Bạn đang xem trang 1 / 1 trang

Chuyen ban quyen!

Đã gửi: Ba T9 14, 2004 7:07 pm
Viết bởi wasabi
Ăn cắp bài báo lá cải (còn tươi) này cho bà con đọc chơi...he he
Như nhiều nước nghèo khác, Việt Nam không thực sự thiết tha gì việc bảo vệ bản quyền. Việc vi phạm bản quyền thiệt hại cho người làm ra software, lợi cho người xài (chôm) software, mà Việt Nam thuộc loại xài rất nhiều mà làm ra thì rất ít.
Việc chính quyền Việt Nam lơ là không chịu bảo vệ bản quyền, là một chuyện dễ hiểu. Nhưng Việt Nam và những nước đang phát triển vẫn phải bảo vệ bản quyền vì các nước đã phát triển, nhất là Mỹ, thường hay áp lực buộc họ phải làm thế.

--------------------------------------------------------------------------------

Một hôm đọc báo Thanh Niên, bỗng lại gặp một tin dở khóc dở cười. Tin rằng, vào tháng Năm, Chi cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội dắt nhau đi kiểm tra các công ty máy tính. Không biết tóm được mấy công ty có máy tính cài sẵn Windows và các loại phần mềm (nhu liệu, software) lậu, nhưng rốt cuộc tuần rồi Chi cục ra quyết định xử phạt 3 công ty máy tính, mỗi công ty bị phạt 21 triệu đồng (cỡ 1400 đô la), thu giữ ổ cứng của các máy tính vi phạm, nộp 5 triệu đồng tiền lưu kho.

Đến đây thì chỉ mới là dở khóc, chưa dở cười. Chuyện dở cười là: Bài báo được đặt tựa “Phạt Răn Đe 3 Công Ty Máy Tính” và có cả câu “răn đe” sau đây: “‘Đừng đùa với luật bản quyền’ là thông điệp rõ ràng nhất mà cơ quan quản lý nhà nước muốn gửi đến giới kinh doanh máy tính qua hành động này.”

Ô hô vui nhỉ? Cả Hà Nội có mấy ngàn cửa tiệm lắp ráp và bán computer? Tất cả đều bán máy tính cài sẵn Windows, Office, một lô trò chơi games, tất cả đều không có phép của Microsoft và các công ty viết ra những software này. Chưa kể hàng trăm tiệm bán software lậu cho những ai xui xẻo mua máy tính chưa có sẵn những software mình cần.

Ấy thế mà các ông chỉ phạt có 3 công ty, rồi các ông hể hả la lên rằng các ông đang “răn đe” đấy, sợ chưa? Với giọng dọa thiên hạ, ông Nguyễn Đức Thịnh - Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Bộ Thương mại nói: “Chúng tôi đang lên kế hoạch để thực hiện các đợt kiểm tra tiếp theo.”

Gớm, kinh nhỉ? Mà có ai sợ không? Phóng viên báo Thanh Niên viết xong tin này có toát mồ hôi hột mà về kiểm lại máy của mình không? Cả toà báo Thanh Niên sau khi đăng xong bài này có xanh mặt mà bỏ tiền trả cho software trong hàng trăm máy tính trong toà soạn không?

Đó là chưa kể đến cá nhân ông Cục trưởng và mấy trăm nhân viên của ông. Có ai biết thân biết phận mà về nhà, rà lại máy của gia đình, xem trong đấy có bao nhiêu software lậu, bao nhiêu Windows, bao nhiêu Microsoft Office, bao nhiêu games, bao nhiêu bài hát MP3, cái nào lậu, cái nào có trả tiền bản quyền?

Nói cho công bằng, không phải chỉ có Việt Nam ngày nay mới biết vi phạm bản quyền. Việt Nam ngày xưa, và nước khác ngày nay, cũng vi phạm bản quyền. Trước (và sau) 1975, truyện ngắn truyện dài truyện kiếm hiệp các nước được dịch ra tiếng Việt một cách thoải mái, in báo in sách tác giả không nhìn thấy một xu. Bản quyền của người Việt Nam cũng phải chào thua; trong “Duyên Anh và tôi, những câu chuyện bên ly rượu,” tác giả Vũ Trung Hiền kể chuyện nhà thơ Nguyễn Tất Nhiên đến gặp Phạm Duy đòi tiền bản quyền, nhạc sĩ cười mà rằng “Tôi phổ nhạc cho thơ anh, anh nổi tiếng là có phước, còn đòi tiền gì” hay một câu đại khái như thế.

Ngoài Việt Nam ra, nhiều nước khác còn vô địch hơn cả Việt Nam về mặt làm, bán, và xài đồ lậu. Theo thống kê của Liên minh Quyền sở hữu Trí tuệ Quốc tế (IIPA), trong số các software tại Trung Quốc, có đến 96% là software lậu. Chỉ riêng software giải trí, hàng lậu ở Trung Quốc đã khiến cho kỹ nghệ software bị thiệt hại $568 triệu. Nếu cộng cả “tứ nhân bang” Á Châu (Trung Quốc, Đài Loan, Ấn Độ, Nam Hàn), số tiền này lên đến $1,19 tỷ đô la Mỹ. Software văn phòng, thương mại, để làm ăn, bị xài lậu đến $2,67 tỷ.

Việc Trung Quốc bị chỉ đích danh là thủ phạm hàng lậu lớn nhất (hầu hết hàng lậu ở Việt Nam đều nhập từ Trung Quốc) khiến cho nước này lâu lâu cũng phải làm một cuộc càn quét để ... răn đe. Mỗi lần như thế thì nhà nước Trung Quốc tung hàng trăm công an, đi càn cùng lúc trong hầu hết các thành phố lớn, tịch thu hàng chục ngàn đĩa lậu. Qua một cuộc càn quét thì lại đâu vào đấy.

Thế mới biết trò xử phạt chỉ có 3 công ty của một thành phố Hà Nội không nhằm nhò gì. Không “răn đe” được ai mà chỉ, nói theo kiểu Hà Nội, là làm trò khỉ. Một trò đùa thật vô duyên.

Vì sao? Vì như nhiều nước nghèo khác (và cả những nước chẳng nghèo mấy như Đài Loan và Nam Hàn), Việt Nam không thực sự thiết tha gì việc bảo vệ bản quyền. Nói tóm tắt, việc vi phạm bản quyền thiệt hại cho người làm ra software, lợi cho người xài (chôm) software, mà Việt Nam thuộc loại xài rất nhiều mà làm ra thì rất ít.

Khi một công ty làm ra software bán cho người tiêu dùng, phải hai bên cùng có lợi thì chuyện đó mới xảy ra. Nếu một công ty bỏ ra 5 triệu bạc làm ra software, thì phải bán được hơn 5 triệu thì mới làm. Nếu giá bán là $200, người mua phải đánh giá tiện ích của software đó cao hơn $200 người ta mới mua.

Trong một nước theo kinh tế thị trường thì người ta cho rằng khi bất cứ thành phần nào trong nước được lợi, thì coi như cả nước cũng được lợi theo. Khi một công ty làm ra software và bán lấy lời, số lời này cũng có lợi cho xã hội. Ngược lại, khi người tiêu dùng mua được một món software với giá $200 chẳng hạn, mà người ta đánh giá software ấy tiện ích tới $250, thì người tiêu dùng được lợi $50, và theo đó xã hội cũng được lợi thêm $50. Khi thuận mua vừa bán cả hai cùng có lợi, thì xã hội được lợi thêm đến hai lần.

Người bán lẫn người mua software đều là thành phần của xã hội. Lợi ích của ai cũng đều là của xã hội cả. Vì vậy, tiện ích, phúc lợi của xã hội là tổng của số lời của công ty, và tiện ích của người tiêu dùng. Khái niệm này trong kinh tế học tiếng Anh gọi là social gain, có khi gọi là social benefits, hay social surplus, v.v.

Ở nhiều nước, người ta phải bảo vệ bản quyền vì nếu người bán software bị thiệt, thì phúc lợi xã hội bị giảm đi. Nếu họ bị thiệt nhiều quá, họ nản không viết software nữa, phúc lợi xã hội sẽ chỉ còn zero.

Nhưng ở những nước như Việt Nam thì sao? Phúc lợi của xã hội Việt Nam cũng là tổng của số lời của công ty Việt Nam bán software lẫn người tiêu dùng software của Việt Nam. Tuy nhiên, lối nhìn của người Việt Nam có khác. Do ở Việt Nam hầu hết chỉ xài software (chưa kể sách vở, phim ảnh, ca nhạc) do người nước khác làm ra, phía bán software là những công ty tư bản có tên không phải tiếng Việt, như “Microsoft” hay “Borland” hay “Adobe,” và những chi nhánh, những văn phòng đại diện của các công ty đó. Người Việt Nam nhìn chúng như người ngoại quốc, như người ngoài.

Việt Nam (và những nước đang phát triển khác) có khuynh hướng xem phần lời của các công ty tạo ra software không phải là phúc lợi của xã hội mình. Họ chỉ nhìn đến tiện ích của người tiêu dùng, tức là sự khác biệt giữa giá họ bỏ ra mua software, với giá trị của software đó đối với họ. Sự khác biệt này càng lớn thì tiện ích của người tiêu dùng càng cao. Sự khác biệt này lớn nhất nếu tiền mua software bằng zero, tức là khi số người tiêu dùng được hưởng trọn giá trị của software mà không cần bỏ tiền ra mua.

Nói cách khác, vì kỹ nghệ software của Việt Nam chưa đi đến đâu, nên Việt Nam thấy chuyện “chôm” software không có gì hại mà ngược lại coi nó là chuyện vô cùng có lợi. Chỉ cần ngồi im không làm gì cả, mà dân chúng có software xài. Dễ hơn nhiều so với việc phải có luật lệ, chính sách kinh tế, làm sao cho phát triển kỹ nghệ software.

Việc chính quyền Việt Nam lơ là không chịu bảo vệ bản quyền, do đó, là một chuyện dễ hiểu. Cộng vào đó tư duy xem tư bản là bóc lột, thì chuyện nhà nước không xem việc xài software, phim, DVD, CD lậu là hành động ăn cắp cũng là chuyện tiên đoán được.

Nếu vậy tại sao lâu lâu lại phải “răn đe”? Ở mức độ phàm phu tục tử có thể nói có răn đe mới có trà nước. Nhưng ở trình độ cao hơn, Việt Nam và những nước đang phát triển vẫn phải bảo vệ bản quyền vì các nước đã phát triển, nhất là Mỹ, thường hay áp lực buộc họ phải làm thế. Áp lực ở đây vừa trực tiếp vừa gián tiếp qua trung gian các cơ quan quốc tế. Với Việt Nam, Mỹ bắt Việt Nam phải bảo vệ bản quyền, bằng sáng chế, thương hiệu của các công ty Mỹ, thì Mỹ mới chịu ký Hiệp ước Thương mại Song phương. Ngoài ra, WTO cũng đặt điều kiện cho các nước hội viên phải bảo vệ bản quyền, bằng sáng chế, thương hiệu.

Vì vậy mà lâu lâu Trung Quốc mới phải càn quét răn đe. Số tiền 568 triệu đô la Mỹ kỹ nghệ software bị mất vào software giải trí bán lậu tại Trung Quốc chính là số tiện ích của người tiêu dùng Trung Quốc “cuỗm” được từ các nước khác. Không phải tự nhiên, không có áp lực gì, mà Trung Quốc phải sử dụng hệ thống công an để dẹp bỏ mối lợi này.

Tệ nạn xài hàng lậu ở Việt Nam không bằng một góc nhỏ của Trung Quốc, nhưng cũng đủ để các hiệp hội phim ảnh, software tại Mỹ phải lên tiếng. Từ “lên tiếng” đến hành động, đối với các hiệp hội trong một xã hội dân chủ, thường không phải là một bước dài.

Nếu Việt Nam muốn tránh những khó khăn sau này, cũng nên làm nhiều cuộc “răn đe”. Nhưng răn đe thì phải làm người ta sợ. Kiểu Trung Quốc xua ra hàng trăm công an càn quét hàng mấy tỉnh cùng lúc tịch thu hàng núi đồ lậu. Chứ lâu lâu cho mấy ông quản lý thị trường đi khều khều hai ba tiệm, nếu người Việt Nam không ai sợ thì các hiệp hội, các công ty ở Mỹ cũng không ai coi những hành động đó ra gì. Chỉ chọc cười một cách vô duyên.
(ST)



Re:Chuyen ban quyen!

Đã gửi: Ba T9 14, 2004 7:39 pm
Viết bởi musashi2nd
Hehe,thay mặt Cục quản lí bản quyền Đông Du cảnh cáo lần thứ nhất với đồng chí tội phạm Wasabì,yêu cầu đồng chí tội phạm ghi rõ nguồn gốc xuất xứ của bài báo,nếu còn tái phạm thì sẽ bị ...cảnh cáo tiếp,hehe [tongue]

Re:Chuyen ban quyen!

Đã gửi: Ba T9 14, 2004 8:16 pm
Viết bởi wasabi
Bài này hơi lá cải một chút nên không dám ghi nguồn .Hàng băng đĩa lậu làm gì có tem anh mss2[grin]Nhưng có thể đem vài từ bỏ dzô gô gô đót com sẽ tìm thêm nhiều bài lá cải hay hơn nữa[cool][grin]

Re:Chuyen ban quyen!

Đã gửi: Tư T9 15, 2004 10:57 am
Viết bởi fuji
Về vấn đề bản quyền nhà xuất bản và phát hành sách việt nam cũng đang có kế hoạch đưa luật bản quyền vào thi hành từ năm sau.Không biết kết quả sẽ như thế nào???Lúc ấy chắc sách báo việt nam cũng như băng đĩa sẽ chẳng khác gì nhật bây giờ.Đợi dài cổ mới xem được bộ phim mới của hollywood hehehe[cry]