bốn tao nôi nay đã vắng bóng làm cho giọng hò ru con đã phải sát nhập với những giai điệu dân ca cổ truyền để làm thành một di sản văn hóa phi vật thể, dành để phục vụ du khách, không có tác dụng tạo nếp dịu hiền cho tâm hồn trẻ thơ nữa. Thanh thiếu niên ngày nay chỉ thích loại nhạc ồn ào náo nhiệt mà âm thanh rộn rã thường làm nhức óc người phải nghe. Thanh thiếu niên bây giờ cũng ít đi dự lễ giỗ kỵ tổ tiên ông bà. Sự vắng mặt giới trẻ lại còn nhiều hơn đối với các ngày lễ lớn tại từ đường của họ tộc hay tại ngôi đình của làng. Có thể lý do là ngày nay các cuộc lễ không còn có sẵn kinh phí như trước đây nhờ có ruộng hương hỏa nhưng có lẽ lý do dễ được chấp nhận hơn cả là thanh thiếu niên thời nay bận phí nhớ ngày sinh, mỗi năm đợi đến ngày là lo tổ chức gặp mặt bạn bè mừng sinh nhật, một lề thói ngoài văn hóa Việt Nam.
Nếp sống thụ hưởng đang đà lên cao để trở thành “Cơn say tiền”, dẫn đến nhiều tệ nạn xã hội còn hơn cả say rượu hay say ma tuý, đẩy lùi dần một số nguyên tắc đạo lý trong sinh hoạt gia đình. Rõ ràng khung cảnh ảm đạm đó của đời sống gia đình đang gây khó khăn không ít cho ý hướng thành lập lại một gia huấn như có lần cụ Nguyễn Trãi đã làm trước đây. Ý hướng đó được khẳng định bởi nhiều cụm từ trong các văn bản đã phổ biến khắp nơi trong nhiều năm nay như “tình làng nghĩa xóm”, như “trở về cội nguồn”, như “bản sắc văn hóa dân tộc”
Chính bản sắc văn hóa dân tộc đúng cội nguồn với kiến trúc nhà ở, với cảnh quây quần hằng ngày giữa cha mẹ con cái, với tập tục sinh hoạt của dân trong thôn xóm, làng xã đã khiến một cựu chiến binh Mỹ thú nhận với một hướng dẫn viên du lịch Huế:
“Tôi hiện là một giáo sư Xã hội học. Tuy biết anh không chuyên môn nhưng nghe anh giới thiệu những nét đại cương về văn hoá Việt Nam như vậy, tôi mới thấy được nguồn gốc sức mạnh của dân tộc Việt Nam, tôi mới hiểu ra rằng tại sao Việt Nam chiến thắng giặc Tàu sau 1000 năm và giặc Tây sau 100 năm. Tôi nghĩ rằng giá như từ đầu người Mỹ được hiểu rõ văn hóa dân tộc Việt Nam như tôi hiểu bây giờ, chắc chắn người Mỹ không đặt chân lên Việt Nam làm gì vì đằng nào rồi cũng phải ra đi như hai đợt Tàu và Tây thuở trước”.
Tự hào về bản sắc văn hóa dân tộc chừng nào, chúng ta lại hối hả chừng nấy, mong sao cho dân ta trở lại cội nguồn. Cốt lõi của vấn đề vẫn là con người mà đạo lý cổ truyền Việt Nam đã để lại nhiều lời dạy có giá trị muôn đời. Trong phạm vi bài này, tôi xin được trình bày một số cảm nghĩ thô thiển về nội dung “Sống không vướng nợ và thiểu dục tri túc (ít ham muốn, biết đủ)” mà tôi đã cảm nhận rằng đã có thể là những điều kiện căn bản để tái tạo nếp sống Việt Nam an lành.
Re:Tang nhung nguoi ban ,nhung nguoi em than thuong
Đã gửi: Hai T11 06, 2006 4:42 pm
Viết bởi politan
Cám ơn món quà của anh Tuệ !!!
Re:Tang nhung nguoi ban ,nhung nguoi em than thuong
Đã gửi: Ba T11 07, 2006 12:07 am
Viết bởi nguyenhoangtue
SỐNG KHÔNG VƯỚNG NỢ
Nợ nói ở đây không phải là nợ về tiền bạc. Vướng nợ có thể thể hiện bằng nhiều cách, đầu tiên là nợ về danh mà lắm khi chỉ là một tình tiết nhỏ trong giao tiếp đời thường, không chú ý thì không thấy được.
Ưa nhận những lời khen quá đáng khi có người tâng bốc mình là vướng nợ nếu quả thật mình chưa xứng với những phẩm chất được nêu ra. Cậy thế cậy quyền để tạo ra sự kính nể, dĩ nhiên là nhất thời, cũng là vướng nợ vì đó chỉ là danh vay mượn thuộc loại “sáo mượn lông công” mà thôi. Kiếm một chức vụ quá sức mình, chạy cho được một mảnh bằng mà chính mình không đủ trình độ là vướng nợ.
Còn nợ về lợi thì mỗi chúng ta quá dễ gặp trong cuộc sống với nhiều sinh hoạt đa dạng mà lợi được đưa đến tận tay. Dù lợi đó đến do tình nghĩa, mình cũng không nên nhận vì thường khi mối lợi đó vượt quá công lao mà mình đã cống hiến. Chênh lệch giữa sự đóng góp của mình và lợi đã được đưa tới chính là món nợ phải vướng.
Nếu lợi đó là một bì thư thường thấy do nhà thầu chuyển đến sau khi hoàn công xây dựng thì nhận mối lợi ấy ắt phải vướng nợ; và nợ càng nặng khi công trình xây dựng xảy ra sự cố như vụ cầu Văn Thánh ở Thành phố Hồ Chí Minh chẳng hạn. Đây cũng là trường hợp của những hành động ăn cắp của công, tham nhũng, nhận hối lộ, trốn thuế, bán hàng giả…
Cũng vướng nợ nếu ai đó đã ăn cắp thì giờ công vụ để làm việc riêng tư.
Thì ra có quá nhiều tình huống vướng nợ trong một đời người. Nhân đây tôi cũng xin thuật lại hai mẫu chuyện vướng nợ và trả nợ ngay trong kiếp này mà một người bà con đã chứng kiến trong một dịp chầu chực nhiều ngày để nhờ thầy Liên một nhà ngoại cảm ở Hải Dương giúp đỡ:
1. Một phụ nữ hơi già bị bệnh cứng các khớp xương từ chân rồi tới lưng, tới tay; khi được thầy Liên hỏi thì bắt đầu cứng cổ. Thầy Liên báo trước đây có nợ người ta nên nay phải trả. Để sự ngạc nhiên của bà ấy khỏi kéo dài, thầy Liên đã dùng nhiều câu hỏi để xác nhận sự việc: trước đây bà là một nhân viên cấp dưỡng tại một nhà an dưỡng bệnh nhân lao, hằng ngày bà ấy xén bớt khẩu phần bồi dưỡng của bệnh nhân, tạo ra tình trạng có bệnh nhân chết vì thiếu dinh dưỡng.
2. Một người đàn ông đến năn nỉ thầy Liên cứu giúp con trai đang bệnh ung thư. Ông ấy thương con quá đỗi và đau xót nhiều vì con bị bệnh nặng nên lời lẽ bộ điệu khi trình bày sự việc đã làm cho nhiều người hiện diện rất thương cảm. Qua nhiều câu vấn đáp giữa thầy Liên và ông ấy thì thầy Liên tỏ ra biết rất rõ ông ấy là một công nhân viên về hưu và đang hưởng lương hưu với 15 năm công vụ. Thầy Liên nói thêm “mà sao lại khai thêm 4 năm làm chi trong khi ông chỉ có đúng 11 năm thâm niên công vụ. Vì đã chạy vạy lập hồ sơ nghỉ hưu hòng hưởng không chính đáng, ông đã mắc nợ để ngày nay con ông phải trả”.
Cả hai mẫu chuyện đều minh họa rất rõ lý nhân quả và lại là nhân quả nhãn tiền, đồng thời cũng nói lên được hậu quả của lối sống vướng nợ mà hai người trong hai mẫu chuyện phải trả. Chuyện thứ hai còn minh hoạ thêm lối nói thông thường “cha ăn mặn, con khát nước”.
Sự hiểu biết của con người về lý nhân quả ngày nay còn tiến thêm một bước nữa nhờ khoa Nhận diện, nói về thân người được bảy lớp hào quang bảy màu bao quanh, mỗi lớp ứng với một khía cạnh khác nhau như tiêu hóa, tuần hoàn, tình cảm, trí tuệ… Khi người nào đó trong đầu óc dấy lên một ý nghĩ ác, thì tư tưởng đó liền làm biến đổi bảy lớp hào quang và nó tác động xấu lên thân người, làm hại sức khoẻ. Trái lại nếu trong đầu dấy lên ý nghĩ thiện thì sẽ có tác động ngược lại và góp phần ảnh hưởng tốt cho sức khoẻ. Thế là nhân quả không đợi kiếp sau và còn hơn nhân quả nhãn tiền. Đó là nhân quả tức thời.
Re:Tang nhung nguoi ban ,nhung nguoi em than thuong
Đã gửi: Ba T11 07, 2006 8:56 pm
Viết bởi nguyenhoangtue
THIỂU DỤC TRI TÚC
Thiểu dục (ít ham muốn) tri túc (biết đủ) là một phẩm chất không thể thiếu của những người muốn sống theo cung cách “mỗi người vì mọi người”.
Điều đáng lưu ý đầu tiên là trong lời khuyên “thiểu dục” (ít ham muốn), cần phải hiểu rằng những ước muốn tích cực, thiết thực, làm điều tốt để phục vụ cuộc sống vẫn được ca ngợi như hằng ngày chúng ta được nghe qua những trường hợp thành công rực rỡ của nhiều thanh thiếu niên hiếu học vượt khó, của nhiều phụ nữ miệt mài lao động, của nhiều nông dân cần cù thực hiện các dự án nuôi trồng.
Đó là những loại thiểu dục, rõ ràng là ở mức cao hơn một loại ước muốn khác, ước muốn buộc phải có do những nhu cầu tự nhiên như ăn, mặc, ở mà bất cứ một xã hội ổn định nào cũng đã định ra được một mức sống tối thiểu cho người dân. Chính trên mặt bằng của mức tối thiểu đó chúng ta mới bàn đến “thiểu dục” (ít ham muốn). Có nghĩa rằng, điều đáng nói là lề thói của một số người lạm dụng nhu cầu để tư kỷ tư lợi rất dễ dẫn đến nhiều tiêu cực trong cuộc sống đời thường.
Chung quanh ta, gần như quá dễ dàng nghe thấy nhiều trường hợp người giàu sang dư thừa mọi thứ nhưng lại luôn luôn cau có lo âu. Lắm khi họ đi kiếm người để than thở, đi tìm chỗ để cầu xin. Đêm ngày không ngủ được, lo nghĩ đến trăm mưu ngàn kế để đạt cho được điều đã ước mong. Đó là những trường hợp còn quá nhiều dục vọng. Họ mong cầu đủ thứ, có rồi còn ưng có thêm nữa, mong cầu này dù có đạt được lại kéo thêm mong muốn mới; một sinh hai rồi sinh ba, sinh bề bộn, tạo nên tâm trạng rối bời. Người tham lam như thế, tham sắc, tham danh, tham lợi, nói chung là bị đắm chìm trong nhục dục, thì lấy đâu thấy được giây phút hạnh phúc, làm sao an tịnh được tâm hồn để hướng về nẻo thiện, giúp đỡ tha nhân.
Cổ nhân từng dạy nói: “Người nhiều ham muốn thường hay sầu muộn, lo sợ. Người đã trọn vẹn dập tắt lòng ham muốn thì không còn sầu muộn, càng ít lo sợ”
Dập tắt ái dục là một điều mà trong cuộc sống đời thường mấy ai đạt được. Nhưng bớt ham muốn (thiểu dục) để ít lo sợ, giảm sầu muộn thì không ít người đã làm được bằng cách có nếp sống tri túc (biết đủ), dù ở đây phải được hiểu là đủ so với hoàn cảnh, với công việc và với trách nhiệm của mỗi người.
Re:Tang nhung nguoi ban ,nhung nguoi em than thuong
Đã gửi: Ba T11 07, 2006 9:49 pm
Viết bởi KiepNgheo
Trong Thần Điêu Đại Hiệp của nhà văn Kim Dung cũng nhắc tới đạo lý này,xin được trích dẫn để tham khảo :
Phép tu luyện dưỡng sinh của “Ngọc nữ công” phái Cổ Mộ có mười hai yếu quyết chữ “Thiểu” là “Thiểu tư, Thiểu niệm, Thiểu dục, Thiểu sự, Thiểu ngữ, Thiểu tiếu, Thiểu sầu, Thiểu lạc, Thiểu hỉ, Thiểu nộ, Thiểu hiếu, Thiểu ố (Ít: suy, nghĩ, ham muốn, làm việc, nói, cười, buồn, sướng, vui, giận, ưa thích, ghét bỏ). Bởi lẽ suy nhiều ắt mệt mỏi tinh thần, nghĩ nhiều ắt tinh tán, muốn nhiều ắt trí tổn, làm nhiều ắt mệt mỏi, nói nhiều ắt hụt hơi, cười nhiều ắt hại gan, buồn nhiều ắt mệt tim, sướng nhiều ắt ý lạm, vui nhiều ắt hại trí nhớ, giận nhiều ắt huyết mạch bất định, ưa thích nhiều ắt mê muội bất trị, ghét bỏ nhiều ắt nôn nóng bất an. Không trừ bỏ mười hai cái “nhiều” ấy, chính là gốc của việc mất mạng vậy. Tiểu Long Nữ tu vi từ nhỏ, không vui không buồn, vô tư vô lự, công lực tinh thuần có điểm còn hơn cả sư tổ Lâm Triêu Anh. Nhưng sau đó Dương Quá đến tòa cổ mộ, hai người sống với nhau nhiều năm, tình ý nảy sinh, những điều “Thiểu sự, Thiểu ngữ, Thiểu lạc, Thiểu hỉ” dần dần không theo được nữa. Thành hôn xong lại biệt ly mười sáu năm, Dương Quá phiêu bạt giang hồ, tóc mai nhuốm bạc, Tiểu Long Nữ thì ở dưới u cốc, tuy không tránh khỏi nỗi khổ tương tư, song công phu tu luyện hai mươi năm không nhỏ, mấy năm sau tái tu luyện mười hai yếu quyết chữ “Thiểu”, dần dần “Thiểu tư, Thiểu niệm, Thiểu dục, Thiểu sự”, độc cư dưới đáy sơn cốc, nên khi hai người gặp lại nhau thì trông Dương Quá rõ ràng lại già hơn Tiểu Long Nữ.
[tongue][tongue][tongue]
Re:Tang nhung nguoi ban ,nhung nguoi em than thuong
Đã gửi: Tư T11 08, 2006 11:39 pm
Viết bởi nguyenhoangtue
Trong nếp sống “thiểu dục tri túc”, mọi ước muốn đều phải phù hợp ngang tầm vóc, ngang nhu cầu tối thiểu thì may ra mới không đưa đến ưu phiền đau khổ. Khi đã có và cái có đã đủ, dù theo ý nghĩ nêu trên thì phải tri túc và đừng mong cầu gì nữa. Có tri túc mới không có tình cảnh đi quỵ luỵ năn nỉ cầu xin. Có thế mới cảm nhận tự do, mới tránh được điều sỉ nhục. Thế nên người xưa đã để lại lời chỉ dạy: “Biết đủ vui hoài, tham nhiều lo mãi. Biết đủ nghèo hèn cũng vui. Không biết đủ giàu sang cũng khổ. Biết đủ thường thấy đủ, cả đời không nhục. Biết thôi thường thôi, suốt đời không hổ. So với trên không đủ, so với dưới thì dư”. (Tri túc thường lạc, đa tham tắc ưu. Tri túc giả, bần tiện diệc lạc. Bất tri túc giả, phú quý diệc ưu. Tri túc thường túc, chung thân bất nhục. Tri chỉ thường chỉ, chung thân bất sỉ. Tỷ thượng bất túc, tỷ hạ hữu dư)
Hiểu là hiểu vậy nhưng sống thiểu dục thì không dễ. Kẻ hám danh, người hám lợi, một số người lại tham đắm sắc dục, quả thật cuộc đời đầy quyến rũ, đầy cạm bẫy, phức tạp khôn lường.
Theo thói thường thì người đời rất muốn người khác nể vì, trọng vọng mình, nhiều khi chẳng phải do phẩm chất của mình mà lại do mình quen lớn. Ý muốn đó là tham danh mà đương sự đã quên mất rằng người ta trọng mình là vì mình có quen lớn, chứ không phải trọng mình. Khi không được trọng vọng nể vì, thì sinh ra phiền bực giận hờn, thật là vô lối. Sao lại ưng người ta đối xử mình quá mức mình đang là!
Tri túc về danh thì khỏi chạy vạy nhờ vả mong kiếm cho ra một chức vụ cao hơn mà mình không xứng, thì không hề chọn đường bất chính để kiếm thêm bằng cấp, học vị do công lao học tập của mình, vượt quá trình độ hiểu biết của mình. Có tri túc thì không bao giờ trang trí hơn cái ta đang là.
Người tham lợi thì lại thấy đương nhiên là của ta khi muốn nhận những món lợi không do mình làm ra. Những ví dụ có thể quá dễ thấy trong xã hội mà báo chí đã hằng ngày vạch ra, đôi khi những tiêu cực đã biến thành thói quen, ngang nhiên ăn mòn dần tính trung thực lẽ ra phải có một cách toàn vẹn trong mọi công việc. Những tiêu cực đó rất thường khi xảy ra cho những kẻ đã có đủ hoặc dư thừa, lần hồi trở thành trầm trọng với những hình thức hối lộ, tham nhũng.
Re:Tang nhung nguoi ban ,nhung nguoi em than thuong
Đã gửi: Sáu T11 10, 2006 1:54 pm
Viết bởi nguyenhoangtue
Tri túc về lợi thì không chịu hoà mình vào những trường hợp đắc lợi không do mồ hôi nước mắt mình làm ra. Nếp sống đó là một mặt tích cực mà xã hội nào cũng trông chờ. Người xưa cũng đã để lại lời dạy quý giá cho muôn đời: “Giàu sang ai chẳng muốn, nhưng có được bằng đường bất chính, ta không thèm. Nghèo hèn ai chẳng ghét, nhưng thoát ra bằng cách gian tà ta không chịu. Giàu sang mà bất nghĩa, ta coi như mây nổi mà thôi”. (Phú dữ quý thị nhân chi sở dục dã, bất dĩ kỳ đạo đắc chi, bất sử dã. Bần dữ tiện thị nhân chi sở ố dã, bất dĩ kỳ đạo đắc chi, bất khứ dã. Bất nghĩa nhi phú thả quý ư ngã như phù vân).
Tri túc về sắc dục thì không có quan hệ lang chạ thầm kín với người khác phái ngoài vợ hay chồng mình; đây chính là yếu tố căn bản nhất của nếp sống gia đình để bảo vệ hạnh phúc cho chính gia đình mình, cho danh giá mình không phạm đến hạnh phúc và danh giá của kẻ khác. Liên quan vấn đề này, một trong năm lời dạy của người xưa mà có lẽ mọi người cần thực hành theo: “Người ôm lòng ái dục như kẻ cầm đuốc đi ngược gió, quyết bị nạn cháy tay”.
Trong hiện tình dân số thế giới đang càng ngày càng tăng vọt đáng lo ngại, thì vấn đề tri túc này còn phải cần được hiểu rộng thêm ra là phải hạn chế sinh đẻ để góp phần ổn định xã hội. Có con đầu lòng đúng là nền tảng của hạnh phúc gia đình, thứ hạnh phúc có được bằng mồ hôi nước mắt, bằng lo âu đủ thứ và dài ngày. Qua đứa con thứ hai, có lẽ hạnh phúc cũng vậy nhưng công lao nuôi dưỡng hai con đã phức tạp hơn nhiều. Đâu phải chỉ có ăn, có mặc, chỉ lo giữ gìn sức khoẻ cho con không mà thôi. Còn phải dần dần dạy dỗ về tính tình, kể cả lúc đã cho con đi học. Rõ ràng bổn phận làm cha mẹ không dễ. Đến khi có đứa con thứ ba thì nhiều gia đình đã quên dần niềm hạnh phúc ban đầu để chỉ còn theo thói quen nuôi con cho khôn lớn. Lo âu bắt đầu ló dạng xen lẫn niềm vui có con. Lắm lúc phải tự an ủi mình “trời sinh trâu, sinh cỏ” hoặc “năm ngón tay, phải có ngón ngắn ngón dài” như là những lời biện hộ cho sự bất lực của mình khi không tròn bổn phận nuôi dạy con mà nền giáo dục và y khoa hiện nay đã bảo: “Phải dạy con từ khi còn trong bụng mẹ (thai giáo)”.
Những khi thấy một người quát mắng hay đánh đập con trong cơn thịnh nộ, khi nghe trường hợp cha hoặc mẹ bỏ con để chạy theo những cám dỗ, hoặc khi đọc tin có người con xử sự hết tình với cha mẹ, có lẽ không ai là không thấy động lòng và suy nghĩ “thế thì đừng có con là hơn”.
Re:Tang nhung nguoi ban ,nhung nguoi em than thuong
Đã gửi: Bảy T11 11, 2006 1:16 pm
Viết bởi nguyenhoangtue
Không thiểu dục tri túc cũng còn có nhiều cách, đôi lúc nhìn qua thấy không có gì đụng chạm đến đời sống xã hội nhưng kỳ thật đã đưa lại những tai hại không nhỏ. Đó là trường hợp không thiểu dục tri túc của những kẻ quen thói la cà quán nhậu nhẹt say sưa, vung phí tiền bạc của gia đình, lại không giữ gìn được sức khoẻ và lắm rượu vào lời ra, lập bè lập nhóm để chém giết lẫn nhau, hoặc vì quá chén gây nên tai nạn khi lái xe dọc đường.
Không thiểu dục tri túc nên mới xuôi theo thị hiếu “mốt” này “mốt” nọ, bất kể trong nhà có tiền hay không. Xem phim Hàn Quốc hay Nhật Bản, thấy nữ diễn viên đi đôi giày lạ hoặc có bộ y phục đặc biệt, thế là không ít người thuộc phái nữ đua nhau mua sắm giày, quần áo y như vậy. Thấy nam diễn viên có kiểu tóc hay hay thì một số thanh niên lại đi đổi đầu tóc cho giống. Tánh đua đòi của con cái vượt ra ngoài nhu cầu của gia đình thật sự đã làm nhiều bà mẹ buồn phiền và cũng đã rất dễ đẩy tuổi trẻ ra xa cội nguồn dân tộc.
Một cuộc sống không thiểu dục tri túc thì có nhiều tác hại cho cá nhân rồi từ đó cho cả xã hội. Giai do chỉ vì cá nhân không chế ngự được lòng tham, một thứ thuốc độc đã làm trì trệ bước đường tu thân cho nhiều người và cũng gây nên không biết bao nhiêu là tội phạm trên đời: mua gian bán lận, buôn lậu, mua bán ma tuý, chặt cây phá rừng, mua bán sắc dục, bắt cóc trẻ em, cướp của giết người, mua bằng bán tước, hối lộ tham nhũng… Hình thức tội phạm càng ngày càng mới, không sao đoán trước được.
Người đời thường bảo lòng tham là vô đáy, nhưng với cung cách thiểu dục tri túc, không còn tư kỷ tư lợi chắc chắn đời người được an lạc, tâm trí được an tịnh, sáng suốt để chu toàn các công việc. Nếu là nhà kinh doanh chẳng hạn thì nguyên tắc tri túc khiến người đó chỉ dám nghĩ đến những dự án phù hợp với những điều kiện đang có của địa phương và hoàn cảnh, kinh phí, tài nguyên, nhân lực… có thế mới dễ thực hiện thành công dự án.
Cuộc sống đang phô diễn dưới thiên hình vạn trạng; trong hoàn cảnh hiện nay của đất nước ta, mọi nỗ lực đều nhắm tới công cuộc xây dựng một cuộc sống phồn vinh trong đó mọi người dân được an cư lạc nghiệp. Nhưng đâu đó còn những hiện tượng tiêu cực đang kìm hãm bước tiến tới đích cao đẹp đó, đang là mối bận tâm chung của xã hội. Trong bối cảnh như thế, có lẽ nếp sống thiểu dục tri túc là một phương thuốc mầu nhiệm qua một câu nói của tiền nhân:
“Người thường nhai được rễ rau thì trăm việc đều làm được”.
(Nhân thường giảo đắc thái căn tắc bách sự khả tố)
Một phương thuốc kèm với lý nhân quả chắc chắn sẽ nhanh chóng xóa bớt nhiều tiêu cực hiện nay, tăng đà phát triển cho đất nước./.
Re:Tang nhung nguoi ban ,nhung nguoi em than thuong
Đã gửi: Bảy T11 11, 2006 4:00 pm
Viết bởi Tuan
Cám ơn anh Tuệ,những món quà quý giá.(Hôm nay em mới nhận được đấy.)Lúc nào em xuống Chiba sẽ đáp lễ lại sau hihi.
Àh,cái hình anh chụp lúc này đấy,nhìn béo tốt quá hihi.
Re:Tang nhung nguoi ban ,nhung nguoi em than thuong
Đã gửi: Sáu T11 24, 2006 5:54 am
Viết bởi nguyenhoangtue
Trích bài của Tỳ Kheo Thích Chân Quang ,Nhà xuất bản Tôn Giáo Hà Nội - 2004.
SỐNG ĐƠN GIẢN
Sống đơn giản là không sử dụng quá nhu cầu cho bổn phận của mình.
Như vậy, theo định nghĩa, chúng ta cần tránh được sự cực đoan. Đó không phải là sự ép xác mà sống đơn giản đúng với bổn phận của mình. Trong cuộc sống, có những cái cần cho việc tu hành, chúng ta vẫn phải sử dụng. Chỉ lưu ý một điều, chúng ta không vượt khỏi nhu cầu đó để trở thành dư thừa, biến thành một đời sống xa hoa, sang trọng. Đây là chỗ rất khéo mà người tu chúng ta phải cẩn thận. Nói sống đơn giản không phải là ăn ít, mặc ít mà phải chọn mức sống sao cho vừa đủ, sao cho phù hợp với cuộc sống của mình. Trong cuộc sống, chúng ta vẫn cảm nhận rằng người sống đơn giản, ít có nhu cầu, ít ham muốn là người có cái gì đó tự tại hơn, thanh thản hơn những người sử dụng quá nhiều thứ, sống có quá nhiều nhu cầu,.
Với chúng ta, sống là để tu. Tu là sửa, là tu dưỡng. Trước hết, chúng ta phải sửa nội tâm mình. Làm sao từ chỗ còn nhiều ý nghĩ bất thiện, chúng ta trở thành một con người thánh thiện, từ chỗ hẹp hòi ích kỷ, chúng ta trở nên vị tha hơn. Tu là tu dưỡng nội tâm. Vậy, chúng ta cần sử dụng những gì cho việc tu hành nội tâm của mình? Đã là tu trong tâm, chúng ta không đòi hỏi gì nhiều ở bên ngoài. Chỉ cần cơm vừa đủ ăn để sống, quần áo vừa đủ để mặc, chỗ ở cũng vừa đủ, không cần rộng rãi sang trọng.
Sở dĩ chúng ta thích sung sướng, bởi trong thẳm sâu tâm hồn mình có một bản năng hưởng thụ, khát khao hạnh phúc. Đây cũng là điều hợp với lẽ tự nhiên và được luật pháp công nhận, bảo vệ. Trong Tuyên ngôn độc lập của Việt Nam, Hồ Chủ Tịch cũng đã trích dẫn lời trong Tuyên ngôn độc lập của nước Mĩ :“ Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng. Tạo hoá đã cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được. Trong những quyền ấy, có quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”.