Bạn đang xem trang 8 / 12 trang
Re:Câu chuyện biển Đông
Đã gửi: Chủ nhật T12 07, 2008 9:48 pm
Viết bởi TamTokyo
Chiến lược dân sự hóa Trường Sa:đưa dân cư ra sinh sống.
Bay trong nắng lửa
“Nắng Phan Rang nắng vàng cây lúa
Gió Phan Rang gió úa cành cây”
Chẳng hiểu câu ca trên đã có tự bao giờ, nhưng ai đã từng đến mảnh đất cực Nam Trung bộ này, đều cảm nhận được cái nắng “sạm da, cháy thịt” với những cơn gió “đỏ tóc” của Phan Rang. Nhưng có lẽ không ai hiểu cái nắng, cái gió bằng các chiến sĩ ở sân bay Thành Sơn. Người lính không quân từng truyền miệng: “Phan Rang, Phù Cát đã từng/ Thọ Xuân, Yên Bái xin đừng dọa nhau”. Nghĩa là, ai đã từng sống và làm việc ở sân bay Thành Sơn (Phan Rang - Ninh Thuận) hay Phù Cát (Bình Định), thì có về sân bay Thọ Xuân (Thanh Hóa), hay ra sân bay Yên Bái cũng chẳng ngại gì. Và câu nhắn nhủ: “Phan Rang thừa nắng, thiếu mưa/ Ai chưa đến đó thì chưa hiểu mình” sẽ tiếp tục cùng các chiến sĩ sân bay Thành Sơn bay suốt chiều rộng của không gian, chiều dài của thời gian trên bầu trời Tổ quốc.
Mùa bay huấn luyện năm 2008, các chiến sĩ Đoàn Không quân C37 đã hoàn thành hơn 110% kế hoạch đề ra. Những ngày đầu mùa khô, họ vẫn miệt mài huấn luyện không mệt mỏi. Thượng tá Bùi Đức Thành, Chính ủy đơn vị, là bạn thân với tôi khi anh còn là một “tay lái” trẻ trên bầu trời Thanh Hóa. Người con của dân tộc Mường này ít nói, nhưng khi nói lại rất dí dỏm và có duyên. Bước qua tuổi 40, trông anh vẫn như cây vầu non mơn mởn trong rừng. Gặp anh sau chuyến bay nhào lộn phức tạp, tôi cảm nhận được sức sống và niềm tin của các chiến sĩ Thành Sơn mạnh mẽ đến mức nào. Bùi Đức Thành nói:
- Năm nay nhiệm vụ bay vẫn “chồng chất”. Ngoài việc đào tạo, nâng cấp phi công, đào tạo giáo viên bay, chỉ huy bay, nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu của chúng tôi vẫn phải được đặt lên hàng đầu.
Trở về sau chuyến bay an toàn, thắng lợi.
Tôi còn nhớ những ngày đầu khôi phục lại phiên hiệu đoàn bay C37 cuối tháng 11-1988, bao nhiêu khó khăn, vất vả đều chất cả lên vai người chiến sĩ. Doanh trại cũ, nát. Nước sạch thiếu trầm trọng. Đời sống của bộ đội luôn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thiếu thốn. Ấy vậy mà chúng tôi vẫn bay mút mùa. Công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu được tổ chức chặt chẽ, an toàn. Chỉ sau một năm, những cánh bay của chúng tôi đã có mặt ở dọc tuyến biên giới Tây Nam, vùng thềm lục địa phía Nam và các hải đảo xa xôi của Tổ quốc. Những ngày giáp Tết Kỷ Tỵ (1989) phi công Võ Văn Tuấn (nay là Thiếu tướng – Phó tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân chủng Phòng không – Không quân) và phi công Hồ Kim Tuấn thực hiện chuyến bay ra quần đảo Trường Sa. Hôm ấy thời tiết xấu. Dọc đường bay, những đám mây đan vào nhau làm cho các anh rất khó phân biệt được đâu là trời, đâu là biển. Võ Văn Tuấn tự nhủ: “Phải bay bằng được đến đảo xa, để gửi lời chúc Tết đồng đội”. Nhìn qua kính chiếu hậu, Võ Văn Tuấn vẫn thấy Kim Tuấn mờ mờ bám theo sau. Anh nói trong đối không: “Nếu số 2 thấy khí tượng phức tạp quá, cứ quay trở về căn cứ, để mình tôi làm nhiệm vụ”. Kim Tuấn trả lời: “Tôi vẫn bám tốt”. “OK!”. Ra tới đảo, các anh đã nhìn thấy dải đất thân yêu hình tam giác dưới cánh bay. Hai phi công vẽ một vòng tròn quanh đảo rồi hạ thấp độ cao. Khi liên lạc được với đảo, Võ Văn Tuấn trào dâng niềm xúc động. Anh nói từ trên không: “Chúng tôi, những chiến sĩ Không quân anh hùng, xin gửi tới toàn thể cán bộ, chiến sĩ đảo Trường Sa lời chúc mừng năm mới mạnh khỏe, hạnh phúc, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc XHCN”. Dưới mặt đảo, sĩ quan dẫn đường bay và anh em Hải quân cũng cảm xúc không kém: “Xin cảm ơn các anh, những cánh bay của “Phi đội Quyết thắng” năm xưa. Các anh cho chúng tôi gửi lời chúc mừng năm mới đến đất liền nhé”. Thay cho câu trả lời, Võ Văn Tuấn cua một vòng gấp, anh giảm độ cao và ép cần lái nghiêng cánh chào. Trên đảo, tất cả mọi người đều ùa ra vẫy chào. Có người còn cởi cả áo vẫy mãi…
Mười năm qua, những cánh bay mà tiền thân là “Phi đội Quyết thắng” năm xưa đã đánh một trận lịch sử vào sân bay Tân Sơn Nhất chiều ngày 28-4-1975, luôn được mệnh danh là “Những cánh bay an toàn”. Với bộ đội Không quân, an toàn bay bao giờ cũng được coi trọng đặc biệt, nhất là đối với đơn vị bay phản lực như C37. Từ đội ngũ phi công, thợ máy, các thành phần phục vụ khác phải tỉ mỉ, thận trọng và tập trung tối đa trí lực khi tổ chức bay. Chỉ một sai sót nhỏ, chỉ vài giây lơ là, chỉ một chút cảm giác sai là hậu quả sẽ khôn lường. Trung tuần tháng 11, sân bay đầy nắng gió. Càng về trưa, nắng dữ dội như thiêu, như đốt. Trung tá Phạm Trường Sơn, Phi đội trưởng phi đội 2 dẫn tôi ra sân đậu. Chao ơi là nóng. Nóng từ trên cao đổ xuống, nóng từ mặt đất bốc lên, ngùn ngụt như khói sương. Mồ hôi túa đầy lưng áo, ướt cả mái tóc vẫn trong làn gió chướng thổi phần phật. Những tia nắng bắn căng xuống mặt đất, được gió tiếp thêm năng lượng, tạo ra hơi nóng hầm hập táp vào da thịt người chiến sĩ. “Đường băng và sân đậu bây giờ phải nóng gần 500C” – Trường Sơn nói. “500C? – Tôi thốt lên - Thế thì chín hết còn gì”. “Chín làm sao được. Lính Phan Rang là mình đồng, da sắt cơ mà”. Trường Sơn đã bay ở Phan Rang hơn 20 năm. Anh đã nhiều lần thực hiện những chuyến bay trinh sát ra đảo xa và là một giáo viên bay có kinh nghiệm. Năm 2007 và 2008, anh đã cùng đội ngũ giáo viên bay của đơn vị, chuyển loại thành công cho nhiều phi công sơ cấp lái thành thạo máy bay siêu âm.
Theo qui định, những phi công muốn tập lái máy bay ở đoàn C37, phải qua đào tạo lái máy bay ở Liên Xô (trước đây), hoặc những phi công lái MiG-21 tốt nghiệp loại giỏi ở Trường sĩ quan Không quân. Ấy vậy mà lãnh đạo, chỉ huy C37 nhận nhiệm vụ mới này rất thoải mái. Đảng ủy đơn vị họp bàn hạ quyết tâm. Phi đội 2 đã có nhiều buổi chụm đầu bàn bạc, cùng cơ quan quân huấn xây dựng kế hoạch huấn luyện tỉ mỉ, chặt chẽ, khả thi. Từng cá nhân các giáo viên bay, phi công được phân công trách nhiệm cụ thể. Toàn phi đội tập trung vào việc chuẩn bị kỹ về sức khỏe, tâm lý, nội dung học lý thuyết cho phi công mới. Các anh chia phi công sơ cấp ra từng tổ, mỗi tổ phân công cán bộ và hai giáo viên theo dõi, kèm cặp từ khi học lý thuyết bay, chuẩn bị mặt đất đến khi thực hành bay. Tất cả phải tuyệt đối theo phương châm “Cơ bản, thiết thực, vững chắc, an toàn, tiết kiệm”, lấy an toàn là mục tiêu số 1. Ngay cả chỉ huy đơn vị như đoàn trưởng Trần Ngọc Đông, Chính ủy Bùi Đức Thành, các đoàn phó Trần Lâm, Đoàn Thế Sự… cũng tham gia dạy bay cho phi công mới. Sau khi đào tạo lý thuyết xong, các anh lựa chọn những học viên giỏi đưa vào bay trước để xây dựng niềm tin và làm động lực phấn đấu cho số còn lại. Cứ như vậy, một thầy, một trò gắn bó, kèm cặp nhau ở mặt đất cũng như khi bay trên trời. Từ công tác chuẩn bị, đến các yếu lĩnh, hiệp đồng thầy và trò phải hiểu nhau để phối hợp nhịp nhàng, ăn ý trong suốt quá trình huấn luyện. Gần nửa năm học lý thuyết và thực hành bay, lần lượt các phi công Phan Việt Anh, Kiều Việt Anh, Đỗ Chí Dũng, Đỗ Tất Lợi… đã thả đơn an toàn, thắng lợi trong niềm vui hân hoan của cả đơn vị. Đến nay, các anh đã được phiên vào trực chiến và tham gia huấn luyện các khoa mục phức tạp hơn như bay tuần tiễu, trinh sát, bay đồng hồ, bay nhào lộn phức tạp, chặn kích, bắn, ném bom các mục tiêu mặt đất...
Một ngày bay cường độ cao lại rộn rã trên miền nắng gió. Ngồi trên đài chỉ huy kỹ thuật cùng Trung tá Đinh Xuân Phương, Phó chủ nhiệm kỹ thuật hàng không của đơn vị, tôi nghe rõ từng lời gắn kết với nhau giữa bầu trời và mặt đất. “Hoàng Mai gọi 23?”. “23 nghe rõ. Tôi đang ở tọa độ X, độ cao 6.500, tốc độ 650. Máy bay hoạt động tốt”. “Kiểm tra lại các thiết bị, chuẩn bị vào công kích”. “23 nghe tốt”. Trên bầu trời lúc này có 6 chiếc máy bay đang hoạt động. Nhìn những cánh bay lên xuống nhộn nhịp, tôi bất chợt bắt gặp những đài trạm ra-đa đang tung cánh lên bầu trời. Trong các xe thông tin, hay trên đồi ra-đa phía xa, chiến sĩ ta cũng phải gồng mình chịu đựng cái nóng khủng khiếp của miền Trung. Họ giống như anh em kỹ thuật, phục vụ xe máy, xăng dầu, công binh, nuôi quân. Đó là những người đi sớm về muộn, những người làm việc thầm lặng nhưng rất quan trọng cho nhiệm vụ huấn luyện, SSCĐ của bộ đội không quân. Niềm vui lớn nhất của họ chính là những chuyến bay “An toàn, thắng lợi”.
Tôi ngửa mặt lên bầu trời xanh. Những tia nắng chói lòa ùa đầy vào ánh mắt. Bầu trời miền Trung đẹp quá. Đẹp như những chuyến bay và những ước mơ của đồng đội nơi miền nắng lửa này. Dưới cánh bay của các anh là quê hương, đất nước đang đổi mới từng ngày. Thành Sơn vẫn còn nhiều khó khăn thiếu thốn. Những người vợ, người con của bộ đội không quân vẫn một nắng hai sương trên những cánh đồng, hay miệt mài trên bục giảng để các anh yên tâm gắn bó với bầu trời. Nhìn ra sân bay, tôi như vẫn thấy bóng dáng của 5 phi công trong “Phi đội Quyết thắng” ngày nào trở về trong niềm hân hoan chiến thắng. Tôi vẫn như thấy các thế hệ phi công đàn anh như: Âu Văn Hùng, Vũ Kim Điến, Nguyễn Hùng Sơn, Võ Văn Tuấn, Nguyễn Kim Cách, Lê Văn Phương, Lâm Quang Đại… đang cùng những chiến sĩ Thành Sơn hôm nay giữ vững và phát huy tốt truyền thống vẻ vang của đoàn bay C37 anh hùng.
Tôi chợt thầm mong chiều nay có mưa, để làm dịu đi cái nắng gió rộp da trên vùng đất này, để đồng đội của tôi sẽ có những ngày mát mẻ trên bầu trời, để Phan Rang không thiếu nước sạch và cỏ cây bừng lên sức sống mới, những người chiến sĩ bảo vệ vững chắc vùng trời, vùng biển, hải đảo và thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc.
Người vợ mai mắn được ra thăm chồng ở đảo xa
Để không ngừng nâng cao trình độ huấn luyện, trong đó chú trọng lực lượng thực binh để ngày càng hoàn thiện các phương án tác chiến hiệp đồng các quân binh chủng, ngày 4 tháng 4 năm 1997, Bộ Tư lệnh Hải quân đề nghị Bộ Tổng Tham mưu cho phép Quân chủng Hải quân và Quân chủng Không quân sử dụng lực lượng tổ chức huấn luyện hiệp đồng chiến đấu trên biển. Lực lượng Hải quân gồm Lữ đoàn 147 và bộ đội đặc công, hiệp đồng với Không quân, máy bay trực thăng tác chiến đổ bộ đường không chi viện đảo; đoàn tên lửa hiệp đồng với không quân đánh các mục tiêu trên biển, các vùng Hải quân hiệp đồng với Không quân, máy bay trực thăng tìm kiếm cấp cứu phi công, tàu thuyền và người bị nạn trên biển,
tập cho bộ đội đặc công nhảy dù. Để nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu phòng không cho các lực lượng, đánh giá thực lực trình độ sử dụng vũ khí trang bị theo các tình huống chiến đấu, ngày 9 tháng 5 năm 1997, Bộ Tham mưu xây dựng kế hoạch số 1663/KH-TC về việc luyện tập cho lực lượng Phòng không trên tàu và bắn đạn thật nhằm nâng cao khả năng luyện tập nắm bắt bám sát mục tiêu bằng khí tài quang học, sẵn sang chiến đấu đánh trả không quân địch và tên lửa có cánh trong các tình huống; tổ chức luyện tập tại bến đơn tàu và biên dội đi biển tại Lữ đoàn 170; tổ chức bắn đạn thật tại Vùng III (Cù Lao Chàm); đề nghị Cục Phòng không lục quân, Phòng Khoa học công nghệ Quân chủng Phòng không giúp đỡ mô hình máy bay M-96 và trực tiếp điều khiển trong khi tổ chức bắn đạn thật.....
....ngày 15 tháng 10 năm 1997, Bộ Tham mưu Hải quân xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch huấn luyện hiệp đồng với Không quân. Về nội dung huấn luyện quy định huấn luyện nhận dạng, không quân tổ chức các máy bay bay thấp qua các đảo, nhà giàn để lực lượng Hải quân nhận dạng, đưa lực lượng của Hải quân vào sân bay xem thực hành bay huấn luyện, chiếu phim về các máy bay phản lực và Mi-8 cho bộ đội Hải quân nhận dạng;
diễn tập chỉ huy tham mưu chi viện đảo, máy bay trực thăng chi viện phát hiện tàu ngầm địch - sử dụng 3 chiếc Ka-28 của Trung đoàn không quân; tổ chức huấn luyện nhảy dù, huấn luyện cho 30 đồng chí bộ đội đặc công Hải quân tại Phan Rang, mỗi người nhảy dù 3 lần từ trực thăng Mi-8 và AN-2, chọn 1 0 đồng chí nhảy dù thử 7 lần trên cạn - có một lần nhảy xuống nước trong điều kiện hiệp đồng giữa lực lượng tàu và không quân. Hải quân dùng 5 tàu phục vụ cho Không quân bắn đạn thật ở khu vực Côn Đảo, tổ chức thực hành ném bom ở khu vực Hòn Mê- Thanh Hóa.
Re:Câu chuyện biển Đông
Đã gửi: Chủ nhật T12 07, 2008 9:57 pm
Viết bởi TamTokyo
Bình minh trên đảo thật đẹp. Tiếng gà gáy o o, mọi người lục tục thức dậy, tập thể thao. Ráng nắng đỏ sậm, chen lẫn trong mây, nhả những tia sáng yếu ớt nhưng ngọt lành xuống đảo. Lao xao tiếng người gọi nhau, lẫn vào đó là tiếng hô thể dục khe khẽ, đều đều. Gió se lạnh, thổi từng cơn nhẹ nhàng lên đảo. Tôi thức dậy, chạy ào ra ngoài, căng ngực hít làn không khí trong mát. Bất giác, chợt thấy yêu quê huơng đất nước của mình đến quặn lòng.
Một ngày làm việc mới trên đảo. Những người lính lại bắt đầu công việc của mình, tập luyện thao trường. Các sĩ quan thì cắm cúi với sổ sách, báo cáo cuối năm. Đâu đây, tiếng quát tháo của một anh sĩ quan, nghe mạnh mẽ và sắc lạnh. Lẫn vào trong đó là tiếng sóng rào rào đổ lên bờ cát.
Tôi ngồi xoài trên dãy bàn đá dùng để tiếp khách, dưới gốc cây bàng vuông. Gió vẫn ào ào thổi, mang theo hơi thở của biển, mùi của nắng sớm, vị mặn mòi sàn sạn của cát. Nhâm nhi chén trà sáng rồi thả hồn lơ đãng, lim dim mắt nhìn lướt trên các con sóng về phía chân trời. Xa xa kia là đảo Phan Vinh ( tên của người sĩ quan thủy thủ anh hùng đã hi sinh năm 1988, khi bảo vệ mảnh đất của tổ quốc trước bành trướng Trung Quốc), và xa nữa là đá Tiên Nữ. Xen lẫn là các đo do Philippine chiếm giữ, rồi Đài Loan, Trung Quốc.
Khu vực quần đảo Trường Sa hiện nay có khoảng 5-6 nước đòi chủ quyền, và mỗi nước đều tự đưa ra lý do của mình, nhưng Việt Nam nắm giữ số lượng đảo lớn nhất, và các đảo rộng nhất cũng thuộc về Việt Nam. Các nước còn lại mỗi nước giữ một vài đảo, nằm đan xen với nhau. Trên đường về tôi có đi qua một đảo của Philippine. Không chỉ đi qua mà đi rất gần, chỉ cách khoảng 1km, nếu dùng ống nhòm ngó vào thì rõ mồn một. Do vị trí địa lý gần với đảo Palaoan nên công tác hậu cần của Philippine tỏ ra rất thuận lợi. Trực thăng lên xuống suốt, chuyên chở lính, thực phẩm, nhu yếu phẩm… nhanh và nhẹ nhàng. Lính Philippine, chắc do ẩnh hưởng của văn hóa Mỹ, nên trông đặc sệt Mỹ. Từ quân phục, giày dép, vũ khí khí tài quân sự, cho tới phong thái, cách cởi trần, áo phanh ngực, cách hút thuốc hoặc thái độ. Anh Thái còn kể rằng, có lần còn thấy tụi nó bay trực thăng con lợn ra, rồi cứ từ trên cao xả nước xuống, đám lính ở dưới tha hồ mà tắm nước ngọt. Đúng là một lũ lính công tử, chơi sang, nhưng đánh đấm thì chả ra làm sao. Có lần đụng độ tranh chấp gì với hải quân Tàu, đám này leo lên tàu chuồn sạch.
Thực ra Việt Nam cũng đã tính chuyện không vận cho Trường Sa. Nhưng phải cái xa xôi quá. Nếu bay trực thăng thì tới được, nhưng bắt buộc vào ngày thời tiết đẹp, có thể quan sát dễ, và để có thể bay thẳng một mạch từ bờ ra. Chứ nếu thời tiết xấu, lạc đường, bay vòng vèo hoặc cứ loanh quanh trên biển tìm đảo, thì thể nào cũng hết nhiên liệu mà rớt xuống biển. Mà cũng chỉ bay được một chiều thôi, tới nơi lại phải tiếp nhiên liệu để bay về. Còn SU-27 thì ổn, có thể cất cánh từ Khánh Hòa, bay tuần tiễu trên khu vực Trường Sa rồi bay về đất liền. Nhưng bay tuần tiễu như thế là nhạy cảm đấy.
Trên đảo chính hiện nay có nhiều lực lượng phối thuộc đóng giữ. Hải quân đuơng nhiên là lực lượng chính, nhưng cũng có cả pháo binh, xe tăng, thông tin, rồi bộ binh, đặc công. Tổng cộng quân số cỡ lữ đoàn. Nguyên là đảo do san hô tạo thành, nên địa hình rất thấp, không có thiên nhiên che chở. Mọi khí tài quân sự đều ở trạng thái nửa nổi nửa chìm, tức là đào sâu xuống đất rồi nhét pháo, tên lửa, xe tăng vào, chỉ thò cái nòng lên thôi. Buồn cười nhất là có cả xe tăng. Thấy cái nòng được ngụy trang nhô ra từ một cồn cát, tôi đã ngờ ngợ hình như là nòng pháo xe tăng. Hỏi ra thì đúng thật, T54 (đúng không nhỉ). Tôi cứ tưởng xe tăng chỉ để chuyên tác chiến cơ động tấn công. Nay đảo thì dài hơn một cây số, xe tăng chẳng nhẽ cứ chạy từ đầu đảo đến cuối đảo trong vòng mươi phút rồi lại quay về à. Hỏi mấy anh sỉ quan thì họ chỉ lắc đầu cười và không giải thích. Nên cho đến tận giờ tôi cũng chẳng biết tại sao.
Một điều tuyệt vời nữa ở Trường Sa là bãi biển. Tôi chưa bao giờ thấy bãi biển đẹp đến thế. Cát trắng đến nhức mắt, mềm và mịn như sữa Similắc bột. Cảm giác như đi trên một đám bông lớn, xốp và mềm mại. Đảo thì đông, nhưng trên bãi biển thì đặc biệt tịnh không một bóng người. Chiều khi hoàng hôn dần buông, tôi nằm dài trên bãi, nghe tiếng cát rì rào chảy dưới lưng mình, mát mát và buồn buồn. Và thấy lòng thơ thới không kể xiết
Chúng tôi rời đảo Trường Sa khoảng 10h sáng. Cái cảnh yên bình, cái không khí bạn bè, thấm đượm tình cảm đã ăn sâu vào lòng. Những người lính lại tụ tập rất đông trên cầu cảng, giơ tay lên vẫy chúng tôi, Liên cũng ở trong số đó. Trời bất chợt đổ mưa, Liên co mình trong làn áo mỏng, đôi mắt buồn buồn, ánh lên lời tạm biệt. Gió bỗng nổi lên, biến mưa thành một làn sương mờ mờ, ngăn cách chúng tôi và những người lính đảo. Hình ảnh những người lính nhoè dần, trông họ lẻ loi và cô đơn.
16.00: Con tàu lại gầm rú chạy,còn tôi thì gà gật trong ca bin. Cơ thể đã bắt đầu thích nghi, vẫn còn bồng bềnh nhưng không đến nỗi bệt giường nữa. Rồi bất chợt tôi choàng tỉnh khi thấy tiếng neo rơi, ngoảnh ra thấy lao xao “ Đá Tây rồi “ Tàu đang đậu trong một lòng hồ rộng mênh mông. Ơn trời, lại một hồ san hô nữa. Cách tàu chừng 2km, một tòa nhà bê tông lẻ loi mọc lên trên biển, đó là Đá Tây.
Thái quay qua sang sảng thông báo: Giờ muộn rồi, toàn bộ đoàn sẽ ngủ trên thuyền, mai vào đảo sớm. Rồi nhoài người ghé vào tai tôi thì thầm: Lát nữa đi lặn san hô nhé.
Lặn san hô có lẽ là đỉnh cao trong chuyến đi Trường Sa của chúng tôi. Những gì mới chỉ được xem trên Discovery Channel, nay đã hiển hiện một cách thật sự trước mắt. Hải vứt cái máy bơm khí lên xuồng, kèm theo cuộn ống dây, mấy bộ đồ lặn và kính, thêm vài khẩu súng bắn cá, rồi giục tôi và cậu quay phim nhảy xuống. Chạy chừng mười lăm phút thì cậu tắt máy, thả neo, lôi ra bộ đồ lặn, bật máy bơm khí, cắm ống dẫn vào, dạy chúng tôi thao tác thở bằng ống dẫn khí, rồi các động tác ra hiệu với nhau dưới nước. Một dạng snorkelling, nhưng mà bằng ống dẫn khí. Sau khi tập vài lần thao tác trên bờ cho quen, cả hội nhảy ùm xuống biển.
Ba chúng tôi bước vào một thế giới hoàn toàn khác. Dưới mặt nước phẳng lặng của hồ là một thế giới sinh động với hàng ngàn, hàng vạn đàn cá, đủ sắc màu bơi tung tăng. Nước do bị khúc xạ ánh sáng, đổi màu lần lượt theo từng tầng, thành từng lớp từng lớp trông lung linh huyền bí. Hải bật đèn pin lên, ra hiệu cho chúng tôi bơi theo cậu. Lặn qua một khe tối om, nước cứ chảy ràn rạt dưới bụng. Tôi thấy hơi rờn rợn. Nhưng sang bên kia thì một cảnh tượng kỳ vĩ hiện ra trước mắt. Một thế giới san hô, san hô đỏ, san hô hồng, san hô tím… uốn lượn nhảy múa. San hô cũng là một giống lạ kỳ, lúc sống thì mềm oặt mềm ẹo, như một dạng thủy sinh vật, còn lúc chết thì lại cứng đơ cứng ngắt. Tôi thò tay tóm lấy con mực, dễ phải to bằng tờ giấy A3, đang co người bơi vượt lên trên. Nó phụt ra một đám mực đen sì, báo hại tôi phải chờ mấy phút mới nhìn thấy đường.
Chúng tôi rơi tõm vào một đàn cá cực lớn. Phải đến hàng vạn con bơi vùn vụt, hết quay sang bên này lại sang bên kia, lao cả vào người chúng tôi. Hải rối rít ra hiệu chúng tôi lôi súng bắn cá ra. Trông thì đông là thế, nhưng bắn được thì không dễ chút nào. Phải đến lần thứ tư thứ năm, tôi mới dính được chú cá đầu tiên. Kê súng lên tay, nghiêng một góc khoảng 15 – 20 độ lên phía trên. Khi dính được cá thì nghe có tiếng như phựt một cái dưới nước. Cảm giác hân hoan không thể tả nổi. Cuộc chơi tưởng chừng không ai muốn dứt, cho đến khi Hải ra lệnh “ lên bờ”. Mà lên cũng phải có bài có bản, lên theo hình bậc thang, tức là lên chéo một ít, rồi lại bơi ngang, rồi lại lên chéo một ít, cứ thế cho đến khi tới mặt nước. Mục đích là để cơ thể cân bằng dần với áp suất bên ngoài, kẻo nặng thì chảy máu tai, nhẹ thì về già bị yếu phổi, giãn mạch máu.
Ngồi trên thuyền trở về tàu mà lòng chúng tôi vẫn lâng lâng. Hải cười: “thích không các anh, để hôm nào ra lại, em dẫn anh đi lặn xem cá mập”. Tôi giật mình: “Có cá mập thật à, dữ tợn không”. “Cũng bình thường thôi, nhưng nó nổi cơn điên lên thì cũng cắn người”, Hi nheo mắt tinh nghịch. Điếng người.
06.00: Chúng tôi lên xuồng, tiến vào điểm A và điểm D, thuộc đo Đá Tây. Đây cũng là trung tâm đảo, nơi đảo trưởng, bác sĩ và các khí tài quân sự tập trung nhiều nhất. Sóng trong hồ khá lặng, việc đi vào bờ của chúng tôi tương đối dễ dàng.
Đá Tây là một đảo chìm, cụm đảo gồm 4 điểm đảo: A. B, C, D. Cụm đảo nằm trên một vùng hồ rộng mênh mang, các điểm cách nhau cả chục cây số. Tất cả các điểm này đều chìm dưới nước, chỉ có một nhà chòi nổi lên trên, trông xa như một lô cốt.
Điềm D là nơi dừng chân đầu tiên của chúng tôi. Trước kia người ta xây dựng nơi này thành một khu hỗn hợp chế biến hải sản, bao gồm kho nước ngọt, kho chứa dầu.. làm dịch vụ cho các tàu bè đi qua khu vực này. Nhưng hiện nay, không hiểu vì lí do gì, khu này mới được xây nửa chừng rồi bỏ dở. Tuy nhiên, vẻ đồ sộ và quy mô của nó vẫn làm tôi sững sờ. Một bể nước ngọt mấy chục ngàn khối, sân bay trực thăng ..Một khối lượng bê tông cực lớn đã được đổ xuống đây. Trước đây, khu này thuộc bộ Thuỷ Sản quản lý và khai thác, tuy nhiên, vì một lý do gì đấy, Hải Quân nay tạm quản lý chúng. Trên điểm có khoảng 5-6 lính.
Lại nói về tiềm năng thủy sản. Nếu bỏ qua khoảng cách và sự nhạy cảm về tranh chấp lãnh thổ, khu vực Trường Sa là một ngư trường đáng mơ ước của ngư dân Việt Nam. Chương trình cho vay vốn đánh cá xa bờ do Bộ Thủy Sản chủ trì đã giúp hàng trăm hàng ngàn hộ ngư dân có cơ hội tiếp xúc với công nghiệp thủy sản hiện đại. Kế hoạch đặt ra rất to tát, nào là cả một đội tàu đánh cá, có tàu làm lạnh riêng, tàu chế biến riêng, thậm chí đã mơ tới việc đi đánh bắt ở ngư trường xa như Nam Phi, úc…Nhưng không hiểu vì lý do gì, hầu hết các ngư dân sau khi vay tiền xong đều rơi vào tình trạng không trả nợ được nhà nước, và kết quả bây giờ chương trình đánh cá xa bờ hoàn toàn phá sản.
Cách điểm D chừng 500m là điểm A, thủ phủ đảo Đá Tây, nơi đồng chí thiếu tá đồn trưởng trú ngụ. Đến nơi, tôi mới hiểu khái niệm chính xác thế nào là đảo chìm. Toàn bộ phần đất tự nhiên của đảo bị ngập trong nước, chỉ khi thủy triều xuống mới hở ra chừng non 100m2. Lính công binh đã đổ biết bao tấn bê tông đè lên nền đảo, và dựng trên đó một căn nhà, rộng chừng 80m2, cao khoảng 5m, chia làm ba tầng. Mỗi tầng thấp lè tè, chúng tôi vừa đi vừa phải cúi đầu. Căn phòng được xây theo mô hình lô cốt, mỗi cửa sổ là một ô vuông, khi cần có thể kê súng lên thành lỗ châu mai. Giường cá nhân bằng gỗ, nhưng cũng oặt ẹo vì sóng biển và gió biển cộng với nước biển mặn tàn phá, và cũng đã lâu không được sửa chữa lại. Một căn phòng rộng chừng 10m2, vừa là nơi hội họp của ban chỉ huy, vừa là hội trường, phòng tiếp khách, phòng làm việc. Quanh tường dán đầy khẩu hiệu quyết chiến quyết thắng, các điều lệ quân đội. Ấy thế, vẫn có một góc nhỏ, được trang trí sặc sỡ bằng giấy màu, hoa gi, vài câu đối chúc Tết. Một góc giản dị, đời thường của những người lính.
Thiếu tá chỉ huy đảo còn khá trẻ, dáng chừng ngoài 30 tuổi, người nhỏ thó, tóc húi ngắn, trông hiền lành và ngơ ngác. Những người lính ở đây có cái gì đấy là lạ, cái nhìn của họ trông trong trong và sợ sệt. Có lẽ cuộc sống chỉ vây quanh bốn bức tường, không giao thiệp với thế giới bên ngoài, nên họ có vẻ thiếu thốn thông tin, ngại ngùng với những người như chúng tôi, mà họ coi là “ Từ thế giới văn minh tới “
Tôi lang thang xung quanh căn nhà. Cửa sổ nhỏ xíu, cố vươn ra đón lấy ánh nắng mặt trời. Nghe anh lính trẻ kể mấy tháng trước bị bão, nước trùm kín cả đo, trào hết vào trong qua các khung cửa sổ này. Các anh lính cứ táo tác chạy, không tìm nổi chỗ nào khô để tránh, vì xung quanh mình toàn nước biển, thế là cứ phải sống chìm trong nước biển mấy ngày trời.
Tôi được mời một bữa cơm trên đo. Hôm nay có khách quý, đảo thết tiệc. Một hộp thịt hộp to tuớng, hai con tôm hùm nướng (tôm hùm một trăm phần trăm), nồi canh bí đỏ nấu với ngao và mấy lát su hào thái mỏng. Ngoài ra, nghe anh bác sĩ trên đảo kể, hàng ngày, mỗi người lính được uống một viên C, một viên B1, một viên B12 và một số thuốc khác.
Có cả một chai Lúa Mới. Kiên, đảo trưởng à lên: Ơ sao không gọi thằng Thái ( thuyền trưởng) vào nhậu nhỉ, rồi miệng nói tay làm, Kiên đứng dậy, vớ khẩu AK dựng ở góc phòng, chạy ra sân, nghiêng người kê súng bắn điểm xạ liền 3 phát. Kiên quay lại giải thích: Thỏa thuận rồi, một phát là chia tay, lúc tàu chuẩn bị rời đảo, 2 phát là đảo có việc cần nhờ tàu gấp, 3 phát là vào đây ăn nhậu. Quả đúng như vậy, chừng nửa tiếng sau, đã thấy tiếng lạch xoạch buộc dây xuồng vào cột neo, rồi tiếng Thái oang oang chào anh em trên đảo. Cùng với Thái là một con gà và khúc cá thu to. Bữa cm thêm phần tươm tất.
Đá Tây là một điển hình của đảo chìm. Điều đặc biệt là khi thủy triều xuống, toàn bộ đảo hiện ra rộng mênh mông, chiều dài cỡ phải đến 20km, chiều rộng phải khoảng 2-3 cây. Nước rút xuống nhưng tôm với cá không rút theo được. Kết quả là mắc kẹt giữa các hốc san hô. Tôi đi theo mấy tay lính thủy, thỉnh thoảng lại reo lên khi nhặt được con tôm hùm, mà loại thiệt to, cỡ bằng cổ tay người lớn. Tưởng để ăn, hóa ra họ mang về phơi khô để lấy vỏ làm quà tặng đất liền.
Tuấn, tay sĩ quan phó đảo mới 25 tuổi, quê ở Tiền Hải, Thái Bình ( cùng quê với ba mẹ tôi), lôi tôi ra một góc, mở cái hòm sắt ra rồi rủ rỉ trải cái thế giới của cậu lên giường. Chừng hơn một trăm lá thư, trong đó có quá nửa là của cô bạn gái cùng quê, rồi ảnh chân dung, ảnh nghệ sĩ, diễn viên cắt ra từ tạp chí. “Em mê nhất diễn viên Thu Hà”, Tuấn cười và chỉ lên tường, nơi dán tấm lịch ảnh Thu Hà nghiêng nghiêng cười. Rồi cậu ta móc một tấm ảnh ra khoe: Người yêu em đấy, trông giống Thu Hà không. Một cô gái da trắng tóc dài đứng nghiêng nghiêng bên hàng liễu rủ ven hồ, xinh xắn nhưng đầy vẻ quê hương Thái Bình của ba mẹ tôi.
Giống như phần lớn các sĩ quan trẻ ở Trường Sa, Tuấn khởi binh nghiệp với con đường nghĩa vụ quân sự. Hết phổ thông trung học, Tuấn vào hi quân và ra Trường Sa từ đó đến nay. Hiện đã trở thành sĩ quan chuyên nghiệp, Tuấn giờ là bí thư chi đoàn cụm đảo đá Tây. Mỗi năm em chỉ đi phép một lần, về thăm bố mẹ, bạn bè rồi lại ra đây. Ở ngoài này chẳng có gì để tiêu, nên lương lậu để hết trong Cam Ranh, khi nào về phép ra phòng tài vụ lấy luôn một thể, cũng được một cục tiền. Mà cũng khá đấy anh ạ, sĩ quan đi Trường Sa, ngoài lương được tăng lên gấp đôi so với đất liền, còn có trợ cấp vùng xa, vùng nguy hiểm… Có những anh sĩ quan lớn lớn tuổi một chút, hệ số lương cao, chỉ cần 3 năm đi đảo là có tiền mua đất xây nhà ở quê đấy.
Thế không định lấy vợ à. Tôi hỏi. Tuấn cười xòa: Cô người yêu em bây giờ là giáo viên cấp 2 xã, bố mẹ cũng giục rồi đấy. Nhưng nhiệm vụ mà anh, chưa về được. Chắc vài năm nữa chuyển quân rồi tính.
Đêm trên đảo chìm buồn và cô đơn. Dưới chân là sóng vỗ oàm oạp, tôi thao thức không sao ngủ được.
Re:Câu chuyện biển Đông
Đã gửi: Chủ nhật T12 07, 2008 10:07 pm
Viết bởi TamTokyo
Re:Câu chuyện biển Đông
Đã gửi: Chủ nhật T12 07, 2008 10:26 pm
Viết bởi Ansamurai
Nhìn thấy mấy tấm ảnh vợ ồm chồng trên đảo cảm động quá. Còn biết bao nhiêu người mẹ, người vợ đang từng ngày huy sinh tình yêu và nỗi nhớ của mình cho tổ quốc.
Thanks anh Tâm nhiều.
Vấn đề Trường Sa - Hoàng Sa: cần một nỗ lực tổng hợp
Khoảng 50 năm qua, TQ có chừng 60 công trình nghiên cứu quy mô nhằm chứng minh Hoàng Sa - Trường Sa thuộc chủ quyền của mình. Hiện công cuộc tuyên truyền của Chính phủ TQ vẫn tiếp tục cả trong nước lẫn quốc tế. Trong khi đó, các nghiên cứu của phía VN vừa ít hơn vừa không được công bố rộng khắp, mặc dù chúng ta có đủ bằng chứng để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo này.
Hiện tại, cả Malaysia, Philippines và Brunei cũng đều có ý muốn xác lập chủ quyền đối với ít nhất là một phần của quần đảo Trường Sa. Tuy nhiên, những lý lẽ họ đưa ra chủ yếu là từ khía cạnh địa lý (khoảng cách địa lý giữa Trường Sa và lãnh thổ các nước này), thay vì có bằng chứng trên bình diện lịch sử.
Theo pháp lý quốc tế, sự gần kề về địa lý không có giá trị, (trừ phi hòn đảo/ quần đảo đang xét nằm trong lãnh hải của một quốc gia; theo quy định hiện nay là 12 hải lý tính từ đất liền) (*). Không thiếu trường hợp đảo/ quần đảo nằm gần nước này nhưng lại thuộc chủ quyền nước khác, ví dụ Greenland gần Canada nhưng lại thuộc Đan Mạch.
Do đó, về căn bản, Malaysia, Philippines và Brunei không có nhiều cơ sở để sở hữu Hoàng Sa - Trường Sa (HS - TS).
Chỉ hai nước có sử liệu liên quan tới HS - TS, là Việt Nam và Trung Quốc. Vì thế, trong việc xác lập chủ quyền đối với HS - TS, Việt Nam và Trung Quốc là hai bên tham gia chính với nhiều luận cứ hơn cả, và cả hai đều dựa vào tư liệu lịch sử.
Những bằng chứng trong sử cũ: hoàn toàn vững chắc
Căn cứ trên sử liệu, đặc biệt là cổ sử (tức những ghi chép từ khi Việt Nam độc lập - năm 1945 - trở về trước), thì HS - TS chắc chắn thuộc về Việt Nam.
Nhà nghiên cứu Phạm Hoàng Quân - người đã tìm đọc khá nhiều cổ sử Trung Quốc cũng như phần nửa trong số các tài liệu của Trung Quốc từ giữa thập kỷ 1950 đến nay - khẳng định: "Sử liệu của Việt Nam chắc chắn và liên tục hơn sử liệu Trung Quốc, mặc dù xuất hiện trễ hơn. Các học giả Trung Quốc cho rằng từ thời Đông Hán, Trung Quốc đã có những biên chép về chủ quyền đối với HS - TS. Tuy nhiên, sử liệu của họ về vấn đề này không rõ ràng và thuyết phục như của Việt Nam".
Ông Quân nói rõ hơn rằng từ đời Hán đến cuối đời Thanh, Trung Hoa có khoảng 120 tựa sách có đề cập đến HS - TS. Nhưng nói chung, những tư liệu cổ sử này là biên chép dạng "du ký" của các nhà hàng hải theo kiểu "trông thấy thì ghi lại", chứ không phải chính sử và không nhằm mục đích xác lập chủ quyền đối với HS - TS.
Trong khi đó, mặc dù sử liệu ở Việt Nam muộn hơn nhưng hầu hết các biên chép đều nằm trong các bộ sử chính thống do Quốc sử quán biên soạn, như Đại Nam nhất thống chí, Đại Nam thực lục...
Từng nghiên cứu sâu về HS - TS từ trước năm 1975, Tiến sĩ sử học Nguyễn Nhã cũng cho rằng, căn cứ trên cổ sử, "chỉ Việt Nam mới có cơ sở vững chắc để khẳng định HS - TS là của mình". Chính vì thế mà, khi tranh chấp HS - TS với Trung Quốc, vào hai năm 1932 và 1947 chính quyền thực dân Pháp đã đề nghị đưa vấn đề ra một trọng tài quốc tế để phân xử mà Trung Quốc đều từ chối.
Sau năm 1945: vẫn đủ cơ sở
So với cổ sử thì sử liệu của nước ta trong thời kỳ cận và hiện đại có một ít sơ hở bị Trung Quốc lợi dụng, chủ yếu do hoàn cảnh chiến tranh khiến sự quan tâm và việc xác lập, duy trì chủ quyền trên HS - TS gặp khó khăn.
Lý lẽ mà phía Trung Quốc thường đưa ra để xác lập chủ quyền đối với HS - TS là một công hàm của Thủ tướng Phạm Văn Đồng gửi Chu Ân Lai ngày 14/9/1958 “tôn trọng hải phận 12 hải lý của Trung Quốc”.
Tuy nhiên, như những phân tích của một số nhà luật học của Việt Nam, chẳng hạn Tiến sĩ luật ĐH Sorborne Từ Đặng Minh Thu, hay ông Lưu Văn Lợi - nguyên Thứ trưởng Ngoại giao, Trưởng ban Biên giới - thì công hàm này không có giá trị pháp lý vì nhiều lý do, trong đó có lý do hai quần đảo HS - TS thời gian đó thuộc quyền quản lý của chính quyền Sài Gòn cũ (Việt Nam Cộng hòa) chứ không thuộc miền Bắc (Việt Nam Dân chủ Cộng hòa).
Ngoài ra, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng khi tuyên bố sẽ tôn trọng lãnh hải của Trung Quốc không hề có ý định nói đến chủ quyền đối với Hoàng Sa và Trường Sa.
Tóm lại, căn cứ sử liệu và những công trình nghiên cứu cá nhân của các học giả, chúng ta hoàn toàn có thể khẳng định HS - TS là của Việt Nam.
Hiện nay: kém quy mô
Điều đáng nói là trong khi sử liệu của Trung Quốc yếu lý hơn sử liệu Việt Nam, thì sự chuẩn bị của họ cho việc xác lập chủ quyền đối với HS - TS lại rất quy mô, bài bản và đã bắt đầu từ lâu. Ngay từ sau khi thống nhất và ổn định đất nước (năm 1949), chính quyền Trung Quốc đã huy động các học giả tiến hành các nghiên cứu mới và hệ thống hóa sử liệu cũ với mục đích chứng minh HS - TS thuộc về Trung Quốc.
Nhiều trung tâm nghiên cứu về Biển Đông và HS - TS được thành lập. Và khoảng 60 công trình của cả cá nhân và tập thể ra đời, dày dặn, bề thế, chẳng hạn Nam Hải chư đảo địa danh tư liệu hối biên (Trần Sử Kiên chủ biên, 1987), Trung Quốc Nam Đảo chư đảo địa lý - lịch sử - chủ quyền (tập thể tác giả, Lữ Nhất Nhiên chủ biên, 1992), hay Nam Hải chư đảo địa danh luận cảo (Lưu Nam Uy, 1996). Nhiều tác phẩm được dịch sang tiếng Anh để đưa ra thế giới.
So với khối lượng đồ sộ đó, các công trình nghiên cứu của giới học giả Việt Nam vừa ít, không được phổ biến sâu rộng ngay cả trong nước, vừa là những nỗ lực cá nhân rời rạc.
Có thể kể ra một vài tác phẩm gần đây như Cuộc tranh chấp Việt - Trung về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (tác giả Lưu Văn Lợi, năm 1995), hay cuốn Hoàng Sa, Trường Sa - lãnh thổ Việt Nam nhìn từ công pháp quốc tế (Nguyễn Q. Thắng, 2008). Trước đó, vào các năm 1974 và 1975 cũng có một số nghiên cứu độc lập của các học giả Việt kiều như của các ông Võ Long Tê, Trần Minh Tiết.
Trong khi nhiều công trình của phía Việt Nam được Trung Quốc tổ chức dịch để giới học giả tham khảo và phản biện (tập san Sử Địa, chuyên đề về HS - TS, ra đời năm 1974 thì năm 1978 có bản tiếng Trung), thì không một tác phẩm nào của phía Trung Quốc được dịch sang tiếng Việt.
Dường như các nhà nghiên cứu Việt Nam đang phải làm việc trong tình trạng đơn lẻ, thiếu hẳn sự hỗ trợ từ một cơ quan phối hợp chung, cũng như thiếu sự trao đổi, hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau. Điều này nguy hiểm, bởi không có gì đảm bảo giữa các công trình nghiên cứu sẽ không chứa đựng những mâu thuẫn, sơ hở, gây bất lợi cho chúng ta.
Một trong số rất hiếm nhà nghiên cứu đã đọc tài liệu của phía Trung Quốc (tự tìm đọc), ông Phạm Hoàng Quân, cho biết: "Do dựa vào nguồn sử liệu không chắc chắn, các học giả Trung Quốc dễ bị mâu thuẫn, kiểu như người nói không thật lúc trước thì lúc sau dễ quên mất điều mình nói. Còn Việt Nam, với sử liệu đầy đủ căn cứ, chúng ta không được để có sơ hở, mâu thuẫn nào".
"Nhưng, cần phải hệ thống hóa lại sử liệu cho thật chặt chẽ, thống nhất, và có một cơ quan phối hợp chung để đảm bảo các công trình nghiên cứu đã (hoặc sẽ) công bố không có những lý luận đối nghịch nhau".
Trong ngoại giao
Hiện tại, trong dư luận quốc tế, chưa quốc gia nào có tuyên bố chính thức ủng hộ Việt Nam hay Trung Quốc trong vấn đề HS - TS.
Có một sự thực là, tranh chấp biên giới, lãnh thổ, lãnh hải là chuyện thường xảy ra trong quan hệ quốc tế. Nhưng với việc nhân loại ngày càng văn minh hơn, chủ nghĩa vô chính phủ đã suy giảm, và việc tấn công quân sự ít khả năng xảy ra.
Mặc dù có ý thức xây dựng tư liệu và diễn giải lịch sử theo hướng chứng minh HS - TS của mình, Trung Quốc vẫn không tránh khỏi mắc phải nhiều sơ suất.
Ngoài ra, việc sử dụng vũ lực để chiếm hữu là trái với Hiến chương LHQ (ra đời từ năm 1945). Tiến sĩ sử học Nguyễn Nhã nhấn mạnh: "Bất cứ giải pháp nào chỉ dựa vào sức mạnh quân sự cũng không có giá trị pháp lý”".
Tiến sĩ luật Từ Đặng Minh Thu cũng từng viết trong một tham luận năm 1998: "Việt Nam phải thường xuyên lên tiếng phản đối và khẳng định chủ quyền đối với HS - TS. Việt Nam cũng nên công khai đề nghị Trung Quốc đưa vấn đề HS - TS ra trước Tòa án Quốc tế. Nếu Trung Quốc thật tình tin tưởng rằng mình có căn bản pháp lý vững chắc để khẳng định chủ quyền trên hai quần đảo này, thì Trung Quốc không có lý do gì để từ chối một giải pháp pháp lý".
Việc đưa vấn đề ra Tòa án Quốc tế không đơn giản, vì nó đòi hỏi sự đồng thuận của cả hai bên. (Tòa không chấp nhận một nước đơn phương kiện một nước khác). Dù vậy, ngay cả khi không làm được điều đó, chúng ta vẫn có thể thực hiện các nỗ lực ngoại giao nhằm tuyên truyền, vận động thế giới công nhận chủ quyền của Việt Nam đối với HS - TS.
Tất cả đều phải tham gia
Nhìn vào những gì phía Trung Quốc đã và đang làm, có thể thấy việc khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo HS - TS đòi hỏi không chỉ những nỗ lực ngoại giao hay các nghiên cứu trên giấy, mà cần sự phối hợp đồng bộ các lĩnh vực. Phải có sự tham gia của các nhà ngoại giao, nhà nghiên cứu (lịch sử, địa lý, thậm chí sinh học, khí tượng học), giới luật gia, truyền thông báo chí.
Tóm lại, chúng ta cần một chương trình hành động bền bỉ trong cả nước, dưới sự điều hành và điều phối thống nhất của Nhà nước.
Cuối cùng, cũng vì tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải là chuyện không hiếm gặp trong quan hệ quốc tế, nên chính phủ nào cũng cần trang bị cho nhân dân thông tin và kiến thức cơ bản về lãnh thổ, lãnh hải của nước mình, để người dân có ý thức bảo vệ Tổ quốc. Điều này sẽ tạo nên một “mặt trận” nữa bên cạnh các “mặt trận” ngoại giao hay nghiên cứu.
HS - TS đã là của Việt Nam từ trong lịch sử, và mỗi người trong chúng ta đều có trách nhiệm bảo vệ sự thật lịch sử đó.
Đoan Trang
(*) Công ước LHQ về luật biển năm 1982 quy định các quốc gia ven biển có quyền ấn định chiều rộng lãnh hải không quá 12 hải lý (1 hải lý = 1,852 km) tính từ đường cơ sở.
Đường cơ sở là đường tiếp giáp thực tế của đất và nước, hay đường thẳng nối hai điểm thuộc đất liền, được chọn khi chúng nổi lên trên mặt nước và xa bờ nhất khi mực nước thủy triều là thấp nhất.
+++++++
BOXES:
"Ngoài các tài nguyên như phốt phát, cát trắng, hải sản, tài nguyên quan trọng nhất ở HS - TS là dầu khí. Từ năm 1972, một số công ty dầu khí phương Tây đã thăm dò và phát hiện ra vùng chung quanh HS - TS có một trữ lượng dầu cực lớn, như ở Trường Sa là tương đương hơn 100 tỷ thùng".
(Học giả Nguyễn Q. Thắng)
"Các tư liệu chứng minh chủ quyền của Việt Nam đã xuất hiện liên tục từ đầu thời Chúa Nguyễn sang thời Tây Sơn rồi tới triều Nguyễn.
... Việt Nam còn có cả châu bản, hội điển chép những hành động của nhà nước chiếm hữu, thực thi chủ quyền như vẽ bản đồ, cắm mốc, dựng bia, xây miếu thờ, trồng cây, đào giếng… của thủy quân triều Nguyễn".
(trích tham luận của TS. sử học Nguyễn Nhã tại Hội thảo quốc tế Việt Nam học, Hà Nội, tháng 12/2008 )
Từ điển Anh - Hán năm 1968 của Khải Minh Thư Cục, Trung Quốc, định nghĩa Hoàng Sa: "Paracel Islands, Group of islands and reefs in South China Sea, Annam, Federation of Indochina", nghĩa là "Hoàng Sa là một nhóm đảo và dải san hô ở Nam Hải Trung Hoa, An Nam, Liên bang Đông Dương".
(tư liệu của học giả Phạm Hoàng Quân)
http://www.viet-studies.info/kinhte/TS_HS_NoLucTongHop.htm
Re:Câu chuyện biển Đông
Đã gửi: Chủ nhật T12 07, 2008 10:28 pm
Viết bởi TamTokyo
Re:Câu chuyện biển Đông
Đã gửi: Tư T12 10, 2008 2:12 pm
Viết bởi Ansamurai
http://www.viet-studies.info/kinhte/NguyenKhacPhuc_ThuNgo.htm
Thư ngỏ gửi các bạn đọc trẻ Việt Nam!
Hà Nội, ngày 08 tháng 12 năm 2008
Bạn đọc trẻ thân quý!
Tôi tên là Nguyễn Khắc Phục, hội viên Hội Nhà Văn Việt Nam, đã về hưu và tiếp tục sáng tác tại Hà Nội. Cách đây đúng một năm (ngày 08.12.2007), trước những hành vi sai trái, nguy hiểm của nhà cầm quyền Trung Quốc đe dọa chủ quyền, an ninh lãnh thổ nước ta, tôi đã phải viết một bức thư ngỏ gửi các nhà văn Trung Quốc. Một năm sau, những diễn biến nói trên mỗi lúc một thêm nghiêm trọng, nhà cầm quyền Bắc Kinh càng có nhiều hành động không thể chấp nhận được, đưa ra những đòi hỏi cực kì vô lý, đi ngược lại mọi chuẩn mực công pháp quốc tế, đạo lý khi tuyên bố chủ quyền đối với vùng biển có diện tích khoảng 75% Biển Đông. Tham vọng bất chính, bất hợp pháp của họ không dừng lại ở việc xâm chiếm phi pháp Hoàng Sa, đe dọa Trường Sa mà còn tiếp tục những mưu toan ngang ngược, trắng trợn đòi chiếm luôn cả vùng Tư Chính – Vũng Mây và bồn trũng Nam Côn Sơn của Việt Nam vốn nằm cách đảo Hải Nam của Trung Quốc 1000 km, bất chấp chủ quyền không thể chối cãi của Việt Nam đối với vùng biển này đã được luật quốc tế và các bên liên quan công nhận (xin tham khảo thêm tư liệu ở TUANVIETNAM ngày 8.12.2008- Chủ quyền VN ở vùng Nam Côn Sơn, Tư Chính, Vũng Mây của Dương Danh Huy - Lê Minh Phiếu). Thật ra những diễn biến nguy hiểm mới này chỉ là những biểu hiện tiếp tục một cách lô-gic của chủ nghĩa bành trướng và tham vọng bá quyền thâm căn cố đế trong đầu óc của nhà cầm quyền Bắc Kinh.
Vì thế, hôm nay tôi phải viết thư ngỏ này, khẩn thiết gửi các bạn đọc trẻ - đồng bào máu thịt của mình, giãi bầy với trách nhiệm công dân, những suy nghĩ nghiêm túc, canh cánh và tâm huyết nhất của mình, một người bình thường trong ngót trăm triệu con dân nước Việt đang sống trên Tổ Quốc hay ở nước ngoài, rằng: Nhân dân Việt Nam vốn chỉ có một nỗi khao khát thiết tha duy nhất, được sống bình yên, hạnh phúc, hữu nghị và làm bạn với tất cả các nước láng giềng và các quốc gia trên thế giới, nhưng những gì nhà cầm quyền Trung Quốc đã, đang và sẽ làm, đang đe dọa nghiêm trọng, hủy diệt nỗi khao khát thiết tha nói trên!
Có một sự thật hiển nhiên: Muốn hiểu rõ bản chất của tội ác, tham vọng bất chính của các thế lực đen tối, chúng ta không còn cách nào khác là truy ngược lên, tìm gốc rễ sâu xa của những tội ác và tham vọng nói trên!
Nỗi ưu tư này càng nóng bỏng, nhức nhối trong mỗi con tim Việt Nam, khi sắp tròn 30 năm ngày xẩy ra sự kiện quân đội Trung Quốc xâm lược Việt Nam (17. 02. 1979 - 17. 02. 2009)!
Đến đây, chúng ta lại phải đối mặt với một sự thực rất đau lòng và không thể chấp nhận được: Trong lịch sử hiện đại của đất nước, sự kiện Trung Quốc xâm lược Việt Nam năm 1979 là một trong những sự kiện đặc biệt và quan trọng bậc nhất, lại hầu như rất ít khi được nhắc tới dưới mọi hình thức, phương tiện thông tin, từ những nghiên cứu sử học, đến các tác phẩm văn chương - nghệ thuật phản ánh đề tài hiện thực này. Theo tôi biết, không phải không có những công trình, tác phẩm liên quan trực tiếp hay gián tiếp, với quy mô lớn, vừa hoặc nhỏ, đề cập tới sự kiện lịch sử này. Vậy vì sao những công trình, tác phẩm ấy không được công bố? Ai phải chịu trách nhiệm, họ muốn gì khi chủ trương như vậy? Đó không chỉ là biểu hiện ô nhục, hèn nhát mà còn làm yếu đi sức mạnh của chính nghĩa và khả năng tập hợp đại đoàn kết dân tộc trước nguy cơ ngoại xâm.
Ở đây, tôi chỉ điểm lại một vấn đề mấu chốt hệ trọng và dễ thấy nhất, liên quan đến cái cớ nhà cầm quyền Trung Quốc vin vào để phát động cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam năm 1979.
Ngay sau khi lên nắm quyền ở Căm-pu-chia, tập đoàn Pôn Pốt được Bắc Kinh dung dưỡng, cổ súy cả tinh thần, vật chất, cả hệ tư tưởng, bày mưu tính kế, cố vấn cao cấp hoặc trực tiếp huấn luyện, đã ngang nhiên xâm lấn và phá hoại cuộc sống yên lành của nhân dân ta dọc biên giới, đồng thời thực hiện một chế độ diệt chủng với chính đồng bào mình, tàn bạo, vô nhân đạo bậc nhất trong lịch sử nhân loại.
Việt Nam buộc phải tiến hành các biện pháp bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ và cuộc sống, sinh mạng của đất nước, nhân dân mình, giáng trả bọn xâm lược theo đúng công pháp và tập quán quốc tế về "quyền tự vệ chính đáng". Và lịch sử đã diễn ra theo đúng lô-gic của nó. Ngày mồng 7 tháng 1 năm 1979, bộ đội tình nguyện Việt Nam theo yêu cầu của Đảng Nhân Dân Cách Mạng Căm-pu-chia, tiến vào đất bạn, góp sức cùng các lực lượng yêu nước, yêu công lý Căm-pu-chia, chặn đứng nạn diệt chủng, giải phóng đất nước Chùa Tháp thoát khỏi họa diệt vong... Và chỉ 37 ngày sau, ngày 17 tháng 2 năm 1979, Trung Quốc phát động chiến tranh xâm lược Việt Nam! Vì sao họ "nhanh nhẹn" như vậy khi gây ra tội ác này? Họ nhân danh cái gì để xâm lược Việt Nam?
Như mọi lần, Bắc Kinh lại biến trắng thành đen , vu cáo "Việt Nam tiểu bá xâm lược Căm-pu-chia" và Trung Quốc phải "dạy cho Việt Nam một bài học". Thế là họ tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược tổng lực, không từ bất cứ tội ác nào chống lại dân thường Việt Nam, phá hủy tan hoang thị xã, thành phố, làng mạc, nhà máy, xí nghiệp, cầu cống trên địa phận các tỉnh phía Bắc Việt Nam giáp biên giới Trung Quốc, theo một kế hoạch được vạch trước, với mưu đồ nham hiểm là đánh quỵ Việt Nam không chỉ ở khả năng phòng thủ, tiềm lực kinh tế - quân sự mà còn nhằm hăm dọa, làm tan rã ý chí yêu nước, cắt đứt truyền thống quật cường chống ngoại xâm chảy trong máu các thế hệ người Việt sau này...
Bây giờ, gần 30 năm đã qua, mọi cái đã trở nên minh bạch. Sự thật đã sáng như ban ngày. Và mọi sự dối trá và đạo đức giả cũng đã được phơi bày trước thế giới. Việc quân tình nguyện Việt Nam giúp Căm-pu-chia thoát khỏi họa diệt chủng, dân tộc Khơ -me và nền văn hóa rực rỡ với Ăng-co Vát, Ăngco Thom đã hồi sinh và đang tiến bước trên con đường hòa bình-phát triển..., đã được công luận quốc tế thừa nhận. Chính nhân dân cùng Quốc Vương và các nhà lãnh đạo Căm-pu-chia cũng đã hơn một lần ghi nhận, bày tỏ lòng biết ơn Việt Nam đã giúp Căm-pu-chia hồi sinh bằng hành động quang minh chính đại, kịp thời, hiệu quả và đã tốn không ít xương máu, tiền của vì đại nghĩa nói trên. Sự ghi nhận này không chỉ ở lời nói, dư luận mà cả trong các văn bản chính thức của Quốc Hội - Nhà Nước Căm-pu-chia. Và bọn thủ ác khủng khiếp nhất mọi thời đại, bọn mù quáng đi theo đường lối diệt chủng, bọn đã từng được Bắc Kinh dung dưỡng, khuyến khích, đã phải ra đứng trước vành móng ngựa của Tòa án Quốc Tế xét xử tội ác chống lại loài người!
Vậy là cái cớ nhà cầm quyền Bắc Kinh vin vào để xâm lược Việt Nam năm 1979 đã hoàn toàn đổ nhào, khẳng định mạnh mẽ một sự thật: Cuộc chiến tranh Trung Quốc tiến hành năm 1979 chống Việt Nam là phi nghĩa, phi pháp, phi đạo lý, cần phải bị lên án đanh thép. Và những kẻ đòi "dạy cho Việt Nam một bài học", đã lộ nguyên hình ngụy quân tử, đầy dã tâm, tàn ác và nham hiểm.
Nhưng thử hỏi, 30 năm qua, tại sao những kẻ gây nên tội ác xâm lược Việt Nam năm 1979 chưa bị vạch mặt công khai và đưa ra xét xử trước Tòa án công lý Quốc Tế? Tại sao chưa có bất cứ cuộc điều tra toàn diện, khách quan và công bằng nào của các tổ chức, cơ sở nghiên cứu khoa học và cá nhân, về tội ác của Trung Quốc chống Việt Nam năm 1979, được tiến hành? Hoặc đã có mà chưa được công bố bởi những lý do nào đó? Ấy là chưa kể một loạt tội ác khác nhà cầm quyền Bắc Kinh đã gây nên cho nhân dân Việt Nam, chưa bao giờ được thống kê, phân tích đầy đủ để công bố cho nhân dân ta và thế giới biết rõ:
- Ngày 19-1-1974, hải quân Trung Quốc đã dùng nhiều chiến hạm và phi cơ cưỡng chiếm toàn bộ Hoàng Sa của ta. Trong trận chiến không cân sức này, 58 binh sĩ quân đội Sài Gòn đã ngã xuống.
- Tháng 4 năm 1988, Trung Quốc đã thông qua một nghị quyết thành lập tỉnh Hải Nam, trong đó bao gồm cả Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Trước đó, ngày 14 tháng 3 năm 1988, hải quân Trung Quốc dùng vũ lực xâm chiếm các đảo ở Trường Sa. Họ đã bắn chìm ba tàu vận tải của hải quân Việt Nam. 74 chiến sĩ của chúng ta đã hi sinh khi bảo vệ mảnh đất thiêng liêng của Tổ Quốc mình.
Tại sao cái ác, cái xấu, cái đạo đức giả ở tầm vóc "giới cầm quyền một nhà nước" không bị phanh phui, lên án? Tại sao? Và những ai phải trả lời câu hỏi này?
Những diễn biến lịch sử và thực tế cuộc sống đã cho chúng ta những bằng chứng hiển nhiên để không mơ hồ: Về bản chất và tham vọng bất chính, những kẻ đòi "dậy Việt Nam" năm 1979 và những vị hôm nay trịnh trọng rêu rao những lời đường mật về "16 chữ vàng" và "4 tốt" là một đồng một cốt. Khác chăng chỉ ở cách thức, giọng điệu, diễn xuất, càng ngày thói đạo đức giả và thủ đoạn càng tinh vi, nham hiểm và tàn độc hơn.
30 năm trước, họ nói toạc ra mồm "dạy cho Việt Nam một bài học" và xua quân đánh qua biên giới. Tàn ác, nguy hiểm lắm, nhưng vẫn ít nguy hiểm và tàn ác hơn bây giờ, khi họ thi thố đủ các thủ đoạn chính trị - ngoại giao - quân sự đen tối, được che đậy, ngụy trang khôn khéo, ru ngủ thiên hạ, chia rẽ, làm suy yếu, vô hiệu hóa mọi khả năng đề phòng, đoàn kết của các quốc gia, dân tộc trong khu vực (vốn cùng là nạn nhân của chủ nghĩa bành trướng, bá quyền của họ), chống lại những mưu đồ nguy hiểm bất hợp pháp, ngang ngược coi thường mọi chuẩn mực công pháp quốc tế; bằng các chiến lược, chiến thuật cực kì tàn độc, thâm thúy mà có nhà nghiên cứu đã gọi là "chiến lược diều hâu"!
"Trung Quốc mạnh hơn hẳn Việt Nam và các nước ASEAN khác cùng tranh chấp như Phillipine hay Malaysia. Đây là một sự thực rõ như ban ngày. Sự chênh lệch về sức mạnh kinh tế và quân sự, kèm theo các phản ứng rất chừng mực và đơn lẻ, từ các đối thủ ASEAN đã khiến Trung Quốc tùy ý vận dụng chiến lược diều hâu trên Biển Đông.
Từ khoảng 20 năm đổ lại đây, họ đã sử dụng một công thức tổng hợp bao gồm:(1) tấn công quân sự quy mô nhỏ (Việt Nam, 1988, Philippine, 1996, 1997), đơn phương thăm dò và khai thác tài nguyên trên vùng tranh chấp, (3) đe dọa bằng vũ lực (đối với ngư dân) hoặc sức ép kinh tế (với các tập đoàn dầu khí quốc tế) nhằm ngăn chặn các đối thủ tiến hành khai thác tài nguyên trong vùng tranh chấp, (4) chia rẽ các đối thủ bằng kinh tế và ngoại giao, và (5) tuyên truyền về chủ quyền và thái độ cứng rắn của họ đối với vấn đề Biển Đông trên toàn thế giới..." ( Dự Trần, cố vấn của Quỹ Nghiên cứu Biển Đông - Theo TUANVIETNAM ngày 06.12.2008)
Đúng, họ đã mưu toan "ru ngủ", "gây mê", "dọa dẫm", sử dụng tất cả những mánh khóe tinh vi, biến hóa khôn lường trong việc kết hợp giữa diễu võ giương oai (thị uy, phô trương sức mạnh quân sự, khoa học-kỹ thuật) với các chiến dịch ngoại giao đạo đức giả, gây sức ép, tâm lý chiến (không loại trừ cả "văn hóa chiến" và "hữu nghị chiến" thông qua phim ảnh, tác phẩm văn học - nghệ thuật, các cuộc gặp gỡ "hữu nghị", thi đấu thể thao, buôn bán, mậu dịch, viện trợ... ), tăng cường các hoạt động tình báo, gián điệp, phản gián và cấy vào nội bộ các nước mà họ muốn thôn tính, một loạt "nội gián", ra sức "li gián", "mua chuộc", "phân hóa" khối đại đoàn kết Việt Nam bằng mọi thủ đoạn; nếu không tỉnh táo, dũng cảm và thông minh, chúng ta lại tự ru ngủ, sợ sệt, hoang mang và tự chia rẽ thêm nữa, thì việc mất nước chỉ còn là chuyện thời gian!
Vâng, hiện giờ chuyện khẩn cấp và sống còn nhất, liên quan đến lãnh thổ, lãnh hải thiêng liêng, chủ quyền của Tổ Quốc, số phận, danh dự toàn dân Việt Nam và tương lai của các bạn, hoàn toàn tùy thuộc vào hành động và nhận thức của tất cả chúng ta.
Đúng, xét về phương diện thực lực từ kinh tế, trang bị vũ khí, đến khả năng tác chiến cơ động, hiện đại (đặc biệt là hải quân và không quân), Trung Quốc mạnh hơn hẳn Việt Nam và các nước trong khu vực. Nhưng cái quyết định trong chiến tranh không phải lúc nào cũng thuộc về kẻ mạnh vũ khí, tiền bạc, thủ đoạn.
Một. Nếu các nước trong khu vực nhận thức tỉnh táo và đầy đủ về nguy cơ bành trướng và "chiến lược diều hâu", biết tập hợp lại, đồng tâm hiệp lực, tạm thời gác bỏ những bất đồng, tranh chấp lẫn nhau (mà giữa các nước này với nhau, việc đàm phán đi tới các giải pháp thỏa đáng là có cơ sở và khả thi), chống lại mọi âm mưu và hành động bá quyền, cảnh giác trước mọi âm mưu chia rẽ, li gián..., dễ gì Trung Quốc đã có thể tự tung tự tác, muốn làm gì thì làm?
Hai. Trên bàn cờ quốc tế hiện đại, các cường quốc khác đã từng có mối quan hệ lịch sử với khu vực này, hiện nay cũng đang coi các nước như Việt Nam - Philippin- Malayxia..., là các nhân tố được tính đến trong chiến lược phát triển kinh tế - chính trị - ngoại giao - an ninh của họ, không thể bó tay ngồi im, để mặc Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng và lấn lướt phi pháp và vô hạn độ, trên bộ, trên biển, trên không và trên vũ trụ. Trước hết vì quyền lợi của chính nước họ, sau nữa có thể họ làm như vậy vì được thúc đẩy bởi những đòi hỏi của lương tri, tầm nhìn xa và cũng có thể do họ nhận thức được lời cảnh báo: Nếu không ra tay hành động kịp thời và đủ mức cần thiết, sẽ là quá muộn một khi chủ nghĩa bá quyền, bành trướng từ "bóng ma" hiện lên thành một thế lực vật chất nguy hiểm và tàn bạo! Công luận quốc tế và lương tri nhân loại cũng luôn đứng về phía các dân tộc bị áp bức, các đất nước bị xâm hại bởi các thế lực đen tối, phi nghĩa. Vì vậy, phải công khai đưa ra quốc tế những vấn đề khúc mắc trong quan hệ Việt - Trung trước nay vẫn được "những ai đó" coi là "tế nhị", là "nhạy cảm" và ra sức bưng bít. Trong một số trường hợp tranh chấp cụ thể về lãnh thổ, lãnh hải, cần phải được đưa ra phân xử công khai trước các tổ chức quốc tế hữu quan, có đủ năng lực, thẩm quyền và uy tín. Chúng ta đừng quên một bài học kinh nghiệm vô cùng quý báu: Trong thời kì chống xâm lược 1945 đến 1975, đặc biệt là từ 1954 về sau, cuộc chiến đấu chính nghĩa của chúng ta được tiếp thêm nhiều nguồn cổ vũ, ủng hộ từ dư luận tiến bộ trên thế giới, từ chính phong trào phản chiến trong lòng đất nước mà nhà cầm quyền nước ấy tiến hành xâm lược Việt Nam. Chúng ta không thể không nhắc tới sức mạnh mà những tòa án quốc tế xét xử tội ác chiến tranh chống Việt Nam của Bec-trăng Rut-xel, những cuộc biểu tình phản đối chiến tranh diễn ra trên khắp các lục địa, từ Âu, Á, Phi, Bắc Mỹ đến Mỹ La-tinh..., đã tiếp thêm sức mạnh cho chúng ta giữa những năm tháng thử thách khốc liệt, cam go nhất. Tại sao hôm nay chúng ta lại không tăng cường thêm sức mạnh, khả năng và hiệu quả tranh đấu cho chính nghĩa của chúng ta bằng cách tranh thủ công luận tiến bộ và ngay cả sự thức tỉnh trong lòng đất nước đang bị chi phối bới chủ nghĩa bành trướng..., cũng không phải không có tác dụng chặn bớt các mưu đồ đen tối và nguy hiểm với chính an nguy của nhân dân nước ấy.
Ba. Riêng với nước ta, từ hàng nghìn năm trước, không chỉ một lần, ông cha ta đã từng phải đối mặt với những cuộc xâm lược của các đế chế Trung Hoa đầy tham vọng, hùng mạnh, nham hiểm và tàn ác. Dĩ nhiên tình thế ngày ấy khác bây giờ cả từ hình thái, quy mô, thủ đoạn xâm lược, bối cảnh quốc tế, trình độ kĩ thuật, tác chiến, phương tiện chiến tranh và tương quan lực lượng. Nhưng xét cho cùng vẫn là chuyện nước nhỏ, dân nghèo, quân ít phải đánh với giặc to, ác và hiểm. Vậy ông cha ta đã làm cách nào để có Bạch Đằng Giang, Chi Lăng, Vạn Kiếp, Đống Đa? Thậm chí đời Lý, anh hùng Lý Thường Kiệt còn đại phá Ung - Khâm, đập tan từ trong trứng mưu đồ xâm lược của nhà Tống năm 1075. Nhà Trần đã tổ chức thành công 3 lần kháng chiến chống Nguyên - Mông thế kỉ 13. Anh hùng dân tộc Lê Lợi, nhà chiến lược, danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi cùng những nghĩa sĩ dự hội thề Lũng Nhai năm 1418, đã tiến hành cuộc kháng chiến 10 năm chống quân xâm lược nhà Minh, giải phóng đất nước khỏi họa diệt vong do bọn xâm lược tàn bạo mưu toan thực hiện bằng tất cả các thủ đoạn và tội ác của chúng, từ hủy diệt văn hóa, hủy diệt cơ sở vật chất và hủy diệt khả năng tồn tại của dân tộc ta như một dân tộc có văn hóa và khát vọng hạnh phúc. Rồi Đại đế Quang Trung đã diệt 28 vạn quân Mãn Thanh chỉ trong vòng mấy ngày mùa xuân năm Kỉ Dậu - 1789, ngay giữa thành Thăng Long. Vân vân và vân vân... Tựu trung, nguyên nhân thắng lợi của những võ công trên là do:
A- Ta chính nghĩa, ta chống xâm lược.
B- Ta đoàn kết một lòng, không phân biệt Nam-Bắc, Xuôi-Ngược, Vua-Quan-Dân, Trai-Gái, Già-Trẻ, Tôn Giáo - Tín Ngưỡng - Chính kiến, tất cả đồng lòng đánh giặc khi đất nước lâm nguy. (Điển hình là Hội nghị Diên Hồng thời Trần đánh giặc Nguyên-Mông). Ta kiên quyết giữ vững và phát huy cao nhất, sức mạnh của khối đại đoàn kết ấy, chống lại mọi mưu toan chia rẽ, mua chuộc và li gián của giặc ngoại xâm.
C- Ta có truyền thống đấu tranh anh dũng và tự tôn, biết mình (sở đoản - sở trường), biết người, biết tìm cách đánh thích hợp, lấy "đoản binh thắng trường trận", "lấy yếu thắng mạnh", lấy " chí nhân thay cường bạo", biết tiến biết thoái... Mỗi lần phải đương đầu với giặc xâm lược phương Bắc, bao giờ cha ông ta cũng tìm mọi cách liên kết với các lân bang cùng cảnh ngộ, cảnh giác ngăn chặn mọi mưu đồ li gián của kẻ thù chính, tỉnh táo, có tình có lý, phân tích cho các lân bang hiểu rõ những nguy cơ do âm mưu " bẻ từng chiếc đũa trong bó đũa" gây nên, làm suy yếu khả năng của các liên minh chống lại bá quyền, bành trướng. Ta cũng biết nội bộ của chính thế lực xâm lược không phải lúc nào cũng ổn cả, chính nhà cầm quyền ấy cũng phải đối mặt với những vấn đề nan giải của chính đất nước ấy.
D- Đặc biệt, sức mạnh của Việt Nam được tìm thấy cội rễ từ chí khí, tinh thần quật cường, trung hậu và đức xả thân..., của giới trẻ trong mọi hoàn cảnh hiểm nghèo nhất. (Điển hình là chuyện cậu bé Trần Quốc Toản bóp nát quả cam ở Hội nghị Bình Than - thời nhà Trần).
E- Ta không mơ hồ trước mọi sự lừa phỉnh, đường mật của kẻ xâm lược. Ta biết rõ tim đen và dã tâm của chúng. Ta luôn nhũn nhặn, thậm chí chịu lép khi nói năng, chữ nghĩa viết lách các văn thư của triều đình và phải cống nạp cho cái gọi là "Thiên Triều" (kể cả khi ta đánh thắng, vẫn tạo điều kiện giao trả tù binh đàng hoàng cho chính bọn xâm lược mình, hoặc cấp đất xây mộ phần cho những tên xâm lược chết trận tại Việt Nam), nhưng trong thâm tâm, ta không bao giờ quên họ là ai, muốn gì và ta phải làm gì để chống lại mọi mưu toan nham hiểm, tàn bạo đã ăn vào máu của những kẻ cầm quyền phương Bắc. Muốn làm gì thì làm, muốn mềm dẻo thế nào thì mềm dẻo, nguyên tắc cốt tử là phải bảo toàn bằng mọi giá, đất đai, sông biển thiêng liêng của tổ tiên trao lại, danh dự và phẩm giá của một đất nước có truyền thống văn hiến hàng nghìn năm. Đối sách "trong rắn ngoài mềm" phải được vận dụng và nhận thức trên nguyên tắc cốt tử, tối thượng như trên.
G- Ta không lạ gì sách của họ từ nghìn xưa đến giờ. Nôm na thế này: Muốn lấy phải cho (đời Tống, họ phải cắt 800 dặm đất họ cho Liêu Hạ, nhưng lại mưu toan cướp đất của Đại Việt). Trước Nam sau Bắc (phía Bắc của họ toàn thứ dữ, khó gặm, họ bèn tính chuyện lấn xuống phía Nam trước với hi vọng dễ ăn cướp hơn). Mềm với người xa, rắn với kẻ gần (mua chuộc, giả vờ ngọt nhạt, hữu hảo với những nơi xa, gây cảm tình, tạo đà để mưu lợi trong tương lai khi có cơ hội bành trướng, sắm vai anh hùng hảo hán, cứu khốn phò nguy, ra vẻ hào hiệp và nhân nghĩa, nhưng trắng trợn, trịch thượng, cậy mạnh hiếp yếu với những nước nhỏ hơn cạnh mình).
Tôi nghĩ sao nói vậy, giãi bày tâm can cùng các bạn đọc trẻ, chắc có chỗ thiếu sót, chủ quan hoặc thiển cận, thành thực không ngại bị chê cười hay khó chịu. Tôi làm việc này chỉ nhằm một mục đích: Tất cả chúng ta hãy cùng nhau suy nghĩ, nhìn sau trước, thấy phải làm gì tốt nhất, kịp thời và thiết thực nhất cho đại vận mệnh của đất nước - quê hương này (đương nhiên, có hạnh phúc và tương lai của mỗi chúng ta). Khi viết bức thư này, tôi cũng chờ những điều chẳng muốn vẫn sẽ đến với mình. Kể cả vậy, tôi không hối tiếc khi bày gan ruột của mình trên giấy. Hơn nữa, nếu tìm được cách thức nào hành động hướng tới mục đích trên, tốt hơn, hiệu quả hơn, tôi sẽ làm ngay, không nề hà, tính toán.
Dân Việt Nam xưa nay có cái hay, có cái dở như mọi dân tộc bình thường khác trên thế giới. Nhưng dân Việt Nam cũng đủ tỉnh táo để phân định rạch ròi giữa nhân dân Trung Quốc, các giá trị chân chính và đáng trân trọng của văn hóa Trung Hoa với thiểu số ôm ấp "chủ nghĩa bá quyền, tham vọng bành trướng". Người Việt Nam chỉ muốn sống yên ổn, no ấm, hòa thuận với láng giềng, không muốn gây thù chuốc oán, càng không ham tranh giành quyền lợi bất chính. Nhưng khi bị xâm lược, danh dự bị xúc phạm, toàn dân Việt Nam nhất định mang hết sức lực, trí tuệ, máu xương, hiến dâng cho Tổ Quốc với tinh thần Đại đế Quang Trung đã tuyên cáo tại Thăng Long, mùa xuân năm Kỉ Dậu 1789:
"Đánh cho biết nước Nam anh hùng, có chủ!"
Tôi khẩn thiết mong các bạn đọc trẻ hãy đọc bức thư ngỏ này và tất cả chúng ta, con dân nước Việt hãy đứng bên nhau trong giờ phút đất nước đang bị đe dọa nghiêm trọng, cùng suy nghĩ và đồng lòng góp sức tìm ra cách tốt nhất, đối phó một cách hiệu quả nhất cho sự bình an của Tổ Quốc ta. Và ngay khi có thể, các bạn hãy giúp tôi, đưa bức thư này đến những người thân quen của các bạn, càng nhanh, càng đông, tôi càng biết ơn các bạn.
Qua mấy lời máu thịt này, tôi xin gửi gắm trọn vẹn lòng tin yêu vào quê hương, đất nước và nghĩa đồng bào.
Thân quý gửi lời chào các bạn đọc trẻ Việt Nam.
Thân mến
Viết xong lúc 2 giờ 15 ngày 08 tháng 12 năm 2008
Nguyễn Khắc Phục - canhcualieutrai@yahoo.com.vn - 0904481335
Re:Câu chuyện biển Đông
Đã gửi: Tư T12 10, 2008 2:17 pm
Viết bởi Ansamurai
Tranh chấp Biển Đông: Cần hợp tác và đúng luật quốc tếTheo Đại sứ Charles B.Salmon Jr., cố vấn chính sách đối ngoại tại Trung tâm nghiên cứu an ninh Châu Á Thái Bình Dương, để xử lý tranh chấp ở Biển Đông, điều quan trọng nhất là cách tiếp cận hợp tác, và đúng luật quốc tế.
Re:Câu chuyện biển Đông
Đã gửi: Sáu T12 26, 2008 12:57 am
Viết bởi Ansamurai
Bài của một thuyết khách người Nga
Yếu tố Việt Nam trong hệ thống an ninh khu vựcViệt Nam là một quốc gia chiếm vị trí rất quan trọng trong bất kỳ hệ thống an ninh nào trong vùng Á Đông. Việt Nam là cầu nối giữa Trung Quốc và các nước Đông Nam Á lục địa và hải đảo.
Hơn nữa hiện nay giá trị chiến lược của biển Đông đang tăng lên trong mối quan hệ giữa Đông Bắc Á và Đông Nam Á.
Chiếm vị thếCần phải nói thêm là kế hoạch xây dụng trật tự mới trong vùng Á Đông không thể thực hiện được nếu họ không giám sát được Việt Nam.
Chính vì thế, các cường quốc như Trung Quốc, Pháp, Nhật, Mỹ, Liên Xô đã tìm cách chiếm vị thế tại Việt Nam hoặc ít nhiều là có mối quan hệ tốt với giới chính khách tại Việt Nam.
Mỗi quốc gia có hình thức hoạt động khác nhau.
Một số cường quốc đã ra sức tìm cách lập chế độ bù nhìn tại Việt Nam và nước Nga là nước duy nhất không bao giờ can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam, mà luôn có quan hệ bình đẳng, giúp đỡ tương trợ Việt Nam.
Trong nửa cuối thế kỷ XX, Việt Nam đã đóng vai trò như bộ phận cảm biến trong việc xác định thế cân bằng của các thế lực trong khu vực.
Hiện nay cũng như trong quá khứ, Việt Nam là đối tượng tranh đua ngầm và công khai giữa các cường quốc.
Tình hình thay đổiSau khi cuộc chiến tranh lạnh kết thúc, thì yếu tố kinh tế trở thành hết sức quan trọng.
Hiện tại thì tình hình không ổn định vì cán cân kinh tế đã thay đổi và không thích hợp với quan hệ chính trị giữa các nước trong vùng Á Đông, đặc biệt là trong lĩnh vực an ninh quốc tế.
Hiện nay, cán cân này đang trong quá trình thay đổi.
Vùng Á Đông bao gồm hai khu vực lớn: Đông Bắc Á và Đông Nam Á.
Hai khu vực này có quan hệ chặt chẽ với nhau và có sự phụ thuộc lẫn nhau.
Các nước Đông Bắc Á có trình độ phát triển cao hơn, nhưng bị phụ thuộc về mặt tài nguyên.
Các nước Đông Nam Á rất giàu về mặt tài nguyên, nhưng nhiều khi không có công nghệ khai thác.
Vùng Á Đông rất phong phú về mặt chính trị và văn hóa, nhưng rõ ràng là trong vùng thiếu sự lãnh đạo vì thế các nước khác ngoài vùng dễ dàng can thiệp và thực hiện chính sách “chia để trị”.
An ninh kinh tếHiện nay, các nước trong vùng đang tìm cách liên kết về mặt kinh tế và tất nhiên bước tiếp theo là sự liên kết về mặt tài chính và chính trị.
Cần phải nói rằng: các nước Đông Nam Á không thể bảo đảm an ninh cho mình về mặt kinh tế và quân sự.
Tất nhiên trên thế giới không phải ai cũng tán thành sự phát triển nhanh chóng của các nước Đông Nam Á và cuộc khủng hoảng kinh tế năm 1997-1998 đã chứng minh điều đó.
Hồi đó chỉ có sự can thiệp của Trung Quốc đã giúp làm ổn định tình hình kinh tế tại một số nước.
Sự phát triển của Trung Quốc hiện nay gây lo ngại cho Mỹ.
Chúng ta có thể nói về sự tranh chấp giữa Trung Quốc và Mỹ tại khu vực ASEAN và vùng Á Đông.
Vì nếu ai có thể kiểm soát được tài nguyên của các nước Đông Nam Á, thì có thể xây dựng nền kinh tế hiện đại.
Chạy đua vũ trangSự vắng mặt của một hệ thống an ninh trong khu vực cùng với sự mất ổn định trên thế giới tạo nên cuộc chạy đua vũ trang chưa từng thấy.
Các nước tìm cách mua vũ khí để bảo vệ đất nước của mình.
Kinh nghiệm của các cuộc chiến tranh ở Việt Nam đều chứng minh rằng: vũ khí hiện đại có thể thay đổi cán cân trên chiến trường.
Chính vì thế, nước Nga hiện nay trở thành một trong những nhà cung cấp vũ khí hàng đầu trong khu vực.
Hơn nữa, tình hình mất ổn định và hoạt động đơn phương của Mỹ trên thế giới cũng ảnh hưởng đến thái độ của các nước Á Đông.
Sự tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sẽ chắc chắn được biến thành thế lực chính trị và sẽ gây ra những thay đổi về mặt an ninh không những tại Đông Nam Á, mà còn tại Á Đông.
Trong bối cảnh tại vùng Á Đông không có hệ thống an ninh thì sự phát triển vượt bậc của Trung Quốc sẽ gây ra thay đổi trật tự trong vùng.
Giữa các cường quốcRõ ràng là sự tập trung hóa của các nước trong vùng Á Đông dưới chiêu bài Trung Quốc là trái ngược với quyền lợi của Mỹ.
Trong tình hình này Việt Nam được xem như là một nước đứng giữa các cường quốc.
Rõ ràng là bên nào biết cách sử dụng yếu tố Việt Nam thì có thể ngăn chặn sự bành trướng chiến lược của Trung Quốc trong khu vực Đông Nam Á.
Các cách bố trí lực lượng đang được nghiên cứu không những tại Washington, mà còn tại Bắc Kinh, Hà Nội và Mátxcơva.
Các bên liên quan đến vấn đề địa chính trị này đều đa nghi và cân bằng tương lai giữa các lực lượng chưa được hình thành.
Như vậy, “cuộc chiến tranh vì Việt Nam” sẽ có hậu quả dài hạn và ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của cả khu vực Đông Nam Á và vùng Á Đông.
Đến bây giờ Bắc Kinh hoạt động thành công hơn so với các bên khác.
Mỹ và Trung QuốcTrung Quốc theo dõi chặt chẽ các chính sách của Việt Nam và có phản ứng kịp thời đối với một số họat động của chính phủ Việt Nam.
Theo các chuyên gia Mỹ thì Việt Nam cần phải tìm một liên minh để ngăn chặn cán cân không thuận lợi xung quanh các đảo trên biển Đông, mà Việt Nam đang tranh chấp với Trung Quốc.
Chính vì thế, Việt Nam được coi ở Mỹ như là một liên minh tự nhiên.
Nhưng trong bối cảnh của các cuộc chiến tranh đã qua và áp lực về mặt “nhân quyền” và “tự do tôn giáo” thì những đề nghị này tại Việt Nam được coi như là đe dọa cho sự ổn định chính trị của chế độ.
Mỹ xem Việt Nam như là một công cụ hiệu quả có thể sử dụng để ngăn chặn sự bành trướng của Trung Quốc về phía Nam.
Cựu đại sứ Mỹ Tại Việt Nam chấp nhận “Việt Nam sẽ không bao giờ muốn được coi như là một bộ phận của chính sách chống lại Trung Quốc”.
Linh hoạt giữa đe và búaHà Nội lo ngại sự đối vị giữa Trung Quốc-Mỹ và không muốn bị chơi lại như Afghanistan 30 năm trước khi quốc gia này bị thanh toán trong quá trình kiềm chế sự bành trướng về phía Nam của Liên Xô.
Sự tồn tại giữa búa và đe không phải là mới đối với Việt Nam và luật chơi vẫn như cũ: càng nhiều cường quốc bị lôi kéo vào trò chơi địa chính trị, thì Việt Nam càng nhiều cơ hội để linh hoạt.
Vậy câu hỏi bên nào có lợi hơn cho Việt Nam trong tình hình địa chính trị thì vẫn chưa có câu trả lời rõ ràng?
Ai cũng biết là Việt Nam rất khéo léo trong việc giữ cân bằng giữa các cường quốc và qua lịch sử, Việt Nam thường thực hiện chính sách của mình một cách linh hoạt.
Qua kinh nghiệm lịch sử thì chúng ta biết là: Việt Nam cũng như Afghanistan thuộc về kiểu đất nước luôn đề nghị cho ngoại xâm luật chơi rõ ràng – đối thủ phải trả giá đắt.
Việt Nam là một nước luôn bảo vệ chủ quyền của mình đến cùng.
Chính vì thế Việt Nam có uy tín lớn trên thế giới.
Lá bài Việt Nam?Một số cường quốc đã có kinh nghiệm đáng buồn trong cuộc chiến tại Việt Nam vào thế kỷ XX.
Nhưng họ vẫn muốn thử chơi lá bài Việt Nam để chống lại đối thủ chiến lược của mình.
Trong bối cảnh này, nước Nga là cường quốc duy nhất không bao giờ xâm lược Việt Nam và thường xuyên thực hiện chính sách trước sau như một với Hà Nội.
Về phía mình, Hà Nội xem Mátxcơva như là một người bạn truyền thống và tin cậy.
Các cường quốc kể cả nước Nga có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của Á Đông với trục tâm là Trung Quốc qua chính sách của mình đối với Việt Nam.
Tất nhiên, tình hình sẽ phụ thuộc nhiều vào chủ trương độc lập của Việt Nam.
Sự phát triển tiếp theo của liên kết kinh tế giữa Trung Quốc và các nước ASEAN sẽ có thể có kết quả như là liên kết chính trị và tài chính.
Như vậy thế lực và sức mạnh của khu vực tăng lên đáng kể, nhưng không phải ai cũng có thể chấp nhận điều đó.
Ảnh hưởng Đông Nam Á
Như vậy Việt Nam được coi như là một công cụ có thể sử dụng được để tác động đến quá trình này.
Chính vì thế Việt Nam bị áp lực từ nhiều bên để đẩy mạnh hoặc ngăn chặn quá trình này.
Quyết định của Việt Nam sẽ có ảnh hưởng lớn đến tương lai của khu vực Đông Nam Á và cả vùng Á Đông.
Vào những năm gần đây, chúng ta thấy là tình hình trên thế giới mỗi năm càng thêm căng thẳng.
Hoạt động đơn phương và không hợp pháp gây tình hình mất ổn định trên chính trường quốc tế.
Những ví dụ vừa qua tại Irắc, Afghanistan, Kosovo, Gruzia đã chứng minh rất rõ là các thế lực thù địch vẫn tiếp tục gây bạo loạn dưới chiêu bài dân chủ và nhân quyền.
Trung Quốc và Mỹ đang tìm cách thực hiện khái nhiệm đối đầu của họ trong vùng Á Đông (liên kết khu vực và kiềm chế khu vực) và hai bên đều hiểu là họ không thực hiện được chính sách của mình nếu họ coi thường yếu tố Việt Nam.
Điều đó khiến chúng ta phải coi yếu tố Việt Nam là hết sức quan trọng trong hệ thống an ninh khu vực đang trong giai đoạn biến đổi.
GS Vladimir Kolotov là tiến sĩ ngành khoa học lịch sử, hiện đang giữ chức trưởng khoa sử Viễn Đông, Đại học quốc gia St. Petersburg, Nga. Đây là bài tóm lược giới thiệu cho báo cáo của GS Kolotov tại Hội thảo quốc tế về Việt Nam học lần 3, tổ chức tại Hà Nội 5-7.12.2008
Tham khảo:
Kolotov V. 30 Jahre danach - Die Frage der Lösung politisch-religiöser Konflikte in Südvietnam // Südostasien. Ethnopolitische Konflikte in Südostasien. Nr.1. März. 2005, P. 17-19.
Vladimir Kolotov. “Main Trends of Russia’s Foreign Policy in Transforming East and Southeast Asia”. Brookings Northeast Asia Commentary, April 2008.
Raymond F. Burghardt, “Old Enemies Become Friends: U.S. and Vietnam,” Brookings Northeast Asia Commentary, November 2006.
Lyle Goldstein, “Vietnam’s Maritime Security Environment,” Papers from EUROVIET V Conference, Modern Vietnam: Transitional Identities, St. Petersburg State University, 2002, P.25.
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/story/2008/12/081223_security.shtml
Re:Câu chuyện biển Đông
Đã gửi: Sáu T12 26, 2008 1:51 am
Viết bởi Ansamurai
Hiện đại hóa Trung Quốc đi về đâu? Trung Quốc đón năm 2009 với nhiều lễ kỷ niệm cột mốc, đặt câu hỏi mô hình phát triển thị trường dưới sự lãnh đạo của đảng Cộng sản còn sức thuyết phục được bao lâu.Bước vào năm 2009, Trung Quốc sẽ không ồn ào nhắc đến cuộc chiến Biên giới với Việt Nam ba thập niên về trước vì tranh cãi về quyết định đánh Việt Nam của lãnh tụ Đặng Tiểu Bình vẫn chưa ngã ngũ.
Một số giới thuộc phe dân tộc chủ nghĩa, nhất là trong Quân Giải phóng, vẫn còn căm tức Hà Nội vì cuộc Nam Chinh 17/02/1979 thất bại.
Âm dương của thành bạiNhưng cũng có ý kiến nói 'trong rủi có may', vì cuộc chiến bộc lộ sự yếu kém của quân đội khiến Trung Quốc phải hiện đại hóa các lực lượng vũ trang.
Thất bại của chiến thuật bộ binh 'biển người' được ca ngợi từ cuộc chiến Kháng Mỹ viện Triều cũng làm Quân Giải phóng hướng lên vũ trụ và ra biển xanh, mở ra cho Trung Quốc khả năng kiểm soát các không gian quân sự mới.
Cũng năm 2009 là dịp để người Tây Tạng nhắc đến cuộc tấn công năm 1959 của Quân Giải phóng lên vùng mái nhà của thế giới, và cuộc khởi nghĩa tháng Ba thất bại của họ.
Tháng 5 năm đó đức Đạt Lai Lạt Ma trẻ tuổi phải đi lưu vong. Nhưng cũng vì thế mà thế giới, nhất là Phương Tây biết đến vấn đề Tây Tạng và các hệ phái Phật giáo huyền bí của dân tộc này.
Cho đến nay, Tây Tạng vẫn là một vấn đề an ninh hàng đầu của Trung Quốc, cho thấy việc làm chủ Hoa lục của tập đoàn Mao Trạch Đông sau nội chiến vẫn chưa trọn vẹn.
Nếu như có người Trung Hoa tin số 9 là tuyệt đỉnh, cũng là sự kết thúc và không 'đẹp' như số 8 (bát), tròn trịa, may mắn, thì có người Phương Tây tin số 6, là số 9 lộn ngược, còn là biểu tượng của cái Ác.
Nói vậy để nhắc đến tháng 6/1989, khi xe tăng của ông Đặng và ông Lý nghiến nát sinh viên và công nhân biểu tình ở Thiên An Môn.
Vụ thảm sát đánh động thế giới về sự tan vỡ đẫm máu của mô hình cộng sản kiểu Mao.
Và như một số cựu sinh viên Thiên An Môn phát biểu, dù thất bại, phong trào của họ đã mở đường cho tự do hóa kinh doanh và bình thường hóa cuộc sống tại Trung Quốc.
Nhưng di sản của Thiên An Môn vẫn còn nặng nề về chính trị 20 năm sau.
Vì nó mà Đặng Tiểu Bình co lại, bác bỏ hẳn khả năng cải tổ chính trị đã trỗi dậy ở các cấp cao nhất trong Đảng và cũng không để lại cẩm nang gì cho các bước đường tiếp theo của chính sách Khai phóng.
Về mặt nào đó, các lãnh đạo hiện nay của Trung Quốc là 'nạn nhân' của Thiên An Môn về mô hình và tư tưởng.
Năm 2009 cũng là năm quốc khánh lần thứ 60 nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa với Đài Loan, di sản của cuộc chiến Quốc -Cộng vẫn còn đó như một thực thể riêng biệt đầy thách thức.
Các thành công của cải cách kinh tế Trung Quốc ba mươi năm qua, trớ trêu thay, lại phần nào là nhờ cách học mô hình Đài Loan.
Đó là vì, như nhà nghiên cứu Trung Quốc Cổ Tiểu Tùng phát biểu tại Hà Nội đầu tháng 12/2008 trong Hội nghị Việt học, "Trong quá trình phát triển chủ nghĩa xã hội bộc lộ ra nhiều tệ nạn về thể chế".
Có thể nói Trung Quốc sửa chính mình để gần lại với đảo quốc thù nghịch chứ không phải Đài Loan cải tổ để ngày càng giống với Trung Quốc.
Như thế, thể chế cộng sản kiểu Trung Hoa đã không thể chiếm hòn đảo bằng 'bạo lực cách mạng' mà cũng chưa 'thu phục' được dân Đài về nhân tâm và bằng kinh tế.
Nói vậy không phải để hạ thấp Trung Quốc, nước đã tăng thu nhập 10 lần trong ba thập niên qua, với GDP nay đứng thứ tư thế giới.
Nhưng năm nhiều kỷ niệm phải là thời gian để suy nghĩ về các cột mốc và đánh giá lại các quyết sách của Trung Quốc vào những thời điểm bước ngoặt.
Phục hồi đồ cổTổng quan mà xét, Trung Quốc đã nỗ lực kinh khủng để hiện đại hóa nhưng liên tục phải trả giá rất đắt cho các thay đổi, bằng hàng triệu sinh mạng trong các thời kỳ trước, và bằng ô nhiễm môi sinh, phân hóa giàu nghèo giai đoạn hiện nay.
Trung Quốc thời đầu thế kỷ 20 vì nỗi nhục trước xâm lăng Phương Tây đã kiên quyết bác bỏ quá khứ vì một dự án chính trị đầy tham vọng: giải phóng dân tộc kiểu cộng sản.
Nhưng kể từ năm 1949 đến nay, Trung Quốc vẫn chưa thoát khỏi cái bóng của chính mình.
Cái bóng đó luôn nhảy từ cực tả sang cực hữu, cho thấy một tâm trạng bất ổn dù người Trung Hoa rất thích nói về hài hòa, về cân bằng âm dương và nhiều khái niệm cổ đại khác.
Kể từ khi dứt tình với Moscow, Bắc Kinh quyết tâm xây dựng một không gian cộng sản riêng, không cần thế giới.
Đến khi bắt tay được với Hoa Kỳ, Trung Quốc cũng sẵn sàng trả đũa láng giềng Việt Nam dù trước đó họ đã viện trợ hết mình.
Dù luôn nói đến tự lực, cải tổ kinh tế Trung Quốc hóa ra lại là một cuộc giao lưu sâu nặng với tư bản Phương Tây tới mức khủng khoảng kinh tế toàn cầu hiện nay có thể làm Trung Quốc nguy khốn.
Năm 2009 cũng là năm kỷ niệm ngày mất của Khổng Khâu (551-479 trước Công nguyên), và càng dấn sâu vào kinh tế toàn cầu, Trung Quốc càng muốn khẳng định lại vị trí đối trọng với văn minh Phương Tây bằng cách cổ vũ Khổng giáo.
Hiện còn quá sớm để biết việc dùng lại Khổng giáo có tạo cảm hứng khởi sắc về tư tưởng hay lại một lần nữa cái bóng quá khứ của các triều đại theo Nho giáo lại phủ lên Trung Quốc.
Theo nhà nghiên cứu Hoa Kỳ Daniel Bell, Trung Quốc muốn dùng Khổng giáo để trám vào lỗ hổng sau Cách mạng Văn hóa và đang chuẩn bị 'đoạn tuyệt với Marx, đưa Khổng vào thay thế'.
Trước mắt, những lễ kỷ niệm quan trọng năm 2009 liên quan đến các đề tài tế nhị về an ninh có thể khiến Trung Quốc kiểm soát truyền thông chặt chẽ hơn cả năm 2008.
Việc quảng bá 'Nhân lễ nghĩa và hài hòa xã hội' như ông Hồ Cẩm Đào nêu ra năm 2006 dễ phải nhường chỗ cho nhu cầu an ninh nội bộ cấp bách hơn, nhất là khi nhiều người Trung Quốc bị mất việc vì kinh tế xuống dốc.
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/regionalnews/story/2008/12/081224_china_2009.shtml