Trương Thụy Mẫn: "chiếc máy giặt" mang tên Trung Quốc (phần 1)
Người công nhân từ đôi bàn tay trắng đã làm nên “truyền thuyết Haier”, đã bước lên vũ đài quốc tế chính là Chủ tịch hội đồng quản trị Tập đoàn Haier – Trương Thụy Mẫn (Zhang Rui Min).
Ông "thần" kinh doanh của Trung Quốc Trương Thụy Mẫn
Năm 1984, trong sự suy thoái chung của kinh tế Trung Quốc, nhà máy sản xuất tủ lạnh Thanh Đảo thua lỗ đến mức không trả nổi lương tháng cho công nhân. Mười chín năm sau, như một trò ảo thuật, nhà máy này trở thành công ty sản xuất điện gia dụng lớn nhất Trung Quốc, sản phẩm có mặt tại 160 nước trên thế giới với lợi nhuận 330 triệu USD năm 2002, tăng gấp 20.000 lần so với 18 năm trước đây. Đây quả là một “truyền thuyết” lớn trong giới kinh doanh Trung Quốc.
"Ông thần" kinh doanh Trung Quốc
Trên vũ đài kinh tế, Trương Thụy Mẫn đã thu hút được sự chú ý của thế giới hơn cả các doanh nghiệp Đài Loan. Tạp chí Fortune của Mỹ số ra ngày 18 tháng 8 năm 2003, đã bình chọn các doanh nghiệp lớn trên thế giới – trừ Mỹ, có tầm ảnh hưởng lớn, Trương Thụy Mẫn xếp hạng thứ 19 trong danh sách này.
Ngay từ tháng 3 năm 1998, Đại học Oxford đã đưa kinh nghiệm quản lý Haier vào giáo trình Thạc sĩ Quản trị doanh nghiệp của trường. Trương Thụy Mẫn cũng là nhà doanh nghiệp Trung Quốc đầu tiên được mời đến Đại học Oxford để diễn thuyết. Sau khi kinh nghiệm quản lý của Trương Thụy Mẫn trở thành môn học bắt buộc của sinh viên Đại học Oxford, ở Trung Quốc nổi lên phong trào “Haier học”. Mặc dù xuất thân từ tầng lớp công nhân, thế nhưng hiện nay tại Đài Loan có đến 6 quyển sách nói về Tập đoàn Haier và Trương Thụy Mẫn. Người ta tôn xưng ông là “CEO” số một của Trung Quốc”, “Ông thần kinh doanh của Trung Quốc”.
Cho đến nay, Tập đoàn Haier do Trương Thụy Mẫn lãnh đạo vẫn là một doanh nghiệp sở hữu tập thể. Doanh thu trong năm 2003 của tập đoàn có thể đạt 80 tỷ nhân dân tệ. Trong khi đó, theo đánh giá của báo giới Trung Quốc, lương hàng năm của ông chưa đến 80.000 nhân dân tệ. Trương Thụy Mẫn không thích bàn nhiều về vấn đề tiền lương, bởi cái mà ông quan tâm nhất hiện nay là xây dựng Haier thành một nhãn hiệu trăm năm như là Coca cola vậy.
Đã làm thì làm cho tốt nhất
Sản phẩm điện lạnh của Haier
Năm 1984, Haier lúc ấy đang thua lỗ và gần như phá sản. Đội ngũ lãnh đạo của nhà máy bị buộc phải ngưng hoạt động và giao quyền quản lý cho lớp mới kế thừa. Anh công nhân Trương Thụy Mẫn, với trí thông minh và tinh thần trách nhiệm cao trong công việc, được bầu chọn để đảm nhiệm chức vụ xưởng trưởng nhà máy.
Khi tiếp nhiệm, ông liền phát hiện ra trong số 400 chiếc tủ lạnh tồn kho, có 76 chiếc là hàng bị lỗi. Mặc dù trong những năm 1980, người tiêu dùng ở Trung Quốc có thể chấp nhận những hàng hóa bị lỗi, thế nhưng Trương Thụy Mẫn quyết định hủy bỏ chúng. Ông ra một thông báo cho công nhân: “Những sản phẩm bị lỗi tức là phế phẩm”.
Ông yêu cầu công nhân tập trung số hàng này lại, để chính tay những người làm ra sản phẩm này đập nát chúng. Những công nhân già nhìn thấy những chiếc tủ lạnh bị đập nát, không thể dằn lòng đã rơi nước mắt. “Đập nát tủ lạnh” - cách giáo dục làm lay động lòng người, đã phản ánh tư tưởng chủ đạo của Trương Thụy Mẫn : “đã không làm thì thôi, đã làm thì phải làm cho tốt nhất!”. Chính tư tưởng này đã làm nên bước ngoặt của Haier, đã xây dựng nên một văn hóa doanh nghiệp chỉ biết đến chất lượng thực sự.
Ai phải thì ta học
Trương Thụy Mẫn là con người của những bức phá. Những thành công của ông trong kinh doanh có được là từ những đổi mới, bứt phá không ngừng để vươn lên. Trong cách mạng văn hóa Trung Quốc, môi trường kinh doanh bị trói buộc bởi nhiều thể chế không phù hợp. Đó chính là yếu tố kiềm hãm sự phát triển của các doanh nghiệp Trung Quốc. Nhiều người gọi đó là “những dây xích trói bước chân của doanh nghiệp”.
Nếu muốn thoát khỏi tình trạng đó, doanh nghiệp buộc phải đổi mới tư duy kinh doanh của mình. Tuy nhiên, đổi mới cũng đi đôi với mạo hiểm. Thành công lớn nhất của Trương Thụy Mẫn là ở chỗ ông vừa biết cách thay đổi, vừa hiểu rõ quy luật tự nhiên. Chính vì xuất thân từ tầng lớp lao động nghèo, Trương Thụy Mẫn hiểu rất rõ tâm lý của công nhân lớp dưới, cũng như hiểu rõ những giá trị của cuộc sống. “Những ngày nghèo khó cực khổ là món quà lớn nhất mà ông trời ban tặng cho tôi và cũng là thứ hữu dụng vô tận nhất trong cuộc đời tôi”. Ông nói.
Để mưu cầu sự ưu việt lỗi lạc trong kinh doanh, Trương Thụy Mẫn ra sức học hỏi kỹ thuật, rút tỉa kinh nghiệm kinh doanh của nhiều nước. Ông bay đến Nhật Bản, Mỹ, châu Âu, Đài Loan để tìm hiểu phương thức kinh doanh của những doanh nghiệp thành công. Ngay từ lúc mới khởi dựng sự nghiệp, ông đã sang tận Nhật Bản viếng thăm những công ty lớn, và đã học hỏi được những kinh nghiệm quản lý hay của các doanh nghiệp Nhật.
Trong chuyến thăm Đài Loan vào tháng 9, buổi sáng ông tham quan Công ty Hán Khôn, buổi tối, trong phòng nghỉ của khách sạn, ông và các đồng sự đã khoác lên mình bộ đồng phục Haier, mở cuộc họp thảo luận về sách lược và cách làm ăn của Hán Khôn. “Cá có đường đi của cá, tôm có đường đi của tôm, những người tồn tại được, hẳn có con đường riêng của họ, chúng ta đến mỗi nơi học một ít, thì có thể tiết kiệm được rất nhiều công sức”, Trương Thụy Mẫn nói.
Máy điều hòa nhiệt độ mang thương hiệu Haier
Vị chủ tịch nổi tiếng luôn mang theo bên mình một quyển sổ tay nhỏ, viết chi chít những kinh nghiệm mà ông đã học được. Giới chuyên môn cho rằng mấu chốt tạo nên sự khởi sắc nhanh chóng của Haier chính là vừa có tinh thần sáng tạo của doanh nghiệp Mỹ, vừa có cả tinh thần tập thể và kỷ luật của doanh nghiệp Nhật Bản.
Sáng tạo trong thương trường là rất quan trọng
Tinh thần sáng tạo cũng chính là ưu thế cạnh tranh của Haier. Trương Thụy Mẫn cho rằng: “Cái gọi là sáng tạo là phải không ngừng chiến thắng bản thân mình, cũng chính là xác định mục tiêu, không ngừng phá vỡ tính cân bằng hiện hữu, xây dựng một sự không cân bằng. Sau đó, trên cơ sở không cân bằng mới này, sẽ xây dựng một thế cân bằng mới”. Đội ngũ nhân lực của Haier luôn tin vào lý lẽ: “Thanh xà ngang không ngừng được nâng lên tầm cao mới, những người không thể nhảy qua khỏi nó thì phải nhanh chóng rời khỏi sân chơi”.
Từ tinh thần sáng tạo không ngừng của Haier, đã cho ra đời nhiều chủng loại máy giặt tiện ích. Trong đó, nổi bật nhất là chiếc máy giặt mini “Thần đồng nho nhỏ” đầu tiên ở Trung Quốc với chức năng “giặt ngay tức khắc”. Trước đây, dung lượng của hầu hết máy giặt trên thị trường đều thuộc chủng loại lớn là 5 lít. Cứ đến mùa hè thì lượng máy giặt lớn này trở nên ế ẩm do thời tiết nóng, người ta sử dụng quần áo mỏng hơn và mỗi ngày thường giặt quần áo 2 lần, cho nên thật không thuận tiện khi phải sử dụng loại máy giặt với dung lượng lớn. Vì thế, mùa hè trở thành mùa ế ẩm của máy giặt. Nhưng Trương Thụy Mẫn không bằng lòng với điều đó, ông nói: “Nếu như chúng ta không xem đó là mùa ế ẩm thì có thể sáng tạo một mùa ế ẩm không ế ẩm chút nào”. Thế là, nhóm nghiên cứu vùi đầu vào làm việc, chế tạo ra một loại máy giặt mini có thể giặt được ngay cả một chiếc bít tất.
Bốn mươi lăm ngày sau khi chiếc máy giặt mini được tung ra thị trường, Haier đã nhận được đơn đặt hàng 100 máy. Không chỉ có người độc thân, mà ngay cả những gia đình có máy giặt rồi cũng mua thêm cho mình chiếc máy giặt mini để sử dụng vào mùa hè. Năm 1998, chiếc máy giặt mini Haier được bình chọn là một trong mười sản phẩm thành công nhất Trung Quốc.
Có một công ty đồ điện gia dụng Nhật Bản nói với Trương Thụy Mẫn rằng: họ cũng đã từng nghĩ đến việc phát triển sản phẩm máy giặt, thế nhưng không có cách nào giảm giá thành sản phẩm, nên đã từ bỏ ý định này. Người đại diện công ty này nhờ Trương Thụy Mẫn tư vấn cho mình một phương thức sản xuất hiệu quả nhưng giá thành rẻ. Trương Thụy Mẫn nói rằng: “Thần đồng nho nhỏ” đã đăng ký 11 bản quyền sở hữu trí tuệ, đồng thời cũng đã đăng ký quyền sở hữu trí tuệ tại Nhật Bản. Cuối cùng, công ty này chỉ còn cách là đặt hàng của Haier.
(Hết phần 1)