Bạn đang xem trang 1 / 1 trang

300 năm trước có khu chế xuất

Đã gửi: Tư T2 09, 2005 11:25 am
Viết bởi AZ


Vào đầu thế kỷ 17, một trung tâm thương mại quốc tế, đã hình thành ở Đại Việt. Hơn 2000 nóc nhà như bát úp, tàu thuyền ra vào nhộn nhịp, kho hàng đầy ních, người Âu, người Á buôn bán tấp nập...


Đó chính là bộ mặt của Hean (phố Hiến - Hưng Yên), một "tiểu Trường An", một "khu chế xuất" đầu tiên trong lịch sử nước nhà.


Nếu như trong lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam thường lặp đi lặp lại những chiến tích lẫy lừng, thì phố Hiến là một "hiện tượng" hiếm hoi, nếu không muốn nói là duy nhất, khẳng định nền kinh tế hàng hoá và sự phát triển sôi động thương trường nước Đại Việt.


Thử phác họa diện mạo phố Hiến xưa


Nằm trên tả ngạn sông Hồng huyền thoại, cách kinh thành Thăng Long 50 km về phía Nam, là một vùng đất bồi rộng lớn ít được ai biết đến. Từ thế kỷ thứ 10 đời Đinh Lê, nơi đây thuộc trị sở Đằng Châu dưới sự cai quản của tướng quân Phạm Phòng Ất. Sang thời Lý - Trần, vùng đất này trở thành vọng gác tiền tiêu của kinh thành Thăng Long.


Từ đầu thế kỷ 17, bộ mặt phố Hiến bắt đầu thay đổi hẳn và ngày càng trở nên sầm uất, chốn đô hội của một "tiểu Trường An" mà không ai không biết. "Thứ nhất Kinh kỳ, thứ nhì phố Hiến".


Bia kí chùa Thiên Ưng cho biết, tới năm 1625 phố Hiến mới chỉ có hai phường dân cư Phú Lộc và Phúc Lộc. Nhưng chỉ trong vòng hơn nửa thế kỷ, với chính sách cởi mở của nhà Trịnh, giao lưu thương mại Âu, Á nhộn nhịp đã nhanh chóng tạo cho phố Hiến một gương mặt mới của một trung tâm thương mại lớn nhất Đàng ngoài và đặc biệt trở thành nơi chế tạo hàng xuất khẩu theo đơn đặt hàng từ các thương nhân nước ngoài từ Á sang Âu.


Bia chùa Chuông khắc năm 1710 đã mô tả: lúc y phố Hiến trở thành một thương cảng sầm uất được thế giới biết đến như một nút trên trục giao lưu thương mại Đông Tây của các công ty Đông Ấn, Hà Lan, Anh, Nhật Bản và Trung Hoa. Hơn "2000 nóc nhà ngói như bát úp, 20 phường, 36 chợ".


Không chỉ vậy, ở phố Hiến còn ra đời hàng loạt các khu ngoại kiều, khu phố người Hoa, khu phố người Nhật, khu phố Hà Lan... Đặc biệt là các thương điếm Hà Lan (1637-1700), thương điếm Anh (1672-1683), Pháp (1680)... lần đầu tiên được ghi nhận trong sử sách Đại Việt, được các nhà buôn ngoại quốc ghi nhận còn tồn tại đến ngày nay trong các thư tịch cổ.


Sẽ là một thiếu sót lớn khi bỏ qua đời sống văn hoá và tôn giáo rất phong phú của phố Hiến. Vào thế kỷ 17, phố Hiến là đô thị xếp hàng thứ hai của Đại Việt sau Thăng Long, thậm chí nó còn có những cái mà ở kinh thành không có. Một Văn miếu Xích Đằng, từng là nơi đào tạo nhân tài thời hậu Lê, nay còn 8 bia tiến sĩ. Trong đó có ghi đầy đủ danh tính, quê quán 72 vị tiến sĩ, trong số đó có Lê Quí Đôn, từ đời Trần cho tới khi dựng bia năm 1882.


Một chùa Chuông, một chùa Thiên Ưng, một Đền mẫu và cả một nhà thờ cổ từ thế kỷ 17 được xây lại bằng đá năm 1808. Rồi một làng Hà, nơi phát sinh giống đậu Hà Lan còn tới ngày nay. Tất cả đã chứng minh thật sinh động cho thời kỳ "vàng son" của chốn đô hội từng vang bóng một thời. Phố Hiển trải dài suốt 5 km, từ chùa Chuông đến chùa Nễ Châu với chiều rộng hơn 1 km mà trung tâm là hồ bán nguyệt. Quả thật "danh bất hư truyền" của một đệ nhị "Kinh kỳ" xứ Đàng ngoài.


Cái tên phố Hiến được xuất phát từ Hiến Doanh là nơi đặt dinh thự của cơ quan chính quyền cấp tỉnh thời Lê. Cái tên Hoen (Hiến) cũng đã chính thức được đánh dấu trên bản đồ quốc tế của Robert in năm 1717 bên cạnh địa danh Cocochina (Thăng Long).


Cho dù phố Hiến với thuyền bè đông vô kể không có chỗ chen chân... không còn nữa, song những di vật văn hoá gồm 74 bia đá, 5 khánh đá, 21 chuông đồng, 160 đạo sắc phong và khoảng 60 cụm di tích lịch sử đã là những bằng chứng vô giá minh chứng cho sự phồn thịnh của đô thị cổ này, giúp chúng ta tìm lại được phần nào gương mặt xưa của phố Hiến.


Chính sách giao thương và chế xuất


Lịch sử còn ghi lại chính sách mở cửa giao lưu thương mại của chính quyền Trịnh. Một bức "kim điệp thư" viết trên lá bạc dát mỏng của chúa Trịnh Tráng gửi cho Giáo hoàng Gion Panh 8 (khoảng năm 1635), trong đó có đề nghị việc giao thương với châu Âu, hiện còn được lưu giữ tại Vatican. Rồi những thư tịch của nhà chúa giao lưu với Nhật, Hà Lan về việc mở thương điếm và ngoại thương khẳng định chủ trương thông thương với bên ngoài của nước Đại Việt.


Tuy nhiên, vì những lý do an ninh và vì các vấn đề phức tạp của một trung tâm thương mại quốc tế, các chúa Trịnh đã không cho phép lập thương điếm ở Thăng Long cũng như người ngoại quốc không được cư trú tại kinh đô. Chính vì vậy, với ưu thế của một tiền cảng gần Kinh kỳ, phố Hiến gần như đã được nhà Trịnh chủ trương cho phép phát triển trở thành một trung tâm giao lưu thương mại và cung ứng hàng xuất khẩu cho Đại Việt.


Vô hình trung, phố Hiến trở thành "khu chế xuất" đầu tiên của Việt Nam đầu thế kỷ 17. Hai mươi phường được hình thành với hai khu: 12 phường là khu cư dân và buôn bán và 8 phường là khu sản xuất hàng thủ công. Khu thủ công có những phường đặc thù cho nền sản xuất thủ công truyền thống như Hoa Lạp thị (phường Hàng Nón). Hàng Hè phường, Hàng Sơn phường, Thuộc Bì thị (Thuộc Da phường), Hàng Chén thị, Mộc Lang thị (phường Hàng Cau), Thổ Oa thị (phường Hòn Đất) v.v...


Khu thủ công có chức năng chế tạo, sản xuất hàng hoá cung ứng theo các đơn đặt hàng mà các thương nhân nước ngoài đòi hỏi sau 3 tháng, 6 tháng trở lại nhận hàng, tuỳ thuộc vào các hợp đồng được thoả thuận. Hàng cung ứng xuất khẩu một phần lấy từ phố Hiến và vùng lân cận, song phần lớn các mặt hàng truyền thống được tập hợp từ mọi miền đất nước. Hàng xuất khẩu chủ yếu là sản vật, gỗ quí, trầm hương, tỏi sống, đường mía, trà, đồ gốm sứ (Xích Đằng, Bát Tràng, Thổ Hà), đồ gỗ sơn và đặc biệt là hàng dệt bằng tơ tằm.


Các thương điếm nước ngoài đặt tại phố Hiến đã góp phần kích thích hoạt động xuất nhập khẩu của phố Hiến và từ đó thúc đẩy sự phát triển kinh tế thương nghiệp trong cả nước. Hàng nhập khẩu thời đó là một số hàng xa xỉ cho vua chúa, vũ khí, vật liệu chế thuốc súng, đồng, vàng, bạc, đồ sứ cao cấp, hàng dệt Trung Quốc, đồ nữ trang và đồ dùng cho sinh hoạt, sản xuất.


Trung tâm xuất nhập khẩu tấp nập của Đại Việt


Trung tâm xuất nhập khẩu nằm ở phố Hiến Hạ có tên Đông Đô Quảng Hội. Đây thực ra là một đền thờ tôn giáo của cộng đồng người Hoa. Toàn bộ nguyên vật liệu xây dựng và đồ tế khí điều vận chuyển từ ba tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây, Phúc Kiến sang bằng đường biển.


Chính tại đây còn tồn tại cho đến ngày nay một gian phòng rộng từng là nơi các thương nhân tụ hội để mua bán, hợp đồng định giá hàng hoá và điều hành các thương vụ ở phố Hiến. Tất nhiên các thương lái phương Tây còn điều hành thương vụ trực tiếp từ các thương điếm của riêng mình cũng như từ các chợ người Việt.


Tư liệu còn lại cho biết rõ, tại phố Hiến đã là nơi gặp mặt, giao thương, cư ngụ của nhiều thương gia Đông Nam á như Philippines, Malaysia, Trung Hoa, Nhật Bản và các thương gia châu Âu như Hà Lan, Bồ Đào Nha, Anh, Pháp...


Trong suốt thời kỳ tồn tại, hàng trăm thương thuyền trên thế giới đã đến và đi từ phố Hiến với một số lượng hàng hoá khổng lồ. Từ năm 1637 tới cuối thế kỷ 17, buôn bán giữa Đại Việt và Nhật Bản chiếm 10% trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Nhật, hàng năm trị giá tới 4 triệu lạng bạc (1 lạng = 37g). Quy mô buôn bán với Trung Hoa chưa được biết chính xác, nhưng theo số liệu của Công ty Đông Ấn Hà Lan, 55% hàng hoá từ Hà Lan xuất sang Nhật, từ Đại Việt là hàng tơ sợi, vải lụa.


Sang thế kỷ 18 theo sự đổi dòng của sông Hồng và một số nguyên nhân khác, đô thị phố Hiến tàn lụi dần. Những gì còn lại của phố Hiến "vàng son" thực sự là bức thông điệp gửi lại cho hậu thế. Từ 300 năm trước, ông cha ta đã biết mở cửa giao lưu và đẩy nền kinh tế đất nước lên một thời kỳ phát triển.

Trịnh Quang

Theo " Thời báo kink tế Việt Nam"

[ninja]