+ 1.600 trạm phát được lắp đặt trên địa bàn 2 thành phố lớn Hà Nội và TP. HCM để khắc phục nhược điểm vùng phủ sóng nhỏ.
+ Người nghe di chuyển với tốc độ trên 40km/giờ sẽ gặp trục trặc kỹ thuật mà nhà kinh doanh chưa muốn khắc phục.
Nói giá rẻ cũng không hẳn đúng vì nó vẫn đắt hơn so với điện thoại cố định. Nhưng lại đúng nếu so với điện thoại di động đường dài để đổi lấy "cái giá phải trả" là phạm vi hoạt động tin hin trong "ao nhà" bán kính vài km. Nói theo ngôn ngữ "giá cả", điện thoại di động nội vùng là thứ dùng để lấp khoảng cách thị trường giữa điện thoại cố định với điện thoại di động.
Tổng Công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) vẫn giữ nguyên kế hoạch áp dụng trước tiên ở hai thành phố Hà Nội và TP.HCM dịch vụ điện thoại di động nội vùng vào khoảng cuối quý IV năm 2002 thay cho ngày "khai sinh" 1/10/2002 như mong muốn ban đầu. Vẫn theo nhà cung cấp này, điện thoại di động nội vùng sau khi triển khai thử nghiệm tại Hà Nội, TP.HCM, sẽ áp dụng tiếp ở 10 tỉnh khác để, các bước tiếp sau nữa, lan ra cả nước.
Công nghệ mới
Điện thoại di động nội vùng là loại dịch vụ viễn thông sử dụng công nghệ PHS (với thương hiệu IPAS , công ty UT Starcom của Mỹ) hoạt động dựa trên nguyên tắc tận dụng cơ sở hạ tầng có sẵn, dễ dàng kết nối mạng điện thoại công cộng, có khả năng nâng cấp, chuyển đổi sang các dịch vụ của mạng cố định, băng rộng. Đặc biệt, nó có thể "lên đời" thế hệ 3 (3G), thế hệ mới nhất mà các quốc gia thông tin hàng đầu đang áp dụng, thay vì giẫm chân ở thế hệ 2 (2G) mà chúng ta đang dùng. Mặt khác, trong số các tính năng kỹ thuật mới đáng chú ý có khả năng điều khiển, định tuyến cuộc gọi và cung cấp các dịch vụ rất mềm dẻo nhờ công nghệ IP SoftSwitch. Đấy là chưa kể nó có thể cung cấp ngay các dịch vụ truy nhập tốc độ đến 64Kbps (tương lai đến 128Kbps và cao hơn), phát triển các dịch vụ mới thuận tiện như cung cấp tin nhanh, truy tìm thuê bao, e.mail, bản tin nhắn, v.v...
Điện thoại nào? Vùng nào?
Máy điện thoại sử dụng công nghệ này cũng gọn nhẹ, hợp thời trang không khác gì máy điện thoại di động hiện nay. Theo như quảng cáo của doanh nghiệp, công nghệ điện thoại di động nội vùng PHS áp dụng ở Việt Nam sắp tới có một số tính năng khá tiên tiến và độ tương thích tương đối cao. Bởi thế, nhiều loại máy điện thoại PHS mua ở nước ngoài mang về Việt Nam vẫn có thể sử dụng được. Tất nhiên sẽ phải cài đặt một số thông số mới song với chi phí được biết là không đáng kể.
Ai có thói quen đi chậm và ít ra khỏi vùng của mình hay, nói cách khác, những người ít đi xa và nếu có đi cũng quanh quẩn "cối xay", dịch vụ lần đầu tiên áp dụng ở Việt Nam này coi như là sự lựa chọn "của thế hệ mới". Với những ưu thế kỹ thuật như thế, nhiều vùng nông thôn, địa hình phức tạp, kéo cáp khó, ít thuê bao, cũng là chỗ "đắc địa" của loại dịch vụ này.
Ưu thế về giá?
Với những tính năng gần bằng điện thoại di động hiện nay, như nhấn mạnh của bên bưu chính viễn thông, ưu điểm lớn dễ thấy nữa của mạng điện thoại mới là giá. Điện thoại di động nội vùng sẽ có mức cước phí "mềm" hơn mạng điện thoại di động đang ứng dụng. Theo dự kiến ban đầu của VNPT, giá cước của nó khoảng dưới 300 đồng/phút, phù hợp với thu nhập của người Việt Nam và không "chơi trội" so với mức cước viễn thông trên thế giới.
Cách kinh doanh cũ
Tuy nhiên, dù trang thiết bị, cơ sở hạ tầng, máy đầu cuối cho mạng đi động nội vùng đã chuẩn bị gần như hoàn tất, dịch vụ này vẫn chưa ra đời vì nhiều lý do. Lý do mà Tổng Cty Bưu chính Viễn thông đưa ra là hàng loạt lợi thế vừa nêu qua ở trên cả vệ công nghệ đi kèm với những tiện ích "di động" cũng như giá cả". Nếu "đứa con" này ra đời, với những lợi thế ấy có khả năng một lượng lớn thuê bao cố định cộng với thuê bao di động chuyển sang dùng điện thoại di động nội vùng. Đến ngày phải khai hoa nở nhuỵ, vì thế, nhà cung cấp dịch vụ lại sợ đứa con mới sinh sẽ lớn quá nhanh, đè chết hai "thằng anh" độc quyền. Hai loại này, ở nước mình, các thượng đế phải trả với giá cao hơn cả mức áp dụng cho các thượng đế ở các nước giàu.
Và lỗ hổng công nghệ?
Ngành bưu chính viễn thông nói thế thì biết thế và nghe qua cũng thấy có cái lý. Tuy nhiên liệu có nguyên nhân cần thêm thời gian để bổ túc về công nghệ hay không, chỉ nhà đầu tư mới biết. Công nghệ PHS với hàng đống ưu điểm nêu trên không thể không có nhược điểm. Đáng kể nhất là 2 "khuyết điểm", vùng phủ sóng nhỏ (dưới 2km) và khả năng di động thấp. Để khắc phục chúng, không có cách nào khác là dùng biện pháp "cơ khí", tăng số lượng các trạm phát. Theo đó, riêng Hà Nội phải lắp đặt trên 600 trạm phát, TP.HCM trên 1.000 trạm. Với số lượng trạm phát lớn như thế, các nhà thiết kế không thể không tính đến yếu tố thẩm mỹ đô thị và, nhất là, nguy cơ ô nhiễm môi trường điện từ cho những cư dân sống gần các trạm phát đó.
Theo thiết kế hiện tại, tốc độ di động tối đa mà hệ thống cho phép là 40km/h. Nếu người sử dụng có tốc độ di chuyển lớn hơn, phóng "tít" hơn, khả năng duy trì thông tin sẽ khó đảm bảo. Thật chẳng dễ chịu chút nào nếu vừa nghe điện thoại vừa điều chỉnh tốc độ sao cho khỏi vượt quá giới hạn cho phép. Đương nhiên, về phương diện an toàn giao thông, biết đâu đấy lại là cách tốt khiến những khách hàng "nóng đầu" không dám "bốc hoả" tốc độ để đến nỗi gây cơn kinh hoàng cho những người đồng hành.
Liên quan đến đặc điểm "khó chịu" này, nhà cung cấp dịch vụ khoe đủ "thành công lực" để chế khắc. Vấn đề kỹ thuật hoàn toàn nằm trong tay nhà cung cấp dịch vụ. Họ có thể mở rộng vùng phủ sóng, đưa ra một số giải pháp tăng tốc độ di động và dung lượng phục vụ. Nhưng vì mục tiêu lợi nhuận và ban đầu cũng nhằm vào số đông người sử dụng, nơi tập trung đông người, di chuyển chậm kèm theo giá rẻ, nhà cung cấp nói chưa đưa "thuốc giải" ra vội. "Những giải pháp trên thực chất chưa cần thiết" - Một quan chức bưu chính viến thông đầy quyền lực khoát tay.
Điện thoại di động PHS là thứ "cũ người". Chúng được sử dụng nhiều ở Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan, Đài Loan, Singapore, Indonesia, v.v... Số lượng các thuê bao tại các nước đó từ 1-5 triệu. Thật là một ngành kinh doanh lợi nhuận cầm chắc. Tại Việt Nam, mức giá trên 300đ/phút cuộc gọi là "miễn bàn cãi". Dù sắp tới, Công ty Điện tử Viễn thông Quân đội (Vitel) đưa vào khai thác mạng điện thoại di động mới cũng chẳng làm lay chuyển tình hình. Mức giá dưới 300đ/phút như nhiều bà con mong mỏi sẽ khó khả thi.
Người ta chỉ tiết lộ nhỏ giọt là giá sẽ dao động trong khoảng cao hơn giá gọi điện thoại cố định một chút và thấp hơn giá gọi điện thoại di động cũng... một chút. Cũng không thể mơ gì hơn khi bóng ma độc quyền còn bao trùm ngành công nghệ mũi nhọn của đất nước. Nói một cách lạc quan và thực tiễn là cũng không nên quá cầu toàn. Mọi việc rồi đâu sẽ vào đó. Cái chính là tiến trình vẫn đang chuyển động dù chỉ ở tốc độ nhích từng bước. Nhưng ngó quanh thiên hạ lại thấy lởn vởn mấy mươi năm sau, ta vẫn lại "ăn khói" các quốc gia láng giềng về công nghệ. Có được điện thoại nội vùng mừng thì có mừng. Cạnh nghĩ đến vận mệnh chung, bởi thế, lại thấy ít mừng đi.