Lên talawas dạo chơi , có bài liên quan copy sang cho anh em cùng đọc .
Đừng bao giờ đùa với những nỗi đau như thế Tựa của bài này là một câu mà Lài mượn trong mục Chào buổi sáng của tác giả Thanh Thảo trên báo Thanh Niên ra ngày thứ hai 10.1.2005. Nguyên văn đoạn ấy như sau:
Ðó đây, vào lúc đội tuyển bóng đá Việt Nam thua bẽ bàng trước Indonesia và bị loại khỏi Tiger Cup, có vài ý kiến cho rằng: bóng đá thì dù sao cũng chỉ là... bóng đá, làm gì mà các anh “nâng cấp” nó lên thành niềm tự hào dân tộc hay là nỗi đau của hàng triệu người Việt Nam, to tát quá, ghê quá (!). Ðúng, bóng đá thì lúc nào và ở đâu cũng chỉ là bóng đá, nhưng quí vị có biết có nước rất lớn trên thế giới này mà sự vinh quang và vĩ đại tưởng như đã có đủ, nhưng họ vẫn đau, thật sự đau chỉ vì... đội tuyển bóng đá quốc gia của họ 4 năm trước lọt được vào chung kết World Cup, tuy rồi cũng bị loại ngay ở vòng đầu, nhưng hai năm sau thì bị “out” ngay từ vòng đấu loại ở châu lục, và chỉ còn biết ngồi nhà xem ti vi khi ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh được tổ chức ở Ðức năm 2006. Ðấy là mới nói đến nỗi đau, chưa nói đến những niềm tự hào mà bóng đá mang lại cho một quốc gia, một dân tộc. Bởi có những quốc gia mà niềm tự hào lớn nhất của họ chính là... bóng đá. Có sao đâu! Cứ nghĩ đến cảnh hàng mấy vạn người trên sân Mỹ Ðình lặng ngắt và như oà khóc lúc đội tuyển Việt Nam bị Indonesia dẫn 3-0 và mọi hy vọng đã tắt, ta mới hiểu bóng đá tác động thế nào đến một cộng đồng, một đất nước. Ðừng bao giờ đùa với nỗi đau như thế! (Lài xin viết đậm câu này cho trang trọng.) Ôi! Giờ thì Lài hiểu rồi, nỗi đau bóng đá của Lài chỉ kéo dài chưa đến 5 phút, nhưng nỗi đau của ông Thanh Thảo và hàng triệu người hâm mộ bóng đá khác lại kéo dài hơn thế nhiều. Vì thế Lài nên tôn trọng nỗi đau bóng đá của người khác.
Tuy vậy, lòng Lài đang ấm ức, nhưng ấm ức vì chuyện khác. Số là Lài là một độc giả thường xuyên của báo Thanh Niên. Mấy hôm trước Lài đọc được tin ngư dân Việt Nam bị các tàu mang cờ nước ngoài giết hại ở vịnh Bắc bộ, nhưng các tàu mang cờ nước ngoài là của chính xác nước nào thì báo không nói rõ. Dường như tin này chỉ được báo Thanh Niên quan tâm, đăng liên tiếp trong 3 ngày 12, 13, 14 tháng 1. Và hầu như tất cả các tờ báo lớn còn lại trong nước không hề nhắc đến. Rồi trên trang nhất ra ngày 14.5.2005 có tin: Tàu Trung Quốc tấn công giết hại dã man ngư dân Việt Nam. 9 người vô tội bị bắn chết, 7 người bị bắn trọng thương, 8 người bị bắt giữ trái phép. Việt Nam yêu cầu phía Trung Quốc chấm dứt ngay hành động sai trái nói trên.
Lài nghĩ, ai đọc tin này cũng phải đau lòng cho các nạn nhân, cho tang tóc mà những người thân của họ phải nhận lãnh. Và còn số phận những người còn sống mà bị bắt giữ thì như thế nào đây? Thôi, Lài xin không bàn thêm và để mỗi cá nhân tự xử lý lấy tình cảm do hung tin mang đến theo cách của mình, tự chọn lấy cho mình một thái độ trước nó. Riêng mình, Lài nghĩ rằng, thiên nhiên độc ác với con người bằng cách tạo ra thiên tai, con người muốn chống đỡ cũng khó khăn, và có oán thì chỉ biết oán trời, oán đất một cách tiêu cực. Còn con người độc ác với con người thì khác. Con người không thể tiêu cực và im lặng trước những cái ác như thế. Mọi người lặng ngắt và như oà khóc vì thua một trận bóng, còn với tang tóc này thì không lẽ chỉ lặng ngắt và như oà khóc thôi sao? Nó sẽ tác động thế nào đến một cộng đồng, một đất nước?
Lài có ý chờ những thông tin mới về vụ này nhưng có vẻ như nó được chuẩn bị để được quên đi và... sẽ tự hết đau (?). Nếu thế thì khả năng chịu đựng của dân tộc ta quả là kì dị. Chúng ta đau vì bóng thủng lưới, mà không đau vì đạn thủng ngực. Lại tự hỏi, nếu vụ việc này xảy ra cho một đất nước khác như Nhật, Mỹ, Hàn Quốc... thì người dân trong các nước ấy và dư luận quốc tế sẽ phản ứng như thế nào?
Chắc chắn không phải là sự im lặng!
Ðừng bao giờ đùa với nỗi đau như thế! Vâng, nếu chúng ta không đùa với nỗi đau thất bại trong bóng đá như thế, thì cũng đừng bao giờ im lặng và lãng quên nỗi đau có nước mắt, máu và sinh mệnh đồng bào.
Viết đến đây thì Lài nghe đứa con gái út 3 tuổi hát bài hát do cô giáo ở trường mầm non dạy, My hát rằng:
Chú bộ đội ơi
Cháu yêu chú lắm
Chú đi trong hàng ngũ
Mang súng trên vai
Tranh đấu cho hòa bình...
Chúng ta đã trang bị tinh thần Tranh đấu cho hòa bình cho các cháu bé 3 tuổi kỹ lưỡng như thế, vậy còn chúng ta thì sao? Niềm tự hào dân tộc hay là nỗi đau của hàng triệu người Việt Nam nằm nơi những cú bóng thủng lưới trên sân hay ở dấu đạn xuyên thủng ngực con người?
© 2005 talawas
từ http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=3646&rb=0401